Thursday, April 27, 2017

Giáng Sinh xưa - Will you tango with me? (19)


Vivien chạy đến “cứu bồ” tôi, nó vừa líu lo chào anh bạn lạ mặt kia vừa giới thiệu chúng tôi với nhau. Luís là một trong những khách mời đặc biệt của đêm hội, cậu ta vốn là học viên bên trường múa - một chi nhánh của Học viện Mỹ thuật nơi Vivien đang học - và sau khi tốt nghiệp, cậu ta được trường giữ lại làm vũ sư vì nhiều thành tích khiêu vũ xuất sắc trong các kỳ thi lớn tầm quốc gia. Cho đến lúc này, Luís vẫn nắm tay tôi và chưa chịu buông. Vivien lại cười to. 

“Anh buông chị ấy ra đi nào, đừng làm người ta sợ đến thế chứ!” 
“Để tôi hỏi xem cô ấy có sợ hay không! Này, em có sợ không?” Anh ta cười và khều nhẹ ngón tay vào lòng bàn tay tôi khiến tôi nhột nhạt.
“Có, sợ lắm!” Tôi nói nhanh và rút tay lại. 
“Thôi đi nào, Luís!” Vivien nhăn mặt, “Đừng bỡn cợt nữa, chị ấy là người nghiêm túc, anh phải cư xử cho đàng hoàng!”
“Thôi, cho tôi xin lỗi!” Luís cố tỏ vẻ nghiêm túc rồi lại chìa tay ra trước mặt tôi, người hơi cúi xuống và nói, “Tôi xin hân hạnh được mời em một vũ điệu tango nhé?”
“Đừng hăm hở thái quá!”, tôi cũng cố làm mặt nghiêm túc dù trong lòng chẳng cảm thấy khó chịu gì cả. Ngoài ra, chiếc mặt nạ dù chỉ che phần mắt nhưng cũng đủ không thể cho tôi biểu hiện bất cứ cảm xúc nào nên tôi cũng khó ra vẻ “thị uy” gì với anh ta được. “Đã lâu rồi tôi không nhảy tango, nên anh đừng cố biểu diễn quá trớn sẽ có cơ hội bị tôi giẫm lên chân đấy,” vừa nói tôi vừa chìa gót giày ra để minh họa. 
“Ôi, nếu em có giẫm nát cả tim tôi thì tôi cũng rất vui lòng!” 

Luís nở một nụ cười rạng rỡ, khoe hàm răng trắng đều tăm tắp, nổi bật trên nền da nâu đồng đặc trưng Nam Mỹ. Sau này theo lời Vivien kể, tôi được biết cậu ta người gốc Brazil và Argentina, thảo nào cậu ta nhảy tango điêu luyện đến thế. Luís mặc sơ mi đen hơi hở ngực đúng kiểu đàn ông Nam Mỹ, quần tây cũng đen và giày da đen bóng loáng. Dáng Luís không quá cao, một trong những đặc điểm lý tưởng và thuận lợi đối với vũ công chuyên nghiệp vì người cao quá mà lại phải di chuyển nhanh và liên tục thì sẽ dễ lộ khuyết điểm vướng víu lều khuều, còn người lùn quá thì các bước nhảy lại có vẻ lạch bạch không thanh thoát. Tôi chỉ nhìn được nửa mặt của Luís thôi nhưng vẫn có thể mô tả một đôi mắt to và sâu dưới hàng mi dày và cong vút, đôi mày đen rậm rất nam tính và khi cậu ta cười thì đôi mắt ấy như biết nói, cộng với chiếc cằm chẻ và hai lúm đồng tiền trên má nữa thì dù là bà lão tám mươi cũng khó khỏi động lòng. Nhưng chẳng hiểu sao tôi chẳng động đậy gì cả, có lẽ vì sự vồ vập quá trớn đã khiến tôi cảnh giác cao độ, mà đàn bà thường yêu bằng tai, dù không động lòng nhưng tôi vẫn thích thú khi nghe anh ta mở lời sến sẩm như lời thoại trong kịch Shakespeare vậy!

Tôi nhớ những ngày học khiêu vũ vài năm trước. Cô giáo tuổi chừng bốn mươi, rất tự hào khoe với chúng tôi rằng con gái cô đã mười tám tuổi và tôi vẫn còn nhớ trông cô rất trẻ và dáng đẹp đến hoàn hảo, không thể ngờ cô có con cùng trang lứa với chúng tôi thời ấy. Cô rất trang nhã, không chỉ dạy chúng tôi những bước nhảy mà còn dạy nhiều thứ về văn hóa ballroom. Các cô gái được dạy không nên bấu chặt tay trái lên vai bạn nhảy trông sẽ rất “bám víu” và thô, thay vào đấy chỉ nên chạm hờ hững mà thôi, và các chàng trai khi nắm tay phải của cô gái thì không nên nắm cả bàn mà chỉ nắm ba ngón giữa (đoạn này các cô cũng phải biết và chỉ nên đặt ba ngón ấy lên tay bạn nhảy), như thế vừa trông thanh thoát, vừa dễ dàng khi cần buông tay ra và xoay người các cô. Các anh cũng phải để ý đặt tay phải ở ngay giữa lưng bạn nhảy và cao hơn eo cô gái chừng năm centimet, tránh “đi sai vị trí” vì khi di chuyển sẽ dễ có “tai nạn” khi bàn tay chàng trai trượt lên chạm vào chỗ không được chạm trên cơ thể người kia. Và cô dạy đám con gái rằng chỉ cần biết căn bản là đủ, vì gánh nặng thuộc về người nam bởi vì anh ta là người “lead”, ta chỉ cần đi theo các bước dẫn của anh ta thôi, và cứ thế tùy cơ ứng biến. 

Tôi cố nghĩ đến điều này để tự trấn an mình khi bước ra sàn nhảy cùng Luís, nhưng vẫn có cảm giác như người mộng du vì hồi hộp, may phước tôi đã kịp nốc một ít rượu vang trước đấy để xua đi sự căng thẳng khi bước ra chốn đông người như thế này. Nhưng cũng có cái may, sàn nhảy khá mờ ảo, và khá đông, đủ để tôi yên tâm lẩn vào đó mà không ngại bị phơi bày. Luís thì thầm vào tai tôi “Cứ thả lỏng nhé, chỉ là một cuộc dạo chơi thôi mà!” Đầu óc tinh quái của tôi lại bắt đầu vận hành, tôi hỏi luôn “Thế hoa hồng cho tôi đâu? Chẳng phải người ta hay ngậm một nhánh hoa hồng đỏ khi nhảy tango sao?” Luís hơi ngớ ra rồi chợt hiểu ý tôi, anh ta phàn nàn ngay “Đó là do Hollywood tự chế ra đấy chứ dân Argentina chúng tôi không hề bày trò ấy đâu! Nào, em sẵn sàng chưa?”

Tôi gật đầu, mỉm cười. Nhạc vừa trỗi lên, tiếng vĩ cầm réo rắt dìu dặt, mời gọi những đôi chân thôi thúc, tôi ngạc nhiên khi thấy mình bước đi cũng không kém phần lả lướt với sự dìu dắt tài tình của Luís, và may trời cậu ta không xoay tôi quá nhiều, vì tôi dễ bị chóng mặt. Có đôi lần, cậu ta kề sát vào mặt tôi như đặc trưng của vũ điệu khiêu gợi này khiến tôi cảm nhận được cả hơi ấm từ hơi thở của cậu ta phà nhẹ lên má. Nhưng tôi đang vui nên chẳng câu nệ gì, và thật sự, đây là lần đầu tôi được khiêu vũ đúng nghĩa vì trước đó tôi chưa bao giờ có bạn nhảy tài tình và điêu luyện đến thế này, và đặc biệt hơn cả là cậu ta đến từ xứ sở đã sản sinh ra điệu nhảy tuyệt vời. 

Tango có một lịch sử khá đặc biệt. Từ những năm 1800s, người châu Âu di cư rất nhiều sang châu Mỹ, đa số đi lên bắc Mỹ nhưng cũng có một bộ phận khá đông đi xuống phía Nam, tập trung vào hai cảng lớn là Montevideo thuộc Uruguay và Buenos Aires, Argentina. Đa số là dân Ý và Tây Ban Nha, và họ mang theo cả âm nhạc đến vùng đất mới với chiếc vĩ cầm của người Ý và cây guitar Flamenco của người Tây Ban Nha, và dĩ nhiên, cả những vũ điệu của họ nữa: valse, mazurka, polka và hòa quyện chúng cùng nhạc cổ truyền của Argentina. Thời ấy nam nhiều nữ ít, bởi vì chỉ có đàn ông mới dám liều vượt biển đi tìm vùng đất hứa, thế nên nam giới phải khá vất vả tìm mọi cách thu hút sự chú ý của phụ nữ, dần dà vũ điệu tango được hình thành như một điệu nhảy tìm bạn tình trong giới bình dân của những thành phố cảng này. Tuy nhiên giới trung lưu và thượng lưu thì lại rất xem thường tango và xem nó như một văn hóa hạ cấp. Nam giới bình dân thường luyện tập những bước nhảy tango với nhau để “đủ trình” nhằm thu hút sự chú ý của giới nữ. Người mới tập phải đi bước nữ từ sáu tháng đến một năm trước khi được dạy cách dìu trong vai trò nam giới. Dần dà, khi Argentina bắt đầu trở nên thịnh vượng, các cậu ấm trong những gia đình giàu có ở đây bắt đầu đi tìm cảm giác mạnh và phiêu lưu ở những khu dân cư có nhiều băng đảng và học nhảy tango ở đấy như một cách để thể hiện mình và để đi tìm tự do mới. Một số thanh niên trong nhóm này đã mang tango đi giới thiệu với Paris, vốn là thủ đô văn hóa của cả thế giới thời ấy. Dân Paris vô cùng sửng sốt và sốc nặng với điệu nhảy bốc lửa và khêu gợi này, từ đấy cơn sốt tango lan tỏa đến toàn châu Âu và cuối cùng lan truyền sang bắc Mỹ. Điệu nhảy tango truyền thống vốn rất nóng bỏng, nếu không muốn nói là gợi dục nên khó được chấp nhận ngay trong giới thượng lưu thời ấy, nhưng không ai có thể chối cãi sự hấp dẫn mê hoặc của nó và cuối cùng, người ta đã chế tác ra một phiên bản khác của tango, lượt bớt đi rất nhiều những động tác được xem là “không đứng đắn” và tango đã đường hoàng tìm được chỗ đứng trong các trường dạy khiêu vũ chính thống ở châu Âu và bắc Mỹ. 

Nhạc vừa kết thúc, Luís cũng vừa kịp kéo tôi thật sát vào người cậu ta ở vị trí mặt gần chạm mặt, cậu ta ghì chặt người tôi và giữ yên tư thế ấy trong vài giây liền khiến tôi vừa thở hổn hển vì vừa xong một điệu nhảy “căng thẳng” vừa vì cảm giác nóng bỏng của sự tiếp xúc liên tục trong những phút vừa qua. Luís lại cười, dường như vẫn chưa chịu buông tôi ra cho đến khi tôi đẩy nhẹ cậu ấy thì mới thôi. Vivien vỗ tay nồng nhiệt, miệng không ngớt “bravo” khi chúng tôi bước ra khỏi sàn nhảy. 

“Ôi, em không ngờ chị biết nhảy tango, mà lại rất điệu nghệ nữa chứ!”
“Cám ơn em, nhưng mà tất cả là nhờ Luís. It takes two to tango, nếu không có cậu ấy thì tôi sẽ chẳng biết làm gì cả!” 
“Em quá khen, và cũng quá khiêm tốn. Khi nãy tôi thử đưa ra vài bước khó, nhưng em xử lý được hết. Tôi nghĩ em rất có năng khiếu, em có muốn học thêm không, tôi sẽ rất vui lòng chỉ bảo!” Luís lại nhìn tôi mơn trớn khiến tôi muốn nổi gai ốc. 

Đây là lần thứ hai có người tự động đề xướng việc dạy học cho tôi khiến tôi không khỏi nghĩ mình khá may mắn. Nhưng Luís quá vồ vập, mặc dù tôi sẽ rất thích học với một vũ sư tuyệt vời như cậu ta nhưng thật lòng, có cho kẹo tôi cũng không dám học riêng với cậu ta được. 

Luís thật là trung tâm điểm của đám đông, tôi có cảm giác bất cứ nơi nào cậu ta có mặt thì nơi ấy sẽ trở nên ồn ào, náo nhiệt. Nhìn cách cậu ta chào hỏi mọi người, dù quen hay lạ, và cách mọi người đáp lại khiến tôi không khỏi không liên tưởng đến những chính trị gia mồm mép khi đang đi vận động tranh cử. Họ sẽ nói những gì đám đông muốn nghe, họ biết cách làm đẹp lòng mọi người và nụ cười không bao giờ tắt trên môi họ. Luís cũng giống như thế, nhưng có cái khác giữa cậu ta và một chính trị gia, đó là sự thật lòng. Cậu ta thật sự thích đám đông, thích trò chuyện, và thích làm cho người khác được hài lòng, được vui vẻ, và cậu ta cũng chẳng được lợi lộc gì nếu phải cố làm ra vẻ như thế. Cái cách cậu ta vồ vập đụng chạm khiến tôi không được thoải mái cho lắm, nhưng tôi lại chẳng hề bực bội mà chỉ nghĩ đó là cá tính của cậu ta, rất đặc trưng trai Nam Mỹ, chứ không hề có ý tà dâm nào cả. Khi nhảy với tôi, cậu ta cũng chẳng lợi dụng sờ mó gì tôi, tôi để ý cách cậu ta nhảy với các cô gái khác cũng như thế. 

Tôi bắt đầu cảm thấy mệt, mấy ngày nay tôi luôn hùi hụi làm việc chân tay với Vivien cho đêm hội này đến tận tối mịt và giờ đây tôi bắt đầu thấm. Lót tót đi vào khu VIP, tôi vui vẻ thả phịch người xuống ghế bành để nghỉ ngơi, tránh xa tiếng ồn ở sàn nhảy chính. Chiếc mặt nạ masquerade cũng bắt đầu khiến tôi khó chịu vì nó cứ cấn vào sống mũi, tôi tiện tay gỡ nó ra luôn và massage quanh vùng mắt. Khu VIP này vốn là tiền sảnh của thư viện, chúng tôi đã giăng màn khắp nơi để che đi những dãy sách đồ sộ nhằm mang lại cảm giác ấm cúng thật sự của một “lounge”. Ghế bành và sofa đã có sẵn, chúng tôi chỉ việc di dời một chiếc bàn tròn to ở ngay chính giữa, nơi trưng bày các sách mới và các tờ rơi chương trình đặc biệt của thư viện, và kéo thêm ghế từ canteen vào. Nơi đây có một minibar, một sàn nhảy mini, và một số bàn con có chân cao. Cậu bartender đang ngáp ruồi vì vắng khách, tất cả mọi người đều đã đổ xô ra khu vực chính, chỉ có đứa sợ tiếng ồn như tôi là lủi vào đây sớm nhất để phục hồi. 

Đang thiêm thiếp sắp ngủ thì tôi đã nghe tiếng nói cười của đám “VIPs”, Vivien và Luís đã tìm ra tôi, và như thường lệ, nơi đâu có Luís là nơi ấy có tiếng ồn! Thôi rồi, tạm biệt không khí yên bình của VIP lounge! Chúng nó túa vào phòng và bu đen lấy quầy minibar khiến cậu bartender sung sướng lại được phục vụ khách hàng. 

“A, nãy giờ em đi đâu mất mà tôi tìm mãi không thấy!” Luís vui mừng nói như reo khi nhìn thấy tôi. “Đừng có nói là em chạy trốn tôi đấy nhé!” Nói đến đây, cậu ta gỡ mặt nạ ra và vuốt mái tóc đen dầy và gợn sóng. 
“Nếu cậu hứa sẽ không động chạm đến tôi thì bảo đảm tôi sẽ không chạy trốn nữa!” 

Tôi nói nửa đùa nửa thật với Luís, khi trong lòng tự động xác nhận những gì tôi đã tưởng tượng về gương mặt của Luís khi cậu ta vẫn còn mang mặt nạ khi nãy là hoàn toàn chính xác một trăm phần trăm. Râu quai nón được tỉa tót công phu chỉ chừa lại một hàng mảnh chạy dọc theo xương hàm cho đến cằm, râu mép cũng thế, một hàng rất mảnh vắt ngang và chạy xuống nối liền với râu quai nón. Tôi thích đàn ông “mày râu nhẵn nhụi” hơn, nhưng đàn ông để râu kiểu Luís như thế này thì tôi chưa từng thấy bao giờ, và tôi thấy nó hay hay thế nào. Cậu ta giả vờ thất vọng khi nghe tôi không cho phép cậu ta động chạm gì đến tôi nữa, rồi bước đến quầy bar gọi đồ uống. 

“Em uống gì? Soda hay nước quả?” Luís hỏi tôi. 
“Ha ha, người ta đủ tuổi uống rượu rồi đấy anh ạ!” Vivien vui vẻ tiếp lời. 
“Cái gì?” Luís mở tròn mắt. “Đừng có đùa nhé, tôi không thể mua rượu cho người chưa đủ tuổi được.”
“Thì em đâu có đùa!” Vivien lại cố tình ra vẻ ỡm ờ. 

Tôi đưa cổ tay lên cho Luís thấy chiếc vòng bằng giấy nhựa mà ban tổ chức đã đeo cho khi vừa vào cổng chính. Chúng tôi phải trình giấy tờ tùy thân cho thấy mình đã đủ hai mươi mốt tuổi thì họ sẽ đeo cho cái vòng này, để khi muốn gọi rượu thì người bartender sẽ chỉ cần nhìn vào đó là phục vụ luôn, khỏi phải kiểm tra tới lui mất thời gian. Khi nãy tranh tối tranh sáng, có lẽ cậu ta không để ý cái vòng tôi đang đeo. Luís đứng khuỵu một chân, nhìn tôi từ đầu đến chân như thể đang suy xét xem bằng cách nào mà tôi lại đủ tuổi uống rượu. 

“Vang nhé? Đỏ hay trắng?” Cậu ta hỏi tôi.
“Cám ơn cậu, tôi chỉ muốn một ly nước lọc.” Tôi đáp.
“Cái gì? Em không đùa chứ?” Luís lại mở tròn xoe mắt. “Em không định uống nước lọc cả buổi tối nay chứ?” 
“Chưa biết nữa, cũng tùy!” Tôi nháy mắt. 

Rồi cả bọn túm tụm ngồi quanh sofa và tán hươu tán vượn, trong phút chốc, Luís đã được cả đám con gái bao bọc và có lẽ, đã quên mất sự có mặt của tôi trên đời. 

Sunday, April 23, 2017

Giáng Sinh xưa - The Phantom of the opera (18)


Đi chợ về, tôi đang tay xách nách mang đủ thứ trên người, vừa mở được cửa thì có một mảnh giấy rơi ra, có ai đó đã nhét nó vào kẹt cửa khi tôi đi vắng. Đó là tin nhắn của Vivien. Tôi phải căng mắt ra mới đọc nổi những dòng chữ nguệch ngoạc của nó, đại để ý nó muốn gặp tôi vào buổi chiều để bàn với tôi “một việc”. Tôi đóng cửa lại và đi vào bếp, rửa rau củ và sắp xếp đồ ăn vào tủ lạnh, rồi với tay khoác lại vào người chiếc áo khoác thể thao để chạy bộ khi trời còn đang nắng. Và tôi không hề thấy một mảnh giấy khác có lẽ cũng đã được chêm vào kẹt cửa và rơi ra rồi lọt vào khe hở dưới sàn nhà. Mảnh giấy ấy chỉ được khám phá một thời gian sau, và làm xáo trộn đời tôi một lần nữa.

Ngoài công viên lác đác có vài người khác cũng đang chạy bộ, một số thong thả dắt chó đi dạo, còn tôi thì khi ấy đã thấm mệt nên bắt đầu chạy chậm lại rồi đi bộ và tìm băng ghế ngồi nghỉ. Tinh thần tôi đang rất sảng khoái, thể chất cũng đang hồi phục tốt sau lần cảm nặng trong kỳ nghỉ Giáng Sinh và thêm một lần cảm nhẹ sau Tết, đây là lần đầu tôi có thể chạy bộ một mạch từ nhà ra công viên kể từ lúc lập đông. 

Đã gần hai tuần kể từ lần cuối tôi gặp David và tôi không hề nghe ngóng gì từ anh trong những ngày này. Tôi có nghĩ đến David nhưng không hiểu sao kể từ khi Jacqueline đi Pháp về và chúng tôi nối liên lạc trở lại thì tôi có cảm giác những lần tôi nghĩ đến David cũng thưa dần và tình cảm với anh có thể đặt ở mức độ trung tính. Tôi nghĩ mình thích David, đó là điều không thể chối cãi. Anh chẳng có gì để tôi phải phàn nàn, quá hoàn hảo là đằng khác. Chúng tôi chỉ mới gặp vài lần, và khi ở bên anh, tôi luôn có cảm giác bình an. Điều khiến tôi hơi lăn tăn trong cảm xúc của mình là tôi có cảm giác mình thường phải giữ kẽ, cảm giác hơi “gồng” khi tiếp xúc với anh và phải “diễn” hơi nhiều, tức là ở một mức nào đó, đôi lúc tôi nhận thấy mình hơi phóng đại bản thân trong khi thực lòng tôi không hề muốn thế. Anh có thói quen khơi gợi một đề tài và để người đối diện nói về nó, và do đó tôi thường ở cái thế phải nói nhiều hơn anh cho nên để cho cuộc nói chuyện được trôi chảy thì tôi cứ luôn phải ba hoa chích chòe nói đủ thứ chuyện trên đời. Tôi thầm nghĩ, khi ở bên David tôi trở thành một người rất khác với bản chất của mình. Tính tôi vốn ít nói, nhưng David cũng là người kiệm lời mà lại biết khơi mào cho người khác nói và tôi lại trở thành diễn giả bất đắc dĩ khi ở bên anh. Nhưng như thế cũng có cái thú vì nhờ anh mà tôi nhận ra khả năng đàm thoại của mình cũng không đến nỗi tồi như mình vẫn thường nghĩ. Một điều khác nữa về anh mà tôi hơi băn khoăn là anh nói rất ít về bản thân, và cho đến nay thì dường như tôi chẳng biết gì về anh hết. Tất cả là một tổng thể rất mơ hồ, như thể anh có một bí mật nào đó không thể tiết lộ cho bất cứ ai. 

Tôi thở dài, cố xua đi những ý nghĩ và hình ảnh hay quấy rối ấy đi và cố thả lỏng, hưởng thụ một buổi sáng an lành của một ngày cuối tuần như thế này. Tôi còn trẻ, phải tập trung ưu tiên phát triển sự nghiệp hay theo đuổi những sở thích mà ngày trước tôi không có điều kiện thực hiện. Tình yêu là một thứ xa xỉ, đừng đi tìm mà cũng đừng chạy trốn. Hãy để nó đến một cách tự nhiên và nếu nó mang lại cảm giác ngọt ngào, cứ nhẹ nhàng đón nhận nó, như một trong những lộc trời đã ban tặng cho cuộc sống; và nếu nó mang đến quá nhiều phiền toái, thì cũng phải học cách vui lòng tống tiễn nó đi, như tôi đã dũng cảm làm được một đôi lần. Đời cũng đơn giản thế thôi, nhưng khi ta mới bước qua tuổi hai mươi được vài năm thì việc nào cũng hệ trọng đến mức sống còn như nhau cả! Nhắm mắt, hít một hơi thật dài tràn đầy buồng phổi, tôi mỉm cười vu vơ và cảm thấy lòng mình thư thái hơn bao giờ hết. 

.

Con bé Vivien chẳng nói cụ thể giờ giấc khiến tôi chẳng dám đi đâu vào buổi chiều mà phải ru rú ở nhà chờ nó. Nhưng nói thế thôi, tôi cũng chẳng biết đi đâu và đi với ai khi trời lại trở lạnh về chiều. Tôi cuộn tròn người trên ghế bành, quấn chăn khắp người và ôm cuốn “Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Austen rồi thả hồn đi rong trong một thế giới mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui và say mê ấy. Mr. Darcy vẫn thế, khi mới gặp đã gợi trong lòng người đọc một ấn tượng không hay, dù cố lịch thiệp đến đâu thì anh ta vẫn không thể giấu đi đâu được sự khô khan lạnh lùng đầy kiêu hãnh ấy. Dĩ nhiên, chàng phải đẹp trai, giàu có, hào hoa, và không thể thiếu khoản phớt tỉnh đúng kiểu quý tộc Ăng-lê, và phải pha lẫn cả một tí nhẫn tâm nữa mới khiến các cô điêu đứng được. Xưa nay vẫn thế, bản chất loài người vẫn chẳng có gì thay đổi, đàn bà vẫn cứ ngu ngốc trong tình yêu dưới lớp vỏ bọc của cái được gọi là “lãng mạn”, vẫn cứ luôn tin rằng những con ếch đội vương miện sẽ một ngày nào đó trở thành hoàng tử và do đó, không hề ngần ngại chìa môi mà hôn đám ếch gớm ghiếc ấy. Những nhân vật nam chính trong các câu chuyện tình lãng mạn như thế này không nhiều thì ít, luôn sở hữu những tính cách na ná gần giống nhau: tính khí thất thường, độc đoán, thiếu chính chắn, đôi khi hung bạo và tất cả đều kiêu hãnh, xem mình là trung tâm của vũ trụ, và dĩ nhiên, đây là những đặc điểm tạo nên tính chất “bad boy” mà các cô gái luôn bị đốn ngã xưa nay. Tôi có cảm giác mình cũng đi lạc vào ma trận phức hợp của cảm xúc ấy, nhưng lại rất mừng vì Elizabeth Bennett vẫn còn đủ tỉnh táo và đủ lý trí để đối phó với thể loại đàn ông như Mr. Darcy, và đó là điều khó, rất khó làm, cho một cô gái trẻ không có nhiều chọn lựa thời ấy. 

.

- Ah, chị cũng đang đọc Jane Austen à? - Vivien không giấu được sự thích thú cao độ khi thấy tôi đang đọc cuốn sách ấy - câu lạc bộ đọc sách của em cũng đang đọc và bình luận sách của bà ấy. Đúng dịp quá, em đang muốn bàn với chị một việc có liên quan đến vụ đọc sách này đây, nhưng đó chỉ là việc phụ, còn việc chính là, bọn em đang tổ chức vũ hội hóa trang ở trường và em đang cần người giúp vì bọn em phải hoàn tất mọi việc trong vòng hơn một tuần mà vẫn còn rất nhiều việc phải làm. - Vivien hơi hắng giọng - Em hy vọng chị có thể giúp em một tay, và bọn em sẽ tặng chị một cặp vé VIP.
- Dĩ nhiên rồi, rất vui lòng! Nhưng tôi không rõ mình có đi chơi được không …
- Trời, sự kiện lớn nhất trong năm của trường em đấy, vé đã bán sạch veo từ tuần lễ đầu tiên!
- Nghe cũng thích nhỉ, nhưng … tôi không biết phải ăn bận ra làm sao, cái đoạn hóa trang ấy. 
- À không, chị chỉ cần mang mặt nạ thôi. Em chắc chắn sẽ tìm được một cái cho chị, khỏi phải mua. Chị thích màu gì?

Tôi hơi phân vân. Con bé có vẻ nhiệt tình đến thế, tôi không nỡ cứ tìm cách thoái thác, mà tôi chẳng biết phải đi đứng ra làm sao vì không có bạn đi cùng. 

- Ai mà “hot” vậy chị? 

Vivien vừa hỏi vừa nháy mắt với tôi, trong khi tôi hơi ngớ ra không hiểu lắm ý nó. Rồi khi dò theo ánh mắt của Vivien, tôi chợt hiểu ra. Con bé đang săm soi tấm ảnh chụp tôi và David trong đêm giao thừa hôm nọ vừa cười tủm tỉm. 

- Một người bạn. - Tôi nói bâng quơ và biết rằng Vivien chẳng hề bị thuyết phục tí nào. 
- Chị sẽ mời anh ta đi chơi với bọn em chứ?
- Chẳng biết nữa … lâu rồi anh ta không gọi …
- Hừ … nếu thế thì đã đến lúc chị phải chủ động gọi người ta rồi đấy. Đàn ông rất thích việc ấy, họ cảm giác cái sự quan trọng của họ là có thật. 
- Giống như Mr. Darcy? - Tôi bật cười, thích thú khi có một nhân vật nam điển hình để lôi ra đối chiếu với cái ý ấy của Vivien. 
- Ôi, thời nào thì bọn chúng cũng như nhau cả thôi chị ạ. Em nghĩ một trong những điều tốt đẹp nhất mà thế kỷ hai mươi mang đến cho loài người là việc giải phóng tình dục cho phụ nữ! 

Nó lại ngắm nghía bức ảnh và cười cười. 

- Trai đẹp thế này đừng bỏ phí chị nhé! Anh ta trông có vẻ rất hay, nhưng chắc không hợp với em. - Nó lại cười to, và nháy mắt. - Ý em là, anh ta sẽ thích mẫu người như chị hơn, nhẹ nhàng kín đáo, chứ không phải lúc nào cũng phang ngang bổ củi như em. Mà nói thật, phụ nữ như chị mới khiến đàn ông tò mò, càng tìm hiểu càng thích, chứ với thể loại ham vui như em thì chúng nó sẽ mau chán lắm, ha ha. Nhưng mặc kệ, em cũng cóc cần vì em đã xác định sẽ không lấy chồng mà chỉ sống độc thân để được tự do theo ý mình mà không vướng bận ai cả. 

Tôi bật cười trước sự thẳng thắn vô tư của Vivien, và nghĩ ít ra trong đám đàn bà nhẹ dạ chúng ta cũng có được một đứa sáng suốt như nó. Rõ là nó thích bad boys đấy, nhưng có vẻ như nó sẽ không yêu đương mơ mộng rồi lại vỡ mộng thất tình như đại đa số đám phụ nữ thường mắc phải. Tôi chẳng bình luận gì, chỉ mỉm cười và giữ kín những ý nghĩ ấy cho riêng mình, như thường lệ. Bắt đầu vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị cho vũ hội masquerade vốn được hứa hẹn sẽ rất đông vui và náo nhiệt. 

.

Hôm đầu tiên khi tôi đến thì bàn ghế vẫn còn ngổn ngang, màn che còn nằm trong thùng chưa được mở, và tranh ảnh cũng như những món đồ trang trí theo kiểu nhà hát cho canteen và các khu lân cận vẫn còn “nguyên đai nguyên kiện”, tôi thầm lo không hiểu làm thế nào mà trong vòng vài ngày chúng tôi có thể hoàn tất mọi việc cho kịp. Đám con trai hối hả khiêng các món đồ nặng và thang xếp để đám con gái treo màn và trang trí tường. Tôi được phân công “cắt dán nghệ thuật”, là hình những nốt nhạc thật to, các hình mặt nạ được phết đầy kim tuyến đủ màu sặc sỡ, hoặc hình ảnh trăng sao dát bạc … rồi dán chúng lên những tấm màn đen. Thế mà đến cuối ngày, chúng tôi đã giăng màn che phủ toàn bộ những bức tường của các khu vực dành cho dạ tiệc, và ngày hôm sau sẽ có thợ điện đến để gắn đèn chiếu cho những tấm màn đen lóng lánh trăng sao, mặt nạ và những nốt nhạc này. 

Tôi thầm nể phục tác phong làm việc của bọn sinh viên tại đây. Chúng nó làm việc thật khoa học, bài bản, phân nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một công tác, có những nhóm hoàn thành sớm thì lại quay sang giúp đỡ những nhóm chưa làm xong. Thế là chỉ trong vài ngày bọn tôi đã sẵn sàng. 

Đêm tiệc thật hoành tráng ngoài sức tưởng tượng của tôi, đông như kiến cỏ, và tôi mừng vì có vé đặc biệt để được vào khu vực VIP, vốn chủ yếu dành cho những người đã tình nguyện làm việc để chuẩn bị cho đêm nay, cùng với một vài nhân vật VIP thật sự. Tôi vẫn mặc chiếc váy đen đã mặc những khi đi tiệc đêm lần trước, và đeo mặt nạ đen viền những hạt đá đủ màu sáng lóng lánh dưới ánh đèn. Vivien giúp tôi đánh rối tóc rồi búi cao và thả vài lọn xoắn lòa xòa hai bên mặt, và cho tôi mượn cây chì kẻ mắt đen cùng thỏi son đỏ. Đây có lẽ là lần đầu tôi kẻ mắt đen đến thế. 

Gọi là masquerade nhưng thực ra phần ballroom cũng khá nhẹ. Người Mỹ không mặn mà lắm với ballroom mà văn hóa khiêu vũ của họ thiên về disco và hip-hop là chính. Tôi cũng có học ballroom, nhưng chỉ biết những bước cơ bản, và vì đêm nay tôi không có bạn nhảy nên đành đứng đực mặt ra và nhìn ngắm mọi người. Đang đứng lớ ngớ thì có ai đó nắm tay tôi và kéo nhẹ về phòng khiêu vũ. 

- Xin phép được mời em điệu tango nhé?

Tôi hoảng hốt nhìn người lạ trong chiếc mặt nạ nửa mặt kiểu “phantom” trong vở tuồng "The Phantom of the opera" mà rối trí chẳng biết phải làm thế nào. Từ chối lời mời khiêu vũ ở một đêm hội khiêu vũ là một điều khá bất lịch sự, dĩ nhiên cô gái có quyền từ chối, nhưng phải có một lý do thật sự chính đáng. Nhưng cái cách anh ta dạn dĩ nắm tay và kéo tôi đi trong một sự thể đã rồi như thế này cũng khá bất thường. Tôi thoáng thấy Vivien đâu đó và nó đưa tay vẫy, dường như là với cả hai chúng tôi khi ấy …

Friday, April 21, 2017

Giáng Sinh xưa - Can’t take you off my mind (17)

Đêm ấy tôi lại trăn trở. Sau cuộc nói chuyện với Jacqueline và Phyllis, cảm xúc phức tạp cứ cuồn cuộn dâng trào trong lòng. Tôi cảm thấy áy náy khi B đã lăn xả vào đám cháy mong cứu tôi và đã lo lắng cho tôi rất nhiều, trong khi tôi đang tận hưởng những điều đẹp đẽ thanh tao nhất, chìm ngập trong niềm hân hoan náo nhiệt khi thời khắc giao thừa đang đến gần. Và nhất là ở bên một người khác trong một không khí thân mật hơi bất thường đêm ấy. Nhưng nếu vào một hoàn cảnh khác, khi Jessie đồng ý đi chơi với B ở nơi anh thích thì liệu việc ấy có cân bằng được tâm trạng của tôi lúc này không? Tôi nhận thấy mình không vui khi tưởng tượng đến phiên bản ấy, và tự hỏi lòng mình có đang tự mâu thuẫn hay không, rồi tôi cố suy diễn để tự ngụy biện cho những suy nghĩ đang chồng chéo xoắn xéo trong đầu. Rất có thể, việc anh lo lắng về sự an nguy của tôi cũng rất bình thường. Bất kỳ người lính cứu hỏa nào cũng đặt công tác cứu người lên hàng đầu, tôi lại là người anh quen biết nên anh mới đặc biệt chạy đi tìm tôi trước mà thôi? Nhưng tại sao trong đêm tiệc Giáng Sinh ấy khi Jessie đến và kéo anh đi, trong đôi mắt anh như có mây đen báo hiệu một cơn giông tố sắp đến? Tôi xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau để cố giải mã một điều gì đó nhưng càng cố thì lòng tôi càng rối bời vì mọi việc chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Cả Jacqueline nữa, sau bao ngày chẳng hề đề cập đến B thì nay lại kể cho tôi nhiều chi tiết về anh đến thế?

Rồi tôi nghĩ đến người đàn bà phúc hậu Phyllis. Bà ấy trông rất lành, một mẫu người dễ chịu và luôn tạo thiện cảm cho người mới gặp lần đầu một cách chân thành. Theo lời Jacqueline, họ quen nhau ở một hội sinh hoạt của người Pháp, và mặc dù Phyllis không phải người Pháp nhưng bà từng du học ở đấy và rất yêu thích ngôn ngữ và văn hóa của đất nước này. Ngoài Le Chat Noir, bà còn sở hữu một cửa hiệu bé xinh bán giày, phụ kiện thời trang, và … sô cô la từ Pháp. Tôi nghĩ đến điều bà hỏi tôi ban sáng, và lại trăn trở. Tôi là người tâm linh, đó là điều có thật, thế nên tôi hiểu rất rõ khi bà hỏi tôi những điều có liên quan đến tâm linh như thế. Có một dạo, thời còn học trung học, hễ đêm nào tôi nằm mơ thấy ai thì y như rằng đó sẽ là người tôi gặp đầu tiên vào buổi sáng. Nhưng khi tôi thích thú cố gắng nghĩ đến người tôi đang thầm yêu trộm nhớ và muốn mơ thấy người ấy để sáng sớm có thể gặp người ấy ngay thì chẳng bao giờ thành công! Trời bất dung gian, cứ mỗi khi tôi cố “ép” giấc mơ đi theo ý muốn của mình thì tôi lại nằm mơ thấy người tôi không ưa, và dĩ nhiên, đó sẽ là người tôi chạm mặt trước hết vào khởi điểm của một ngày mới. Sáng nay khi đang cao hứng nói chuyện về đề tài tâm linh với hai người phụ nữ ấy, tôi suýt kể cho họ nghe chuyện những giấc mơ kỳ quái của tôi, nhưng rồi lại quyết định không kể. Tính tôi rất riêng tư, ít khi tâm sự chuyện cá nhân của mình với người khác, thậm chí với bạn thân thì tôi cũng rất chọn lọc việc nào kể việc nào không. Về vấn đề tâm linh này, tôi không thể chối cãi cảm nhận rất rõ của mình khi lần đầu tôi chạm mặt với B, thậm chí khi anh đang đứng khuất trong bóng cây và lúc chưa kịp nhìn rõ mặt anh thì tôi đã cảm nhận một sự thân quen nào đó rất dễ chịu. Dĩ nhiên khi ấy tôi đã chẳng nghĩ gì đến tiền kiếp hay hậu kiếp, nhưng sau khi gặp Phyllis xong thì chỉ biết dùng khái niệm này để định nghĩa cảm giác của mình lúc ấy mà thôi.

.

Cuộc gặp sáng nay với bố Bear diễn ra trôi chảy trong không khí thân mật và ấm cúng, tôi rất thích được nhìn ông thật tự hào khi khoe những tấm ảnh ấy với hai người đàn bà mới gặp như lần ông cho tôi và David xem hôm trước Tết nọ. Rồi khi đang ngon trớn kể chuyện xưa, cũng là những câu chuyện tôi đã được nghe hôm ấy, ông lại quay sang tôi và bô bô hỏi về David, về đêm giao thừa ở Le Chat Noir khiến tôi có cảm giác như kẻ ăn vụng vừa bị bắt quả tang và nhột nhạt khắp toàn thân. Tôi đâm bực bội với mặc cảm tội lỗi vô duyên vô căn cứ này, bởi vì việc tôi đi chơi với người tôi thích là chuyện cá nhân của tôi, cớ sao tôi cứ mãi lo lắng về việc người khác nghĩ về tôi như thế nào? Vả lại, cách Jacqueline nói về B và Jessie khiến tôi có cảm giác họ quen nhau đã lâu lắm, ở một mức thân mật đã liên quan đến gia đình hai bên cũng không chừng. Thế là tôi rũ bỏ tất cả những suy nghĩ đang khiến lòng rối như tơ vò mà mạnh dạn trả lời bố Bear, nhân tiện tôi cũng không quên ca tụng quán thật nhiệt tình để nói càng ít về David càng tốt, và cố lờ đi cái nhướn mày đầy thắc mắc của Jacqueline. Nhưng bà ấy chẳng nhận xét gì, và tôi mừng thầm trong lòng, cảm ơn bà đã tế nhị tránh cho tôi thêm một việc khó xử. Tôi cũng vừa kết thêm một người bạn mới là Phyllis. Tôi không ngờ bà hạnh phúc đến thế khi nghe những lời tốt đẹp về Le Chat Noir, khi ấy tôi lờ mờ hiểu rằng niềm đam mê quan trọng đến mức nào trong việc góp phần to lớn cho thành công trong cuộc sống, và cũng đủ để người ta sống chết vì một nghề nghiệp, sở thích, hay lý tưởng nào đó trong đời. 

.

Phyllis ăn chay và theo đạo Phật. Từ khi quen biết tôi, bà tỏ rõ sự quan tâm ưu ái đặc biệt cho tôi khiến tôi phát ngại. Tôi quen sống sâu kín với bản thân, ít biểu lộ cảm xúc nên người mới gặp tôi thường có cảm giác tôi hơi lạnh lùng và không thân thiện lắm, nhất là gặp trên điện thoại thì thôi rồi, họ không thấy được ngôn ngữ cơ thể thì họ càng tin vào điều ấy hơn nữa! Tôi quen nhiều người nhưng lại ít bạn, mà một khi đã là bạn thì thường là bạn ở tầm tri kỷ, là những người hợp cạ với tôi và đủ tin cậy để tôi trải lòng cùng. Dường như tôi và Phyllis có sự kết nối tâm linh nào đó, là bà tin và cảm nhận như thế, nên bà có vẻ rất thích tôi và hay khuyến khích tôi trò chuyện về những đề tài sâu sắc, vốn không dễ cho những người mới quen sơ như chúng tôi. Có thể chúng tôi cũng đã quen nhau trong tiền kiếp rồi cũng nên, thế nên hôm nay bà mới tự nhiên và quý mến người mới gặp lần đầu lại là đứa hay giữ kẽ như tôi. Việc một người phương Tây lại ăn chay và theo đạo Phật như Phyllis là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến, cho nên tôi khá ngạc nhiên, và nhất là trong khi tôi đến từ một xứ sở giàu truyền thống Phật giáo lại chẳng mảy may quan tâm gì đến nó cả. Jacqueline có gốc Công giáo La Mã, nhưng bà bị ảnh hưởng bởi Phyllis và đã bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về Phật giáo và đã cùng tập thiền với Phyllis khá đều đặn. 

- Từ khi tập thiền, tôi thấy mình kiên nhẫn hơn, tư duy rõ ràng mạch lạc hơn, và nhất là bệnh đau nửa đầu cũng giảm hẳn. - Jacqueline hào hứng kể - nếu cháu rảnh thì hãy tham gia cùng chúng tôi, biết đâu cháu sẽ thích. 

Hồi đó, khi nghe đến thiền là tôi cứ mường tượng mấy ông già râu tóc bạc phơ ngồi xếp bằng bất động trong nhiều giờ liền, như trong mấy phim võ hiệp cổ trang tôi từng xem hồi mới lớn. Thế nên khi nghe họ rủ rê là tôi đâm hoảng! Làm sao tôi có thể ngồi yên bất động trong nhiều giờ liền như thế được. 

- Ô là la, làm gì có chuyện ngồi yên mấy tiếng đồng hồ! - Jacqueline cười lớn - có lớp học hẳn hòi đấy, cháu yên tâm. Người mới tập thì sẽ học kỹ thuật trước, rồi bắt đầu chừng mười lăm phút thôi, sau sẽ tăng dần. Mai chúng ta đi nhé?

Tôi thích cách Jacqueline dẫn dụ người khác một cách hơi bất ngờ nhưng luôn thuyết phục như thế này, giống như lần bà bắt đầu dạy dương cầm cho tôi vào cùng ngày chúng tôi vừa bàn đến việc ấy, và ngay lần đầu gặp gỡ. Tôi đang suy nghĩ có nên bỏ buổi tập yoga với Kim để đi thiền với hai người phụ nữ đặc biệt này hay không thì Phyllis đã tiếp lời Jacqueline. 

- Lớp cũng có vài người trẻ đấy, cháu sẽ thích. Và thầy hướng dẫn cũng rất nhiệt tình. Ở đấy cũng có lớp yoga trước buổi tập cho thiền sinh mới, cháu có thể đến sớm để tập yoga với Jacqueline. 

.

Dậy sớm vào sáng sớm mùa đông, lại vào ngày cuối tuần, đối với tôi thật không dễ, nếu không muốn nói là cực hình. Tôi vốn là con cú đêm, cho nên thường có xu hướng ngủ nướng vào buổi sáng mới đủ giấc, nhưng tôi đã nhận lời đi tập yoga cùng Jacqueline nên đành ép mình đi ngủ sớm vào buổi tối hôm trước. Lớp yoga khá vắng, vì bắt đầu từ sáu giờ ba mươi sáng, và Jacqueline đến đón tôi lúc sáu giờ. Đường vắng nên chúng tôi đi chỉ mất mười phút đã đến nơi. Jacqueline chu đáo mang theo hai cái bánh sừng trâu và hai quả chuối, bà chia cho tôi một nửa, và chúng tôi uống cà phê mà nhân viên phòng tập đã pha sẵn trong máy cho khách. Ăn uống xong thì tôi cũng vừa tỉnh ngủ, nhưng vẫn không tránh khỏi việc vừa tập vừa ngáp sái quai hàm khiến Jacqueline phải bật cười. 

Phòng tập thiền thuộc về một ngôi chùa của Phật giáo Tây Tạng vừa được xây vài năm trước. Chùa được xây bằng gạch đỏ, thiếp vàng ở các đường viền, đây cũng là hai màu đặc trưng của các chùa và trang phục tu sĩ của hệ phái này. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy chùa không được xây theo kiến trúc đặc trưng của Tây Tạng mà lại mô phỏng kiểu nhà thờ Thiên Chúa giáo, với chóp nhọn cao ở đỉnh và nội thất hiện đại. Nhập gia tùy tục, có lẽ muốn truyền đạo ở nơi Thiên Chúa giáo thống lĩnh như thế này thì phải ứng dụng những hình ảnh quen mắt với đại đa số người dân rồi mới từ từ thuyết giảng giáo pháp vốn vẫn còn được xem là xa lạ và mới mẻ này. Trụ trì chùa là một ni cô người Mỹ, tuổi chừng ngoài năm mươi, dáng người nhỏ nhắn linh hoạt, gương mặt hiền lành phúc hậu và đôi mắt như luôn mỉm cười. Bà là đệ tử của một vị lạt ma người Tây Tạng, người đã làm việc không ngưng nghỉ để vận động thuyết pháp và truyền giáo trong nhiều năm, và cuối cùng đã thành công trong việc xây dựng ngôi chùa bé xinh và khang trang như hiện tại. Ông đã trụ trì chùa trong vài năm đầu và cuối cùng bàn giao lại cho ni cô này, vì theo ông, đã đến lúc ông phải đến những vùng đất khác để tiếp tục sứ mệnh truyền giáo sau khi đã hoàn tất công việc tại đây. 

Tôi thật ngỡ ngàng vì thứ nhất, tôi không ngờ mình lại có duyên bước vào một ngôi chùa Phật giáo ở trời Tây như thế này; thứ hai, tôi cảm thấy các bức tượng Phật tại đây thật xa lạ, rất khác với hình ảnh các vị Phật tôi từng quen thuộc khi đi chùa với má ngày trước. Nhưng tôi đã quen với việc chắp tay để vái chào các vị ni sư và tôi tự nhiên làm việc ấy khi gặp bà ni cô trụ trì khiến bà có vẻ rất vui và cũng chắp tay chào tôi lại. Phyllis nhìn tôi thích thú, mỉm cười hồn hậu rồi khẽ gật đầu như thể tôi vừa đạt mức yêu cầu trong một cuộc trắc nghiệm nhỏ trước khi bước vào kỳ thi chính thức. 

Sau khi tập yoga xong, người tôi giãn ra rất sảng khoái nên việc ngồi yên trong một thời gian dài không có gì khó khăn lắm. Phòng tập thiền nằm tại góc khuất ở mặt sau của chùa, và cửa ra vào ăn thông với sân vườn vốn sẽ xanh rờn và đầy hoa vào những ngày xuân sắp tới. Phyllis khuyên tôi nên mặc thêm áo khoác nhẹ và trải một tấm chăn mỏng lên chân để giữ ấm khi ngồi thiền, và tôi thật biết ơn bà đã chu đáo như thế với tôi vì việc này vô cùng cần thiết khi ngồi yên bất động trong mùa đông như thế này. Chúng tôi ngồi xếp bằng trên một tấm đệm mỏng, hai tay thả lỏng và nghỉ trên gối, lưng thẳng, mắt cụp xuống sàn và lắng nghe lời thầy hướng dẫn. Vào đây học mới biết bản thân thiền cũng có nhiều hệ phái khác nhau với cách thức và mục tiêu thực tập khác nhau, và nơi đây dạy thiền vipassana - thiền minh sát - cũng quán chiếu hơi thở nhưng lại theo dõi chuyển động lên xuống của vùng bụng khi thở ra và hít vào, và từ đấy theo dõi các cảm nhận và cảm xúc của thân và tâm để rồi cuối cùng, quán chiếu về lẽ vô thường của đời sống và từ đó đạt đến ngưỡng nhập định và giải thoát. Tôi không có tham vọng đạt đến các cảnh giới cao xa như thế qua thiền định, nhưng lại có một ước vọng nho nhỏ là thông qua thực tập thiền, tôi sẽ có khả năng tập trung tốt hơn, trí nhớ được tăng cường hơn và do đó, suy nghĩ cũng sáng suốt hơn. 

Sau khi nghe qua phần lý thuyết ngắn gọn, các thiền sinh mới bắt đầu nhắm mắt lại và thực hành. Không gian tĩnh mịch hòa quyện với hương trầm thoang thoảng trong gian phòng gợi nhớ trong tôi những ngày đi chùa thắp nhang bái Phật với má, và cứ thế tâm tôi lại lan man nhớ lại những tháng ngày ấy mà quên mất nhiệm vụ chính lúc này là theo dõi hơi thở và theo dõi thân tâm. Rồi khi giật mình trở về hiện tại, tôi lại nghĩ đến vùng bụng, nơi hơi thở ra vào khiến nó nâng lên hạ xuống, tôi thấy mình chẳng quán chiếu gì được cả và bắt đầu cảm thấy chán, lại muốn nghĩ đến những chuyện khác làm cho tôi vui và thích thú hơn. Cứ thế, tôi cứ tự chơi trò đuổi bắt với tâm, mỗi khi nó đi đâu lan man thì tôi vui vẻ với việc ấy một chút, rồi lại kéo nó về, bắt nó phải theo dõi hơi thở như đã được chỉ dẫn. 

Tiếng chuông đồng âm vang nhè nhẹ báo hiệu mười lăm phút đầu vừa qua, các thiền sinh mới có thể ngưng tập vào lúc này nhưng khi tôi liếc mắt nhìn sang hai bên thì thấy hai người bạn của tôi vẫn ngồi im bất động, thế là tôi quyết định ngồi tiếp mười lăm phút nữa xem thế nào. Lần này, tâm tôi còn dao động mạnh hơn cả lần trước, vì tôi không còn nhớ những ngày đi chùa xưa mà tôi lại nghĩ đến một người. Tôi chẳng hề mảy may có ý muốn nghĩ đến người ấy nhưng tâm tôi đã dao động đến mức mất kiểm soát, và khi nó bắt đầu nghĩ đến người ấy thì tôi như có cảm giác như đang lạc vào một cái lưới nhện mềm mại như lụa và êm ái như tơ, nơi ta chỉ muốn dừng chân nghỉ và tạm quên hết mọi sự trên đời, rồi chỉ biết tiếp tục phiêu du bất định vào chốn bồng lai tiên cảnh mà nó vẽ vời, giăng bẫy …

Monday, April 10, 2017

Giáng Sinh xưa - Were we lovers in a past life? (16)

Tôi nhớ Jacqueline và chất giọng Pháp của bà, cùng với vài từ Pháp mà thi thoảng bà lại chêm vào lời thoại, chẳng hiểu sao tôi cảm giác nó tao nhã và quý phái thế nào. Ngày xưa ba tôi từng học “trường Tây”, và tôi nhớ trong những câu chuyện của người lớn, khi ba nói chuyện với mấy ông bạn xưa, lâu lâu tôi lại nghe vài từ “tiếng Tây”. Tôi vốn hay tò mò, sau khi họ về thì tôi lại hỏi ông những từ “lạ” mà tôi hóng hớt được có nghĩa gì, và mặc dù ba đã nghiêm mặt dạy tôi rằng con nít không được hóng hớt khi người lớn nói chuyện, nhưng vẫn giải nghĩa những từ tôi hỏi để thỏa trí tò mò cho tôi. Về sau, ba thấy tôi có vẻ thích ngoại ngữ nên ông bắt đầu dạy tiếng Pháp cho tôi, và khuyến khích tôi đọc nhiều sách. Trong đời thường, tôi để ý ông cũng hay dùng một số từ vựng Pháp khi nói chuyện với người khác. Tôi nghĩ đó là do thói quen lâu ngày chứ không phải ông thuộc dạng người thích chứng tỏ ta đây, ông không xưng hô “toa” và “moa” như một số trí thức cùng thời, và cũng chẳng cố tình chêm tiếng Tây khi nói chuyện để phân biệt bản thân mình với những người thất học. Và tôi nghĩ Jacqueline cũng vậy, bà chêm tiếng Pháp theo thói quen, chứ chẳng phải để làm màu mè gì. 

Jacqueline về Pháp hai tuần vì lý do đột xuất, bố của bà không khỏe nên bà phải vội vã về thăm, và tôi đã chẳng tập tành gì trong hơn một tuần nghỉ Giáng Sinh và năm mới. Lý do là trường đóng cửa, và Jacqueline thì không có ở nhà, nên tôi chẳng có nơi để tập đàn. Bà rất không hài lòng khi nghe tin này, nhưng không phải bà bực tôi, mà là bực ông con trai của bà. 

- Tôi đã bảo nó nhắn với cháu cứ sang nhà tôi tập đàn trong thời gian tôi đi vắng, và chỉ bảo thêm cho cháu, thế mà nó lại quên. Thà rằng cháu chỉ tập mười lăm hai mươi phút mỗi ngày, như thế vẫn tốt hơn nhiều so với việc bỏ dở vài ngày rồi lại tập dồn dập mấy tiếng trong một ngày. Tôi thấy cháu tiến bộ rất nhanh, ngoài một con bé mười tuổi khác mà tôi từng dạy thì cháu là người học nhanh nhất mà tôi từng biết đấy. 

Tình huống này khá bất thường, thứ nhất là Jacqueline chưa bao giờ nhắc đến B với tôi, thứ hai, tôi nghĩ có lẽ B có lý do riêng. Tôi thoáng nghĩ đến cô gái tóc vàng trong đêm tiệc Giáng Sinh hôm nọ và suýt buộc miệng nói việc ấy với Jacqueline, nhưng rồi tôi quyết định không nói gì. Tôi không muốn xáo trộn đời tư của ai cả, và nhất là khi việc ấy có liên quan đến mình, tôi cũng muốn bình yên cho bản thân, sau khi vừa xong một cuộc sóng gió khiến tôi vô cùng mỏi mệt. Và nếu nói việc của B ra thì trông tôi sẽ rất vô duyên. Không, cũng may tôi đã quyết định đúng đắn. Rồi bà hỏi thăm tôi về đêm giao thừa khi khu chung cư tôi ở bị cháy, và nói thêm. 

- Đêm ấy B cãi nhau với Jessie, vì con kia muốn đi hộp đêm đón năm mới trong khi B lại thích một nơi thanh tịnh ấm cúng. Cuối cùng hai đứa nó chẳng đi đâu với nhau và B ở nhà một mình. Đêm xảy ra hỏa hoạn, B có mặt trong đội chữa cháy đấy. Nó là tình nguyện viên trong trạm cứu hỏa từ thời còn ở Học viện Hải quân, khi nào đi công tác xa nhà thì thôi, chứ khi về lại thành phố thì nó vẫn phục vụ trong trạm cứu hỏa. 

À, thì ra cô nàng cũng có một cái tên! Tôi lẩm bẩm trong đầu, mừng vì đã không phải nhắc đến cô ta trước. Jacqueline tạm ngừng và nhìn tôi bằng ánh mắt hơi khác lạ khiến tôi không thoải mái. 

- Nó đã rất lo cho cháu trong đêm ấy. Vì chẳng biết căn hộ của cháu ở khu nào, nó đã chạy quáng quàng hỏi khắp nơi …
- Ôi thế à … - tôi chỉ biết nói thế - hy vọng B không sao …
- Nó bị bỏng trong khi … - Jacqueline đột ngột chuyển sang ý khác - nó chỉ biết cháu sống ở tầng trên cùng, mà đêm ấy tầng ba lại là tầng bị cháy, thế nên nó đã rất sợ. 
- Cháu cảm kích việc ấy … 

Tự dưng tôi cảm giác mình và Jacqueline như đang dùng mật mã để nói chuyện với nhau vì cả hai đều như đang cố tránh nói thẳng hoặc thừa nhận một sự thật nào đó.

- Thế, anh ấy đã kể mọi việc cho cô rồi …
- Hai mẹ con tôi rất thân nhau - Jacqueline mỉm cười hồn hậu - từ lúc bốn, năm tuổi, nó đã luôn thắc mắc tại sao nó không thể cưới tôi, và bảo nếu không cưới được mẹ thì nó cũng chẳng muốn cưới ai hết! 

Tôi ngắm kỹ gương mặt Jacqueline, và nhìn thấy đôi mắt của B trên ấy. Anh có đôi mắt rất giống mẹ, mặc dù màu mắt rất khác nhau nhưng sự biểu cảm trong ấy thì không sai đi đâu được, cộng với cái nhướn mày mỗi khi họ thích thú một điều gì đấy khiến cho gương mặt họ trông có vẻ gì đó hơi tinh nghịch và hài hước. Tôi cố hình dung lại ngoại hình của B thì thấy anh chẳng giống mẹ chút nào, chỉ giống có đôi mắt ướt át ấy thôi. Hay là anh ta giống bố? Tôi chợt nhận ra, Jacqueline chưa bao giờ nói gì về chồng mình, và tôi cũng chưa bao giờ gặp ông ấy. 

- Thế, cháu đi chơi ở đâu vào đêm ấy?

Trời, câu hỏi mà tôi sợ nhất giờ đây đã rơi phịch trước mặt, bắt tôi phải đối diện và giải quyết. Tôi lí nhí trả lời, gần như không nghe tiếng của chính mình. 

- Cháu đi nghe nhạc ở Le Chat Noir. 
- Ô là la, cháu đã đến đấy thì chắc chắn sẽ không phí thời gian? Tôi là bạn của bà chủ nơi ấy đấy. 

Đến lượt tôi hào hứng. 

- Cô có hay gặp bà ấy không? Vì cháu có một việc nhỏ muốn nhờ cô giúp. 
- Dạo này thì chúng tôi ít gặp, vì dịp cuối năm, nhưng giờ đây có lẽ sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Trong những lần gặp mặt với các bạn của tôi, lẽ ra cháu đã có dịp gặp bà ấy đấy, nhưng bà ấy bận rộn suốt nên đã chẳng tham gia được. Thế cháu muốn nhờ việc gì?

Tôi kể cho Jacqueline nghe về bố Bear và bà Rosalyn, và mong bà chủ Le Chat Noir cho treo ảnh hai ông bà như những nghệ sĩ đầu đàn trong lịch sử của quán, ngoài ra, ông bà còn có rất nhiều ảnh mang tính tư liệu quý giá khác về quán mà họ sẽ rất thích. Jacqueline có vẻ rất phấn khởi, bà gật đầu tán thành ngay. 

- Việc ấy thì tôi ủng hộ hoàn toàn! Cháu thấy đấy, tôi rất thích lịch sử nghệ thuật. Đây là việc nên làm, để nhắc nhở các thế hệ nghệ sĩ sau này về những con người tuyệt vời của thế hệ trước. 

Tôi mừng quá, cảm giác chỉ muốn ba chân bốn cẳng chạy về nhà và báo tin cho ông bà Bear biết, rồi chợt nhớ ra rằng mình vẫn chưa gặp bà chủ quán kia. 

- Hay là cháu nói chuyện trước với ông bà ấy, nếu họ chấp thuận thì cháu sẽ cho cô biết để hẹn gặp bà bạn của cô?
- Thế cũng tốt, đúng ra phải hỏi ý kiến của họ trước. Tôi cũng nôn được xem những bức ảnh quý giá ấy!

May mà Jacqueline không hỏi gì thêm về bạn đi cùng của tôi trong đêm giao thừa ấy, vì tôi có cảm giác bà đang ám chỉ cái gì đấy giữa tôi và B. Hoặc có lẽ chẳng có gì đặc biệt cả, vì tính bà ấy thẳng thắn và nồng nhiệt, bà ấy quý tôi nên muốn cho tôi biết rằng mẹ con bà đã lo lắng thế nào về sự an toàn của tôi mà thôi. Nghĩ đến việc hai mẹ con Jacqueline rất thân nhau khiến định kiến của tôi về B rơi rụng đi một ít. Anh ta trông có vẻ phong trần lãng tử, bất cần đời và chẳng biết sợ là gì, nhưng đàn ông biết yêu kính mẹ là đàn ông tốt và đáng tin cậy. Tự dưng tôi cứ nghĩ bâng quơ về B, đã bao lâu rồi kể từ lần chạm mặt đầu tiên hơi bất thường ấy nhỉ?



Phyllis là một phụ nữ to đậm, người cao và to béo nhưng không phục phịch mà da thịt bà có vẻ rất chắc. Tuy dáng người không có gì xuất sắc nhưng gương mặt bà rất đẹp, tôi cứ thầm nghĩ không biết hồi trẻ trông bà như thế nào, bà có từng thon thả hay không? Nếu thế thì bà chắc cũng phải từng là giai nhân tầm cỡ chứ chẳng chơi! Bà xuất hiện y như trong suy nghĩ của tôi, một phụ nữ nhiều son phấn, trang phục có phần cầu kỳ hơi khác người, và là loại người mà ta có thể ngửi được mùi nước hoa từ người họ khi họ còn ở khoảng cách khá xa. Tôi nhìn Jacqueline và Phyllis khi hai người ôm hôn xã giao mà thấy lo cho Jacqueline vì ngộ nhỡ Phyllis trượt chân và ngã lên người Jacqueline thì chắc chắn bà bạn nhỏ nhắn của tôi sẽ bị đè đến bẹp dúm. Rồi tôi lại cố xua đi suy nghĩ tinh quái không hay ấy của mình đi mà cố tập trung vào mục đích của cuộc gặp hôm nay. 

- Ôi, tôi không ngờ được gặp một người trẻ thế này và đã thích jazz. Thế cơ duyên nào đưa cô đến với jazz thế? 

Phyllis vui vẻ hỏi tôi trong khi hai bàn tay bà chắp vào nhau, mắt nhìn thẳng vào tôi, miệng cười tươi và người hơi rướn về phía trước, một ngôn ngữ cơ thể cho biết rằng người hỏi đang thật sự quan tâm và thích thú. Điều ấy khiến tôi phải cố suy nghĩ vì tôi không thật sự có câu trả lời chính thức. Ngoài ra, câu hỏi của bà khiến tôi có cảm giác rằng bà đánh giá trình độ âm nhạc của tôi hơi cao so với thực tế của tôi!

- Gọi là cơ duyên thì chẳng biết có đúng hay không, nhưng có một lần khi còn ở trung học, cháu tình cờ nghe một cô bạn kể về bộ phim cô ấy vừa xem và nói rằng nhân vật chính là một nghệ sĩ nhạc jazz. Có lẽ đó là lần đầu cháu nghe đến khái niệm ấy, và bắt đầu tò mò, thế là cháu ra tiệm bán băng đĩa, tìm mua đĩa nhạc jazz về nghe thử xem sao, và tự dưng cháu thích và cảm thấy gần gũi với nó vô cùng, chẳng biết phải giải thích thế nào. 
- Cô có tin vào tiền kiếp không?

Tôi hơi ngớ ra vì câu hỏi có vẻ “lạc quẻ” này, chẳng hiểu tại sao bà lại hỏi như thế. 

- Khi còn bé thì cháu thường nghe người lớn nói về tiền kiếp, về đầu thai, nên có lẽ cháu đã tin vào việc ấy từ trong tâm thức một đứa trẻ, nhưng khi lớn lên thì cháu hoang mang về việc ấy, vì …
- .. vì không có chứng cứ khoa học phải không? - Phyllis vui vẻ tiếp lời tôi. 

Tôi gật đầu tán thành ý ấy của bà. 

- Tôi hỏi cô câu ấy, vì tôi tin vào tiền kiếp. - Phyllis nói tiếp. - Việc cô yêu thích jazz vốn chỉ xuất phát từ tò mò và từ lần nghe đầu tiên khiến tôi liên tưởng đến việc ấy, rằng cô có “duyên” với jazz. Cô thấy đấy, jazz rất đặc biệt vì nó đòi hỏi một trình độ cảm thụ âm nhạc nhất định. Cô có nhớ những giấc mơ mà trong đó cô đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ nhưng trong tâm thức trong mơ, cô lại thấy nó rất quen thuộc và cảm giác mình đã từng đến đấy không?

Câu hỏi của bà lại khiến tôi liên tưởng đến những giấc mơ hay lập đi lập lại của tôi, và đúng là tôi thường thấy những nơi như Phyllis vừa nói. 

- Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi ta gặp một người lạ trên đường nhưng ta cứ có cảm giác đã quen biết người đó từ thuở nào. Cô có từng gặp ai như thế chưa?

Tôi nghĩ đến B, dường như tôi đã có cảm giác ấy khi gặp anh lần đầu. Còn David thì thế nào nhỉ? Không, tôi không hề có cảm giác ấy với David, mặc dù tôi gặp David nhiều hơn. Ngoài ra, trong thâm tâm, tôi cảm giác mình rất thoải mái khi nói chuyện với B mà không phải màu mè khách sáo gì, như thể tôi đã quen anh từ lâu. Với David thì tôi cứ luôn phải giữ kẽ, để ý lời ăn tiếng nói, từng điệu bộ cử chỉ của mình. Tôi bắt đầu chìm vào suy nghĩ mông lung …

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...