Monday, March 27, 2017

Giáng Sinh xưa - The girl from Ipa-Nema (14)

Tôi thức giấc trong một mớ âm thanh ồn ào hỗn tạp ngoài hành lang và dưới tiền sảnh. Trời đất ơi, lại gì nữa đây? Tiếng gót giày nện cồm cộp trên nền gạch đá, tiếng bíp bíp của xe chuyên dụng bên dưới đường, tiếng ầm ầm của đồ đạc bị vứt từ trên cao xuống đất … thật khó mà ngủ nướng trong mớ âm thanh kinh khủng như thế này. Nhìn đồng hồ, đã gần chín giờ sáng! Vậy mà tôi có cảm giác mình chỉ vừa chợp mắt. Tôi ngái ngủ, cố gắng bước ra khỏi giường, rồi ghé mắt nhìn ra cửa sổ và được chứng kiến lần đầu tiên toàn cảnh khu nhà bị cháy đêm qua. Nhìn bề ngoài cũng không có gì ghê gớm, chỉ có những ô cửa sổ bị ám khói đen và dường như chỉ có tầng trên cùng là bị cháy, hai tầng còn lại có vẻ vô can, nhưng có lẽ cũng bị hư hại ít nhiều và hư hại chủ yếu vì nước hơn là vì lửa. Toàn bộ cư dân bên ấy đã phải sơ tán chờ hội đồng xây dựng và kiến trúc thành phố thẩm định độ an toàn xong thì mới có thể vào ở lại được, mà có lẽ sẽ còn lâu lắm, vì người ta phải xây lại tầng bị cháy và kiên cố hóa toàn bộ khu nhà cho an toàn. Sáng nay cư dân được phép trở vào nhà để thu dọn đồ đạc, và tiếng ầm ầm mà tôi nghe thấy là từ những món đồ nội thất bị cháy hoặc hư hại bị quẳng ra từ những ô cửa sổ thẳng xuống chiếc dumpster bằng sắt to đùng bên dưới. Rất may, không có thiệt hại về nhân mạng hay thương tích gì. 

Ngày đầu năm, các cửa hiệu hàng quán đều đóng cửa, tự dưng tôi thèm đến chết chiếc bánh quế nóng của Tina’s cafe cho buổi sáng hôm nay. Buồn chán chẳng biết đi đâu, tôi đành nướng một lát bánh mì rồi phết bơ và mứt lên ăn tạm, rồi hì hụi dọn dẹp nhà và thay ga giường mới. Cầm tấm khăn trải giường thơm thoảng hương chanh vừa giặt hôm trước, tôi điểm lại trong đầu những sự kiện vừa xảy ra trong vòng hai mươi bốn giờ qua. Mọi việc xảy ra nhanh quá, tôi cảm giác như mình vừa trải qua một cuộc phiêu lưu thật dài với đầy đủ hương vị mà tiếc thay, nó lại kết thúc bằng một sự kiện kinh hoàng như tối qua. Tôi nghĩ lan man đến những người sống ở tầng trên cùng bên khu bị cháy, cảm thấy tội cho họ vô cùng. Cư dân ở đây chủ yếu là sinh viên, sống xa gia đình như thế chẳng biết đêm qua chúng nó ngủ nhờ nơi đâu? 

Tôi quyết định đi xuống nhà bố Bear xem họ đã về chưa. Cửa vẫn đóng, nhưng xe của ông bà thì đã quay trở lại khiến tôi mừng rỡ. Nhưng họ lại đi đâu nữa rồi nhỉ? Khu sân trước chẳng mấy chốc đã được dọn sạch gần hết, đường lại được thông, sinh hoạt hàng ngày dần trở lại bình thường. Tôi bước ra đường, nhòm ngó bọn sinh viên đang bận rộn khuân vác đồ đạc ra vào tấp nập, rồi quyết định ngỏ lời giúp đỡ với một con bé đang tự dọn dẹp một mình mà dường như chẳng có ai giúp. 

- Xin lỗi! Tôi có thể giúp em một tay được không? Tôi sống ở khu đối diện bên kia - vừa nói tôi vừa chỉ tay về hướng căn hộ của mình. 
- Nếu thế thì hay quá, tôi đang rất cần người giúp đây ạ. Tôi cần tìm nơi cất tạm những bức họa này và dụng cụ vẽ … Nếu không quá phiền, nhờ bạn giữ tạm giúp cho đến khi tôi ổn định chỗ ở được không?
- Đâu có gì mà phiền! Thế em sống ở tầng mấy? 
- Tôi ở tầng hai. May mà hôm trước tôi dọn dẹp và cất chúng vào bao bọc nhựa cẩn thận nên chúng vẫn còn nguyên vẹn, nếu không thì … - giọng con bé gần như nấc nghẹn. 
- Thật mừng vì chúng vẫn được an toàn - tôi thầm thì. Em vẫn bình an, việc ấy còn quan trọng hơn phải không?
- Đúng rồi … 

Con bé là sinh viên năm hai của Đại học Mỹ thuật, tóc nhuộm đủ màu, mũi xỏ khoen, kẻ mắt đen đậm, mặc quần áo giống kiểu các vũ nữ flamenco và chân đi bốt. Trông nó có vẻ nổi loạn bất cần đời nhưng nói chuyện thì cực kỳ lịch sự lễ phép. Cái tên Vivien Lee của nó khiến tôi liên tưởng đến kiều nữ Vivien Leigh trong vai nàng Scarlett O’Hara bất hủ, và tôi thầm cười trong bụng khi nghĩ đến hai hình ảnh trái ngược nhau cho hai cô gái có cái tên gần trùng nhau như thế. Tôi hì hục vác đồ đạc của nó sang căn hộ của mình, và khi quay lại và leo cầu thang đến lần thứ ba thì tôi bắt đầu cởi bớt khăn choàng cổ cùng chiếc áo khoác mùa đông dày cộp ra mà thay bằng áo khoác mỏng hơn vì người đã bắt đầu nóng lên. Khiếp, dân mỹ thuật sao mà hành trang lỉnh kỉnh thế này không biết. Nào là giá vẽ, giấy cuộn, vải canvas cuộn, hộp màu và bột màu, cọ vẽ, chai lọ … Nghệ thuật sáng tạo đúng là vô giá, người họa sĩ đã bỏ biết bao công sức, tâm tư tình cảm, hoài bão, ước mong … vào trong tác phẩm của mình, mà có mấy ai thông hiểu và đồng cảm với họ? Và đời họa sĩ thường nghèo khó, đó là điều thật cay đắng cho một đời nhọc nhằn sáng tạo và làm đẹp cho đời. 

Thấy hai đứa con gái gầy liêu xiêu mang vác vất vả quá nên anh chàng thợ điện đang làm việc gần đó quyết định bước ra giúp một tay. Đêm trước có hỏa hoạn nên đường dây điện đã bị cúp, hôm nay thợ điện đến để đi dây trở lại cho các doanh nghiệp ở đấy. Còn khu bên tôi, may trời, hoàn toàn vô can và không mất điện. Con bé này chẳng biết căn hộ nó to cỡ nào mà đồ đạc của nó nhiều quá thể, may mà có anh chàng tốt bụng kia giúp đỡ, chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã khuân hết đồ đạc ra đường chờ người ta mang đi. Tôi mời Vivien vào nhà ngồi nghỉ ngơi, hai đứa trò chuyện một hồi và tôi cảm giác rất tâm đầu ý hợp với con bé. Gia đình nó sống không xa trường lắm, cách chừng bốn mươi lăm phút lái xe, nhưng nó quyết định ở đây để tiết kiệm chín mươi phút đi lại mỗi ngày, và cũng để được tự do hơn. Bây giờ nó lại dọn về nhà bố mẹ và đồng thời đi tìm nơi ở mới gần trường. Nhìn bề ngoài của Vivien, thật khó mà đoán nó là một người khá sâu sắc và chín chắn, tôi lại học được bài học chớ trông mặt mà bắt hình dong. Thật mừng vì tôi đã vượt qua được rào cản định kiến khi mới gặp con bé lần đầu mà đã ngỏ lời giúp nó. 

- Cái gì? Chị không phải sinh viên ở đây à? Chị lớn tuổi hơn em à?? 

Con bé tròn xoe mắt khi phát hiện sự thật “động trời” ấy! Làm người châu Á lang thang ở trời Tây cũng có cái thú vị vì chẳng ai đoán được tuổi thật của mình, và họ luôn đoán rằng ta trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Vivien còn bảo tôi trông như nữ sinh trung học, nó cứ nghĩ tôi trẻ hơn nó. 

- Chị làm cách nào mà trẻ lâu thế? Chắc chị tập thể dục và ăn uống lành mạnh phải không?

Tôi phì cười trước câu hỏi thật thà của nó. Chẳng lẽ phải nói toạc ra với nó rằng tôi chẳng có bí quyết gì, chỉ vô tình là người mang gene châu Á thôi?! Rồi tôi mời nó ăn trưa với tôi, vẫn là mì gói muôn năm cho những ngày mùa đông lạnh lẽo lê thê như thế này. Nó cầm đũa rất sành điệu, và trút đầy gói ớt vào tô mì của nó. Rồi con bé vừa ăn vừa xuýt xoa khen lấy khen để món mì của tôi, hỏi tôi “công thức” nấu mì. Tôi chỉ cho thêm vào mì vài con tôm nhí và rau củ thái mỏng, bí quyết chỉ có thế!

Ăn xong được vài phút thì bố mẹ và anh trai Vivien đến giúp con bé dọn đồ mang về nhà. Trước khi đi, con bé nhờ tôi mở giúp những lớp bọc của các bức họa ra cho thoáng khí, nhưng việc ấy không gấp lắm, khi nào tôi có thời gian cũng được. Rồi bố mẹ con bé cảm ơn rối rít khiến tôi phát ngại. Tôi nhìn Vivien tay trong tay với cả bố lẫn mẹ, liếng thoắng nói chuyện với ông bà, rồi ông bố ôm chầm lấy con bé và hôn lên tóc nó khiến mắt tôi cay cay. Chiều đã đến lúc nào không hay, tôi cứ đứng sau tấm rèm cửa sổ ngẩn ngơ nhìn gia đình Vivien khuân vác đồ đạc chất lên xe cho đến khi thùng đồ cuối cùng đã được mang đi. Cơn buồn ngủ và mệt mỏi bỗng ập đến khiến tôi không thể cưỡng lại chiếc giường êm ái và ấm áp đang mời gọi đằng kia. 

Ngày đầu năm của tôi kể ra cũng không quá tệ!

Friday, March 24, 2017

Giáng Sinh xưa - No more champagne … (13)


David không uống rượu, đó là điều tôi nhận biết về anh sau đêm ấy. Cầm ly champagne trong tay nhưng anh chỉ nhấp môi chứ không uống, và ở nhà hàng anh cũng không gọi rượu. Trên đường về nhà, tôi hỏi anh về điều đó, thì anh bảo rằng vì lái xe nên anh không được phép uống rượu, đêm giao thừa là đêm mà cảnh sát đi tuần tra rầm rộ ngoài đường vì đó là đêm người ta tiệc tùng bù khú nhiều nhất trong năm. Ngoài ra thì bình thường bản thân anh cũng gần như không uống rượu. 

- Công việc khiến tôi không được uống rượu, lâu ngày thành thói quen, tôi cũng chẳng thiết tha với rượu bia nữa. Thi thoảng đi bar với mấy cậu bạn thì tôi cũng chỉ uống một chai bia rồi thôi. 
- Việc gì mà gắt gao thế, nếu anh không phiền về câu hỏi của tôi?
- Tôi làm tư vấn cho một công ty sản xuất thiết bị an ninh - David hơi mỉm cười - khi say xỉn thì an ninh khó được bảo đảm, phải không? 
- Nhưng đó là trong phạm trù công việc. Còn trong đời tư, anh cũng phải có được tự do chứ nhỉ? - Tôi thắc mắc. 
- Đúng là như thế, nhưng công việc đôi khi cũng bất chợt khó đoán lắm. Và khi nghỉ phép thì chúng tôi vẫn không được tắt điện thoại liên lạc, vì khi cần thì họ vẫn có thể gọi chúng tôi bất cứ lúc nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi được khuyến cáo không nên uống rượu bất cứ khi nào có thể. 
- “Họ” là ai mà quyền uy đến thế? Tôi tưởng ở phương Tây, quyền riêng tư được tôn trọng triệt để chứ!
- Nói hay đấy - David lại mỉm cười - nhưng ở đâu cũng có một vài ngoại lệ. Luật chơi là như thế, một khi đã chấp nhận thì mình phải thi hành triệt để!
- Thế anh có bao giờ cảm thấy gò bó vì “luật chơi” này không?

Một thoáng im lặng. 

- Có và không. Tôi thích sự kỷ cương ngăn nắp, đó là đức tính cần thiết và quan trọng. Là tôi nghĩ như thế thôi. Đôi khi, ta cũng nên thả lỏng một chút, nhỉ? 

David quay sang liếc nhìn tôi khi dừng đèn đỏ. 

- Thế, anh nghĩ sao khi thấy tôi cầm ly rượu trên tay? - Tôi hỏi thăm dò. 
- Không nghĩ gì cả! - Anh lại quay sang liếc nhanh tôi - Thật đấy. Hình như rượu vang cũng tốt cho sức khỏe nếu uống có chừng mực phải không. - Anh lại mỉm cười - Mà trông cô không có vẻ thuộc tuýp người bù khú tiệc tùng, nếu tôi đoán không lầm. 
- Không, anh lầm to rồi! Tôi hư lắm, say xỉn suốt đấy! - Tôi trêu anh. 
- Nếu thế thì đây sẽ là lần đầu tôi nhìn lầm người! - Anh cười, thật hiền. 

.

Về gần đến nhà cũng đã hơn một giờ sáng, nhưng sao con đường nhỏ ngày thường vốn vắng vẻ và yên tĩnh lại ồn ào náo nhiệt đến thế này. Rồi chúng tôi thấy vài chiếc xe cảnh sát bật đèn sáng đến nhức mắt ngay trước mặt, dường như đường bị chặn rồi. Quái, việc gì thế này? Hay là đêm giao thừa nên người ta xuống đường đông đúc?

David đậu xe ở con đường kế cận vốn còn thông xe, rồi mở cửa xe cho tôi. Chỉ còn cách một ngã tư nữa là tôi đã có thể về nhà, đường lại bị ngăn thế này nên chúng tôi quyết định đi bộ. Nét mặt của David có gì đó không được thoải mái, anh luôn đảo mắt nhìn chung quanh đầy cảnh giác, anh bước đi hơi nhanh hơn bình thường khiến tôi phải đi gần như chạy mới đuổi kịp anh. Tôi cũng cảm nhận không khí ngột ngạt trên đường, có cái gì đó không ổn đang diễn ra đâu đây. Đang đi thì tôi có cảm giác sau lưng mình có gì đó chạm vào, rồi nửa thân trên của tôi gần như bị nhấc bổng lên. Mọi việc xảy ra quá nhanh, nhưng David vừa cứu tôi khỏi ngã vào một vũng nước nhơm nhớp dưới chân mà tôi không thấy. 

- Không uống rượu quả thật là một điều rất tốt phải không? Anh phản xạ nhanh như vệ sĩ chuyên nghiệp vậy! - Tôi cố bông đùa khi vừa hoàn hồn. 
- Đoán như thần! Cô ổn chứ? - David hỏi khi nghe giọng nói hơi run run của tôi.

Một cảnh tượng khủng khiếp của khu nhà tôi ở dần hiện ra khiến tôi không thể tin vào mắt mình. Đường sá ướt nhẹp đầy bùn, rác rến khắp nơi và mùi cháy khét vẫn còn nồng nặc vương vẩn trong không khí. Sân trước thì lố nhố kẻ đứng người ngồi chật như nêm, nét mặt hoảng loạn, một số người còn đang mặc đồ ngủ và choàng chăn khắp người, chân vẫn còn đi dép lông trong nhà. Khu chung cư tôi ở được xây như chữ U, hai bên là hai tòa nhà chung cư còn dãy nhà nối ngang là những doanh nghiệp nhỏ như dịch vụ photocopy và in ấn, dịch vụ vi tính, một cửa hàng văn phòng phẩm, một hiệu thức ăn nhanh, và một hiệu sách mini. Trong tích tắc, tim tôi thót lại. Tôi nhìn David, lắp bắp, “Ồ không, bố Bear, và bà Rosalyn, họ …” David đảo mắt nhìn nhanh qua khu nhà của tôi và nét mặt anh giãn ra. 

- Họ an toàn rồi, em yên tâm. 

Anh chậm rãi chạm tay lên vai tôi, xiết nhẹ, mắt anh nhìn tôi thật dịu dàng. Lúc này đây, một cảm giác bình an lẻn nhẹ vào người và tôi biết mình không phải lo lắng về bất cứ việc gì trên đời nữa. May mắn thay, lửa chỉ bén bên khu bên kia, chưa kịp lan sang các cửa hàng mini này và do đó, khu nhà bên tôi cũng vẫn còn an toàn. Mọi người bắt đầu lục tục kéo nhau trở vào nhà bên khu tôi. Ở đường bên kia nơi David đậu xe bắt đầu loáng thoáng có vài chiếc taxi vừa trờ tới, có lẽ sẽ đưa những người bị mất nhà trong đêm nay đi đâu đó để ngủ tạm qua đêm. Chúng tôi đợi đến khi đám đông giãn bớt mới đi vào, và việc đầu tiên tôi có thể nghĩ đến là vội vã gõ cửa nhà bố Bear. Cửa đóng im ỉm, bên trong nhà tối đen. Tim tôi lại đập mạnh và nhìn David cầu cứu. 

- Họ có đậu xe ở một chỗ nhất định nào không? - Anh hỏi. 
- Hình như họ có một chỗ đậu được dành riêng cho họ trong nhà xe. 

Tôi mừng rỡ, nói như reo vì đã hiểu ý anh. Chúng tôi đi như chạy sang khu nhà xe và trước mắt tôi, chiếc xe màu ô liu quen thuộc của bố Bear không có ở đấy. Họ đã đi đâu chơi và có lẽ sẽ ngủ lại ở đấy tối nay, chúng tôi đặt giả thuyết như vậy và thầm cầu mong đó là sự thật.  

- Cám ơn anh nhé, David. Về mọi việc. 
- Không có chi. Lâu rồi tôi mới được vui như thế, tôi cũng phải cám ơn em nữa!

.

Đêm ấy tôi trăn trở liên tục mà không tài nào ngủ được, mặc dù tôi mệt bã người ra sau những biến cố trước đó. Nếu không có David bên cạnh trong đêm nay thì mọi việc sẽ ra sao nhỉ? Tôi sẽ phải thu dọn đồ đạc, chuẩn bị tẩu tán phòng khi đám cháy không được dập tắt kịp thời, nếu may mà tôi không đang say ngủ. Ông bà Bear cũng không có ở đây để hỗ trợ tinh thần cho tôi, và rồi tôi sẽ đi đâu tá túc trong đêm nay nếu căn hộ bị cháy? Thật là một ý nghĩ đáng sợ. Tôi điểm qua trong đầu những người tôi có thể nhờ cậy. Kim sẽ là người tôi gọi đầu tiên, có lẽ thế. Rồi ai nữa? Jacqueline thì đang ở Pháp chưa về, chỉ còn ông Reynolds. Nhưng ông ta là đàn ông góa vợ, sống độc thân, có lẽ tôi sẽ không thể sang đấy được. Jacqueline không có ở nhà, chắc chắn B sẽ sẵn lòng giúp tôi? Không, không được, sẽ rất bất tiện cho cả hai chúng tôi. Hoặc, nếu tôi đi chơi về và phát hiện căn hộ mình đã bị cháy thì sao? Có lẽ tôi phải tá túc ở nhà David thôi, và tôi cảm giác mình đang đỏ mặt trong đêm khi nghĩ đến điều ấy. Anh ta nghiêm túc, đạo mạo như thế, lúc nào cũng hành xử đúng mực với phụ nữ, à, ít ra là với tôi, thì tôi có thể yên tâm với sự giúp đỡ của anh. Rồi tôi bực bội với chính mình vì những ý nghĩ lung tung vô căn cứ ấy. Tôi đã an toàn, căn hộ của tôi vẫn an toàn, tôi đang nằm trên giường của mình, dưới lớp chăn ấm mềm mại, tôi vẫn may mắn có một số người sẽ sẵn lòng giúp tôi trong hoạn nạn, nếu như việc ấy có thể xảy ra. Rồi tôi điểm lại những sự việc đã xảy ra trong ngày, hầu như cả ngày nay tôi đã ở bên cạnh David! Anh có vẻ là người am hiểu nhiều lĩnh vực, nhưng rất khiêm tốn, ít bao giờ nói về mình. Đó là một điều khiến tôi cứ băn khoăn về David … có phải do đó là cá tính của anh, hay anh có lý do nào đó không muốn tiết lộ nhiều chi tiết cá nhân cho người khác biết? 

Tuesday, March 21, 2017

Giáng Sinh xưa - Happy New Year! (12)




Le Chat Noir quả thật không hổ danh là địa chỉ quen thuộc của người sành jazz, và là nơi mà một khi đã đặt chân đến thì ta sẽ quyến luyến chẳng muốn rời.  Tôi thì không sành jazz, nhưng chẳng hiểu sao jazz luôn gợi cho tôi cảm giác gần gũi thân quen rất khó diễn tả.  Ngày trước, mỗi khi có dịp ở nhà một mình, tôi thích tắt hết đèn, chỉ đốt một cây nến nhỏ leo lét và thưởng thức jazz trong không gian âm u cô quạnh.  Tôi hay mường tượng đến toàn cảnh phòng trà, nơi có cô ca sĩ da diết thả hồn theo bài hát, bên cạnh một nghệ sĩ dương cầm mắt lim dim và tay thì lướt phím, thi thoảng lại có âm thanh réo rắt của saxophone hòa quyện vào, tổng hợp thành một hợp âm trầm bổng du dương mê hoặc người nghe.  Đêm nay, được tận mắt chứng kiến những điều tôi từng mơ tưởng, ở một cafe jazz chính hiệu, có lúc tôi xúc động gần như thẫn thờ.  

Quán trông rất khác so với tấm ảnh bố Bear cho chúng tôi xem vào ban sáng.  Sau bao nhiêu lần đổi chủ, quán đã thay da đổi thịt gần như hoàn toàn.  Tôi hăm hở khi xem vài bức ảnh trắng đen treo trên tường về lịch sử của quán với hy vọng được thấy bố Bear hay bà Rosalyn để có chuyện về kể cho họ nghe, nhưng hoàn toàn thất vọng khi chẳng thu hoạch được gì.  Những tấm ảnh ấy không xưa như ảnh của bố Bear, có lẽ nó được chụp sau khi bố đã thôi không biểu diễn ở nơi ấy nữa.  Thế là tôi nảy ra một ý nghĩ.  Tôi tìm gặp quản lý quán, kể cho họ nghe về bố Bear và bà Rosalyn, ngỏ ý xem họ có muốn treo ảnh hai người không, và tôi thất vọng vô cùng khi ông ấy không biết hai người này, mà cũng có vẻ chẳng quan tâm lắm.  David nói rằng chúng tôi nên tìm gặp chủ nhân của quán, bà ta có thể sẽ có cái nhìn rất khác với người quản lý, nhưng chúng tôi nên đợi cho đến khi quán bớt đông khách thì việc nói chuyện sẽ thuận tiện hơn. 

.

Cả buổi chiều tôi loay hoay suy nghĩ đến việc chọn trang phục cho tối nay.  Vấn đề là tôi chỉ có mỗi một chiếc váy đẹp và đủ ấm « nhất y nhất quởn » dành cho tiệc đêm, mà tôi đã mặc hôm tiệc Giáng Sinh tuần trước rồi.  Tôi không thể mặc lại cái váy ấy cho tối nay, mà ngoài nó ra thì tôi không biết phải mặc gì khác để vừa đủ ấm vừa thích hợp cho buổi tối.  Mà tôi lại cũng chẳng muốn mình trông có vẻ cố gắng quá, chải chuốt quá, như thể tôi đang hò hẹn chính thức với David vậy.  Loay hoay thế nào thì tôi nghe tiếng gõ cửa, và bà Rosalyn xuất hiện với một cái váy nhung trên tay.  Đó là chiếc váy mà bà cất giữ bao nhiêu năm qua sau lần mặc đầu tiên vào « ngày cưới » của bà.  Thời đó ông bà không có điều kiện làm lễ cưới theo đúng nghi thức ở nhà thờ, nhưng họ đã có một buổi tiệc nhỏ, ấm cúng tại Le Chat Noir với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè.  Bà trân quý nó trong suốt mấy chục năm qua, hy vọng một ngày nào đó sẽ được ngắm con gái mình trong chiếc váy đầy kỷ niệm ấy.  Trớ trêu thay, ông bà lại hiếm muộn, bao nhiêu nỗ lực, trông mong đợi chờ qua nhiều năm tháng đều trở thành hoài công vô ích.  Đã vài lần bà muốn mang nó cho từ thiện, cũng đã có người ngỏ ý muốn mua vì nó là hàng « vintage » chính hiệu mà chất lượng thì vẫn còn mới tinh như vừa mang ở hiệu may về, nhưng bà cứ lần lữa không nỡ xa lìa.  

- Nhưng đây là món kỷ vật vô giá của bà, cháu không thể nhận được! - Tôi thoái thác vì phát hoảng khi thấy chiếc váy ấy có vẻ lộng lẫy quá.  

Bà cười buồn.  « Kỷ vật có ý nghĩa gì nữa đâu nếu nó bị giam hãm thêm mươi mười năm nữa cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay?!  Nếu cháu không thích thì thôi, ta không ép, nhưng mà tự dưng sáng nay khi nhắc đến Le Chat Noir, ta lại nhớ đến chiếc váy và chợt nghĩ không biết cháu có thích nó không.  Ta nghĩ cháu mặc sẽ vừa và đẹp!  Thế tối nay cháu định mặc gì đấy? »

Khi tôi cho bà biết tôi sẽ mặc quần jeans và áo len cổ lọ, bà giãy nãy lên. 

- Không, không, cháu không nói đùa chứ!  Đó là nơi sang trọng, ờ thì ở thời của ta nó chưa sang như bây giờ, nhưng nếu ăn mặc như thế đến đấy thì cháu sẽ trở nên lạc lõng lắm đấy.  Khi ấy thì đừng trách là ta không báo trước cho cháu biết!  Với lại – bà mỉm cười – David có vẻ là người rất tinh tế, cậu ta sẽ mặc đẹp còn cháu thì casual như thế … ta thấy không ổn!

Khi tôi cố giải thích cho bà biết rằng chúng tôi không phải đang hẹn hò, và rằng một lời mời bâng quơ trong một lần tình cờ gặp gỡ như thế, theo tôi chưa có gì nghiêm trọng, và do đó tôi chẳng muốn ăn diện quá đáng cho đêm nay và có lẽ David cũng thế thì bà tiếp tục lên lớp tôi. 

- Đối tượng khách của Le Chat Noir là những người thanh lịch, cậu ta mời cháu đến đó tức là cậu ta cũng có gu thẩm mỹ cao.  Đó cũng là một nơi khá đặc biệt, người ta thường có kế hoạch đi đến đấy chứ không phải chỉ vô tình nghĩ đến việc ấy, nhất là vào dịp cuối năm như thế này.  Với lại thứ hai, đàn ông làm gì cũng có lý do, nhất là khi họ phải mất công mất của vì đàn bà, cháu không được ngây thơ khi nghĩ cậu ta chẳng có dụng ý gì khi mời cháu đi chơi tối nay nhé.  Dĩ nhiên, ta không nghĩ xấu cho cậu ta, ý ta là …nếu không thích cháu, không có tình ý gì với cháu thì cậu ta sẽ chẳng mất công với cháu.  Ý ta là thế. 
- Nhưng anh ta ở cùng hoàn cảnh như cháu, sống xa nhà, không bạn bè, nên mới … 
- Thế là cháu tin cậu ta liền à?! - bà vội vã cắt ngang lời tôi - Đừng hiểu lầm, ta rất thích cậu ấy, nhưng ý ta là … biết nói thế nào nhỉ … một khi đã nhận lời đi chơi với đàn ông tức là cháu đã bật đèn xanh cho cậu ta, và rồi cháu sẽ liên tục bị tấn công cho đến khi cháu gục ngã và một ngày đẹp trời nào đó, cháu sẽ thức giấc với chiếc nhẫn đính hôn trên tay mà vẫn chưa hoàn hồn!

Bà nói liền một hơi, còn tôi thì ngớ người ra vì nhận thấy bà không phải là không có lý.  Trời đất!  Nghe bà nói đến từ « đính hôn » mà tôi hoảng.  Thời đại này, nam nữ đi chơi với nhau một vài lần vẫn chưa đủ nói lên điều gì đặc biệt cả, nhưng bà là người của thế hệ khác … khác nhiều, đẹp hơn nhiều so với thế hệ của tôi bây giờ.  Biết rằng có giải thích với bà thì cũng hoài công vô ích, tôi quyết định chẳng nói gì thêm, chỉ cảm ơn bà đã thật lòng nhắn nhủ những lời tâm huyết với tôi.

- Thôi ta phải về, cháu cũng phải nghỉ ngơi một chút rồi chuẩn bị cho buổi tối nay phải không.  Ta để lại chiếc váy nhé, cháu cứ mặc thử, nếu cháu thích, nó là của cháu!

Tôi lí nhí cảm ơn bà rồi quay lại nhìn chiếc váy một hồi lâu, tâm trạng hơi xáo trộn vì những lời tôi vừa nghe.  Thực sự, tôi không rõ mình muốn gì nữa.  Chiếc váy nhung màu xanh thủy quân sẫm màu, cổ thuyền, tay dài, ôm sát thân trên, chân váy hơi mở ra khi chạy dài xuống gót chân, và nhấn eo bằng dải ruy băng màu kem bản rộng chừng bốn centimet, cột thắt bên hông và kéo dài đến tận chân váy.  Đơn giản nhưng cũng thanh lịch, quý phái vô cùng.  Suy nghĩ lan man một hồi thì tôi cũng hơi hoảng khi nghĩ đến việc nếu David sẽ ăn mặc giản dị trong khi tôi lại tướng vào người chiếc váy kiểu dạ hội này thì trông sẽ chẳng giống ai.  Mà tôi lại càng chẳng muốn có tình huống ngược lại!  

Tôi trang điểm thật nhạt, tóc búi cao và xoắn hai bên kiểu Pháp giống Jacqueline, và không đeo đồ trang sức.  Suy đi nghĩ lại, tôi vẫn nhất quyết đeo đuổi chí hướng « không cố gắng quá sức », mặc cho Rosalyn phản đối kịch liệt, nhất là màu son môi hồng nhạt tự nhiên của tôi vì theo bà, son nhạt chỉ đẹp trên làn da nâu sậm như bà chứ da trắng như tôi nên chọn màu sẫm và tươi hơn.  Cuối cùng, tôi đã chọn son màu san hô để làm bà vui lòng.  

David đến sớm gần mười lăm phút.  Và đúng như bà Rosalyn dự đoán, trông anh như vừa bước ra từ một tạp chí thời trang với tiêu điểm Ralph Lauren: quần Âu màu xám lông chuột với đường cắt rất vừa vặn và khéo, sơ mi trắng bên trong áo len màu xanh sẫm, và khoác ngoài cùng là chiếc áo khoác bằng dạ đen với khăn choàng cổ màu xám nhạt quàng sau gáy và thả dài xuống hai bên chứ không quấn cổ.  Và giày da đen chì.  Nếu anh mà đội mũ dạ đen nữa thì tôi đồ rằng tối nay thể nào cũng có người đến mời anh làm người mẫu cho hãng thời trang của họ hoặc sẽ mời anh gia nhập Hollywood cũng không chừng!

.

Chúng tôi là « cặp đôi » duy nhất không hôn nhau sau khi mọi người vừa xong màn đếm ngược cho đến thời khắc giao thừa và champagne đã nổ lốp bốp khắp nơi.  Cảnh tượng này tôi chỉ được xem trên phim ảnh, lúc này đứng ngay giữa lòng của nó, lòng tôi bồi hồi xao xuyến, trong tâm tư bất chợt vang lên bài hát Happy New Year quen thuộc và bất hủ của ABBA mà tôi từng thường nghe với chúng bạn.  Thời trung học, tôi có cậu bạn thân chơi trống cho ban văn nghệ của lớp, sau này lên đại học cũng chơi trống cho trường đại học.  Năm ấy tôi sang chơi khi ban nhạc của cậu ấy đang tập tành cho kỳ thi hát tiếng Anh trong trường, gặp phải hôm « ca sĩ » bận rộn không đến tập được, cậu ấy nhờ tôi hát giúp để ban nhạc tập với nhau.  Tôi nhận lời, cả bọn tập dượt rất vui vẻ, cuối cùng bọn chúng mưu mô đưa tôi làm ca sĩ chính cho kỳ thi chính thức luôn, và thật bất ngờ, tiết mục tốp ca Happy New Year năm ấy của bọn tôi đoạt giải nhất toàn trường.  May mà không ai phát hiện tôi hát «chui», vì tôi không phải là sinh viên trong trường!  Ngoài ra, chiến thắng ấy cũng chẳng có gì vẻ vang cho lắm, vì cả trường chỉ có lèo tèo vài tiết mục tốp ca, còn lại chủ yếu là đơn ca hoặc song ca mà thôi.  

David nâng ly champagne về phía tôi, mỉm cười với tôi rồi nói khẽ « Chúc mừng năm mới !», tôi cũng đáp lại « Chúc mừng năm mới!», cố xua đi sự khó xử và bối rối giữa hai chúng tôi trong thời khắc giao thừa vừa qua.  Rồi mọi người kéo nhau túa ra đường để xem pháo hoa, một số người chạy về hướng cầu cảng để xem cho rõ.  David hỏi tôi có thích ra ấy xem pháo hoa hay không, và tôi gật đầu ngay!  Anh luôn hào hoa phong nhã và đúng mực như trong suy nghĩ của tôi.  Chúng tôi đi ăn tối ở một nhà hàng Pháp gần đấy trước khi sang Le Chat Noir nghe nhạc.  Anh kéo ghế cho tôi ngồi và cả khi tôi đứng lên, giúp tôi mặc áo khoác trước khi bước ra ngoài.  Tôi chợt nhận ra, anh luôn hỏi ý tôi muốn gì cho tất cả mọi việc, thậm chí những việc linh tinh như nhiệt độ trong xe có thoải mái không, có quá nóng / quá lạnh không.  Anh tinh tế chọn chỗ ngồi khuất và xa cửa ra vào để tôi không bị lạnh khi có người mở cửa.  Đời tôi chưa bao giờ được đối xử như một bà hoàng như thế. 

Một cô gái tươi cười bước về phía chúng tôi, và David dường như nhận ra người quen, anh nhanh chóng giới thiệu tôi với cô gái ấy.  Tên cô ta là Linda, và họ là bạn của nhau từ thời thơ ấu.  Bố mẹ David và bố mẹ Linda là bạn thân và cũng là hàng xóm của nhau, nhưng khi David được tám tuổi thì gia đình Linda chuyển sang Cali và liên lạc giữa hai gia đình cũng thưa thớt dần.  Linda là một cô gái dễ thương, cô ta có vẻ khá thân thiện và cởi mở, nên tôi cũng cảm thấy thoải mái. 

- Để tôi chụp hình hai người nhé! 

Rồi Linda lôi trong túi xách ra chiếc máy ảnh Polaroid, nhìn chúng tôi và sẵn sàng bấm nút. 

- Cô cho phép chứ ? – David lại hỏi tôi, và tôi máy móc gật đầu.  « Dĩ nhiên rồi!»

Lại một thoáng khó xử giữa hai chúng tôi khi Linda yêu cầu chúng tôi đứng sát vào nhau hơn.

- Hai người trông căng thẳng quá, để tôi chụp lại! – Linda nói khi cô ta xem xét tấm ảnh vừa được in ra và tỏ vẻ không hài lòng. 
- Đây, tấm thứ hai này trông hay hơn nhiều! 

Quả thật hai tấm ảnh khác nhau một trời một vực.  Cả hai trông hơi gượng gạo trong tấm đầu tiên và trong tấm ảnh thứ hai thì chúng tôi trông như một cặp rất hạnh phúc.  Rồi Linda chào tạm biệt để không phá rối sự « riêng tư » của chúng tôi, cô kiễng chân lên hôn nhẹ vào một bên má của David khiến anh trông có vẻ hơi mất tự nhiên trong một vài giây.  Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh lúng túng và hơi mất tự tin kể từ khi tôi biết anh.  Tôi quyết định giữ tấm ảnh gượng gạo và cho David giữ tấm đẹp hơn kia, khiến anh có vẻ hơi ngạc nhiên.  Bản thân tôi rất không ăn ảnh, nên tôi thà để anh giữ tấm ảnh đẹp hơn kia của tôi, nhưng dĩ nhiên tôi không cho anh biết sự thật đằng sau quyết định ấy!  

Thursday, March 2, 2017

Giáng Sinh xưa - Jazz it up! (11)


Tôi gặp lại David ở hiệu giặt gần trường.  Sau vài ngày nằm nhà đọc truyện và xem phim chán chê, hôm nay tôi đã đỡ hơn và quyết định mang áo gối và ga giường đi giặt để đón năm mới.  Thoáng thấy tôi, David bỏ dở quyển tạp chí đang đọc và vui mừng bước đến chào tôi, nhân tiện đỡ lấy giỏ đồ nặng nề tôi đang khệ nệ kéo vào.  Anh ta có vẻ hơi mệt, nhưng không giấu nổi sự hân hoan khi gặp tôi, đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận khi vừa gặp lại anh.  Mặc dù hôm nay tôi đã tươi tỉnh hơn rất nhiều so với vài ngày trước nhưng vẫn còn húng hắng ho, mũi còn đỏ lựng vì hắt hơi sổ mũi tưng bừng những ngày vừa qua.  Anh có vẻ ái ngại và hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi.  Mùa cuối năm, trường đã vắng hoe vì bọn sinh viên đã về nhà nghỉ Giáng Sinh gần hết, chỉ còn lại đám sinh viên quốc tế tụm năm tụm ba tổ chức tiệc tùng với nhau và do đó, tôi không gặp phải cảnh chờ đợi như mọi khi vì hiệu giặt ngày thường lúc nào cũng đông nườm nượp.  

Gặp lại David, tôi cũng vui.  Những ngày qua tôi cảm thấy cô đơn vô cùng vì vừa bệnh lại vừa không có gia đình bè bạn bên cạnh, trời lại lạnh buốt và xám xịt, dễ làm người ta phát sinh trầm cảm.  David hơi hắng giọng và hỏi tôi:

- Hôm nay là ngày cuối năm, cô có chương trình gì để đón năm mới không?
- Có, đống đồ giặt này đây!  Tôi vừa mỉm cười vừa chỉ tay vào mớ đồ đang nhào lộn trong máy giặt.
- Thế thì tệ quá!, David cũng cười với câu nói bông đùa của tôi, rồi anh nói tiếp – Tôi vốn sinh trưởng ở vùng New England, sau này vì công việc nên chuyển xuống đây, và do đó tôi cũng chẳng có bạn bè gì ở đây cả.  

David bỗng đột ngột im lặng, rồi anh nói tiếp.

- Thế, em không đi chơi với Kim à?
- Không, năm nay cô ấy bận rộn vì hôn phu rồi!
- Có một quán cà phê nhạc jazz rất hay, tối nay họ có chương trình đặc biệt mừng năm mới, không biết em có muốn đến đó chơi không?

Nghe nói đến nhạc jazz là tôi đã thấy thích.  Kể ra, ngày cuối năm mà đi chơi một mình hoặc nằm nhà xem pháo hoa trên TV một mình thì cũng tệ thật.  David lại đàng hoàng, mặc dù tôi chỉ gặp anh ta hai lần nhưng ít nhiều tôi cũng có thể nhận xét được anh ta là người tốt và tôi có thể tin tưởng, yên tâm đi chơi cùng.  

Tôi chợt nhớ đến ông bảo vệ già ở tầng trệt, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ và tôi và vợ chồng ông đã trở thành bạn của nhau tự lúc nào.  Hai vợ chồng ông sống ở tầng hầm tòa nhà tôi ở và vợ ông nấu ăn cho canteen của trường.  Thi thoảng tôi có dịp đi nhờ xe của ông bà từ trường về nhà trong những ngày mưa bão, và nhân tiện, bà sẽ san sẻ một ít thức ăn không bán hết trong ngày cho tôi.  Những lúc như thế này, tôi lại nhớ đến những ngày thơ ấu, thời má còn bán chè để kiếm cơm cho gia đình.  Những ngày mưa, ế ẩm, chị em tôi lại được ăn chè thỏa thích vào buổi tối, và tôi rất khoái những đêm như thế, đâu biết rằng người lớn phải rầu rĩ tính toán xem có đủ tiền đi chợ mua hàng cho ngày hôm sau hay không!  Ông bà quý tôi lắm, gần như xem tôi như con gái.  Biết tôi sống một mình, xa nhà, ông bà thường hay thủ thỉ dạy tôi những điều quan trọng để phòng thân, và một trong những “quy tắc vàng” mà tôi phải hứa với ông bà sẽ tuân thủ tuyệt đối, là nếu có đi chơi riêng với bạn trai, thì phải gọi cho một người quen nào đó và cho người ấy biết tôi đi với ai và đi đâu - một quy tắc bất di bất dịch mà bất cứ người cha nào cũng áp dụng cho con gái của mình.  Ông kể cho tôi nghe vài câu chuyện rùng rợn về việc có những cô gái bị bức hại khi đi chơi với đàn ông xa lạ, thậm chí là người quen, cho nên các cô gái lúc nào cũng phải luôn đề cao cảnh giác, đừng quá ham chơi mà thiệt thân, có khi thiệt mạng.  Tôi hơi rùng mình khi chợt nhớ lại những câu chuyện ấy, mặc dù biết rằng người già thường hay lo xa, và đôi khi cũng phóng đại tình hình.  

- Em có ổn không đấy?

Tôi giật mình, rơi trở về hiện tại ở hiệu giặt và anh bạn mới quen đang chờ tôi hồi đáp cho lời mời đi chơi tối nay.  Không biết tôi đã trôi miên man trong suy nghĩ mất bao lâu, và nét mặt của tôi trông ra làm sao mà David lại hỏi tôi như thế.  Tôi bối rối, chẳng biết phải trả lời thế nào.  Anh ta dịu dàng nhìn tôi và mỉm cười.

- Xin lỗi vì tôi hơi đường đột với lời mời ấy.  Em không quen biết tôi, có lẽ em cũng e ngại … như thế cũng dễ hiểu.  Không sao đâu, nếu em không cảm thấy thoải mái thì tôi phải chờ thêm một thời gian vậy!

Tôi vẫn câm như hến, chẳng biết phải nói gì.  Tôi thèm được đi chơi.  Lâu lắm rồi, tôi nhớ không khí ấm cúng của cafe, của nhạc sống.  Nhưng tôi cũng muốn tuân thủ “quy tắc vàng” mà ông bạn già của tôi đã bắt tôi hứa phải giữ.

- Thật ra, không phải tôi … không tin anh.  Nhưng có điều, biết nói thế nào nhỉ …

Tôi không muốn kể cho David nghe về lời dặn dò của ông “Bear” (tên gọi thân mật của “bố già” của tôi), nhưng tôi cảm thấy mình phải có một lời giải thích cho thỏa đáng.  Cuối cùng, tôi quyết định nói thật, một đức tính hay của người Mỹ mà tôi từ từ vừa học được. 

- Tôi trân trọng điều đó.  Em là một cô gái ngoan, và thông minh, em đã hành xử hoàn toàn hợp lý trong tình huống như thế này.  Thật ra, em hoàn toàn có quyền không tin tưởng tôi cho đến khi em biết tôi nhiều hơn …

David nhìn tôi thật lâu, trìu mến, ấm áp.  Đôi mắt lá răm của anh dịu lại trong khi lòng tôi thì cuộn trào, xốn xang …

.

“Hai đứa định đi đâu chơi tối nay đấy?”

Giọng nói khàn khàn quen thuộc của bố Bear âm vang hết cả không gian khi chúng tôi vừa bước vào tiền sảnh.  David và tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị ở hiệu giặt và may trời, anh không hề đề cập gì đến chuyện đi chơi tối nay trong khi tôi vẫn chưa hoàn toàn chính thức chấp nhận lời mời của anh.  Đây là một nét tính cách rất đàn ông của David mà tôi rất thích.  Thời còn đi học, bao nhiêu gã trai trẻ đã bị tôi cắt đuôi chỉ vì cái tính nói nhiều và nói dai.  Anh chàng này thì cực kỳ lịch sự nhã nhặn nhưng cũng rất dứt khoát, nói đâu phải ra đó, và câu chữ luôn rõ ràng minh bạch khiến người khác luôn có cảm giác phải tuân phục.  Một dạng “alpha male”.  Anh ngỏ ý muốn xách hộ tôi đống đồ vừa giặt xong về nhà, tôi không nhớ anh đã nói như thế nào, nhưng tôi cảm giác mình không thể từ chối.  Mà thật sự, tôi cũng chẳng muốn từ chối.

Câu hỏi đột ngột của bố Bear khiến cả tôi và David hơi ngẩn ra mất vài giây.  Ông già Bear này quả là tinh tướng, nhưng cũng đáng yêu vô cùng.  Tôi biết ông cố tình hỏi như thế để “quy tắc vàng” kia được thực thi hiệu quả.  David nhìn tôi, chờ đợi.

- Bố Bear à, tối nay chúng con sẽ đi nghe nhạc ở “Le Chat Noir”.  Đây là David.

David bước đến chào hỏi và bắt tay bố Bear.  Ông già cười to, nét mặt đôn hậu, hiền hòa.  Ông nháy mắt với David.

- Cậu phải hứa với tôi sẽ chăm sóc cô con gái cưng của tôi cho thật tốt nhé - Rồi ông như giật mình tỉnh giấc - Mà con nói cái gì? Le Chat Noir? Ôi, ngày xưa ta và bà xã đã từng chơi nhạc ở nơi ấy đấy.  Cũng là nơi ta gặp nàng lần đầu và bị tiếng sét ái tình đánh trúng và kết quả là bây giờ hai ta vẫn còn yêu nhau như điếu đổ!

Rồi ông lại cười to, lớp nọng cằm rung bần bật và cả người ông như cũng rung lắc mạnh theo tần số tiếng cười ấy.  Tôi yêu bố Bear vì nhiều lẽ, nhưng tôi yêu nhất là những lúc như thế này.  Trông ông như một con gấu vĩ đại, nhưng là một con gấu hiền lành đáng kính nhất trên đời.  Rồi ông bước đến ôm choàng ngang vai và hôn đánh chụt lên má tôi.  David vẫn im lặng quan sát chúng tôi, hơi gật đầu với bố Bear và mỉm cười với tôi.

- Cô cậu rảnh chứ?  Vào đây vào đây, tôi sẽ cho cô cậu xem cái này. 

.

“Cái này” mà ông muốn khoe là cây đàn saxophone sáng bóng và một cuốn album ảnh đồ sộ đã cũ sờn và đóng bụi.  Ông mân mê cây đàn và nhẹ nhàng lật từng tờ album ảnh như thể chúng làm bằng pha lê, chỉ cần một chút sơ sót là sẽ vỡ vụn.  Vừa lật ảnh cho chúng tôi xem, ông vừa kể chuyện đời ông bà cùng tiểu sử quán cà phê Le Chat Noir danh tiếng này.

Ngày xưa, vào đầu những năm 1950s, có một người da đen gốc New Orleans đến lập nghiệp ở vùng này.  Ông ấy là thợ sơn, và cũng là một nhạc sĩ tài ba nhưng không gặp thời.  Ông thuê một căn nhà nhỏ, cũ kỹ, với căn gác xép làm nơi ở và tầng trệt được dùng làm nơi họp mặt với hội nghệ sĩ trong thành phố.  Tối đến, họ sẽ gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề chính trị xã hội, và quan trọng hơn hết, chơi nhạc cùng nhau.  Ông Charles gặp khó khăn về tài chính và có khả năng phải dọn đi nơi khác vì không thể tiếp tục đóng tiền nhà, thế là hội nghệ sĩ bắt đầu quyên góp tài chính để giúp ông Charles.  Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì ông cần có nguồn thu nhập chứ không thể sống nhờ vào tài trợ mãi như thế này.  Thế là ý tưởng thành lập quán cà phê jazz hình thành.  Các nghệ sĩ đến đấy biểu diễn không công, và thu nhập của quán dùng để trang trải tiền nhà và các chi phí của quán.  New Orleans vốn là thủ phủ của nhạc jazz, và cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa châu Âu khác nhau, trong đó có khu Pháp, là nơi Charles đã sinh trưởng.  Có lẽ ông đặt tên Pháp cho quán cà phê của mình là do lòng hoài cổ và tưởng nhớ vùng đất mà ông đã nặng tình ấp ủ yêu thương từ trong máu thịt.

Bố Bear ngừng kể, nét mặt ông dâng tràn sự xúc động cao trào. 

“Đây, ngày xưa quán trông như thế này đây”, vừa nói, ông vừa trỏ ngón tay to bè vào một tấm ảnh.  “Hồi đó chúng tôi đã gặp vô vàn khó khăn, nhưng đó là những tháng ngày đẹp nhất, hoành tráng nhất đời của chúng tôi.”  Giọng ông hơi run run, tôi cũng xúc động khi nhìn những tấm ảnh đen trắng chuyên chở cả một lịch sử oai hùng thời trai trẻ của những nhạc sĩ da đen thời ấy.  Tôi bắt gặp một tấm ảnh rất quen thuộc chụp một nghệ sĩ đang say sưa biểu diễn với cây saxophone.

“Có phải là bố đấy không?”  Vừa dứt lời, tôi đã biết mình hỏi thừa.  Ông thật đẹp trai trong bộ veston và chân thì đi giày bóng lộn.  Tôi say sưa ngắm nghía bức ảnh, trí óc tôi phiêu bạt về thập niên 50s, thời mà người ta luôn ăn mặc chỉnh tề mỗi khi ra đường, luôn ngả nón chào nhau và nói những lời lịch sự nhã nhặn với nhau.  Hai người đàn ông kia dường như cũng có cùng tâm trạng như tôi, tất cả cùng chìm trong im lặng suy tư, hoài cổ.

Tôi phá vỡ sự im lặng ngột ngạt bằng một câu nói đùa.  “Có vẻ như ngày ấy bố mang ít gánh nặng trên người hơn bây giờ thì phải?!”, thế là ông già cười phá lên, người lại rung bần bật theo từng tràng cười.  Tôi âu yếm nhìn ông, cảm giác yêu thương tràn ngập.  Ông là người đơn giản, thật thà, quý trọng phẩm cách đạo đức của con người hơn là tiền bạc và địa vị của người đó.  Tôi chưa bao giờ gặp ai với một thái độ sống nhẹ nhàng thanh thản và luôn lạc quan như ông.  Đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhưng tôi đồ rằng ông chẳng bao giờ than van mà luôn mạnh mẽ chấp nhận sự thật và biết nhận trách nhiệm về mình.

“Còn đây là nàng Juliet xinh đẹp của tôi”, ông tự hào cho chúng tôi xem một tấm ảnh khác.  Một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, đang đứng trên bục sân khấu với cây microphone trước mặt.  “Nàng có giọng hát thánh thót như chim hoàng yến, và dáng đi thanh thoát như thể chân nàng chẳng bao giờ chạm đất!  Nữ hoàng foxtrot một thời đấy!”  Đôi mắt bố Bear mơ màng, phiêu du về một quá khứ huy hoàng xa xăm.  Khi mới mở quán, hội nhạc sĩ chỉ chơi hòa tấu, và khi quán bắt đầu đông khách, họ nhận thấy nhu cầu cấp bách phải có ca sĩ và thế là một ngày đẹp trời nọ, bà Rosalyn xuất hiện với tư cách một người đi xin việc.

“Vừa thấy nàng, tôi cảm giác nghẹt thở và tim đập loạn xạ.  Lạ lắm, ngay giây phút ấy, tôi hiểu tôi đã thuộc về nàng!”, ông Bear hào hứng kể tiếp, tôi nhận thấy ông ném nhanh cho David một cái nhìn đầy hàm ý nào đấy tôi không rõ.  “Đời tôi chưa bao giờ gặp một sinh linh đẹp đẽ thánh thiện hơn thế!  Nhưng nàng thì chẳng đoái hoài gì đến tôi …”

“Anh lại tra tấn người khác về câu chuyện tình sến sẩm của mình phải không?”, một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên sau lưng chúng tôi.  Bà Rosalyn vừa cười vừa bước vào phòng khách, trên tay là một khay trà nóng và bánh ngọt, cũng vừa lúc bụng tôi đang kêu ộp oạp và sôi lục bục vì đói.  May mà tiếng cười giòn giã của bố Bear đã lấn át những âm thanh không hay ấy.  Tôi nhìn hai vợ chồng già, tình tứ ôm hôn nhau rồi ông dịu dàng đỡ bà ngồi xuống, và, tự dưng tôi muốn khóc.  Vì sao, tôi cũng không rõ.  Sự đói khát thương yêu là một năng lượng tàn phá ghê gớm có thể âm ỉ nhỏ giọt gặm nhấm người ta suốt cả cuộc đời.  Đôi khi, nó tấn công người ta nhanh gọn, dữ dội như những trận động đất hay sóng thần, rồi nhanh chóng rút đi, để lại một thân thể rách bươm với một tinh thần nhàu nát.  Có lẽ tôi đang liên tưởng mình giống tuýp nạn nhân trong vế thứ nhất thì phải.  

Bà Rosalyn dịu dàng vuốt tóc tôi, đẩy tách trà và chiếc đĩa bên trên có vài chiếc bánh ngọt cho tôi.  “Ăn đi, con gái.  Hôm nay trông cô đỡ nhiều rồi đó.”  Tôi nuốt vội ngụm trà, như đang cố gắng nuốt trôi những kỷ niệm buồn đang mắc nghẹn nơi vòm họng.  Và cả một sự biết ơn cao độ tôi dành cho hai vợ chồng già phúc hậu này.  David vẫn im lặng, như thường lệ, và quan sát vở tuồng yêu thương của ba chúng tôi với một thái độ thú vị.

Chúng tôi trò chuyện thêm một hồi, chủ yếu về Le Chat Noir, rồi cáo từ hai vợ chồng già tốt bụng.  Tiễn chúng tôi ra đến tận đầu cầu thang, bố Bear vỗ vai David, dặn dò thêm gì đấy, rồi David gật đầu và họ bắt tay.

Sáu giờ tối nay, David sẽ đến đón tôi đi chơi.  Anh sẽ chờ tôi ở tiền sảnh sau khi đã ý tứ không đưa tôi đến tận cửa căn hộ mà chỉ mang giúp tôi đống quần áo vừa giặt xong lên hai tầng lầu mà thôi.  Tôi thầm cảm ơn điều ấy.  Tôi không muốn phát sinh quá nhiều sự thân mật chưa cần thiết giữa chúng tôi vào lúc này. 

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...