Saturday, December 26, 2015

Giáng Sinh nay



1. White elephant gifts

Các bạn gái Mỹ cứ đến mùa cuối năm thường hay tiệc tùng và chơi trò "white elephant gift exchange", tức là ai có quà gì được tặng mà không thích hoặc không dùng được thì mang đến tiệc, gói ghém cẩn thận không cho người khác biết là món gì, rồi mỗi người bốc thăm lấy số, phải số nào thì chọn quà mang số đó.  Hoặc có khi quà không mang số, nhưng người bốc số lớn nhất là người đầu tiên được chọn quà, người bốc số nhỏ hơn được quyền hoặc chọn một món quà, hoặc được "cướp" của những người khác.  Trò cướp này khá vui, vì có khi vừa hí hửng cướp được một món, ai ngờ tay chưa ấm quà thì có kẻ khác cướp lại! Chơi cướp kiểu này thì ai bốc số 1 là người có lợi thế nhiều nhất.

Nhưng mình cũng chứng kiến cảnh bạn bè giận nhau (dù không ra mặt) vì bị "cướp" như thế.  Gì thì gì, động đến quyền lợi cá nhân thì mất bạn trong chớp mắt, chỉ vì một chuyện cỏn con!

2. "Rừng rậm Nam Mỹ"

Giáng Sinh năm nay mình chỉ đi ra ngoài mua sắm đúng 3 lần, và chủ yếu là những thứ linh tinh, còn lại mình lên Amazon đặt tuốt.  Ai thích ra ngoài mua sắm mùa này chứ mình ngại đám đông khủng khiếp.  Nói chuyện với nhiều bạn bè, hầu như ai cũng mang ơn nhà mạng vì ngại ra các trung tâm mua sắm, chiến đấu với đám đông và cả chút lo sợ khủng bố.  Năm nay con lớn hơn năm ngoái, người lớn trò chuyện với nhau toàn phải dùng code cho cẩn thận, kẻo lại "em đã mua món x,y, z (quà trong Christmas list của con) chưa?" thì vỡ nợ".  Thế nên thay vì trả lời chồng "em đã lên Amazon đặt quà xong rồi" thì lại đi vòng "em đã đi South America jungle khảo cứu và thu hoạch". :-)). 

Cẩn thận thế mà tối qua, khi thằng con đang chơi xe hơi đổi màu trong bồn tắm thì chồng yêu oang oang "mẹ con chu đáo quá, mua thêm xe cho con chứ một bộ này chỉ có mỗi một chiếc!", may mà con trai vì tuổi vẫn còn nhỏ và lòng yêu Santa vẫn còn rất nồng nàn mãnh liệt, phản đối ngay "không, cái này là Santa cho con!!!".

3. Elf on the shelf

Đến mùa Giáng Sinh, Santa sẽ cử một chú lùn giúp việc (elf) đến nhà trẻ con và quan sát chúng, xem chúng ngoan hay không ngoan, mà về báo cáo lại cho Santa để ông còn liệu đường quyết định đứa nào rơi vào "naughty list" đứa nào rơi vào "nice list".  Chú elf này thường chọn chỗ ngồi hơi cao, thường là cao ngoài tầm với của bọn trẻ :).  Ban ngày chú ngồi im quan sát, ban đêm chú gởi mật báo về Bắc Cực cho Santa và đổi chỗ ngồi.  Mỗi buổi sáng sớm thức dậy, bọn trẻ sẽ hào hứng chạy vào phòng khách đi tìm elf.  Thế nên trong những ngày này, bọn trẻ tự dưng ngoan hẳn ra!  Vào đêm trước Giáng Sinh, elf sẽ bay về Bắc Cực và ở đấy suốt năm, làm việc trong Santa's workshop - tức là làm đồ chơi cho trẻ em.  Điều quan trọng nhất: trẻ con không được chạm vào elf, vì nếu làm thế, elf sẽ mất hết magic power và sẽ không bay được về Bắc Cực cùng Santa!

Năm nay elf đến nhà Skye muộn hơn thường lệ.  Elf rất lười, có khi 3 đêm liền vẫn ngồi yên một chỗ không chịu di chuyển.  Skye ngoan quá mà, nó chẳng có vẻ gì hào hứng lắm với elf, chẳng lo elf sẽ về báo cáo chuyện gì xấu cho ông già Noel cả :-).  Thế nên khi thấy elf chẳng di chuyển, nó chỉ nhún vai "elf này lười quá đi thôi!"

4. Giáng Sinh an lành

Hôm nọ mình chở con trai và một thằng bạn về nhà chơi, thằng kia oang oang "năm ngoái khi đang ngủ thì tao nghe tiếng Santa đến nhà!", thế là ông Skye về nhà năn nỉ mẹ tối đến đừng mở máy tạo white noise vì nó ồn quá, năm nào con cũng lỡ mất không nghe được gì khi Santa đến.  Những ngày này khi đi học, bọn chúng tự làm thức ăn cho những con tuần lộc, làm bằng yến mạch tẩm bột kim tuyến lấp lánh để chúng biết đường vào nhà.  Vào đêm trước Giáng Sinh, bọn chúng sẽ rải thức ăn lên cỏ ở vườn nhà.  Năm nay mẹ tìm được cuốn sách thiếu nhi, kể rằng Santa cũng bị dị ứng sữa bò giống Skye, nó xúc động lắm, bảo rằng "thế là Santa sẽ được an toàn trong nhà này! con sẽ đặt bánh không có sữa và ly sữa đậu nành cho ông bên lò sưởi".  Mẹ thầm biết ơn tác giả cuốn sách, thế nào mẹ cũng phải viết thư cảm ơn cô ấy đã viết một câu chuyện cảm động và làm ấm lòng con yêu của mẹ.

Tuesday, December 22, 2015

Voi vỏi vòi voi ...

Một chút cập nhật cho các bạn nào có theo dõi / ủng hộ dự án bảo tồn voi ở Sri Lanka mình đã đăng trong bài trước.  Hiện Hamish đã gây đủ số tiền tối thiểu cần thiết để thực hiện dự án.  Điều đáng nói là gần đến nước rút thì đã có 3 nhà hảo tâm nào đấy đã đóng góp gần nửa số tiền cần thiết còn lại.  Mình vào website xem thì thấy có nhiều người đóng góp là ở Mỹ, chắc chắn những cái email / chia sẻ trên FB của mình và các bạn đã có một tác dụng nào đó.

Cám ơn các bạn đã chung tay chia sẻ cùng mình và bạn của mình cho mục đích nhân đạo dễ thương này.

Monday, December 7, 2015

Giáng Sinh xưa - White Christmas (1)

Đêm xuống, tiệc Giáng Sinh tại phủ thống đốc bang cũng mở màn. Rượu bắt đầu chảy, nến thơm hương vanilla và quế phảng phất khắp phòng, tiếng nói tiếng cười râm ran, ban nhạc thính phòng của Hải quân cũng bắt đầu tấu lên vài bài nhạc nền Giáng Sinh nhẹ nhàng. Nhìn quanh quất chẳng thấy người quen, cũng chẳng ai để ý đến mình. “Thế cũng tốt”, tôi tự nhủ. Làm khán giả thích hơn làm hơn diễn viên chính, lúc nào cũng bị áp lực dưới đèn chiếu, bị nhòm ngó, bị soi mói đến tận cùng những ý nghĩ thầm kín. Làm khán giả, tôi được tự do gần như tuyệt đối. Và tôi thích cái ý nghĩ ấy.
Đôi giày cao gót màu cam đất bắt đầu hoạnh họe đôi chân đáng thương của tôi, có lẽ vì bị bỏ bê quá lâu không được động đến nên giờ đây chúng đang hờn trách tôi chăng? Tôi lặng lẽ mỉm cười bâng quơ …
“I’m dreaming of a white Christmas … just like the one I used to know …”
Ly vang đỏ bắt đầu làm họng tôi nóng ran, tan chảy hết những buốt giá trong lời bài hát. Tôi nhép miệng hát theo người nhạc công đang đánh đàn dương cầm một mình trên bục sân khấu, giọng hát ấy sao thật trầm và ấm đến nao lòng, nghe thật giống Bing Crosby. Tôi khẽ nhắm mắt thưởng thức những giai điệu nhẹ nhàng đang luồn lách vào từng cung bậc cảm xúc của mình thì choàng tỉnh khi cả phòng tiệc bỗng ồ lên phấn khích vì việc gì đấy.
“Tuyết bắt đầu rơi! A, bài hát có hiệu ứng rồi, tuyệt vời!” Giọng một ai đó mừng rỡ thốt lên. Tôi đưa mắt nhìn ra những ô cửa sổ, dưới ánh đèn đường vàng vọt của khu phố cổ là những bông tuyết đầu mùa tơi xốp đang lất phất rơi, lặng lẽ, êm đềm.
… “May your days be merry and bright … and may all your Christmases be white …”
Ban nhạc bắt đầu chuyển sang những giai điệu hùng tráng của quân đội, ồn ào hơn, náo nhiệt hơn, khách mời cũng phải gào to hơn vào tai nhau, buổi tiệc đang đến cao trào. Tôi hơi nhức đầu, đôi chân cũng bắt đầu tê dại vì đôi giày hay quấy phá kia, những gì chị phụ nữ đang trò chuyện cùng tôi đang nói, tôi hầu như không thể lĩnh hội được nữa. Đầu cứ choáng váng, mắt hơi hoa lên, tim đập loạn xạ. Đừng, đừng, tôi tự nhủ với chính mình, không được xảy ra vào lúc này nhé, nơi đây không có chỗ để nằm nghỉ như lần tôi suýt ngất xỉu ở nhà bạn trong lần tiệc tùng nọ đâu nhé.
Đang hoảng loạn với những lo lắng ấy trong đầu, tôi mừng rơn khi chị ấy cáo từ để đi gặp vài vị khách đặc biệt nào đó. Như trút được gánh nặng, tôi lảo đảo lẻn ra ngoài. Hơi lạnh cuối năm phả vào mặt, vào tay và nhất là vào đôi chân lạnh cóng khiến tôi rùng mình. Mặc kệ, tôi cần tí không khí của tự do, của riêng tôi. Gió mơn man thấm đẫm vào từng hơi thở, mang theo hương vị quế, hồi, vanilla của đêm Giáng Sinh quyện cùng hương gỗ mục và nhựa thông mộc mạc. Tôi nhắm mắt, sảng khoái hít một hơi thật dài …
“Nhắm mắt trong khi đang chóng mặt và chót vót trên giày cao có thể bị ngã đấy!” Một giọng đàn ông trầm ấm cất lên đâu đó trong bóng cây trước mặt.
Tôi ngỡ ngàng, giật mình.
“Xin chào, tôi là B.” Vẫn giọng của người đàn ông ấy, lúc này đã bước đến gần tôi hơn vài bước.
“Cám ơn anh đã cảnh báo! Tôi rất ổn.” Tôi cố làm ra vẻ tự tin và trả lời anh chàng.
“Có thật không đấy?” Anh ta vẫn có vẻ đang đùa, nhưng rồi khi thấy tôi im lặng thay cho câu trả lời thì anh ta lại lên tiếng.
“Xin lỗi, tôi không có ý định làm phiền. Chào em!”
Người đàn ông cao ráo trong bộ quân phục hải quân trắng muốt, lưng quay về phía ánh đèn giở nón ra chào tạm biệt, hơi nghiêng mình, rồi quay lưng bước về phía khu nhà tiệc. Được vài bước, anh ta dừng lại.
“Em không có ý định giữ tôi lại à?”
“Tại sao tôi lại phải níu kéo kẻ phá rối nhỉ? Đùa thôi, anh không phải đi nếu không thích.” “Nhưng em có thích tôi ở lại không?”
Tôi chẳng biết trả lời thế nào, vẫn quan sát người lạ mặt. Anh chàng này xem ra thuộc dạng thích thử thách đây.
“Im lặng nghĩa là đồng ý?” Anh ta lại tiếp tục tấn công.
“Tôi vẫn chưa nhìn thấy mặt anh, kẻ phá rối ạ.”
Tự nãy giờ, anh ta vẫn đứng ở phần tối của khu vườn, nhưng tôi hơi ngờ ngợ. Thôi đúng rồi, đó là tay nhạc công chơi dương cầm trong ban nhạc hải quân mà tôi đã hát theo khi nãy. Anh ta trông cũng giống một người phục vụ ở trong đấy, hình như anh ta có mang hai ly champagne cho tôi và chị phụ nữ tôi vừa quen trong phòng tiệc.
Một nhạc công hải quân kiêm phục vụ ẩm thực? Anh ta là ai nhỉ?

Friday, December 4, 2015

Proboscidea – The emotional lives of elephants

 


Hamish là một thợ ảnh chuyên nghiệp người Úc, hơi lập dị, ồn ào, nhưng anh có một tâm hồn nhân ái, tình cảm.  Anh cũng là một người bạn.  Hè vừa rồi anh sang Mỹ chơi, vừa để thăm gia đình mình, vừa đi chụp ảnh cho một Zen Center bên California, và quan trọng nhất, anh có một cuộc họp với một đại diện của World Wildlife Fund (Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới) để tìm nguồn tài trợ cho cuốn sách ảnh mà anh thực hiện năm ngoái:

Proboscidea – The emotional lives of elephants

Đây là môt dự án cá nhân của Hamish.  Anh đi Sri Lanka, thăm trại bảo tồn voi ở Kandy, chụp ảnh những chú voi trong cuộc sống hàng ngày ở đấy, phỏng vấn quan chức và cư dân địa phương ... và đã in một quyển sách mẫu để đi xin tài trợ cho dự án bảo tồn voi ở đấy.  Điều đáng quý ở đây là anh đã tự bỏ tiền túi, vốn rất thiếu hụt cho một kẻ lang bạt lãng tử như anh, cho những chi phí ăn ở đi lại tại đấy, và toàn bộ tiền gây quỹ sẽ được chuyển hoàn toàn về khu bảo tồn voi này.  Anh làm việc này không những phi lợi nhuận mà còn ... lỗ!

Gõ cửa WWF không xong, vì họ bảo hiện giờ WWF chỉ tập trung vào voi châu Phi chứ không phải ... voi châu Á!  Khổ.  Voi đâu mà chả là voi, chả bị săn lùng, ngược đãi bởi một số con người.  Gõ tiếp khắp nơi, cuối cùng kickstarter đã nhận tài trợ bằng hình thức gây quỹ "crowd-funding", tức là "của ít lòng nhiều", quyên góp dựa vào số đông những nhà hảo tâm tình nguyện.  Hamish cùng một nhóm bạn tại Đức đã làm một website, một video, rất chuyên nghiệp.  Video cực hài và sốc ở đoạn đầu, mình nể Hamish đã chịu khó nhọc công đến thế. 

http://www.proboscidea.org

Anh phải gây được tối thiểu là 23,000 euro thì dự án mới có thể thực hiện được.  Tiền quyên góp sẽ được dùng để in 1,000 cuốn sách này và một số lịch (số lượng sách được in sẽ tăng lên theo số tiền quyên góp được), và người đóng góp sẽ nhận được lịch hoặc sách, hoặc poster, tùy vào số tiền đóng góp.  Tiền đóng góp sẽ không bị charged chừng nào dự án gây đủ 23,000 euro trở lên.  Sách và lịch sẽ được in tại Đức, bằng giấy tái chế nhưng vẫn đủ chất lượng.  Toàn bộ tiền đóng góp sau khi đã được trừ chi phí in ấn (và hoàn toàn không có chi phí nhân sự) sẽ được dùng để mua thiết bị y tế, thuốc men, dụng cụ, v.v. cho khu bảo tồn này.

Rất mong bạn đọc gần xa có quan tâm cùng tham gia bằng cách "like" trên FB:

https://www.facebook.com/proboscideabook

hoặc chuyển tiếp link cho bạn bè, đồng nghiệp ... hoặc chỉ cần đóng góp tối thiểu 10 euro ...

Tôi đã học được cảm giác hạnh phúc khi cho đi.  Nó mạnh mẽ, bền bỉ gấp vạn lần cảm giác hạnh phúc khi được nhận.  Rất mong các bạn cũng cùng tôi và Hamish và nhiều người khác tham gia trong chương trình này cùng trải nghiệm cảm giác tuyệt diệu này.

Xin cám ơn tất cả những ai đã dành thời gian đọc blog và tham gia ủng hộ chương trình.






Sunday, November 29, 2015

29/11/2015


Tuần trước cả nhà đi mua sắm Giáng Sinh, chồng hứng chí tha về nhà bộ xếp hình 1,000 mảnh, báo hại mình ăn ngủ không yên, cứ có chút thời giờ rảnh là nhào vô xếp.  Thằng con trai lăm le đến "giúp", bị mẹ cảnh báo không cho đến gần, vì tìm đỏ mắt mới được một mẩu, nó huơ tay một phát là mất công toi.  Đến ngày thứ hai, ông chồng gàn cũng nhào vô giúp vợ.  Thức rã rời đến 1g sáng mới đi ngủ.  Đến sáng hôm sau, mình lại lân la đến tìm tìm xếp xếp, chồng chịu ko nổi cũng tham gia, báo hại thằng con bị bỏ lăn lốc tự chơi một mình rất tội.  Ban đầu mẹ bảo nó mang bộ xếp hình của nó ra chơi cạnh ba mẹ, nó xếp được 1/2 thì chán, lân la đến mượn mẹ cái iPad để tập đọc tập vẽ gì đấy.  Xếp hình từ 10g sáng đến 1g trưa, lưng mỏi, mắt mờ, đầu ong ong, vợ chồng già quyết định nghỉ.  Sang đến sáng ngày thứ ba, mình ngủ nướng đến 8.30 sáng, đi xuống nhà thì nghe cha con nó reo hò vì đã hoàn tất tuyệt tác.  Con trai khoe đã xếp được hơn chục mảnh.  Thở phào, thôi từ đây tôi lại được sống bình thường.

Nói chuyện hai vợ chồng nghiện trò xếp hình lại làm mình liên tưởng đến cặp vợ chồng nào đấy hồi lâu lâu cũng nghiện game điện tử, có con sơ sinh mà bỏ đói không cho ăn, không thay tã ... mới thấy tác hại ghê gớm của cái nghiện.  Thôi mình cứ hướng đến những cái nghiện lành mạnh, tránh xa những cái nghiện xấu ác cho đời nó lành.

Sáng thứ Bảy, ăn sáng và nghe Tchaikovsky.  Lơ đãng nhìn ra bờ sông, liên tưởng đến những con thiên nga trắng muốt thanh thoát trong vũ điệu Swan Lake vi diệu, lòng bồi hồi không khỏi thương tội cho nước Nga một thời hoành tráng, vĩ đại.  Mình nói với chồng, "anh này, em nghĩ với tiềm lực tài nguyên thiên nhiên, nhân lực khủng, cộng với cái nền lịch sử văn hóa đồ sộ của mình, nếu không vướng vào cái họa Bolshevik mà có một minh quân tài giỏi thì nước Nga có lẽ đã có thể đánh bại Mỹ trên nhiều phương diện ấy chứ nhỉ!"  Ông chồng mình cũng đồng ý, mặc dù ông rất tự hào về nước Mỹ của ông :-D.  Quanh đi quẩn lại lịch sử thế giới, cuối cùng thì con người cứ hoại diệt tan hoang lẫn nhau cũng chỉ vì hai chữ "tham" và "ngã" (ego).

Haizz, tối qua mình đi xem Spectre, có một cảnh thằng vai u thịt bắp đánh một thằng khác cũng trong bọn để giành ghế, cuối cùng nó dùng hai cái móng sắt bấu vào mắt của thằng kia.  Man rợ quá, dù hai thằng đều ác, nhưng nếu người thứ ba cũng hoan nghênh cách thức xử nhau man rợ giữa người với người như thế thì ... trong khi cả rạp lặng đi sau cảnh ấy thì có hai bàn tay vô duyên nào đấy vỗ vào nhau, nghe thật lạc lõng!




Friday, November 13, 2015

13/11/2015

Hôm nay đưa con đi học, được nửa đoạn đường thì ông con nhắc mẹ "hôm nay học sinh được nghỉ sớm". Ôi thôi cám ơn con trai của mẹ, con mà không nhắc thì tội con sẽ phải bơ vơ đứng chờ vì mẹ mìn quên mất tiêu!

Con có vẻ thích trường mới, bạn mới. Hôm nọ đi họp phụ huynh thì mẹ mới biết con là siêu sao trong lớp, cứ mỗi khi đến giờ bắt cặp để tập đọc thì tất cả các bạn đều nhào vô tranh giành được cặp với con.  Mà các bạn không chỉ đấu võ mồm, các bạn còn lao vào kéo tay kéo chân con, tội nghiệp ông con gầy guộc của tui, cô giáo phải lớn tiếng can thiệp mới xong :-))).  Lần nào cũng vậy, cô giáo bảo thế.  Cứ đến giờ tập đọc là cả lớp náo loạn vì đứa nào cũng tranh giành được cặp với con.  Chẳng biết bọn trẻ này mê ở ông cái gì.  Chắc vì ông rất hòa nhã lịch sự, chơi với ai ông cũng nhường nhịn, ông lại rất cute (lời cô giáo :D).  Nhưng cô bảo trong lớp ông rất lặng lẽ, ít nói.  Mẹ hỏi thế cu cậu có giơ tay phát biểu không thì cô bảo có, rất nhiệt tình.  Nhưng khi đến giờ hoạt động nhóm thì ông chẳng bao giờ xung phong mạnh mẽ.  Rồi cô bảo đó không phải là điều đáng lo, thật ra những đứa trẻ điềm đạm là những đứa hấp thu tốt hơn những đứa luôn ồn ào láu táu.  Mẹ chẳng lo việc học của con, chỉ mong con vui vẻ, thích trường lớp bạn bè, thích các hoạt động trong trường, thế là đủ - ít ra là cho đến lứa tuổi này.  Cá tính con giống mẹ, reserved nhưng không shy.

Tuần trước, khi đón con thì thấy trên áo con có cài một cái huy hiệu "super Slade winner".  Mỗi tuần khi đọc bản tin của trường, mình luôn thấy nêu danh 3 học sinh đạt danh hiệu này nhưng mình chẳng quan tâm lắm.  Mình chẳng biết vụ này có ý nghĩa gì, hỏi ông thì ông bảo ông đạt được huy hiệu ấy "for being quiet". Trời ơi, tưởng ông thành tựu gì ghê gớm lắm, chứ mà ông quiet quá mẹ cũng hơi lo. Sốt ruột thêm 2 ngày, đến cuối tuần khi đọc bản tin, thấy tên con được nêu trên ấy, và "thành quả" của con là "for hardworking". Thôi, mẹ mìn yên tâm rồi. 

Mình chẳng ham được nghe người khác khen con thông minh, mặc dù rất nhiều người đã khen thế và bản thân mình cũng nhận thấy con rất sáng.  Thông minh mà lười nhác thì cuối cùng cũng vô dụng.  Mẹ chỉ cố khuyến khích con chăm chỉ và kiên nhẫn, khi nào con làm bài tốt thì mẹ chẳng bao giờ khen con giỏi, mà chỉ khen con đã cố gắng tập trung.  Trẻ con thời nay sống trong ảo giác nhiều quá.  Phụ huynh cứ tưởng càng khen con tức là càng khuyến khích con, có ngờ đâu khen quá mạng sẽ khiến trẻ con chủ quan và kiêu ngạo, nguy hiểm hơn nữa là chúng không biết chấp nhận thất bại mà còn dẫn đến việc nói dối để che lấp khuyết điểm, che lấp cái sai của mình vì sợ mất danh hiệu "thông minh" mà người lớn đã ban phát vô tội vạ cho chúng.

Hôm nào mình sẽ bàn thêm về chủ đề này.  Lấy ý tưởng từ quyển sách "Nuture shock" -
Po Bronson and Ashley Merryman.

Monday, November 9, 2015

Văn hóa tranh luận





Cuối tuần vừa rồi vợ chồng tôi cùng hai cặp khác ăn tối và chơi board game ở nhà một người bạn rất vui.  Đang mùa tranh cử tổng thống Mỹ nên đề tài nói chuyện cũng không thể rơi ra ngoài vụ ấy được.  Bàn chán về các ứng viên đang lên và sắp xuống của cả hai đảng chính, thì anh chồng chủ xị chuyển sang đề tài liệu nhà nước có nên can thiệp vào quyết định phá thai của chị em phụ nữ hay không.  Thế là cuộc vui đang xởi lởi biến thành cuộc chiến nóng hổi giữa anh ấy và một con bạn kia.  Đã mấy chục năm nay, cứ đến hẹn lại lên, đề tài tranh cử tổng thống chỉ xoay quanh các chủ đề chính: khôi phục và phát triển kinh tế, vấn đề di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ, đường lối ngoại giao / quân sự vùng Trung Đông, bảo hiểm y tế và phúc lợi XH … còn lại là các vấn đề “ngoài rìa” khác, chẳng hạn vụ nghiên cứu khoa học bằng stem cells, hay liệu có nên cấm hẳn hoặc siết chặt quản lý việc phá thai? Bảo hiểm có nên bao quản chi phí y tế cho thủ thuật phá thai hay không? …

Anh này phản đối hành động phá thai vì quan ngại đến sự suy đồi đạo đức XH, cô kia thì cho rằng mặc dù phá thai là việc không tốt, nhưng cô phản đối việc nhà nước can thiệp đến quyết định cá nhân liên quan đến cơ thể, sức khỏe, tương lai, danh dự, v.v. của một cô gái, một người đàn bà.  Anh này lại bảo, anh không phản đối nếu việc có thai là hậu quả của cưỡng hiếp, là việc cần thiết vì vấn đề sức khỏe bà mẹ, nhưng nếu cô gái sau một lần ăn chơi không “an toàn” và hậu quả là mang bầu thì cô không được cứ đi giải quyết hậu quả rồi phủi tay sạch sẽ xem như không có gì quan trọng.  Thì cô bạn lại lên tiếng, cho rằng rủi cô ấy có dùng phương pháp tránh thai nhưng hậu quả vẫn xảy ra ngoài tầm kiểm soát của cô thì sao, thì anh lại bảo việc xảy ra dù là kết quả của “tai nạn” hay vô trách nhiệm thì hai kết quả vẫn giống nhau: một thai nhi đang tượng hình và đáng được ban bố cho sự sống, đó là hiện tại khách quan mà người gây ra nó, dù vô tình hay cố ý đều không được vờ vịt và chối bỏ trách nhiệm.  
Thế là lúc này chị vợ của anh này xông vào tham gia :D.  Chị hỏi anh: “nếu bây giờ tình hình dân số nước ta đang ở mức báo động và nhà nước ra chỉ thị, tất cả đàn ông đã có con đều phải đi triệt sản, thì anh sẽ nghĩ sao? Liệu anh có vui vẻ chấp hành?!?!” haha, mình suýt phì cười, suýt sặc nhưng chẳng thấy ai cười nên phải cố nín :-)).  Ý cô vợ này là, nếu nhà nước nhúng tay vào vấn đề cá nhân thiên hình vạn trạng như thế, gặp phải anh, nếu nó liên quan đến việc truyền giống của anh, liệu anh có gào lên phản đối như cách chị em đã phản đối vì nó tước đi quyền quyết định về cơ thể bản thân mình hay không?  Cô bạn kia lại nói tiếp: “tao có 2 đứa con gái, lỡ một ngày nào đó khi nó lên 14 và gọi mẹ bảo rằng nó mang thai vì bất cứ lý do gì, thì tao không thể để cho nhà nước nhúng tay vào vấn đề nội bộ gia đình tao được!”  Thì anh lại bảo “hãy nhìn con bé C con gái (nuôi) của tao xem, ngày xưa nếu mẹ nó vì “hoàn cảnh” mà bỏ nó đi thì bây giờ nó đã không có cơ hội được sống, vợ chồng tao cũng mất đi một cơ hội xin được đứa con nuôi xinh đẹp hoàn hảo như thế này”.  Cô vợ của anh lại tiếp tục chen vào “Nhưng nếu giữ đứa bé trong bụng đồng nghĩa với việc bị gia đình tống ra khỏi nhà, bơ vơ không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, không chăm sóc y tế, thì liệu đứa bé có được nuôi dưỡng tốt đẹp trong suốt thai kỳ, được sinh ra trong vòng tay yêu thương chờ đợi của người mẹ, của họ hàng chung quanh??” Anh bảo “thì thằng đàn ông phải chung vai làm phận sự của mình vì đó cũng là trách nhiệm của anh ta”.  Chị vợ đốp tiếp “nếu thằng đàn ông đó mới 16 tuổi, còn xin tiền bố mẹ để tiêu vặt thì sẽ làm sao?? Hoặc ngày xưa trước khi vào nghề, anh quan hệ với bạn gái và cô ta mang bầu, nếu anh cao thượng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cũng đồng nghĩa với việc con đường sự nghiệp của anh sẽ tiêu tan, liệu anh có đủ can đảm?” Anh lắc đầu, “anh sẽ làm nông dân, làm thợ rèn nếu phải bỏ nghề mà nhận lãnh trách nhiệm”. 
Cô bạn kia mỉm cười, “tao biết, vì mày là đàn ông nên mày sẽ không thể nào hiểu được chị em phụ nữ cảm giác ra sao khi họ mất đi quyền được quyết định về cơ thể của chính mình.  Dù chúng ta có tranh luận lâu dài đến đâu thì kết quả cũng sẽ không lay chuyển.  Tao hiểu rằng mày quan ngại về vấn đề đạo đức nhân sinh, bản thân tao cũng có một con bạn, đã từng nạo phá thai 3 lần từ năm nó lên 15 … tao không hề bênh vực cho việc ấy, nhưng vấn đề này là thiên hình vạn trạng, sẽ không ổn nếu để luật pháp khô cứng nhúng tay vào.”  

Sau đó hai đứa bắt tay nhau, cười xòa, quyết định tiếp tục quay lại chơi game.  Hai đứa sau khi tranh luận nảy lửa thì cũng dịu xuống và bảo rằng đứa kia tranh luận sòng phẳng, khách quan, không để cảm xúc cá nhân chi phối mà xúc phạm lẫn nhau.

Điều đáng nói ở đây là thái độ trong và sau khi tranh luận của hai đứa chúng nó.  Khách quan, rõ ràng và nhất quán trong quan điểm cá nhân nhưng vẫn tôn trọng ý kiến trái chiều, không xúc phạm, chụp mũ nhau, và vẫn “keep cool” sau cuộc tranh luận.  Nhờ tranh luận có văn hóa, biết tôn trọng nhau, tình bạn giữa hai đứa không bị sứt mẻ mà ngược lại, chúng nó càng nể nang nhau hơn, mặc dù vẫn không đồng tình nhưng đã hiểu hơn về quan điểm trái chiều của đứa kia.  Các vấn đề xã hội luôn mang tính chất mở, không có hồi kết, không có điểm dừng, vì bản thân XH luôn vận động và phát triển.  Ngày nay nếu một quan điểm được xem là đúng, là kim chỉ nam cho các hành vi ứng xử trong XH thì ngày mai nó cũng có khả năng bị vứt vào sọt rác vì đã lỗi thời không còn thích hợp cho hiện tại. 


Thursday, October 22, 2015

Le Beau Danube Bleu






Tuần trước con trai có một project, dạng báo tường, mỗi đứa làm một tấm, nói về bản thân, về gia đình, sở thích cá nhân, v.v. để chia sẻ với các bạn cùng lớp.  Ba mẹ ở nhà giúp bọn chúng dán hình, viết chữ, trang trí báo, để mang đến trường.  Ngồi hỏi ông những mục ông thích để mẹ viết lên báo, đến mục "bài hát em yêu nhất", ông hơi do dự rồi nói quả quyết "classical".  Ba hơi ngạc nhiên, nhưng mẹ chẳng lạ.  Giật mình mới nhớ, từ khi sinh ông cho đến giờ, mẹ rất hiếm khi bật nhạc thiếu nhi cho ông.  Mà hình như ông cũng chẳng quan tâm lắm đến thể loại nhạc vớ vẩn ấy :-))).  

Mình vẫn nhớ những năm hai chị em mình học trái buổi thời phổ thông, mình buổi sáng còn chị buổi chiều.  Sau khi về nhà, lục cơm nguội ăn trưa một mình, xong lau sàn nhà cho sạch và mát rồi quẳng gối phịch xuống sàn, nằm nghiêng ôm cái radio cũ kỹ bật đài FM nghe chương trình nhạc giao hưởng 12 giờ trưa.  Hôm nào mệt quá thì sẽ ngủ, còn không thì mình cứ yên lặng nằm đấy và nghe nhạc cho đến khi hết chương trình.  Buổi tối thì hơi căng, vì thường chương trình nhạc giao hưởng phát vào giờ muộn, mẹ luôn bắt phải tắt nhạc đi ngủ để hôm sau còn đến trường vào sáng sớm.  Có những đêm trằn trọc ko ngủ được vì nhớ.  Cứ thế thời gian thắm thoắt trôi qua, khi lớn lên một chút thì ít nghe nhạc giao hưởng đi, bổ sung bằng nhạc thị trường, loại nhạc mà một đứa trẻ mới lớn phải biết để không bị tụt hậu so với chúng bạn.

Nhưng niềm đam mê nhạc cổ điển không bao giờ nguôi ngoai trong lòng mình.  Sau khi hết đại học, áp lực phải "cool với thời đại" cũng hết, mình vui vẻ quay lại dòng nhạc mà mình yêu thích từ sâu tận trong tim.  Mình là người nghe nhạc chứ không nghe lời, rất ít khi nhớ lời bài hát, chỉ nhớ giai điệu.  Có lần đến nhà đứa bạn chơi, thấy bố mẹ nó mới tậu cho cây piano, mình ngẩn ngơ thèm thuồng, từ đó, mình đến nhà nó thường xuyên hơn bao giờ hết.  Nhưng đời trớ trêu, nó chẳng màng lắm đến piano, trong khi mình đã có thể trở thành nghệ sĩ dương cầm tai tiếng nếu cái piano đó rơi vào tay mình :-D.

Con trai lớn lên trong dòng chảy của nhạc giao hưởng thính phòng mà mẹ luôn thả tràn ngập trong nhà bất cứ khi nào có thể.  Hồi 3 tuổi ông đã biết ngân nga bài Le Beau Danube Bleu, bài ruột mà mẹ thích nhất.  (Nhưng sáng nay ông lại rống lên bài "Someone like you" trên đường đến trường, mẹ não quá haha).  Nhớ có lần xem chương trình Thúy Nga Paris By Night, trong đó có bài này được diễn bằng tiếng Việt, dưới tựa đề Việt "Dòng sông xanh", với một cô gái xinh đẹp mặc váy dạ hội xanh biển, khiêu vũ điệu Valse ngây ngất làm tui nhớ da diết những năm tháng chóng mặt vì điệu Valse quý phái này thời còn son trẻ.  

Ôi thành Vienna, biết đến bao giờ tui mới được la cà suốt ngày ở các bảo tàng, ngắm thỏa thích tranh của The Great Old Masters, uống một cốc cà phê nóng ngoài trời, lơ là ngắm khách lữ hành qua lại rùi tối đến lại mò vào trong một đại khán phòng, ngụp lặn trong dòng nhạc cổ xưa quý phái này và sau đó cụng ly champagne mừng năm mới sau buổi trình diễn?? 

Ước mơ bé bỏng, quá bé bỏng :-)))

Wednesday, October 7, 2015

PHẬT NÓI - Bài viết của BS Phan Tường Hưng

Nguồn: http://bshohai.blogspot.com/2010/02/guong-sang-nganh-y-thay-toi-bs-phan.html


PHẬT NÓI - Bài viết của BS Phan Tường Hưng


            Người hành đạo  mà còn thấy có thầy trò là chưa thấy trung đạo...Câu này có vẻ dễ hiểu, cũng khá dẽ thực hiện, nhưng phần đông chư tăng lại thường hay mắc phải lỗi này…
Là vì các ngài cứ ôm cái tư tưởng sư phụ đệ tử, cứ chấp cài ý ngã nhân, cao thấp, thầy trò…Cứ nắm cái mầm móng, cái nguồn gốc sanh diệt, tất nhiên sẽ  phải gặt cái hậu quả ác chúng sanh vậy…nấu cát bao giờ thành cơm?? Nên bị phật quở là ác tăng. Cũng như vậy, người hành đạo cứ cho rằng…cứ khoe rằng… mình là 1 vị thiền sư, là còn ngã kiến, ngã mạn và cũng được liệt vào hạng người này. Nên khi vua Lương Võ Đế hỏi tổ Bồ Đề Đạt Ma…người đứng trước mặt trẩm là ai? trả lời không biết. Một câu trả lời thật tuyệt??? Câu trả lời đã cho ta thấy  đầy đủ ý nghĩa của cái không thật, cái giả danh, cái duyên sanh của bản thân Bồ đề Đạt ma…thì phải gọi cái gì đây? Một câu ngắn gọn đã gói trọn cả 3 đặc tánh vô thường, không như ý, vô ngã, của mọi sự mọi việc. Nó nhắc chúng ta nhớ đến cái mĩm cười  của Ca Diếp khi phật đưa cành hoa lên, công án niêm hoa vi tiêu của thiền tông…cũng có phần nảo đồng ý nghĩa với câu nói thế giới, tức chẳng phải thế giới, thị danh thế giới  trong kinh kim cang bát nhã ba la mật…
Đúng là 1 vị thánh tăng có đủ cả gíơi định huệ…nhắc cho chúng ta nhớ đến câu: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngả độc tôn” của Phật. Cũng chỉ vì cái ngã này mà Lâm Tế phải chịu nhiều lần 3 hèo của Hoàng Bá và phải trôi giạt về với Đại Ngu, và cũng tại đây, cũng do cái ngã này, mà Lâm Tế đã hoan hỉ tỏ ngộ được cái ý của Phật pháp qua  câu: “Còn nói lỗi phải nửa sao?”.

PHẬT NÓI TIẾP

Sau khi Phật nhập diệt các phật tử nên lấy giới làm thầy Tô nói tâm địa không tà là giới tự tánh cho phép người học đạo khẳng định thầy ở đây không có nghĩa là sư phụ, mà có lẽ có cùng nghĩa với chữ tâm trong bát nhã tâm kinh, tức là chủ đề, là mầm móng,  là nguồn gốc của vấn đề. Còn  giới ở đây không phải là 250 giới tướng mà chư tăng  thọ trì đâu, mà là giới tâm. Chỉ duy nhứt có một mà thôi, là sự sanh diệt. Cần phải giữ cho  tâm địa không tà mới nhập được vào giới tánh. Điều này cho thấy lấy giới làm thầy, nghĩa là Phật khuyên chúng sanh nên tu tâm, phải giữ cho tâm hết sanh diệt, mà có tịch diệt, giữ làm sao cho không tà kiến có chánh kiến, phải đưa tất cả vọng niệm về một niệm cho hết động hoàn tịnh, giải ngộ nhưng dù có thường hằng tịnh cũng chỉ mới bất tư ác vẫn còn tư thiện là còn động, thì làm sao thấy tánh phật được?
Cần phải tĩnh lặng nghiêm mật hơn nữa, chừng trí huệ phát triển, chỉ có quan sát, chớ không còn phản ứng…lần lần được tính giác, biến thừơng đoạn tịnh thành thừơng hằng tịnh rốt ráo là không tịnh, tức đã ra ngoài có không, mới nhập vào được chơn không, thâm ngộ như vậy đã bất tư thiện bất tư ác…tức tâm địa không loạn, thanh tịnh là định tự tánh, chứng ngộ là kiến tự bản tánh, như vậy định càng kiên cố, bất ly tự tánh thường sanh trí huệ, thì huệ tuôn trào, làm sao định dư huệ khô khan được? Chừng định huệ viên dung thấy cái này vô thường, không như ý, cái kia vô ngã, thấy rõ cái giả của chúng sanh, nhận được cái thật của mình và biết rõ cái gì là chơn thường, chơn ngã, chơn lạc, chơn tịnh. Tất cả đó được gọi là Phật tánh. Khi sống được với tánh Phật, biết đó đại ngộ sẽ như như bất động.

 
ĐOẠN NHỨT THIẾT ÁC. TU NHỨT THIẾT THIỆN. ĐỘ NHỨT THIẾT CHÚNG SANH…
            Đoạn nhứt thiết ác là bố thí cho hết ác sanh diệt có thiện tịch diệt…cho hết động hoàn tịnh, có tịnh chỉ mới bất tư ác, nhưng còn tư thiện. Giải ngộ cần phải tĩnh lặng để bố thí tiếp, bố thí đến không động không tịnh, phải thường xuyên bố thí là trì giới…
Tu nhứt thiết thiện là tinh tân, là nhiệt liệt bố thí nhưng vì còn hướng ngoại, còn hình tướng bố thí, để rồi phải hướng vào nội tâm, miên mật vô tướng bố thí, nhẫn nhục làm tất cả những việc thiện dù nhỏ hay lớn, để được thường hằng thiện, cho đến khi thật sự ra ngoài có không thiện ác, thiền định mới nhập được vào chơn không để có chơn thiện, chứng ngộ là bất tư thiện, bất tư ác. Đó là độ nhứt thiết chúng sanh, biết đó bố thí ba la mẬt, có thiền định, và trí hụê ba la mật.
Độ nhứt thiết chúng sanh sẽ thấy được cái gì là bản lai diện mục của mình, tức kiến tự bản tánh, chứng ngộ, thiện gọi  minh tâm kiến tánh, chừng thường sống với tánh phật, nói đó là đại ngộ, thành phật, là có 6 ba la mật, bố thí, trì giới, tinh tân, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ, tức đã bất ly tự tánh thường sanh trí huệ, như như bất động.

Nguyện hồi huớng công đức này cho tôi và cho tất cả chúng sanh…nhập nhứt chơn pháp giới…

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật…


            Phan Tường Hưng
Sau khi tôi viết bài: "Thầy tôi: BS Phan Tường Hưng", Ông viết bài này gửi đến tôi để kiến giải những điều tôi chưa đạt Đạo. Tôi hiểu Ông không chỉ muốn nói cho riêng tôi. Tôi chợt nhớ câu nói của Dalai Lama: "Share your knowledge. It's a way to achieve immortality". Nên tôi đưa bài viết lên blog mình để mọi người cùng chia sẻ.

Friday, September 25, 2015

Braised pork is back!




Cách đây vài tháng, ký giả Barry Estabrook người Mỹ đã cho ấn hành quyển sách gây chấn động dư luận của ông về thực tế ngành chăn nuôi lợn tại Mỹ (hình như của cả châu Âu) và những điều bất cập, phi nhân của nó cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, sức khỏe người tiêu dùng.  Đề tài về các trại chăn nuôi như thế này cũng không phải là mới đối với thế giới, vì thi thoảng lại có các phóng sự, các bài báo phanh phui những sự thật đen tối đằng sau những nông trại này.  Cũng không có gì lạ khi ngày càng có nhiều người phương Tây chuyển sang ăn chay vì lý do nhân đạo và sức khỏe cá nhân, hoặc để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, từ những nghiên cứu, những sự phản ánh này.  Những bài báo, phóng sự trước đây đến rồi lại đi, gây nên một chút chú ý trong công chúng và rồi, lòng nhân bản lại nhường chỗ cho cơm áo gạo tiền khi người ta lại phải quay về với những lo toan thường nhật.  

Lần này thì khác.  Việc phản ánh cùng đề tài này đã biến hẳn thành một nghiên cứu khoa học nghiêm túc và quy mô chứ không chỉ dừng lại ở một bài viết.  Ít ai biết rằng lợn thông minh hơn chó, vốn là loài được con người đánh giá rất cao về trí thông minh.  Lợn cũng có tình cảm và biết chia sẻ cảm xúc với chủ của nó - những người nuôi lợn như một thú cưng trong nhà.  Người tiêu dùng thường không biết, hoặc không muốn biết về điều kiện chuồng trại, nơi cung cấp thịt cho thị trường.  Nơi đây, chúng bị nhồi nhét san sát nhau trong chuồng, chật chội đến nỗi không con nào có thể nhúc nhích cử động gì được, đừng nói gì đến khả năng đi lại.  Thức ăn thì ô tạp, kể cả những thứ không thể gọi là thức ăn, chẳng hạn như lông gà vịt hoặc thậm chí cả phân gà vịt, vì trong đấy có đạm.  Điều đáng sợ nữa là do điều kiện chuồng trại như thế, khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao, cho nên tất cả đều được nuôi bằng cả kháng sinh cho an toàn.  Ngoài ra thì việc sử dụng các hóa chất khác trong thức ăn cũng không phải là mới: hormone tăng trưởng, thuốc tăng cơ bắp ractopamine giúp tỉ lệ nạc cao hơn mỡ, v.v.  Khi chúng ta ăn thịt từ động vật được nuôi bằng cách này, chúng ta cũng dung nạp vào cơ thể một ít hóa chất độc hại ấy.  Chưa kể đến việc sau khi xẻ thịt xong thì những người đồ tể cũng “không quên” bôi lên miếng thịt một ít thuốc bảo quản trước khi cho vào tủ đông và phân phối ra thị trường.

Cũng đã có một số nhà chăn nuôi nhìn xa trông rộng, đã chuyển sang hình thức chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, đó là thả rông trên cánh đồng, nuôi bằng thức ăn sạch, tươi ngon, không dùng hóa chất, không kháng sinh, trừ phi con nào bị bệnh.  Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm thịt có mác “cage free” hoặc “no antibiotics, no hormones”, gần đây thì có cả “free of ractopamine”, v.v. hay nói chung là các loại thực phẩm được chứng nhận “organic”.  Các sản phẩm này đắt hơn các sản phẩm “đại trà” từ hai đến ba lần, nhưng người tiêu dùng sẽ an tâm vì được ăn thực phẩm sạch, và những ai có lương tri cũng cảm thấy đỡ áy náy khi những con vật bị giết thịt làm thực phẩm cho mình ít ra cũng đã được sống một đời sống có chất lượng.

Vụ việc dấy động công luận khá mạnh, nên nhiều chuỗi nhà hàng ăn nhanh đã tạm ngưng cung cấp món thịt lợn một thời gian.  Hai tuần nay tôi đi ngoài đường thì đã thấy biển báo “Braised pork is back” của một cửa hàng ăn nhanh nọ, không biết họ đã tìm ra giải pháp gì?

P.S. Gần đây tôi lại thấy ở Đan Mạch đang lộn xộn vụ “pork politics”, trong đó nhiều nhà trẻ / trường công đã loại thịt lợn ra khỏi thực đơn để tạo bình đẳng với các trẻ em gốc Hồi giáo và sự phản bác của một số người Đan Mạch về vấn đề này.  Không biết tình hình thế nào rồi.

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...