Monday, November 9, 2015

Văn hóa tranh luận





Cuối tuần vừa rồi vợ chồng tôi cùng hai cặp khác ăn tối và chơi board game ở nhà một người bạn rất vui.  Đang mùa tranh cử tổng thống Mỹ nên đề tài nói chuyện cũng không thể rơi ra ngoài vụ ấy được.  Bàn chán về các ứng viên đang lên và sắp xuống của cả hai đảng chính, thì anh chồng chủ xị chuyển sang đề tài liệu nhà nước có nên can thiệp vào quyết định phá thai của chị em phụ nữ hay không.  Thế là cuộc vui đang xởi lởi biến thành cuộc chiến nóng hổi giữa anh ấy và một con bạn kia.  Đã mấy chục năm nay, cứ đến hẹn lại lên, đề tài tranh cử tổng thống chỉ xoay quanh các chủ đề chính: khôi phục và phát triển kinh tế, vấn đề di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ, đường lối ngoại giao / quân sự vùng Trung Đông, bảo hiểm y tế và phúc lợi XH … còn lại là các vấn đề “ngoài rìa” khác, chẳng hạn vụ nghiên cứu khoa học bằng stem cells, hay liệu có nên cấm hẳn hoặc siết chặt quản lý việc phá thai? Bảo hiểm có nên bao quản chi phí y tế cho thủ thuật phá thai hay không? …

Anh này phản đối hành động phá thai vì quan ngại đến sự suy đồi đạo đức XH, cô kia thì cho rằng mặc dù phá thai là việc không tốt, nhưng cô phản đối việc nhà nước can thiệp đến quyết định cá nhân liên quan đến cơ thể, sức khỏe, tương lai, danh dự, v.v. của một cô gái, một người đàn bà.  Anh này lại bảo, anh không phản đối nếu việc có thai là hậu quả của cưỡng hiếp, là việc cần thiết vì vấn đề sức khỏe bà mẹ, nhưng nếu cô gái sau một lần ăn chơi không “an toàn” và hậu quả là mang bầu thì cô không được cứ đi giải quyết hậu quả rồi phủi tay sạch sẽ xem như không có gì quan trọng.  Thì cô bạn lại lên tiếng, cho rằng rủi cô ấy có dùng phương pháp tránh thai nhưng hậu quả vẫn xảy ra ngoài tầm kiểm soát của cô thì sao, thì anh lại bảo việc xảy ra dù là kết quả của “tai nạn” hay vô trách nhiệm thì hai kết quả vẫn giống nhau: một thai nhi đang tượng hình và đáng được ban bố cho sự sống, đó là hiện tại khách quan mà người gây ra nó, dù vô tình hay cố ý đều không được vờ vịt và chối bỏ trách nhiệm.  
Thế là lúc này chị vợ của anh này xông vào tham gia :D.  Chị hỏi anh: “nếu bây giờ tình hình dân số nước ta đang ở mức báo động và nhà nước ra chỉ thị, tất cả đàn ông đã có con đều phải đi triệt sản, thì anh sẽ nghĩ sao? Liệu anh có vui vẻ chấp hành?!?!” haha, mình suýt phì cười, suýt sặc nhưng chẳng thấy ai cười nên phải cố nín :-)).  Ý cô vợ này là, nếu nhà nước nhúng tay vào vấn đề cá nhân thiên hình vạn trạng như thế, gặp phải anh, nếu nó liên quan đến việc truyền giống của anh, liệu anh có gào lên phản đối như cách chị em đã phản đối vì nó tước đi quyền quyết định về cơ thể bản thân mình hay không?  Cô bạn kia lại nói tiếp: “tao có 2 đứa con gái, lỡ một ngày nào đó khi nó lên 14 và gọi mẹ bảo rằng nó mang thai vì bất cứ lý do gì, thì tao không thể để cho nhà nước nhúng tay vào vấn đề nội bộ gia đình tao được!”  Thì anh lại bảo “hãy nhìn con bé C con gái (nuôi) của tao xem, ngày xưa nếu mẹ nó vì “hoàn cảnh” mà bỏ nó đi thì bây giờ nó đã không có cơ hội được sống, vợ chồng tao cũng mất đi một cơ hội xin được đứa con nuôi xinh đẹp hoàn hảo như thế này”.  Cô vợ của anh lại tiếp tục chen vào “Nhưng nếu giữ đứa bé trong bụng đồng nghĩa với việc bị gia đình tống ra khỏi nhà, bơ vơ không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, không chăm sóc y tế, thì liệu đứa bé có được nuôi dưỡng tốt đẹp trong suốt thai kỳ, được sinh ra trong vòng tay yêu thương chờ đợi của người mẹ, của họ hàng chung quanh??” Anh bảo “thì thằng đàn ông phải chung vai làm phận sự của mình vì đó cũng là trách nhiệm của anh ta”.  Chị vợ đốp tiếp “nếu thằng đàn ông đó mới 16 tuổi, còn xin tiền bố mẹ để tiêu vặt thì sẽ làm sao?? Hoặc ngày xưa trước khi vào nghề, anh quan hệ với bạn gái và cô ta mang bầu, nếu anh cao thượng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cũng đồng nghĩa với việc con đường sự nghiệp của anh sẽ tiêu tan, liệu anh có đủ can đảm?” Anh lắc đầu, “anh sẽ làm nông dân, làm thợ rèn nếu phải bỏ nghề mà nhận lãnh trách nhiệm”. 
Cô bạn kia mỉm cười, “tao biết, vì mày là đàn ông nên mày sẽ không thể nào hiểu được chị em phụ nữ cảm giác ra sao khi họ mất đi quyền được quyết định về cơ thể của chính mình.  Dù chúng ta có tranh luận lâu dài đến đâu thì kết quả cũng sẽ không lay chuyển.  Tao hiểu rằng mày quan ngại về vấn đề đạo đức nhân sinh, bản thân tao cũng có một con bạn, đã từng nạo phá thai 3 lần từ năm nó lên 15 … tao không hề bênh vực cho việc ấy, nhưng vấn đề này là thiên hình vạn trạng, sẽ không ổn nếu để luật pháp khô cứng nhúng tay vào.”  

Sau đó hai đứa bắt tay nhau, cười xòa, quyết định tiếp tục quay lại chơi game.  Hai đứa sau khi tranh luận nảy lửa thì cũng dịu xuống và bảo rằng đứa kia tranh luận sòng phẳng, khách quan, không để cảm xúc cá nhân chi phối mà xúc phạm lẫn nhau.

Điều đáng nói ở đây là thái độ trong và sau khi tranh luận của hai đứa chúng nó.  Khách quan, rõ ràng và nhất quán trong quan điểm cá nhân nhưng vẫn tôn trọng ý kiến trái chiều, không xúc phạm, chụp mũ nhau, và vẫn “keep cool” sau cuộc tranh luận.  Nhờ tranh luận có văn hóa, biết tôn trọng nhau, tình bạn giữa hai đứa không bị sứt mẻ mà ngược lại, chúng nó càng nể nang nhau hơn, mặc dù vẫn không đồng tình nhưng đã hiểu hơn về quan điểm trái chiều của đứa kia.  Các vấn đề xã hội luôn mang tính chất mở, không có hồi kết, không có điểm dừng, vì bản thân XH luôn vận động và phát triển.  Ngày nay nếu một quan điểm được xem là đúng, là kim chỉ nam cho các hành vi ứng xử trong XH thì ngày mai nó cũng có khả năng bị vứt vào sọt rác vì đã lỗi thời không còn thích hợp cho hiện tại. 


No comments:

Post a Comment

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...