Thursday, May 17, 2012

Hiến nội tạng

Hay nói ghê rợn hơn là ... hiến xác!

*

Mình mới đi ra phòng giao thông đổi bằng lái về. Cứ 5 năm lại đổi một lần. Tổng cộng thời gian đi về, ngồi chờ, làm thủ tục, cho đến khi cầm cái bằng lái mới trong tay, là 1 tiếng rưỡi. Thích làm việc với các bạn Mỹ ở chỗ đó. Lúc nào cũng nhanh chóng, gọn gàng, hiệu quả, thân thiện.

Ở các phòng giao thông này có chương trình hiến nội tạng (sau khi mình ngủm, dĩ nhiên!). Lần trước mình đã nói "không". Lần này bọn họ lại không tha mình, lại hỏi tiếp. Mình trả lời chắc nịch "không". Bà làm thủ tục nhìn mình, mình mắc cỡ quá, chữa thẹn "ý tôi là, không phải lần này!". Bà ta cười sằng sặc "không sao, không sao, tôi cũng chưa sẵn sàng cho vụ này!".

Chẳng phải là mình tiếc rẻ gì cái xác của mình. Mình cũng rất muốn đóng góp gì gì đó cho nhân loại (haha), nhưng nghĩ đến việc hiến nội tạng sau khi mình chết thì lại thấy rợn rợn. Đang còn xuân sắc mơn mởn thế này (uhm, cứ cho là thế đi!) mà nghĩ đến cái chết, rồi còn bị banh xác moi ruột ra ... đã thấy oải. Thôi, chắc phải chờ đến khi mình có cái nội tạng nào đó bị hỏng hóc cần thay, hoặc người thân, bạn bè có vấn đề đó, thì mình mới có động cơ nghĩ đến vụ hiến dâng này được!

Có bạn nào đã đăng ký hiến dâng khi làm bằng lái ko?

:-)

Đồ chơi của con

Mình rất kỵ việc mua quá nhiều đồ chơi cho con. Không chỉ phí tiền mà còn không tốt cho con. Phí tiền thì rõ rồi. Đồ chơi giờ toàn made in China, bọn nhỏ chơi vài lần là chán, cha mẹ phải mua đồ chơi mới cho chúng. Cứ thế, đồ chơi trong nhà cứ chất cao như núi. Bỏ thì thương mà vương thì tội. Chẳng thế mà mỗi lần đi ngang những nhà có "garage sale" (tức là bán những thứ đã sử dụng trong nhà, giá cả thường chỉ là vài $, với mục đích là tống tháo "rác" trong nhà), mình thường thấy đồ chơi trẻ em chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng số của nả linh tinh.

Khi có quá nhiều đồ chơi trong nhà, trẻ con sẽ dễ bị phân tâm, chúng nó sẽ không tập trung chơi một món, tìm hiểu hay học hỏi được gì về món đồ chơi đó. Sờ lướt vài lần, xong, chán, lại bỏ đi chơi món khác. Rồi chán, lại đến trò quăng đồ chơi, hoàn toàn sai mục đích sử dụng!

Với lại, nhiều đồ chơi trong nhà, mình sẽ phải suốt ngày còng lưng dọn dẹp!

Bên cạnh đó thì mình cũng không thích đồ chơi có tiếng nói, tiếng động, hay thậm chí có nhạc. Những thứ đồ chơi gọi là "mang tính giáo dục", chẳng hạn bấm vào thì nó nói "a, b, c", hoặc "1, 2, 3", v.v., rồi thì tiếng mèo gào chó sủa, lợn ủn ỉn, v.v. mình thấy nó chẳng có tác dụng giáo dục gì hết. Nhiều chức năng quá, bấm càng nhiều thì càng có những thứ tiếng động khác nhau phát ra. Thế nên bọn nhỏ khoái, càng bấm tợn cho vui tai, chứ học hành gì. Muốn học chữ cái, mẹ đưa cho các chữ cái cụ thể, mẹ dạy đọc, mẹ dạy hát "abc", muốn học chữ số, mẹ cũng dạy bằng hình ảnh cụ thể. Muốn nghe chó sủa mèo kêu, mẹ chỉ cho con chó trong xóm, mẹ đưa đi vườn thú, nông trại, mẹ dạy con cách bắt chước tiếng kêu của bọn thú ấy, cho con tận mục sở thị, sờ mó, nghe ngóng xem bọn thú ấy kêu réo ra sao ... v.v. thì hiệu quả hơn nhiều.

Mà không chỉ có thế, cái sự ồn ào của đồ chơi điện tử. Mình để ý, khi nào con trai chơi đồ chơi có tiếng động là nó ngồi đực ra nhìn, rất bị động. Còn khi nó chơi những món khẽ khàng thì nó tò mò tọc mạch, sờ mó, xem xét món đồ chơi từ đầu đến đít. Đó là lúc trí não của con tập trung cao độ và phát huy tối đa sức tưởng tượng và sáng tạo của con.

Mua sách cho con thì không bao giờ là đủ. Hồi đó mình hơi lo vì con trai rất lơ là với sách. Cố đọc sách cho nó thì nó cứ giãy giụa đòi tuột xuống đất để chơi những thứ khác. Bây giờ thì lúc nào nó cũng "đọc sách", mọi lúc mọi nơi. Mình thích đọc sách hình với con và tìm những vật dụng trong nhà mà sách có hình, rồi đặt ngay sát hình, chỉ cho con. Vậy mà nó học rất nhanh. Tư duy trừu tượng không thì chưa đủ, phải có trực quan sinh động nữa . Hôm nọ mình thấy nó cầm cuốn sách đi rảo khắp nhà, miệng nói không dứt. Một hồi thì nó đi đến gặp mẹ, đưa cho mẹ cái bàn chải răng và chỉ vào hình bàn chải răng trong sách, rồi nó làm điệu bộ đánh răng cho mẹ xem. Mẹ nhìn nó mà muốn tan chảy .

Đã vài lần, mình bị cám dỗ, rất muốn cho con xem TV để nó "ngồi yên" để mình còn làm việc mà ko bị nó "cản trở", nhưng rồi mình luôn dằn lòng và cho đến nay thì chưa bao giờ cho con xem TV. Mình là người bảo thủ, thích trường phái cổ điển, trong bất cứ việc gì, kể cả việc giáo dục cho con. Thay vì cho con tập làm quen với trò chơi điện tử, công nghệ mới, TV, v.v., mình chỉ thích cho con nghe nhạc cổ điển khi con ngồi chơi hoặc "đọc sách" trong yên lặng, hoặc khi nó bồn chồn ko yên thì cho con nghe nhạc sôi động, nhảy với con, rồi đưa con đi dạo, chơi xích đu, hoặc đưa con ra sau nhà cho con vọc nước và ngắm vịt, chim chóc. Chắc vì thế mà khi ở kid's club,
trong khi những đứa trẻ khác ngồi dán mắt vào TV thì con mình cứ chạy tung tăng chơi, hoặc ngồi yên lặng trong một góc phòng và đọc sách (trong khi mắt thì kín đáo đảo quanh nhìn bọn bạn :-))

p.s. đó là nỗ lực của mình, nhưng mà mẹ chồng thì ... trước mặt mình thì bà rất dứt khoát "mẹ không cho nó nhiều đồ chơi một lúc đâu, và nhất là đồ chơi điện tử là không có đâu" ... ấy vậy mà thi thoảng, bà lại đi garage sale, rinh về nhà một đống đồ chơi và nói rằng "it's very CHEAP, this and that, only 'à đó là' (a dollar)"

Wednesday, May 2, 2012

Mắt khói kaki




Trả bài cô giáo Hồng nhé! Lần đầu tiên mình quẹt màu xanh rêu, và quẹt đậm tay thế này! Ở ngoài nhìn đậm lắm, ko biết sao lên hình nó lợt bớt cô giáo ơi :-))

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...