Wednesday, November 28, 2018

Giáng Sinh xưa - And so I've learned the meaning of the sun (50B)



“Tiếng còi hụ của cảnh sát di trú luôn là ác mộng của những người dân tại đây. Chị ấy từng bị trục xuất về Mexico vài lần rồi đấy, nhưng chị ấy luôn tìm cách quay trở lại sau vài ngày, thậm chí vài giờ … Nhưng cảnh sát di trú cũng làm việc theo những cách thức khác nhau, tùy người hay sao ấy. Có lần họ hỏi chị có mong muốn chính phủ Mỹ giúp đỡ gì cho mình, chị đã trả lời họ rằng chị không mong chờ bất cứ sự giúp đỡ nào cả. Chị làm việc chăm chỉ, chị chẳng phải tội phạm, chẳng xin trợ cấp, chị đổ mồ hôi sôi nước mắt và kiếm tiền lương thiện. Và họ đã để cho chị đi …” Tôi khẽ liếc mắt nhìn B, anh vẫn chẳng nói gì, chưa bao giờ tôi thấy anh lặng lẽ như lúc này, đôi mắt càng sâu hun hút, mang đầy bên trong gánh nặng của những ưu tư đau đáu đến dày vò . 

“Và anh biết chị ấy còn nói gì nữa không?” Tôi cố đổi giọng vui vẻ để thay đổi không khí, nhổm người dậy và tỳ người lên hai cánh tay đang gấp lại. B khẽ liếc sang tôi, môi hơi giãn ra, ánh mắt có phần mềm hơn trong khi tôi tiếp tục nói. “Chị ấy bảo rằng cảnh sát da trắng lại có vẻ thông cảm hơn với những người nhập cư bất hợp pháp, trong khi các cảnh sát gốc Mexico sinh trưởng tại Mỹ lại có phần nghiêm ngặt hơn. Có lẽ vì họ xem những đối tượng này là sự sỉ nhục cho người gốc Nam Mỹ thì phải.”

Lúc này tôi mới nhìn thấy B mỉm cười, anh dịu dàng hỏi tôi. “Thế em nghĩ thế nào về việc này? Về toàn bộ câu chuyện em vừa kể cho anh nghe ấy?”

“Dĩ nhiên em rất tội cho họ. Hoàn cảnh thôi, chẳng ai muốn từ bỏ quê hương xứ sở của mình đúng không anh …” 

Tôi muốn nói nhiều hơn nữa nhưng cảm thấy không thật sự cần thiết. Dường như anh hỏi không phải để nghe câu trả lời mà là đi tìm một sự đồng thuận, một sự cảm thông tư tưởng nào đấy với mình. B khẽ gật đầu rồi hôn nhẹ lên trán tôi. 

“Em thật nhân hậu, em biết không?” 
“Ồ, em nghĩ ai mà chứng kiến những gì em được thấy hôm nay đều sẽ có những suy nghĩ như em thôi …”
“Không, anh không nói đến cảm xúc của em, mà là anh đang nghĩ đến việc khác cơ. Về việc em chủ động tặng chiếc vòng cho cô bé con ấy …”
“Trời ạ, anh bận bịu thế mà vẫn nắm hết hành tung của em à?” 
“Thói quen thôi, anh cứ phải luôn để mắt đến em …” B có vẻ hơi đỏ mặt khi trả lời tôi.
“Đúng rồi, vệ sĩ riêng thì phải luôn cảnh giác cao độ để bảo vệ thân chủ của mình đúng không?” 
“Thân chủ đáng yêu và vô giá của anh, anh phải bảo vệ bằng mọi cách!” B vừa nói vừa với tay lấy chiếc quạt, phe phẩy sau lưng và âu yếm hôn nhẹ lên môi tôi. 
“Cô bé ấy đã mười một tuổi đấy anh ạ, vậy mà nó còi cọc, em cứ tưởng con bé mới bảy tuổi thôi …”

Tôi lại nhớ đến câu chuyện hãi hùng của cô bé. Việc trẻ con đi học về đến nhà và được hàng xóm cho biết bố hoặc mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ vừa bị trục xuất là việc thường tình, và những người hàng xóm tốt bụng luôn bảo bọc những đứa trẻ trong hoàn cảnh bất hạnh như thế cho đến ngày bố mẹ chúng tìm cách quay về. Một số chẳng bao giờ còn gặp lại được bố mẹ. Nghĩ đến đấy, tôi lại rơm rớm nước mắt trong khi B khẽ dùng tay lau nước mắt trên mặt tôi. 

“Anh hiểu những trăn trở của em. Đây chỉ là một ví dụ về những mảnh đời như thế, và họ vẫn thuộc hàng may mắn khi so sánh với những người bị kẹt lại bên kia khi đất nước họ vật vã hơn hai mươi năm nội chiến và tội phạm nguy hiểm đầy dẫy ngoài đường còn chính phủ thì bất tài, bất lực và tham nhũng vô cùng tận.” B ngừng nói, khẽ vuốt tóc tôi và hỏi. “Nếu có điều kiện để được làm việc và giúp đỡ những người như họ, liệu em có sẵn lòng không?”

Tôi giật mình trước câu hỏi ấy của B. Chẳng là tôi đang cố tình đi xa vài ngày với hội tập thiền để lắng đọng suy nghĩ, tìm ra một hướng đi tốt đẹp nhất cho bản thân khi tôi sắp chập chững bước vào tuổi hai mươi bốn, làm sao có thể cân bằng một khởi đầu nghề nghiệp đầy hứa hẹn mà vẫn có thể duy trì được mối quan hệ tình cảm đang đến hồi đơm hoa kết trái của tôi và B. Nghiệp duyên đã đưa tôi đến với nước Mỹ, được học hỏi những điều tốt đẹp khác về ý nghĩa cuộc sống trong gần một năm qua, tôi đã bớt bị ám ảnh bởi nhu cầu phải kiếm thật nhiều tiền như thời còn là sinh viên. Ở phương Tây có nhiều lựa chọn hơn, có thể làm những công việc có ý nghĩa cho đời mà vẫn có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, tôi lại thấy mình lăn tăn hết nâng lên rồi đặt xuống những chọn lựa lên bàn cân cuộc đời, vốn chỉ chứa đầy những lý trí lạnh lùng đến tàn nhẫn. Tôi vẫn chưa cho anh biết về công việc đang chờ tôi ở Việt Nam, rằng visa của tôi sắp hết hạn, rằng tôi sắp phải xa anh, rằng tôi chưa hề sẵn sàng cho bất cứ việc nào trong vô số những việc này. Phải nói ra những điều ấy với anh khiến tôi đau đớn và tôi cứ lần lữa được ngày nào thì đỡ ngày ấy, nhất là khi anh vừa về nhà sau chuyến công tác dài ngày như thế này.

“Em chưa thể nói rằng mình có sẵn lòng hay không anh ạ, nhưng thẳm sâu trong lòng, em biết mình sẽ mong muốn có cơ hội được thực hiện việc ấy …”
“Anh biết, em luôn muốn giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào có thể. Liệu em có tự hào về anh không nếu anh sẽ làm những công việc trợ giúp nhân đạo cho những con người như họ?”
“B, em luôn tự hào về anh, về những gì anh đã và đang làm …” Tim tôi bỗng hơi thót lại khi nói những lời ấy, “và cả những gì anh sẽ làm nữa …”
“Cảm ơn em …” B nói thật khẽ rồi kéo tôi vào lòng, ôm siết và hôn lên tóc tôi. “Anh chỉ mong được nghe em nói như thế … Sau chuyến đi này, chúng ta sẽ nói thêm về việc ấy, và về … tương lai của em và anh nữa, nhé?”

Tôi thở dài, khẽ gật đầu và hơi nhăn mặt khi ruột gan mình bỗng vô cớ quặn lên một lần nữa. 

.

Về đến phi trường, trời cũng đã nhá nhem tối. Sau khi đưa Phyllis về nhà, tôi và B tạt vào một tiệm ăn nhanh McDonald vì cả hai đều đói meo sau hai ngày làm việc cật lực và ăn rất ít, người lại mệt rã rời, chỉ muốn ăn gì đó cho nhanh và gọn rồi về nhà lăn ra ngủ. 

“Những lúc như thế này anh mới thấy giá trị nhân đạo của mẹ anh!” B cười tươi khi mở cửa cho tôi trước cửa tiệm McDonald. “Bà ấy lại về Pháp, nếu không thì chúng ta sẽ có bữa tối nóng sốt và thơm ngon chờ đợi tại nhà rồi đấy!”

Tôi mỉm cười, tự dưng nhớ Jacqueline thật nhiều. Dáng đi chậm rãi khoan thai, gương mặt khả ái, dáng người mảnh dẻ, trang phục luôn tao nhã và quý phái cùng với chất giọng Pháp hay hay, Jacqueline đúng là một phụ nữ dễ gây thiện cảm với cả đàn ông lẫn phụ nữ. Tôi thích thú nhớ lại những khi Jacqueline cật lực tranh luận rồi bị con trai móc ngoéo dồn vào thế bí thì bà thường chống nạnh rồi tuôn tràn tiếng Pháp khiến chúng tôi cười ngất vì thứ nhất là chẳng hiểu gì, có lẽ B hiểu được nhiều hơn tôi, thứ hai là dù chúng tôi biết bà đang mắng mỏ gì đấy nhưng không hiểu hết thì cũng huề cả làng. Từ khi bắt đầu quen thân với B thì số lần tôi được mời sang đấy ăn tối cũng tăng dần. Thức ăn Jacqueline nấu thường khá đơn giản nhưng luôn chất lượng và cân bằng dinh dưỡng, và tôi luôn yêu thích những món tráng miệng nhẹ nhàng và ngon tuyệt sau bữa ăn, cũng do bàn tay khéo léo của bà thực hiện. 

Tiệm ăn nhanh McDonald vắng hoe và buồn tênh. Đó đây lác đác vài thực khách ngồi riêng rẽ một mình, lặng im gặm bánh mì kẹp thịt băm và gặm nhấm cả sự cô đơn của việc phải ngồi ở hàng thức ăn nhanh và ăn tối một mình như thế này. Tôi nghĩ đến những bữa tối ngon lành ấm cúng ở nhà Jacqueline và so sánh chúng với những buổi tối mà ông Đại tá chồng bà đã phải ngồi một mình, vất vưởng đâu đó ở những hàng ăn nhanh thừa calories và thiếu dinh dưỡng như thế này, hoặc nếu ông may mắn hơn, sẽ ngồi cạnh một người đàn bà có lẽ cũng khá đẹp đủ để ngài chiếu cố đến nhưng lại thiếu chiều sâu đủ để giữ chân ông lại, hoặc có lẽ, đa phần là ông sẽ ăn tối với những người đàn ông khác, trong những bộ quân phục chỉn chu đẹp đẽ nhưng vô hồn vô cảm. Nghĩ đến đấy, tôi lại rùng mình, lắc đầu như cố xua đi những hình ảnh nặng trĩu và xám xịt ấy. 

Tiếng ồn ào phát ra từ truyền hình trong tiệm ăn nhanh đã kéo tôi về với thực tại. Truyền hình đang trực tiếp chương trình đua ngựa Preakness hoành tráng hàng năm đã gây nên sự chú ý của mọi người, cắt ngang mọi ý nghĩ lang thang của những thực khách, trong đó có cả tôi. Những gương mặt trầm tư kia lại như lóe lên một vài tia sáng mỏng khi những đôi mắt mỏi mệt ấy hướng nhìn lên truyền hình, và rồi giọng nói vui nhộn của bình luận viên đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư mọi người, ai cũng có vẻ bắt đầu háo hức về cuộc đua, đó đây đã có vài lời trao đổi bình luận vui vẻ giữa những con người vốn từng xa lạ với nhau cách đấy chỉ vài phút. 

“Em ngạc nhiên khi nài ngựa toàn người lớn anh ạ!” Tôi vô tư nói với B khi anh cũng đang nhìn lên màn hình. 
“Ý em là sao?” B nhìn tôi, hơi nhướn mày ra chiều không hiểu. 

Đến lượt tôi không hiểu anh, và rồi trong một thoáng, tôi và B đều ồ lên khi chợt hiểu ý của nhau. Trước mắt tôi, trên màn hình, những người đàn ông nài ngựa nhỏ thó như những cậu bé mười tuổi đang trả lời phỏng vấn, gây nên sự ngạc nhiên trong tôi. Trong trí nhớ và ấn tượng của mình, hồi xem phim “Trên lưng ngựa” lúc còn bé, tôi vẫn không quên được câu chuyện cảm động về chú bé nài ngựa Sang cùng những mảnh đời cơ hàn của những cậu bé lam lũ khác có hoàn cảnh tương tự như cậu. Do tính chất đặc biệt của nghề nài ngựa, nài phải càng bé, càng nhẹ cân càng tốt. Chủ nài cũng cố ý không cho nài của mình ăn đầy đủ vì sợ chúng tăng cân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đua. Tôi vẫn không quên được hình ảnh cậu bé Sang phải trùm mền xông hơi trước giờ đua để cậu vã mồ hôi và do đó sẽ nhẹ cân bớt. Bao nhiêu hình ảnh đen tối cứ thế nối tiếp nhau trong tâm tưởng mình, và khi những hình ảnh ấy bắt đầu được chuyển tải thành lời để kể cho B nghe thì họng tôi đã bắt đầu nghẹn. Anh nắm tay tôi, đôi mắt xanh ngọc trong veo thường ngày của anh bỗng trở nên xám xịt. 

“Anh đã đi nhiều, thấy nhiều về lạm dụng lao động trẻ em, giờ đây lại được nghe một câu chuyện thương tâm với một khía cạnh hoàn toàn mới, lại là từ em … Khi nãy em hỏi anh tại sao nài ngựa toàn người lớn, là vì luật pháp nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em, đơn giản thế thôi em ạ. Thế giới này còn nhiều bất cập lắm …”

B lại thở dài, có vẻ định nói gì đấy nữa rồi lại thôi. Tôi nhìn anh và mỉm cười, biết rằng mình đã yêu quá tất cả những gì thuộc về anh, thậm chí cả những thói quen “đáng ghét” ngày nào của anh như thế này. Tiệm ăn đã có nhiều khách hơn, ồn ào hơn vì cuộc đua ngựa, tôi đang ngơ ngáo nhìn những thực khách vừa bước vào thì B cũng vừa vội đứng lên và bảo anh muốn đưa tôi ra về mà chẳng giải thích lý do, mãi về sau tôi mới biết đó là vì khi ấy có một con ngựa vừa bị gẫy chân và ngã quỵ xuống đường đua mà tôi không để ý. Thật bất hạnh cho loài ngựa, một khi bi gẫy chân cũng có nghĩa là phải nằm chờ chết, thú y dù có hiện đại đến đâu cũng vô phương cứu chữa. Cũng vì thế, loài người đã phải miễn cưỡng giúp chúng có một cái chết nhẹ nhàng và nhanh chóng. Anh không muốn tôi lại chất chồng thêm một nỗi đau khác về những trái khoáy trong cuộc sống, nhưng liệu anh sẽ bảo bọc tinh thần cho tôi được thêm bao lâu nữa? 

Lại một đêm thật dài vì mất ngủ

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...