Thursday, December 28, 2017

Giáng Sinh xưa - Let me show you the world (28A)


Con đường ngoằn ngoèo dài như vô tận ấy rồi cũng kết thúc gần đỉnh đồi, phần đường còn lại không còn là đường tráng nhựa nữa mà chỉ toàn cỏ dại và sỏi đá, có vẻ như nó đã từng là đường nhựa nhưng rồi bị bỏ hoang không sử dụng và không được bảo quản nên mới trở nên hoang tàn như thế này. B dừng xe ở đấy, hơi châu mày, trước mặt chúng tôi chỉ là bóng tối đặc quánh vì cây cối um tùm rậm rạp và không có đèn đường, rồi quay sang hỏi tôi. 
“Em đã sẵn sàng chưa?” 
Tôi hơi chột dạ, cảm giác phiêu lưu thích thú ban nãy giờ đây đã nhường chỗ cho nỗi lo sợ mơ hồ nào đó. “Sẵn sàng cho việc gì?” - Tôi hỏi lại mà giọng có vẻ không được chắc chắn lắm, vừa lúc nhạc hiệu cho câu chuyện trinh thám bắt đầu trỗi lên với cường độ âm thanh to bất thường càng gây hiệu ứng sợ hãi kỳ quặc trong tôi. Và tôi giật mình thật, khiến B bật cười. 
“Thật ra” - anh hắng giọng - “chúng ta vẫn chưa đến nơi cần đến, chỉ chừng vài phút nữa thôi nhưng tôi không ngờ phần đường này lại tối tăm và xuống cấp như thế này.” Rồi anh hạ thấp giọng, có vẻ như đang cân nhắc tìm lời thích hợp để giải thích một điều khó nói nào đấy. “Tôi không có ý định đưa em đến một nơi vắng vẻ và tối tăm như thế này, nếu em không thích thì mình đi tìm nơi khác.” Anh vừa nói vừa khẽ gõ hai ngón tay cái trên vô lăng.
Lúc này tôi đã thư giãn đôi chút. Tôi nghĩ mình chẳng lo sợ gì về B, mà vì con đường dốc cao và ngoằn ngoèo tự dưng gây cho tôi cảm giác chóng mặt khó chịu, cộng với bóng tối bao trùm khiến tôi như muốn nghẹt thở. Rồi tôi cố tình nhìn quanh quất chung quanh, như đang tìm kiếm gì đấy, thế là B hỏi ngay xem tôi đang làm trò gì!
“À, tôi đang cố tìm xem nơi này có cái gì ‘rất hay’ như anh đã quảng cáo khi nãy đấy mà!” - Tôi láu cá trả lời anh, mà thật lòng, tôi cũng đang cố hình dung xem nơi này có gì hay ho khiến anh đã có vẻ hào hứng bất thường khi nói về nó.
“Tôi đã có nói rằng chúng ta chưa thật sự đến nơi, em quên rồi à?” - B vừa nói vừa gõ nhẹ ngón trỏ lên trán tôi. Câu chuyện đã sắp bắt đầu, người dẫn truyện đang đọc giới thiệu về tác giả tác phẩm khiến cả tôi và B đều cảm giác phải khẩn trương quyết định nhanh. 
“Thế thì chúng ta đi tiếp đến nơi ấy đi!” - Tôi chưa kịp nói xong thì B đã cho xe đi, nhưng anh lái rất chậm khiến tôi hơi ngạc nhiên. Con đường hoàn toàn tối đen, một câu chuyện trinh thám hấp dẫn vừa mở màn, cộng với tiếng đá sỏi lạo xạo dưới bánh xe khiến tôi càng phấn chấn. 
“Em nhắm mắt lại nhé! Khi nào đến nơi tôi sẽ cho em biết.” Lúc này giọng anh đã tự tin hẳn ra, tôi nghĩ anh đã tìm được đúng nơi anh cần tìm. May trời đoạn đường cuối này không ngoằn ngoèo nữa mà khá phẳng và cũng thoai thoải chứ không quá dốc, nếu không thì tôi sẽ chóng mặt đến chết mất. 
Lúc này xe đã dừng lại, tôi thở phào, có lẽ chúng tôi đã đến nơi, và tôi cầu trời là như thế. B dặn tôi ngồi yên đấy và khoan hãy mở mắt ra. Rồi tôi nghe có tiếng mở và đóng cốp xe, và có vật gì đó nằng nặng nhưng mềm mại phủ nhẹ lên vai tôi, có lẽ là một chiếc chăn bông ấm áp. 
“Em chịu khó một chút, phải bước ra ngoài chừng chục bước nữa mới được mở mắt ra. Không được gian lận nhé!” Tôi nghe giọng anh có rất nhiều niềm vui và cả một nụ cười mãn nguyện, tôi cũng mỉm cười, lòng ấm áp. 
Anh dắt tay tôi bước ra khỏi xe, lúc này tôi chợt nhớ đến chiếc giày vừa đứt quai, mặc kệ, tôi đang hào hứng muốn được mở mắt ra xem cái nơi đặc biệt này nó huyền ảo đến mức nào. Tôi dò dẫm bước đi, và cảm giác như đang leo lên dốc, đôi chân bỗng nặng trĩu trong khi tôi cố hít thở không khí trong lành cho buồng phổi tội nghiệp của tôi suốt đêm nay.
“Một, hai, ba, mở mắt!” 
Giọng anh như reo. Lúc này đây, xa xa trước mắt tôi, bên kia sông, là một thành phố tí hon về đêm với đủ thể loại đèn màu lấp lánh, nước sông về đêm với những gợn sóng nhẹ, mềm mại như nhung phản chiếu ánh đèn màu từ những cửa hiệu và hàng quán dọc bên sông trông như sao sa. Tôi không nói nên lời, chỉ biết mình đang há hốc mồm và mắt thì mở to trong niềm hân hoan và ngạc nhiên cực độ. Có lẽ B cũng đang hưởng thụ quang cảnh lung linh mờ ảo ấy như tôi, hoặc anh đang lặng yên để tôi nhâm nhi niềm vui thích ấy cho thật trọn vẹn. 
“Cám ơn anh, giờ thì tôi đã hiểu tại sao anh đã nằng nặc phải đưa tôi đến đây!” Giọng tôi hơi run. Cuối cùng thì tôi cũng đã có thể nói được gì đó, sau một quãng lặng lâu giữa hai chúng tôi. B không trả lời tôi, anh chỉ mỉm cười và nhìn sâu vào mắt tôi khiến tôi bối rối. Tôi chợt hiểu ra, tự nãy giờ, anh không chỉ ngắm cảnh đẹp và ôm trọn nó vào tâm trí như tôi khi nãy, mà anh còn đã thích thú ngắm nhìn tôi đang trong cơn hào hứng và ngạc nhiên tột độ. Có vẻ như B định nói gì đấy, nhưng vẫn im lặng, rồi cuối cùng anh cũng cất tiếng. 
“Truyện đã sắp bắt đầu rồi, em muốn nghe truyện hay đứng đây ngắm cảnh thêm một chút nữa?”
Tôi nhìn anh, mắt chớp chớp vì chẳng rõ mình đang muốn gì, và chẳng biết phải trả lời thế nào khiến anh phì cười. 
“Tôi biết, tôi biết, em chẳng muốn rời mắt khỏi thành phố cổ tích bên dưới phải không? Nhưng em yên tâm đi, nó sẽ chẳng đi đâu cả, em có thể ngắm nhìn nó suốt đêm nay nếu em muốn, nhưng nhà đài thì sẽ chẳng đợi chúng ta đâu!” Anh lại cười. “Tôi đã đọc truyện này nhiều lần nên đối với tôi thì thế nào cũng được, tùy em quyết định thôi!”
Tôi gật đầu, quay trở lại xe và hạnh phúc cảm nhận hơi ấm bao phủ trong xe. Có lẽ đôi chân lạnh giá của tôi là kẻ hạnh phúc hơn cả, chúng đang khoan khoái đong đưa trước van sưởi dưới sàn xe, dần dần lấy lại cảm giác sau một thời gian tê cóng bên ngoài trời lạnh. 

Monday, December 4, 2017

The man who invented Christmas

Giáng Sinh là dịp mọi người có dịp bày tỏ lòng yêu thương, quan tâm đến người khác, nhất là những người bất hạnh hơn mình, thế nhưng ít ai thực sự biết đến nguồn gốc của tập tục đẹp đẽ và quan trọng này, nhất là về người được xem là tiên phong, khởi xướng ra nó. 

Charles Dickens có một lý lịch cá nhân khá phi thường, tên tuổi và những giá trị nhân văn sâu sắc trong những tác phẩm văn học của ông đại đa số dựa vào những trải nghiệm thực tế và những quan sát thú vị của ông đối với môi trường, cuộc sống chung quanh ông.  Xuất thân trong một gia đình đông anh em, Charles ít được quan tâm chăm sóc, yêu thương, tuổi thơ cũng đã trải qua nhiều sóng gió đã khiến ông luôn trăn trở, dằn vặt về những mảnh đời bất hạnh, nhất là về những đứa trẻ mồ côi, và chủ đề này luôn len lỏi trong suốt bất cứ tác phẩm văn học nào ông viết, thể hiện rõ nhất trong “Oliver Twist”.  Mọi việc bắt đầu từ khi bố ông phải vào tù vì nợ nần chồng chất, kéo theo việc mẹ và các anh chị em cũng phải theo bố vào tù – một điều luật đáng sợ của nước Anh những năm tháng đầu thế kỷ mười chín ấy – ở lứa tuổi mười hai, Charles phải rời ghế nhà trường và đi làm trong một xưởng sản xuất hóa chất phụ gia làm giày với điều kiện làm việc hết sức tồi tệ và khủng khiếp. 

Về sau, khi đã bắt đầu có chút ít sự nghiệp lẫn tiếng tăm trong giới văn đàn, ông cũng lâm vào cảnh túng thiếu và, trong cái rủi có cái may, khi những khó khăn tài chính bắt đầu thách thức cùng cực thì trong vòng sáu tuần, hoàn toàn tự lực, Charles đã cho ra đời một truyện ngắn làm thay đổi thế giới: “A Christmas carol”, một câu chuyện hơi tối tăm, vốn dĩ cũng là phong cách viết của ông, nhưng lại có một kết thúc có hậu, liên quan đến Giáng Sinh và những tấm lòng từ thiện dành cho những mảnh đời bất hạnh trong dịp lễ lạt vốn chỉ liên quan đến người Thiên chúa giáo trước đây này. 

Phim “The man who invented Christmas” mô tả quá trình cho ra đời truyện ngắn này và đào sâu hơn về nhân cách và cá tính của Charles Dickens, với những đoạn phim xen kẽ thoáng qua về những năm tháng tăm tối trong tuổi thơ của nhà văn này.  Người xem cũng cần biết thêm một ít về cá nhân tác giả câu chuyện để hiểu rõ hơn một vài chi tiết phim.  Charles Dickens trước khi chính thức trở thành nhà văn nổi tiếng đã từng có tham vọng trở thành kịch sĩ, và ông rất có năng khiếu diễn kịch.  Năm hai mươi tuổi, ông có dịp hẹn gặp với một nhà đạo diễn kịch để diễn thử nhằm xin một vai diễn trong các vở kịch của nhà đạo diễn này, không may, đến ngày hẹn gặp thì ông lại bị cảm nặng và không thể đến gặp ông đạo diễn nọ, cơ hội ngàn năm có một cho nghề kịch cũng vừa vuột khỏi tầm tay.  

Về sau, khi tiếng tăm ông đã vang xa không chỉ khắp nước Anh mà còn lan rộng sang đến cả Bắc Mỹ, ông vẫn tham gia nhiều kịch đàn nghiệp dư, để khỏa lấp niềm đam mê kịch nghệ không bao giờ nguôi ngoai trong mình.  Đó là lý do khi xem phim, người xem sẽ thấy nhiều cảnh Charles đi đi lại lại trong phòng, tưởng tượng mình đang được bao lấp bởi những nhân vật trong câu chuyện sắp viết, và ông thực sự “diễn” từng nhân vật để lấy cảm hứng viết thực sự, và đó cũng là một chi tiết giải thích cho phong cách viết rất khác người và ấn tượng của Charles. 

Hôm mình đi xem phim này, vào tối thứ Bảy, cả rạp vắng hoe chỉ có hai vợ chồng mình cùng một cặp khác.  Dường như gu xem phim đọc sách nhạc nhẽo của mình thuộc loại cá biệt, cái nào mình thích thì đại đa số công chúng lại chẳng màng!  

Ảnh 1: những đứa bé vui sướng khi được nhận quà từ thiện. Mình xem vài cuốn tạp chí, chẳng thấy Việt Nam … Có lẽ vì chương trình này tặng quà thông qua hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo nên nhiều khả năng khó đến được với VN cũng nên …




Ảnh 2: chuyên chở quà đến cho trẻ em vùng sâu vùng xa – Operation Christmas Child Project

Sunday, November 5, 2017

Nov 3, 2017

Mới đó mà đã đúng một tháng kể từ khi mình dọn vào nhà mới.  Vào được vài ngày thì cô hàng xóm sát vách đã mang tặng một lố bánh cup cakes để làm quen cùng cái thiệp xinh xinh ghi tên và số điện thoại của cả hai vợ chồng. Trẻ con cũng lúc nhúc khắp nơi, đủ mọi lứa tuổi, trong đó có vài ông con trai tầm tuổi con mình, mừng quá. 

Tối, trời mưa lất phất, hai cha con Skye ngồi chơi trò Batman còn mình hì hụi gói quà Giáng Sinh cho chương trình “Operation Christmas Child”.  Đây là chương trình từ thiện và cần rất rất nhiều tình nguyện viên. Chương trình sẽ nhận những chiếc hộp các tông kích cỡ bằng chiếc hộp đựng giày, và những người tình nguyện như mình sẽ dùng giấy gói quà và bọc vỏ các hộp này, rồi gửi hộp rỗng lại cho chương trình và những người tình nguyện khác sẽ cho quà Giáng Sinh vào, kèm một chiếc thiệp Giáng Sinh, cuối cùng những hộp quà này sẽ được gửi đi khắp thế giới cho trẻ em nghèo. Cô bạn điều phối viên cho chương trình này đang chạy cuống cuồng tìm người giúp, sau khi 19 người đã hủy không đến giúp cô ấy gói quà. Mình thấy cô ấy nhiều việc quá, lại lo quýnh quáng thế thì mình ngỏ lời mang hộp về nhà gói giúp, thế là cô ấy lại mừng quýnh quáng, chắc là do ngạc nhiên tột độ. Mình vốn lớn lên trong thiếu thốn, cả vật chất lẫn tinh thần, thế nên khi nghe cô ấy làm chương trình cho trẻ em thì mình xông xáo giúp ngay chẳng cần nghĩ ngợi.  Cô ấy hào hứng kể với mình về niềm vui được nhìn những gương mặt sáng bừng của những đứa bè nghèo lem luốc khi nhận được quà và bọn chúng thậm chí còn giữ mãi chiếc hộp ấy không chỉ như một kỷ vật đẹp mà còn là một vật dụng hữu ích và đẹp đẽ nhất của bọn chúng nữa, mình nghe thế thì liên tưởng đến bản thân thời xưa, có lẽ chỉ không lem luốc thôi, chứ tuổi thơ của mình hình như chưa bao giờ nhận được một món quà gói trong chiếc hộp đẹp như thế bao giờ cả. 

Ngồi gói quà hơn một tiếng đồng hồ, lưng đau ê ẩm, nhưng nghĩ đến những đứa bé nghèo lam lũ ở những nơi cùng trời cuối đất ấy thì mình chẳng màng gì đến những điều vụn vặt cá nhân nữa. Không biết những gói quà này có đến với trẻ em Việt Nam hay không, nhưng sau khi chương trình thực hiện xong thì mình sẽ được xem báo cáo cụ thể. Trẻ em nào cũng vậy thôi, đã nghèo, đã lam lũ, đã mồ côi, thì sống ở đâu cũng khổ sở, cũng khó nhọc chẳng khác gì nhau lắm. Sinh nhật Skye hồi năm ngoái, mình đã bắt đầu gửi Evite và dẫn đường link vào website của “Smile Train” để khách mời có thể đóng góp cho chương trình này, thay vì mua quà sinh nhật. Đây là chương trình mổ hàm ếch từ thiện, đã có mặt ở VN nhiều năm, vợ chồng mình đã cam kết với chương trình sẽ tài trợ 1-2 bệnh nhân mỗi năm, và hy vọng sẽ tăng dần số lượng trong những năm sắp tới.  Khi mua hàng trên Amazon.com, website này cũng gợi ý khách hàng chuyển sang Smile.amazon.com để họ trích một phần lợi nhuận cho chương trình Smile Train này. Các bạn khi mua sắm trên Amazon.com hãy nhớ chuyển sang Smile.amazon.com để chương trình nhận được đóng góp từ Amazon nhé. 

Xong chương trình trẻ em thì lại đến chương trình người vô gia cư.  Lại đóng gói những chiếc áo khoác không dùng nữa để người vô gia cư có cái để mặc chống rét. Mình nhớ mãi hình ảnh những đứa bé gần như trần truồng ở Sa Pa mà du khách chụp được năm nào tuyết rơi trên ấy, thương quá, hy vọng ở VN đã có những chương trình mang quần áo ấm cho trẻ em vùng cao vùng xa như thế. 

Lễ Tạ ơn và Giáng Sinh đang gần kề, các nhà thờ và nhà dưỡng lão cũng có những chương trình kêu gọi các gia đình “tài trợ” một ông / bà cụ không con cháu trong mùa lễ lạt bằng cách mời họ (mỗi gia đình tài trợ một người) về nhà cùng ăn tối với gia đình vào đêm Lễ Tạ ơn hoặc đêm Giáng Sinh. Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể đóng góp bằng cách đi thăm hoặc gửi tiền hoặc mua quà theo "wish list" của các ông bà cụ trên website www.adopt-a-senior.org. Mình hy vọng năm nay sẽ đóng góp nhiều hơn cho những chương trình đầy ý nghĩa nhân đạo như thế này.

Sunday, October 8, 2017

Học, học nữa, học mãi!


Có lẽ không gì sướng bằng cảm giác đã thoát khỏi vòng tuần hoàn bất tận của áp lực học hành thi cử, nhất là áp lực về điểm số khi việc học chỉ để đối phó là chính. Tuổi đời càng chồng chất thì áp lực này càng giảm, he he, bây giờ mình lại có thú vui tự học. Vô tình, mình biết được ba websites dạy học online miễn phí này,

www.coursera.org, www.edx.org, hay www.khanacademy.org

trong đó hai cái web đầu là cho người lớn, khá giống nhau về cấu trúc chương trình, cái thứ ba là cho học sinh (và cho phụ huynh nếu học sinh còn nhỏ, chưa biết cách tự cài đặt và tự học).  Mình đã tạo một tài khoản cho con ở cái web thứ ba, nhưng mấy nay lu bu quá chưa có thời gian vào đấy xem chi tiết. Khi nào phát hiện ra điều gì mới hay ho ở đấy thì mình sẽ chia sẻ sau. 

Nói về hai cái web tự học online dành cho người lớn. Người học có thể chọn học bất cứ môn học ngành học nào, hoàn toàn miễn phí, nhưng phải quyết tâm dành một thời lượng nhất định mỗi tuần (chừng 2 giờ) để hoàn thành bài học cho đúng “tiến độ” và khi xong thì làm kiểm tra. Hết mỗi tuần học lại có diễn đàn mở để các học viên trao đổi với nhau về khóa học, và một vài bonus videos. Nếu người học có nhu cầu được chấm điểm và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học thì đóng tiền ($49 / khóa). Người học có thể tải app coursera vào điện thoại để học “on the go” rất tiện lợi.

Mấy nay mình đang khọc khóa “Mindshift”, một chương trình dạy chúng ta cách học thế nào cho hiệu quả. Khóa học không chỉ dạy cách học cho hiệu quả hơn, mà còn cung cấp nhiều chứng cứ khoa học cho thấy bất cứ ai cũng có thể học tốt bất cứ thể loại học hành nào, giúp người học lên tinh thần và vượt qua được những tâm lý tiêu cực và sai lầm như “tôi dốt toán, sẽ không thể học tốt các môn khoa học tự nhiên”, hoặc “tôi chậm chạp, có trí nhớ tồi, sẽ không bằng ai được”, v.v. Bản thân giáo sư dạy khóa học này là một minh chứng hùng hồn cho thấy những suy nghĩ như trên là rất sai lầm và tai hại. Nhìn vào những thành tích đáng nể của bà trong giới khoa học và giáo dục và biết được bà đã từng vật vã với việc học ra sao sẽ lên dây cót cho chúng ra rất nhiều! Ngoài ra, bà còn đưa ra nhiều ví dụ về những con người xuất chúng và nổi tiếng khác và chứng minh cho chúng ta một điều: tất cả chúng ta đều thông minh và tiềm năng hơn là chúng ta tưởng, quan trọng là phải biết cách phá bỏ những rào cản tinh thần ấy đi và học cách đào sâu vào kho tàng trí tuệ của bản thân để thứ nhất là tự khám phá mình, thứ hai là học thành công một lĩnh vực mà mình hoàn toàn chưa bao giờ dám mơ nghĩ đến.

Ngoài ra, mấy nay mình đang đọc cuốn “Grit” của tác giả Angela Duckworth. Thông điệp chính của cuốn sách này là hạ bớt tầm quan trọng của trí thông minh thiên bẩm mà đề cao sự chuyên cần rèn luyện và quyết tâm phấn đấu của từng cá nhân để đi đến thành công. Nó cũng từa tựa câu chuyện chạy đua của thỏ và rùa. Người thông minh thường có tâm lý ỷ lại và có xu hướng lười, dẫn đến hậu quả là có khả năng bị tụt hậu so với người chậm chạp hơn nhưng lại biết tận dụng tối đa việc “cần cù bù thông minh”. Dĩ nhiên tác giả không chỉ nói suông, mà chỉ đúc kết thành sách sau nhiều loạt nghiên cứu, phỏng vấn, trắc nghiệm … nhiều ngàn sinh viên và cả những người trưởng thành, trong nhiều lĩnh vực / ngành nghề khác nhau. Mình so sánh thì thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa khóa Mindshift mà mình đang học với “Grit”. Mindshift cũng đề cao sự chuyên cần rèn luyện trong khi không đề cao quá đáng trí thông minh thiên bẩm, và không chỉ chuyên cần rèn luyện, mà người tập luyện còn phải rèn cho đúng cách, thì mới đưa đến thành công.

Thêm một chút ngoài lề. Mình biết đến những website này là nhờ đọc cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn, một hot FaceBooker và cũng là cựu sinh viên ngoại thương. Mình rất vui khi thấy có những cuốn sách bổ ích như thế này cho giới trẻ ngày nay trong việc định hướng tương lai sự nghiệp, một việc vốn đã khó cho giới trẻ ở những nước phát triển vốn đã có rất nhiều giúp đỡ từ xã hội, cộng đồng; lại càng khó hơn cho những bạn trẻ đang lớn lên trong một môi trường quá coi trọng bằng cấp hơn kiến thức và kinh nghiệm thực tế như VN. Cuốn sách này được viết cho các bạn học sinh sinh viên, nhưng vẫn rất bổ ích đối với những người đã qua thời sinh viên từ lâu như mình, bằng chứng là mình đã và đang học những điều hay ho bổ ích từ những websites nói trên và lại có cơ hội chia sẻ với bạn đọc blog.



Tuesday, September 19, 2017

Skye - Sep 2017



Mẹ cứ nghĩ mình có thể lưu giữ những ký ức, hình ảnh đẹp của anh bé trong lòng nên mẹ lười không viết về anh.  Anh đã bảy tuổi và học lớp hai, vẫn còn đòi ba hoặc mẹ mỗi tối phải ôm ấp anh trước giờ đi ngủ (mặc dù đã có bạn gái từ hồi còn học Kindergarten), đã tự tắm một mình nhưng vẫn còn thích trần truồng nhảy tưng tưng trên giường bất cứ khi nào anh có dịp thoát y … nên mẹ vẫn cứ ung dung tự tại, cứ yên tâm rằng anh còn bé lắm.  Hôm kia ngồi xếp lại quần áo đồ đạc của anh, mới thấy quần áo anh chật đi đã nhiều, cầm những chiếc áo mới mua cho anh, nó đã to gần bằng áo mẹ làm mẹ giật mình thảng thốt.  Mẹ phải ôm ấp anh nhiều hơn vào mỗi tối, ngồi chơi với anh nhiều hơn như hồi anh còn đi học nhà trẻ, bởi vì một ngày nào đó anh sẽ chẳng còn cho mẹ ôm anh nữa, chẳng thèm ngồi chơi với mẹ nữa, thì tội mẹ quá.

Nói chuyện bạn gái của anh một chút.  Hai đứa “quen” nhau hồi Kindergarten.  Hồi ấy anh tỏa sáng, hot boy trong lớp chứ chẳng tầm vừa.  Cô giáo kể với mình lần nào chúng nó chia cặp để đọc chung thì luôn có hỗn loạn vì chúng nó luôn tranh giành với nhau để được cáp chung với anh.  Con gái trong lớp thì già nửa đã ôm mộng được cưới anh. Nhưng anh chỉ để ý có mỗi con bé G, người bé như cái kẹo, tóc ngắn mái ngang, mũi hơi hếch, mắt tròn mặt xinh như búp bê. Anh nhỏ to với mẹ “đó là bạn gái con đấy, hai đứa đã hứa giữ bí mật không cho người khác biết!”. Trời ạ, con tôi yêu sớm thế, cứ tưởng chỉ có con gái mới yêu sớm còn con trai thì lơ đễnh nghễnh ngãng cho đến lúc mọc râu mới biết yêu chứ!  Đến năm lớp một năm ngoái, hai đứa bị chia học khác lớp, tình cảm chắc cũng thế mà phai nhạt dần vì mình chẳng còn nghe ông nhắc đến con bé nữa.  Thi thoảng mình hỏi thì anh rầu rầu bảo rằng dạo này khó gặp nhau lắm (hi hi) vì lịch học của hai đứa rất khác nhau, giờ học thể dục của anh chỉ bắt đầu khi giờ thể dục của con bé vừa xong, tréo ngoe thế thì gặp nhau thế quái nào được, nhưng bù lại, chúng nó có giờ ăn trưa trùng khớp, thế nên còn liếc nhau được một chút ở canteen!  Một thời gian sau, mình lại hỏi thăm về con bé thì lúc này anh không còn rầu rầu nữa mà giọng có vẻ giận dữ “nó chẳng còn yêu con nữa!” – “tại sao?”, mình hỏi mà phải cố nhịn cười – “tại vì nó chẳng buồn chào con mỗi khi chạm mặt nhau ở hành lang!” – “nhưng con có chào bạn trước không?” – lúc này giọng anh đã lên vài tông “có chứ, lúc nào mà con chẳng chào nó!!”.  Năm nay hai đứa lại học chung lớp, nhưng mình chẳng thấy ông hào hứng đặc biệt như hồi xưa nữa, có lẽ “chuyện tình ta tan vỡ thôi từ đây” rồi.  Đấy, đàn ông mau quên như thế đấy.  Khi mới thất tình thì các anh ấy cứ như người chết rồi, drama đủ thứ, nhưng ngủ một giấc đến sáng thì mọi chuyện đã lùi vào quá khứ, chúng nó vẫn sống nhăn răng, sống khỏe chứ chẳng chết như mình vẫn thường lầm tưởng! 

Sau này mình mới biết lý do anh yêu con bé ấy.  “Tại vì bạn ấy so cute, bạn ấy là người bé nhất lớp!” (con tui cũng không được to, thế nên nó rất chiến thuật chọn bạn gái vừa size với mình, hô hô!).

.

Năm nay anh đã lớn phổng phao, hè này nhìn anh cởi trần mặc quần bơi vùng vẫy trong hồ, mẹ giật mình.  Xương sườn của anh đã đi đâu mất cả, nhường cho cái bụng hơi đầy đầy và cánh tay không còn tong teo như xưa mà đã rất rắn chắc, cơ bắp, ngực vai anh cũng vạm vỡ hẳn ra.  Anh rất tình cảm, luôn thương xót mỗi khi nghe có ai đó bị tai nạn trên báo đài, và luôn hỏi thăm về họ cho đến nơi đến chốn.  Hỏi xong, anh mà vớ được món đồ chơi nào là xem như sự lo lắng của anh cũng vừa “cuốn theo chiều gió” luôn.  Nói thế thôi, chứ mẹ biết anh rất nhân hậu.  Hồi bé, có lần khi anh ngồi chơi xích đu, anh đã yêu cầu mẹ bế anh xuống vì anh thấy có cái tổ kiến ngay bên dưới, anh sợ vô tình giẫm lên cái tổ kiến tội nghiệp ấy.  Anh yêu Pokémon, sưu tập Pokémon cards, suốt ngày cứ hỏi ba mẹ “ba/mẹ có biết Charizard là con Pokémon mạnh nhất không?”, “à ờ, vậy à, mẹ không biết, giờ thì đã biết!” – “mẹ có biết ‘Yokai’ không? Yokai ẩn hình, mẹ sẽ không nhìn thấy nó được, nhưng phải có đèn chiếu đặc biệt thì mới nhìn thấy nó, mẹ có muốn thấy nó không? Thế thì ta phải mua cái Yokai watch!”  Được cái, anh rất từ tốn trong việc xin đồ chơi.  Khi ba mẹ nói không là anh “ok” luôn, mặc dù có vẻ thất vọng nhưng anh không tiếp tục mè nheo.  Nói thật, mẹ rất sợ cái cảnh con cái khóc thét, giẫy giụa ở chốn công cộng vì vòi vĩnh xin xỏ cái gì đó mà bị ba mẹ từ chối.  Anh bé của mẹ ngoan như thiên thần, từ bé đã rất trầm tính, hay yên lặng quan sát chung quanh rồi mới phát biểu chính kiến.  Đàn ông như thế mẹ thích!

Năm nay là mùa bóng đá thứ ba của anh kể từ Kindergarten.  Tính anh không hay tranh giành, mà còn có xu hướng nhường nhịn, cho nên các môn thể thao đối kháng sẽ không thể là sở trường của anh được.  Mà kệ, anh cứ chạy lông rông trên sân cỏ, lâu lâu lại ngồi xổm xuống hái một lá cỏ rồi vừa ngắm nghía lá cỏ vừa chạy theo bóng, hồn nhiên vô tư như thế cho mẹ.  Mai mốt anh lớn, nếu anh nghiêm túc hơn với thể thao thì mẹ đầu tư, nếu không thích thì học cái khác.  Anh có vẻ có khả năng thẩm âm khá tốt, anh nghe nhạc là nhớ hết, có thể hát lại rất đúng nhạc, khi nghe nhạc trên radio, anh có thể nói chính xác loại nhạc cụ nào đang chơi, khiến mẹ có lúc rất ngạc nhiên.  Mừng quá, anh không bị vướng vào gene điếc nhạc bên nội!  Nhà đã có sẵn bộ trống cho anh, khi nào dọn sang nhà mới thì anh phải tập tành cho nghiêm túc đấy nhé.

Mẹ yêu anh nhiều nhiều lắm! ❤❤❤


Saturday, September 16, 2017

Giáng Sinh xưa - The way you look tonight (27)



Vừa ngồi vào xe và đóng cửa, B liếc nhanh sang tôi và hít một hơi thật dài, rồi cố gắng thở ra cho thật nhẹ, như thể anh sợ sẽ đánh thức một người khó ngủ vừa chợp mắt.  

-Em muốn đi đâu? – Anh hỏi tôi. 
-Không biết!
-Thế thì đi thẳng?

B nói rồi nhấn mạnh ga khiến chiếc xe lao đi nhanh bất ngờ và tôi cũng hơi bị giật ngược người lại về phía sau.  Tôi nhăn mặt, định phàn nàn thì anh như đã đoán biết việc ấy. 

-Em thông cảm, cả ngày nay tôi chỉ mong chờ có giây phút này thôi, cảm giác như chim sổ lồng ấy!  Cả buổi tối chật chội bức bối trong khán phòng ấy nữa, nếu không được xem em nhảy trên sân khấu thì tôi chắc sẽ đến chết vì kiệt sức mất!
-Tôi cứ tưởng anh đã đi công tác và không đến được. – Tôi cố lờ đi phát biểu phóng đại của anh. 
-À, có chứ.  Nhưng tôi đã cố gắng thu xếp để có thể về nhà được vào tối nay.  Nói đúng hơn là, - anh hơi ngừng lại, rồi nháy mắt – tôi đã phải dùng vài thủ thuật để việc ấy có thể xảy ra đấy!  
-Là sao? – Tôi tò mò hỏi. 
-Ôi, giải thích thì dài dòng lắm, mà em sẽ chẳng thích nghe đâu.  May là tôi đến kịp trước giờ biểu diễn của em, việc ấy mới quan trọng! – Anh lại mỉm cười, nét mặt rất thư giãn. 

Tôi tin anh.  Đêm nay Jacqueline và Phyllis đi cùng nhau, và Phyllis đã mang theo mình đủ bảy đóa hoa cho bọn tôi khiến tôi vô cùng cảm kích.  Tôi nhớ không thấy B đi với họ, thế là anh đã tranh thủ về nhà từ đâu đấy để đi ủng hộ tinh thần cho tôi trong buổi diễn tối nay.  Cũng may là tôi không biết trước anh có mặt trong hàng khán giả, bởi vì nếu thế thì tôi sẽ rất mất tập trung và sẽ trở nên hồi hộp hơn nhiều.  Thật lạ, đêm nay tôi chẳng hề có cảm giác tim đập loạn xạ và người như sắp hết oxy nữa, một cảm giác tôi vốn thường có mỗi khi bước ra sân khấu trước đây.  Trái lại, tôi cùng đám bạn bước ra rất tự tin, còn mỉm cười rất thư giãn, và hoàn tất cuộc biểu diễn một cách trọn vẹn.  Chẳng lẽ tôi đã chiến thắng được “stage fright”?

-Khoan đã! – Tôi chợt nhớ ra một phi vụ mà anh còn nợ tôi. – Anh phải giải thích cho tôi về vụ “can-can truyền thống” ngay, nếu không thì tôi nhất quyết sẽ không đi đâu cả!

B hơi rướn thẳng lưng lên, lại hít sâu, môi lại mím. 

-Ôi dào, em chẳng chịu buông tha một lời nói đùa vô hại hay sao? – Anh cố đánh trống lảng. 
-Không phải tôi không chịu buông tha, nhưng mà là vì quá tò mò.  Cho đến nay, đã có ít nhất ba người có một phản ứng y hệt nhau khi nghe đến khái niệm ấy, và họ luôn có thái độ giấu giấu giếm giếm rất đáng ngờ.  Và vì tôi vừa nhảy can-can xong, ít ra, - tôi hạ thấp giọng – tôi cũng có quyền biết nó là gì chứ, đúng không?
-“Mèo chết vì tò mò”, em có nghe thành ngữ ấy không? – B cười hơi gượng – Nhưng thôi, sự thể đã đến mức này, tôi không thể đánh liều để em xù cuộc đi chơi của chúng ta được.  Nhưng mà này – anh lại liếc nhanh sang tôi – bù lại, em phải hứa không được giận, không được mắng mỏ tôi nhé?

Trời đất, sự thể nghiêm trọng đến mức này sao?  Tôi lại càng tò mò tợn.  Đúng là “curiosity killed the cat” (but satisfaction brought it back!), tôi thà làm mèo chết một lúc còn hơn cứ mãi sống trong sự tò mò vốn đã hành hạ tôi từ vài tuần nay.   

-Thôi được, không lần này thì lại lần khác, anh sẽ có cơ hội làm cho tôi giận dỗi anh nữa, lo gì!
-Tôi đáng ghét trong mắt em đến thế ư? – B hỏi sau vài giây im lặng, giọng anh hơi phật ý, nhưng rồi anh lại nói tiếp - Em biết lịch sử can-can phải không?  Nó xuất hiện từ đầu thế kỷ mười chín ở Pháp … 

Tôi hơi hắng giọng, định cắt ngang lời anh, yêu cầu anh đi thẳng vào việc chính và không cần giải thích dài dòng lịch sử của nó vì tôi đã biết rồi.  May trời, tôi đã kịp kìm nén sự tò mò đang dâng trào và có lẽ, cả sự hung hăng kỳ lạ trong tôi vào tối nay nữa.  

-Thời ấy phụ nữ và trẻ con mặc “pantalettes”, là loại quần hai ống tách biệt và nối ở phần eo, bên dưới lớp áo dài, và dĩ nhiên, các cô gái biểu diễn can-can cũng mặc loại quần ấy bên dưới lớp váy nhiều tầng.  Đấy … “truyền thống” là như thế đấy. 

Tôi hơi cau mày. 

-Nhưng như thế thì có gì đáng cười hoặc đáng phải thì thầm to nhỏ khi nói về nó? 

B im lặng một thoáng, nét mặt anh như đang đấu tranh tư tưởng dữ dội với chính bản thân. 

-À, - anh lại hắng giọng, nét mặt khổ sở - tại vì loại quần ấy … không có phần đáy (đũng)!
-Ôi …!

Quá bất ngờ, trong vô thức, tôi đưa cả hai tay lên ôm mặt, không nói nên lời nhưng đã kịp nghe tiếng lục bục nơi vòm họng mình.  Và, khi hai tay vẫn còn che mặt, tôi quay sang nhìn anh qua kẽ hở giữa những ngón tay thì thấy mặt anh thật căng thẳng, trông chẳng khác nào kẻ trộm bị bắt quả tang khiến tôi bỗng cười phá lên, nhìn nhận ra tính chất khôi hài của sự việc hơn là sự nghiêm trọng nhân tạo của nó mà tôi đã tưởng tượng ra trong hai tuần nay.  Tôi cười đến chảy nước mắt, cảm giác như lời giải thích của anh vừa xả lũ cho những dồn nén bấy lâu nay trong tôi.  B cũng cười khục khịch, người anh hơi rung rung khiến tay lái hơi chao đảo nhẹ.  Anh liếc nhìn tôi, gương mặt thư giãn. 

-Em cứ liên tục đưa tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.  Khi nãy tôi đã phải đánh một canh bạc đầy nguy hiểm với em, cứ tưởng em sẽ chẳng bao giờ muốn nhìn mặt tôi nữa, vậy mà em lại đón nhận nó một cách dễ chịu vô tư như thế. - Giọng anh lại trầm xuống một cách chết người - Cám ơn em đã tha thứ cho tôi!
-Sự thật thà của anh đã được đền bù xứng đáng còn gì. Dù sao tôi cũng cảm ơn anh về một bài học lịch sử thú vị. – Tôi cố ghìm cơn buồn cười của mình lại – Thảo nào mọi người cứ có thái độ kỳ quặc khi nghe đến khái niệm ấy! 

B gật đầu, miệng vẫn mỉm cười, mắt hơi chớp chớp, chẳng hiểu anh đang nghĩ gì. 

-Jacqueline có công lớn trong vụ này đấy.  – Anh nói. 
-Là sao? 
-Bà ấy đã hỏi tôi sẽ phải giải thích ra sao cho em nếu em hỏi thẳng mặt tôi về vụ ấy, vì bà biết em thích học hỏi, bản tính tò mò sẽ không tha cho tôi!
-Và lúc đầu anh đã quyết định nói dối để thoát thân ? 

Anh bỗng im bặt, xương hàm hơi bạnh nhẹ ra. 

-Tôi không thích nói dối, việc ấy làm người khác đau đớn. – Anh liếc nhanh sang nhìn tôi. – Thật sự thì tôi chẳng biết phải làm gì nếu em hỏi, và lý do chủ yếu là vì em hơn là vì tôi, hiểu không ?
-Không!
-Biết giải thích thế nào nhỉ … Tôi sợ em cảm thấy bị tổn thương vì lời nói đùa khiếm nhã và vô ý của mình, mà sự thật thì thề đấy, tôi chẳng hề mảy may có ý khiếm nhã với em.  Tôi nghĩ nếu mình bị em nghỉ chơi vì vụ này cộng với vài việc linh tinh khác thì cũng đáng đời tôi lắm, nhưng tôi áy náy hơn về khả năng em sẽ buồn và thất vọng. - Anh hơi hắng giọng - Và Jacqueline đã khuyên tôi cứ nói thật với em vì theo bà ấy thì em chỉ tò mò là chính chứ chẳng phải cố ý bắt bẻ hay làm khó ai cả.  Bà ấy quý em lắm đấy, có vẻ bà hiểu em khá nhiều. – Anh cười thật hiền.
-Một người mẹ tuyệt vời! – Tôi tiếp lời, và khoái chí cười. 
-Ha, em khoan hãy tung hô Jacqueline cho đến khi em biết thêm vài chuyện hậu trường làm mẹ của bà ấy! – Anh nháy mắt tinh nghịch. – Nhưng mà này, chẳng phải vì nhờ bà ấy khuyên mà tôi quyết định nói thật với em đâu nhé.  Đằng nào thì tôi cũng đã quyết định nói thật, nhưng vấn đề là khi nào và như thế nào … Như vậy, chúng ta đã … huề chưa? 

Tôi không trả lời anh.  Tự sâu trong lòng, tôi biết mình thật sự chẳng dỗi hờn gì anh hết mà chỉ miên man nghĩ đến những lời anh vừa nói, và tôi trân trọng việc anh đã nói những lời thành thật và nghiêm túc với tôi đêm nay.  Lúc này B đã giảm tốc độ xe lại vì anh vừa rẽ vào con đường ngoại ô yên tĩnh.  Anh cứ thi thoảng liếc nhìn sang tôi và tủm tỉm cười khiến tôi lại phải hỏi anh cười vì cái gì.

-Không phải tôi cười em, mà tại vì đêm nay trông em rất lạ, thế thôi!

Anh làm tôi chợt nhớ ra trang phục nhảy can-can trên người cùng với bộ tóc giả bạch kim óng ánh vẫn còn đang đội trên đầu.  Thế là tôi đưa tay lên gỡ tóc giả ra khiến mớ tóc dài và gợn sóng của tôi cũng vừa xổ xuống vai, và trời ơi, tự dưng da đầu tôi ngứa ngáy chịu không nổi khiến tôi cứ muốn cào lên đấy mà gãi cho thỏa thích.  Tôi đưa cả hai tay lên đầu, giả vờ vuốt tóc nhưng thật chất là lén lút gãi đầu, việc ấy dường như không thoát được con mắt hay quan sát thật đáng ghét của B, rồi anh bỗng cười thành tiếng. 

-Em quên mất nốt ruồi trên mặt kìa!  Ấy ấy, đùa thôi, em chẳng cần nhọc công bôi nó đi làm gì. 

Nhưng lời ngăn chặn của anh đã đến quá muộn.  Tôi nhìn vào gương để xem nốt ruồi đã được bôi sạch chưa thì thấy nó đã biến mất nhưng để lại một vệt đen xếch ngược lên giống như râu mép của những gã dê xồm trong những vở tuồng cổ.  Thế là tôi quay sang B và hỏi anh. 

-Này B, anh nhìn xem, như thế này thì có khá hơn nốt ruồi không?

Anh liếc sang nhìn tôi rồi bật cười, rồi lại liếc nhìn tôi một lần nữa và cười to hơn, tôi cũng cười.  Dường như giữa tôi và B lúc này không còn khoảng cách nhân tạo nào nữa.  Tôi vẫn còn một ít nghi vấn về thái độ kỳ quặc của anh trong hai lần gặp tôi ở nhà anh, nhưng tôi quyết định không tra vấn anh nữa.  Chúng tôi đang vui, thế là đủ.  Tôi chẳng muốn làm khó cho anh nữa, mà như thế cũng vô tình tôi tự làm khó cho mình còn gì.  Bản tính tôi cũng không giống những gì tôi vừa thể hiện trong đêm nay, có lẽ anh đã là người vừa khơi gợi những cá tính tiềm ẩn nào đó trong tôi chăng?

Chúng tôi im lặng một lúc, con đường ngoại ô về đêm thật thanh bình, sạch trong, hoàn toàn chẳng có chút vẩn đục của những con phố ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm như trong nội thành.  B đưa tay vặn radio, chương trình đọc truyện cổ điển về đêm sắp bắt đầu.


-Hay quá, đây là một trong những chương trình radio yêu thích nhất của tôi từ khi còn bé.  Bây giờ thì mỗi khi sắp phải làm một quyết định quan trọng, hoặc những lúc không vui, tôi thích lái xe vào ban đêm và nghe chương trình này để thư giãn.  Em có muốn thử không ?
Tôi mỉm cười và gật đầu.  Tiếng nhạc hiệu nổi lên, và phát thanh viên với giọng nói tiêu biểu của các diễn viên thời thập niên 50s đọc thông báo về nội dung chương trình đêm ấy.  Khi “Death on the Nile” vừa được khởi xướng thì B đã reo lên. 

-Ôi, tôi thích câu chuyện này của Agatha Christie lắm.  Ngày xưa thời mới lớn, tôi rất thích đọc truyện của bà ấy.  Thật ra thì, Jacqueline đã thường đọc thể loại truyện này cho tôi nghe trước giờ đi ngủ khi còn bé, nghe nhiều đâm nghiện, cho đến khi biết đọc khá hơn thì tôi đã tự mua sách và tự đọc một mình. 

Tôi thích thú nhìn anh, đang mừng rỡ như một cậu bé con chộn rộn nôn nóng được nghe truyện đọc ưa thích từ radio, một cảm xúc thật đẹp.  Cũng giống như tôi, thời thơ ấu cũng luôn sốt ruột mong đến những ngày truyền hình phát sóng phim để được xem những phim truyền hình nhiều tập như “Mai-ka, cô bé từ trên trời rơi xuống”, hoặc “Chiếc nhẫn thần kỳ của Arabella”, thậm chí là phim hoạt họa Liên Xô “Hãy đợi đấy!”,  v.v.  Nhưng anh may mắn hơn tôi, hiện tại anh vẫn còn cơ hội được trải nghiệm những niềm vui thích của thời ấu thơ, hay ít ra, anh vẫn còn dung dưỡng niềm đam mê đáng yêu ấy trong mình.  Còn tôi, đã bao lâu rồi tôi quên bẵng cảm giác vui sướng thời trẻ con ấy, nói gì đến việc còn quan tâm đến việc xem lại các phim thiếu nhi mình đã từng say mê?

B tạt vào một cửa hàng “7-Eleven” mua ít nước uống và hai cốc sô cô la nóng, rồi anh hớn hở đi ra và thông báo cho tôi một việc quan trọng. 

-Chúng ta sẽ đến một nơi rất hay để nghe truyện.  Hà hà, em đừng nhìn tôi như thế chứ ... - anh làm tôi giật mình vì sự nhanh nhạy của anh trong việc bắt sóng cảm xúc hay suy tưởng trong tôi, -  việc này rất quan trọng bởi vì “Death on the Nile” cực hay và lôi cuốn, và rất đáng để mình bỏ công sức cho một buổi nghe truyện hay ho như thế này.  Rồi em sẽ thích, tôi hứa!

Anh lại lái xe qua những con đường vắng và ngoằn ngoèo, tôi cảm nhận sự thay đổi độ cao của con đường đi lên dốc, nó cứ đi ngày càng cao lên khiến tôi cảm giác hơi ù tai.  Tôi im lặng, thích thú lẫn hồi hộp, hưởng thụ cảm giác phiêu lưu khi sắp được tham quan một nơi “đặc biệt” mà B sắp đưa tôi đến.   

Tuesday, September 12, 2017

Giáng Sinh xưa - Fly me to the moon (26B)


Những tuần trước đấy, phần vì công việc bận rộn bất thường, phần vì phải tập nhảy nên tôi chẳng còn thời gian hoặc hơi sức đâu mà nhét thêm việc tập đàn vào thời khóa biểu.  Rồi một trong những lần hiếm hoi tập đàn ở nhà Jacqueline, tôi lại chạm mặt B khi anh vừa về tới nhà trong lúc tôi cũng vừa ra đến cổng.  Anh nhìn tôi hững hờ, chỉ chào hỏi qua loa khiến tôi cũng đáp lại thái độ ấy của anh bằng những câu trả lời nhát gừng lấy lệ.  Jacqueline hơi nhíu mày liếc nhanh bọn tôi, rồi hắng giọng hỏi tôi về ngày triển lãm tranh, và quay sang B hỏi anh có lịch đi công tác trong ngày ấy hay không, rồi nhận được câu trả lời là “có”.  Tôi cố nén tiếng thở dài trong lòng, chỉ mong sớm kết thúc cuộc nói chuyện nhạt nhẽo ấy, lòng hơi bất mãn và cảm giác bực bội cứ chực chờ trào dâng qua lời nói.  Tôi nghĩ nếu không có Jacqueline ở đấy thì tôi đã ăn nói bốp chát với anh ta hơn nhiều.  Tôi có cảm giác bị phản bội, cái tôi kiêu hãnh lại dâng lên ngồn ngộn khi anh đột ngột lạnh lùng với tôi như thế, sau khi tôi đã cư xử rất tốt với anh.  Chính anh là người đã rình rập để ý tôi trước còn gì, rồi còn vác xác đến nhà tôi xin trú chân trong đêm hôm giá rét ấy nữa; thế mà anh ta đã quay ngoắt, trở nên lạnh lùng với tôi và giờ đây, lại lù lù xuất hiện bất ngờ như thế trong đêm biểu diễn này, một cách lặng lẽ, âm thầm chẳng báo trước, tôi thích dùng từ “lén lút” hơn để thỏa mãn cơn tức trong tôi.  B đang đứng hơi tựa vào quầy bar, một chân chéo phía trước chân kia, cánh tay gác nhẹ lên thành ghế, bàn tay anh với những ngón dài tuyệt đẹp một cách nguy hiểm đang buông thõng xuống trông rất thoải mái vô tư.  Thấy tôi quay lại nhìn, B đứng thẳng người lên, rồi với một nụ cười lợi hại vẫn luôn túc trực trên môi, anh sải bước đến chỗ tôi và Vivien với những bước chân thật chậm rãi, thật khoan thai quen thuộc khiến tim tôi tự dưng hơi chộn rộn trong vài tích tắc!

- Xin chào các cô!  Chúc mừng các cô về màn biểu diễn ấn tượng vừa rồi, thật tuyệt. 
- Cám ơn anh! – Vivien nhanh nhảu trả lời, và tôi để ý thấy anh như đang nói chuyện với chỉ mình nó, mặc dù tôi hiểu anh đang dùng đại từ số nhiều khi nhắc đến đối tượng vừa được chúc mừng – “Em là Vivien”, nó vừa nói vừa đưa tay ra. 

B bắt tay nó và tự giới thiệu mình, xong lại nhìn tôi, chờ đợi, nhưng tôi vẫn khoanh tay trước ngực, ngó lơ sang chỗ khác, và chẳng nói gì cả.  Vivien hết nhìn B lại nhìn tôi, đôi mắt hình viên đạn, rồi chuyển dần sang hình dấu hỏi.  

- Em nghĩ có lẽ hai người quen nhau? – Vivien hỏi bằng một giọng hơi ngại ngùng. 
- Chúng ta có quen nhau không nhỉ? – B thích thú hỏi tôi. 
- Ah, anh đang hỏi tôi ấy à? Tôi không nghĩ thế! – Tôi sung sướng đáp trả, càng sung sướng hơn khi thấy một chút thay đổi trong ánh mắt anh, rõ ràng giọng điệu ngược ngạo của tôi đang tạo hiệu ứng tốt, ít ra là tốt theo ý của tôi.  Nhưng anh đã nhanh chóng chuyển đề tài, và lại quay sang nói chuyện với Vivien. 
- Các cô biểu diễn chẳng khác gì dân chuyên nghiệp, có lẽ các cô đã phải tập luyện rất nhiều?
- Dạ phải, tập nhiều nhưng cũng nhờ bọn em ăn ý nhau, khả năng phối hợp do đó cũng dễ dàng hơn. 
- Chắc chắn rồi.  Chúc mừng các cô một lần nữa nhé! 

Tôi chợt nhớ ra lần trước, khi anh hỏi bâng quơ về việc nhảy can-can truyền thống, tôi muốn nhân cơ hội này đối chất trực tiếp với anh về vụ ấy, thông qua việc hỏi Vivien. 

- À này, Vivien, tôi có nghe nói đến khái niệm “can-can truyền thống”, em có biết nó có ý nghĩa gì không? – Tôi nói nhanh một hơi, như sợ rằng lỡ mình nói chậm đi một tý thì sẽ không còn cơ hội nữa. 
- Cái gì? – Vivien trố mắt nhìn tôi, rồi nét mặt nó tự dưng thay đổi rất nhanh, trông rất hề, còn B thì nhanh chóng liếc nhìn ra nơi khác, chân đổi tư thế, hơi hắng giọng, như thể anh đang chuẩn bị đánh bài chuồn. Dường như Vivien cố nén cười khi lại hỏi tôi thêm một câu. “Chị đã nghe đến khái niệm này ở đâu thế?”
- À, bởi vì có một người đã hỏi tôi rằng nhóm bọn mình có nhảy can-can theo kiểu truyền thống hay không đấy. 

Tôi vừa trả lời nó vừa hất hàm nhìn B, vẫn nhất quyết không thèm nói chuyện trực tiếp với anh ta.  Vivien hơi nhíu mày, trong khi môi mím lại. 
- Để em trả lời chị khi chỉ có hai chúng ta với nhau nhé?
- Tại sao phải bí mật như thế?  Không cần đâu!  Sẵn dịp người ta đang ở đây, phiền em giải thích cho tôi luôn, để người ta có dịp đối chất! – Tôi nói nhanh, nhận ra giọng mình hơi xẵng và cảm thấy bất công cho Vivien.   
- Thôi, hai người tự nói chuyện với nhau nhé.  Rất hân hạnh được gặp anh!  

Tôi chưa kịp phản đối thì Vivien đã tế nhị biến đi mất, để lại tôi đứng lớ ngớ trước mặt B, chẳng biết phải làm gì với cái của nợ ấy.  Vừa may tiếng chuông báo hiệu giờ giải lao đã kết thúc, tôi như trút được gánh nặng. 

- Hết giờ giải lao rồi, tôi phải vào trong đây.  Chào anh. 
- Khoan đã! – Anh vừa nói xong thì tôi nhận ra bàn tay anh đã nắm nhẹ vào cánh tay tôi.  – Em có cần phải vào lại trong ấy không? Em còn tiết mục biểu diễn nào nữa không? - Anh hỏi dồn dập khiến tôi ngạc nhiên và thích. 
- Tại sao tự dưng anh lại quan tâm đến việc riêng của tôi đến thế? – Tôi cảm thấy mình vừa bị hớ khi nói câu giận hờn trách móc vu vơ ấy, và tôi biết mình vừa thua một bàn.  Anh mỉm cười, nhưng nụ cười của anh rất hiền, không chút dấu vết gì của thái độ châm chọc mà tôi vốn rất không ưa. 
- Em biết tôi quan tâm đến em và những việc riêng của em mà … - B hạ thấp giọng.  Ôi, tại sao giọng anh có thể trầm và ấm đến thế, nhất là nó lại êm, mượt mà như thế, vừa đủ để vuốt ve những vết trầy xước mà tự ái đang cào cấu trong tim gan tôi.  
- Đi chơi với tôi nhé?  - Tay anh siết hơi chặt hơn vào cánh tay tôi, chẳng biết vô tình hay cố ý, nhưng tôi cảm giác chúng như gọng kìm êm ái đủ sức giữ tôi lại đúng vào lúc tôi đang bị giằng co như thế này.  Bước trở lại vào trong khán phòng ngột ngạt ấy cũng chẳng có gì hấp dẫn vì tôi đã cảm thấy mệt và bắt đầu chán, nhưng tôi cũng chẳng muốn rước thêm tai ương không cần thiết vào thân nếu tôi lại cho phép mình thu gọn khoảng cách với anh.  Tôi im lặng, đang cắn môi suy nghĩ thì cảm giác chân tôi trong vô thức đã bước theo anh về hướng cửa chính.  
- Khoan đã, đừng kéo tôi đi như thế chứ! - Tôi phản đối, vừa kịp nghe tiếng “phựt” nhẹ dưới chân.  Tôi nhìn xuống và kéo chân váy lên để kiểm tra thì thôi rồi, chiếc quai hậu của đôi giày nhảy vừa bị đứt. 
- Xin lỗi … tôi không có ý thất lễ với em …  – Anh buông cánh tay tôi ra và cho luôn cả hai tay vào túi quần, như muốn giam giữ chúng trong ấy trước khi chúng lại đi lang thang ra ngoài và cầm nắm vô tội vạ như khi nãy.  Anh nhìn tôi rồi liếc nhanh xuống chiếc giày vừa bị đứt quai hậu của tôi, ánh mắt thật mềm, thật khác xa với thái độ kỳ quặc của anh trong hai lần chạm mặt tôi ở nhà anh.  
- Nhưng tôi phải vào trong … 
- Tại sao? – Anh hỏi, giọng hơi thất vọng. 
- Để lấy áo khoác! – Tôi nói nhỏ, và mỉm cười, có lẽ lần đầu tiên trong đêm nay, với anh. 
- Thế thì không cần đâu, đây này. 

B vừa nói vừa cởi áo khoác trên người và phủ lên vai tôi, giọng anh như reo, tay anh cũng vừa kịp chạm nhẹ vào lưng tôi và đẩy nhẹ tôi đi ra cửa.  
- Anh đừng đẩy tôi đi như cách người ta áp giải phạm nhân thế chứ! – Tôi tiếp tục làu bàu, nhưng lần này giọng tôi mang nhiều âm hưởng đồng thuận hơn là phản đối. 
- Ta phải đi nhanh, nếu không thì sẽ bị họ bắt lại đấy! – Anh bắt đầu pha trò. 
- Làm gì có chuyện “chúng ta” ở đây, người ta chỉ bắt anh thôi.  Nếu anh sợ bị bắt đến thế thì cứ tự tiện chạy ra cổng chính chờ tôi ngoài ấy.  – Tôi vừa nói vừa kéo lê bàn chân mang chiếc giày đứt quai và cố nhịn cười, nhưng B thì không nhịn được, anh đã cười ngoác miệng đến tận mang tai. 
- Em tự bước đi được không đấy, Cô bé Lọ Lem? – B hỏi nhỏ tôi, người vẫn còn hơi rung rung vì cười.  
- Không được cũng phải được thôi, chẳng lẽ lại phải nhờ anh vác tôi ra xe? – Tôi nói cứng với anh, ngạc nhiên vì tự dưng hôm nay tôi luôn sửng cồ, luôn muốn chống chọi B thật quyết liệt, như để cố gỡ những bàn thua đậm trước đây của mình. 
B hơi chững lại một giây, người anh như vừa bị điện giật. 
- Đó là điều tôi vừa nghĩ trong đầu!  Nếu em cứ tiếp tục ngoan cố nữa là tôi xốc em đi ngay ra ngoài thật đấy. 
- Thật sao? – Đến lượt tôi hoảng hốt, chẳng biết anh ta nói thật hay lại pha trò nhưng vẫn cảm nhận một chút uy lực trong lời nói ấy.  Bực quá, nói chuyện với anh ta thật đau đầu. 
- Xe tôi đậu ngay trước cổng chính, em đứng chờ bên trong để không bị lạnh nhé, để tôi đi lấy xe và quay lại đón em.

Anh nói nhanh rồi đi băng băng ra bãi đậu xe, ẩn hiện sau những bụi cây được cắt tỉa chu đáo, và trong thoáng chốc đã nhanh chóng lái xe quay lại và đỗ xịch ngay trước cổng.  Tôi đã tròng vào người chiếc áo khoác của anh, nó dài gần chạm gối tôi, vẫn còn hơi ấm, mang đến cảm giác thật dễ chịu.  Rồi tôi dùng cả hai tay ôm đống váy dài lùng nhùng và bước xuống những bậc thang bằng đá cẩm thạch của Bảo tàng Mỹ thuật, vừa lúc anh đang đi như chạy từ dưới đường lên để đón tôi.  Anh lại vòng cánh tay săn chắc cho tôi vịn vào, lúc này đây anh lại bước đi từ tốn chứ không đi như chạy nữa, tôi thở phào …

Gió đêm vẫn lạnh.  Đêm nay trời trong và quang đãng, và thật nhiều sao.  Tôi vịn tay anh, những ngón tay lạnh cóng của tôi bắt đầu thích thú cảm nhận hơi ấm và sự căng tràn nhựa sống của cánh tay rắn rỏi ấy qua làn vải len mềm mại.  Nhớ lại lần đầu chạm mặt nhau ở ngoài vườn phủ thống đốc trong đêm Giáng Sinh ấy, khi anh đưa tôi đi vào trong đại sảnh thì tôi đã vô tình cấu mạnh vào cánh tay anh khi đang chìm trong suy nghĩ miên man.  Tôi ngước lên nhìn B, trong ánh sáng bàng bạc của trăng non, gương mặt anh với những đường nét sắc như tạc tượng nổi bật hẳn lên trên nền trời đen thẫm và phủ đầy sao đêm.  Bất giác, một ý nghĩ nghịch ngợm len vào đầu óc đang lâng lâng của tôi, tôi liền cấu nhẹ vào cánh tay anh và cười khúc khích.  B nhìn xuống tôi, đôi mắt sâu hun hút và lấp lánh ánh sao đêm, miệng nhoẻn cười, tay kia vỗ nhẹ lên bàn tay tôi và ở yên đấy, bao lấp bàn tay nhỏ bé gầy gò của tôi, phủ đầy lên đấy làn hơi ấm nồng nàn lan tỏa.  Vốn không chuẩn bị cho việc đi chơi ngoài kế hoạch này nên chân tôi cứ bước đi như một người đang mộng mị, chẳng biết mình đang đi đâu về đâu giữa không gian tĩnh mịch và ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn đường xa xa.  B vẫn im lặng dắt tôi đi xuống đường.  Hai mươi mấy bậc thang cẩm thạch sáng lóa dưới ánh trăng đêm ấy sao như dài vô tận, tôi cảm giác mình như đang cùng anh dạo bước phiêu lưu, bồng bềnh, vô định, không đích đến ...

Friday, September 8, 2017

Giáng Sinh xưa - Come away with me in the night (26A)



Sau những buổi tập nhảy miệt mài, vật vã, bao nhiêu hộp pizza đã được xử lý nhiệt tình sau mỗi buổi tập, và không thể không nhắc đến những trận cười nghiêng ngả hoặc những lớp băng quấn cổ chân hoặc đầu gối để tránh bị trật khớp, cuối cùng, dù muốn dù không thì cái ngày tôi không trông đợi rồi cũng đã đến.  Tôi cảm thấy ngạc nhiên với chính mình, vì càng tập thì tôi càng hăng, cảm giác xấu hổ ban đầu vì những động tác mạnh bạo như biến đi đâu mất cả.  Ngoài Vivien và Luís ra, tôi bắt đầu quen thêm gần hết các thành viên trong nhóm nhảy.  Chúng nó đều là sinh viên năm hai, dù với nhiều cá tính khác biệt nhau nhưng đều giống nhau ở sự dễ chịu, vui vẻ, hòa đồng, thân thiện.  Chúng nó biết tôi e ngại nên luôn hè nhau nâng đỡ tinh thần cho tôi, Luís cũng bớt suồng sã hơn, nhưng tôi có cảm giác cậu ta có một sự quan tâm đặc biệt nào đó dành cho tôi mà tôi cũng không chắc lắm.  Cuối cùng thì, tôi chẳng thật sự quan ngại gì về cậu ta cả, thay vào đó, tôi bắt đầu thấy quý Luís vì cậu ấy có vẻ là người tốt, biết điều, có trách nhiệm.  Luís nói tiếng Anh phảng phất một chất giọng Nam Mỹ, đẹp trai rất nam tính, lại nhảy đẹp và ga lăng với phụ nữ nên cậu ta giống như một hũ mật ngọt đầy cám dỗ khiến lũ ruồi là những cô gái xung quanh rất khó cưỡng lại được sức hút chết người ấy.  Vivien đã có lần hỏi xa hỏi gần tôi, rằng tôi nghĩ thế nào về Luís, và tôi đã vô tư trả lời nó bằng những suy nghĩ thật thà khiến nó cứ tủm tỉm cười bí hiểm mà tôi chẳng hiểu rõ dụng ý gì.  Tôi không nghĩ Luís “kết” tôi như cách một người đàn ông ưa thích một cô gái, theo tôi thì cậu ta chỉ tò mò về tôi vì tôi hơi khác với những cô gái vây quanh cậu ta, hoặc cũng có thể vì tôi là đứa duy nhất được “miễn dịch” khỏi sức hút mạnh mẽ của Luís nên việc ấy đã khiến tính hiếu thắng đàn ông lại trỗi dậy trong cậu ấy?

.

Ních xong vào người những lớp lang váy áo thì tôi đã bắt đầu cảm nhận ngay sự khó thở do áo váy mang lại, đặc biệt là chiếc corset thắt eo chật chội.  Sau khi bàn bạc, bọn tôi đã thống nhất không đội mũ lông mà đội tóc giả bạch kim, đánh son đỏ đậm, kẻ mắt đen đậm.  Tôi chẳng biết trang điểm, và cũng chẳng có dụng cụ trang điểm nào khác ngoài cây son hồng nhạt, một ít phấn mắt và một hộp phấn nền, thế nên Vivien lại sang giúp tôi trang điểm một lần nữa.  
Vừa nhìn vào gương, tôi giật mình muốn khóc thét, không thể tưởng tượng nổi cô ả diêm dúa trong gương chính là mình!  Trông tôi chẳng khác nào những cô gái phục vụ trong những tửu điếm Paris cách đây hai thế kỷ, nhất là thêm cái nốt ruồi duyên mà Vivien đã chấm lên mặt tôi, cách khóe môi chừng hai centimet, tôi chẳng biết phải khóc hay nên cười.  “Chỉ là một cuộc dạo chơi thôi mà!”, lời nhắn nhủ của Luís trong đêm hội hóa trang lại văng vẳng bên tai, rồi khi nhìn những cô ả khác trong nhóm vừa lục tục kéo đến, tôi quyết định cười!  Đứa nào cũng như đứa ấy, cả lũ chỉ trỏ vào nhau rồi cười nắc nẻ, làm sao tôi có thể gượng gạo với những đứa bạn vô tư hồn nhiên như thế này?  “Chỉ là một cuộc dạo chơi thôi, cứ thả lỏng và tận hưởng niềm vui hiện tại thôi”, tôi lẩm bẩm trong đầu như thế trong suốt thời gian ngồi trong xe với Vivien. 
Buổi triển lãm tranh vào buổi chiều trước đấy đã thành công mỹ mãn, thật chẳng bõ công sức của nhóm Vivien trong công tác chuẩn bị và tổ chức chương trình.  Vài ký giả của những tờ báo địa phương và cả một vài nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi cũng có mặt, cùng đông đảo khách mời và những người yêu nghệ thuật khác.  Nhóm tôi tranh thủ về sớm để thay quần áo, chuẩn bị cho màn diễn văn nghệ của tiệc tiếp tân buổi tối, là lúc ban tổ chức sẽ cho đấu giá những bức tranh, sẽ có vài bài phát biểu của những nhà tài trợ, xen lẫn với những tiết mục biểu diễn.  Toàn bộ tiền thu được trong sự kiện này sẽ được gửi tặng một chương trình nghiên cứu ung thư ở trẻ em.  Có lẽ sự kiện nổi bật nhất và gây xúc động nhất trong chương trình là bài phát biểu của một cô bé chín tuổi mắc phải chứng ung thư hiếm gặp.  Cô bé thật ngoan cường, phải chiến đấu với căn bệnh quái ác từng ngày từng giờ nhưng bé vẫn rất tự tin, sống tích cực, và luôn ủng hộ tinh thần cho những bệnh nhân nhí khác như bé. 

.

Tiếng vỗ tay vang dội trong khán phòng báo hiệu cho tôi biết màn biểu diễn “can-can” của bọn tôi vừa kết thúc.  Chỉ gần ba phút nhảy thôi nhưng bọn tôi đứa nào cũng toát mồ hôi và thở hổn hển sau những bước nhảy sôi động, nhanh thoăn thoắt và liên tục không ngưng nghỉ lấy một giây.  Có tiếng huýt sáo đó đây, và tôi đoán đấy là từ khu vực sinh viên hoặc từ những khán giả trẻ, và chắc chắn phải là từ những cậu con trai!  Màn diễn ấy cũng vừa khép lại phần nửa đầu của chương trình, và tiếp theo là giải lao mười phút.  Chúng tôi chào khán giả xong, lại phải đi ra chào thêm một lần nữa vì những tiếng vỗ tay vẫn vang dội không ngớt.  Bọn tôi thích thú nhìn nhau, cảm giác thật toại nguyện với thành quả ngọt ngào, rồi túa ra cánh gà và đi ra canteen gọi nước uống.  Luís đã đứng đón lõng bọn tôi ở bậc cuối của cầu thang, vừa vỗ tay vừa giơ cao cả hai cánh tay lên trời với hai nắm đấm, như thể cậu ấy đang ủng hộ một võ sĩ quyền Anh vừa thắng trận vậy.  Vừa thoáng thấy tôi, Luís đã vội vã bước đến, rồi trong cơn kích động vẫn chưa nguôi, cậu ta nhấc bổng tôi lên và xoay tôi một vòng trên không rồi hôn đánh chụt lên trán tôi, miệng liếng thoắng “Ôi, tôi thật tự hào về các em, thật tự hào!”.  Tôi nhìn Luís và cũng vui lây với niềm xúc động ngộ nghĩnh của cậu ấy, trong khi cậu tay bắt mặt mừng với các thành viên còn lại trong đoàn múa. 

Trong khi tôi đang trò chuyện rôm rả với Vivien về thành công tốt đẹp của màn biểu diễn vừa rồi thì Vivien bỗng im bặt rồi nhìn tôi và cười cười, ánh mắt khó hiểu.  
- Chị đừng quay đầu lại nhé, nhưng nãy giờ có người đứng nhìn chị say đắm ở quầy bar bên kia kìa!
- Hả? Làm sao em biết chắc anh ta nhìn tôi? 
- Khi nãy em thấy anh ta bên ấy, đẹp trai lắm nha chị, nên em cứ liếc trộm, cuối cùng thì em vỡ lẽ ra, anh ta chỉ nhìn chị, từ nãy đến giờ!
- Trông anh ta như thế nào? Tôi lơ đãng hỏi nó, lòng chỉ hơi tò mò một tí tẹo. 
- Cao, dáng chuẩn, tóc nâu sáng, rất ngắn, miệng cười rất duyên, cổ tay anh ta bị làm sao ấy nhỉ, nhìn có cái gì đấy giống như lớp băng gạc. 
- Hả?? Em không nói đùa đấy chứ? Tôi giật mình và theo phản xạ tự nhiên, quay phắt người lại nhìn theo hướng quầy bar.

Tuesday, August 29, 2017

La La Land


Lâu lắm mình mới được xem một phim tình cảm nhẹ nhàng dễ thương mà nội dung lại đúng ngay sở thích số một của mình nữa.  Mình chưa xem Moonlight, vốn đã giật giải Oscar cho “Best picture”, nhưng sau khi xem La La Land thì mình thấy nó cũng rất xứng đáng giật giải này.  Xem phim xong, mình như được một bữa no nê tinh thần, sau một thời gian dài mình vô tình bỏ đói nhu cầu tinh thần vốn rất háu ăn của mình!  Thỏa mãn từ thị giác với những hình ảnh sống động đầy màu sắc, cho đến thính giác với bao nhiêu bài nhạc hay, đặc biệt thể loại jazz cổ điển, và nhất là cảm giác về một câu chuyện tình lãng mạn dễ thương.  Phim tình cảm nhưng hoàn toàn không hề có một cảnh sex, thậm chí không có cả một nụ hôn, đòi hỏi người xem phải cảm nhận tình yêu của họ qua âm nhạc, màu sắc, và những diễn tiến phim hơi khác thường, đầy chất nghệ thuật.  Phim musical như thế này có lẽ thuộc dạng kén người xem.  Nhớ lần đi xem “Black swan”, “Easy virtue”, hoặc “Les Misérables”, mình đã nghe lõm bõm từ một vài khán giả nhận xét rằng phim thật “kỳ quặc”, trong khi mình thích đến nổi gai ốc, khi hết phim mà vẫn còn ngẩn ngơ vì nhạc quá hoành tráng!  Lần xem La La Land này là xem DVD ở nhà, nên sẽ không đạt được hiệu ứng âm thanh cần thiết so với xem tại rạp, nhưng mình thấy cũng rất ok. 

Xem phim xong lại suy nghĩ và lại hoài cổ.  Tại sao Seb (Ryan Gosling) lại phải là một nghệ sĩ dương cầm, và lại đam mê jazz đến điên cuồng như thế?  Cảnh Seb và Mia ngồi trên chiếc piano bench và hát cùng nhau “City of Stars” trong khi Seb đệm đàn và Mia vừa hát vừa cười khúc khích cứ làm tim mình loạn nhịp cả lên, tưởng như đang xem lại một khúc phim chiếu chậm của quá khứ.  Mia không hề thích jazz, nhưng vì yêu Seb nên cô cố gắng tìm hiểu về nó và khuyến khích Seb nên tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ấy, thay vì “bán linh hồn” cho một band nhạc hoàn toàn không liên quan gì đến jazz nhưng lại giúp Seb kiếm tiền.  Seb cũng ủng hộ Mia hết mình trong việc tự biên tự diễn một vở kịch mà cô ấp ủ, vì theo anh, nghệ sĩ chỉ có thể sáng tạo thành công khi làm những gì họ thích chứ không phải những gì họ được đặt hàng.  Nội dung về sự trăn trở cháy bỏng đến đau đớn giữa một bên là được sáng tạo và bên kia là nhu cầu kiếm sống của những con người nghệ sĩ này cũng chẳng có gì mới, nhưng cách thể hiện trong La La Land lại rất độc đáo và mới lạ, khiến người xem được trải nghiệm một cái nhìn hoàn toàn mới về một đề tài rất cũ.  Tiếc là mình đã không đi xem ở rạp, để thứ nhất là được hưởng thụ hiệu ứng âm thanh cho một phim tràn đầy âm nhạc như thế này, thứ nhì là lại “nghe ngóng” từ khán giả, xem có ai chê phim là “kỳ quặc” như những lần mình xem phim dạng musical như những lần trước hay không .

Friday, June 9, 2017

Rules & common sense




Mình lớn lên trong một môi trường có thể nói là một trong những nơi đào tạo robots tinh vi vào bậc nhất nhì thế giới, có lẽ chỉ sau Trung Của, Bắc Hàn, và Cuba, thế cho nên khi càng lớn lên thì mình càng phát sinh tư tưởng nổi loạn. Mà tính mình hiền, nổi loạn là nổi loạn có kiểm soát, là âm thầm bức phá, chứ chẳng phải ầm ĩ ra ngoài như các “học trò cá biệt”.

Con mình học trong một môi trường khá old school, các cô giáo rất tận tâm và có trách nhiệm, nhưng cũng có một số cá nhân cực kỳ bảo thủ và cứng nhắc. Không may, năm vừa rồi con mình học với một trong những cô giáo ấy! Công bằng mà nói, về mặt kiến thức và kỹ năng dạy học sinh cấp một thì cô này thuộc hàng xuất sắc chứ chẳng phải vừa, mình thấy rõ ràng học sinh trong lớp cô viết chữ đẹp hơn và kỹ năng đọc hiểu, toán cũng có phần cao hơn lớp cô kia. Nhưng mà sau khi con mình vài lần về kể với mình là “con ước gì cô bớt nghiêm khắc đi” thì mình hơi e dè, lân la hỏi chuyện các phụ huynh khác thì đại đa số các chị ấy cũng có cùng ý kiến như thế.

Có lần, trường ông có chương trình science expo, bọn nhỏ làm báo tường về chủ đề động vật, và chúng sẽ đứng trước tờ poster của mình mà trình bày cho phụ huynh nào đi ngang và đặt câu hỏi. Không may, chỗ của ông ngay một góc kẹt, phụ huynh thì đông như kiến cỏ, thế nên ba của ông đi rảo qua rảo lại mấy lần vẫn không tìm ra ông. Ông thì thấy ba ông nhưng gọi thì ba không nghe, mà cô đã dặn không được rời vị trí, thế là ông nghe lời một cách máy móc, đứng đực ra đấy, bất lực nhìn ba ông lượn vòng vòng như diều hâu săn mồi năm lần bảy lượt. Hoặc cô giáo ông có một luật lệ, hễ đứa nào làm đổ nước ra bàn thì sẽ phải cất bình nước vào ba lô cho đến hết giờ học. Có lần ông làm đổ nước ra bàn, thế là ông tự động chịu hình phạt như “luật đã định”, và ông phải khát nước cả ngày!

Hoặc như hồi đầu năm, dăm lần bảy lượt khi mình đón ông về thì y như rằng ông mắc tè muốn són ra quần, việc này không hề xảy ra hồi năm trước. Mình hỏi ông thì được biết, cô bảo chúng nó không được phép rời khỏi lớp khi chúng đang ngồi xung quanh nghe cô giảng, và chúng nó có “bathroom pass”, đứa nào muốn đi toilet thì đeo cái pass ấy lên ngực để giáo viên có gặp chúng đi lang thang thì biết chúng nó đi toilet chứ không phải đi rong trong giờ học. Nhưng khi mắc quá mà đứa bạn chưa mang pass về thì ông cứ ngồi đực ra chờ, mà đứa kia khi vừa về lớp thì chuông cũng vừa reo, thế là lại không được phép đi đâu mà phải thu xếp tập vở vào cặp chuẩn bị ra về.

Tội nghiệp ông nhỏ, tính hiền lành, cô nói gì là tuân thủ răm rắp, đôi khi cảm thấy hơi uất ức nhưng vẫn cứ tuân lệnh như cái máy, nên mình với ba nó bắt đầu chiến dịch “nhồi nhét”: con là ông chủ của bản thân con, không ai có quyền ra lệnh cho con làm bất cứ điều gì hết. Mình dạy nó, rằng đi học thì phải tuân thủ nội quy của trường học, nhưng nếu con cảm thấy nội quy có gì đó không ổn và con không đồng ý thì con phải phát biểu ý kiến của mình chứ không nên bấm bụng tuân thủ mà trong lòng cứ uất ức. Luật lệ nhà trường được đặt ra là để bảo vệ cho học sinh, vì sự an toàn và phát triển của con, chứ không phải để hành hạ hay biến con thành con robot. Nếu con không dám phát biểu ý kiến (cái này mình chắc 100% luôn), thì về báo cáo phụ huynh, để ba mẹ làm việc với nhà trường! Được cái, ông thường báo cáo rất thành khẩn các sự kiện lớn trong ngày nên mình còn biết theo dõi và thông tin liên lạc với cô của ông mà khắc phục sự cố. Đa phần, khi mình hỏi chuyện cô giáo thì đều là do chúng nó hiểu lầm, có lẽ vì cách cô truyền đạt nội quy đến chúng nó giống như cách phát xít Đức áp dụng quân luật lên quần chúng, nên chúng nó cứ sợ trắng mắt ra mà ngoan ngoãn tuân theo và chẳng dám cho ý kiến ý cò.

Gì thì gì, mình ghét cay ghét đắng cái sự vô lý của luật lệ. Càng ghét hơn khi người ta nói “tôi biết nghe có vẻ vô lý, nhưng luật là luật, tôi không thể làm khác đi được!” Con còn nhỏ lắm, nghĩ lại, cũng may mà nó vớ phải cô giáo nghiêm khắc quá thể đáng nên mình mới có đất dạy con về việc không nên tuân thủ luật lệ như một cái máy, mà phải tự hỏi bản thân mình xem luật lệ ấy có lý hay không. Mình còn dạy nó, thậm chí nếu ba mẹ nói gì mà con cảm thấy không bằng lòng thì con cũng phải nêu ý kiến, bởi vì không phải ba mẹ lúc nào cũng đúng 100%. Thà nó cãi mình, để nó có cơ hội tập khả năng phản biện về sau, chứ mình sợ lắm rồi cái khái niệm “con cái (chỉ) phải biết vâng lời cha mẹ, thầy cô” mà mình đã được nhào nặn từ tấm bé!

Friday, June 2, 2017

Let it go



Con trai sắp được 7 tuổi, ngoảnh qua ngoảnh lại cứ thấy con cứ ngày càng rời xa dần vòng tay ôm ấp và chở che của mẹ. Rồi một ngày nào đó, con sẽ trở thành một chàng trai cường tráng, khỏe mạnh, khi ấy chẳng biết mẹ con mình còn có được bên nhao để con lại che chở, bảo vệ mẹ già hay không đấy?

Ảnh: cách đây mới có chừng 3 năm chứ mấy, mẹ con mình nằm đong đưa trên võng trong một buổi trưa hè lười biếng với làn gió hiu hiu thổi hơi ẩm từ nước sông sau nhà, mang đến cảm giác mát mẻ hiếm hoi dễ chịu trong một buổi trưa hè nắng nóng. Mẹ yêu con khủng khiếp!

Thursday, June 1, 2017

Giáng Sinh xưa - The authentic can-can (24)


Jacqueline nhận lời chơi dương cầm cho các tiết mục biểu diễn khác của nhóm Vivien chẳng chút ngại ngần. Ngoài việc dạy dương cầm, bà còn dạy tiếng Pháp trong một chương trình do chính phủ Pháp tài trợ thông qua Đại sứ quán Pháp, nhưng thời gian của bà rất linh động, tôi có cảm giác cuộc sống của bà là cả một cuộc dạo chơi. Hay ít ra, đó là điều tôi nghĩ khi ấy. Những ngày này, tôi tập đàn miệt mài, ngoài tuần hai buổi học với Jacqueline, những ngày còn lại tôi đều chăm chỉ ở lại tập đàn bên khoa thanh nhạc vào mỗi tối sau giờ làm việc. Nhưng bây giờ tôi đã quản lý thời gian tốt hơn, luôn vặn đồng hồ báo giờ để chắc chắn rằng mình có thể ra về và kịp đón chuyến xe bus cuối trong ngày. Trời cứ ngày càng lạnh, tôi chán ngán chẳng biết cho đến khi nào thì mình mới thôi chảy máu mũi mỗi ngày vì thời tiết lạnh và khô như thế này, và tôi chẳng muốn lặp lại vụ đi bộ về nhà vào ban đêm trong tiết trời lạnh cắt da và lại nhiễm lạnh lần nữa.

Thi thoảng tôi sang chơi với Vivien bên trường Mỹ thuật, và tôi luôn “ô, a” mỗi khi quay trở lại, bởi vì ở đấy luôn luôn có những cái mới hầu như chẳng bao giờ lặp lại cái cũ. Hôm nay chúng nó trưng bày một bức tượng bằng gốm khổng lồ thì lần sau tôi đến, bức tượng gốm đã được thay thế bằng một “tác phẩm” với hình hài gì tôi chẳng rõ, chỉ biết nó làm bằng các mảnh và ống kim loại rỉ sét và sứt sẹo đủ kích cỡ. Bàn ghế của bọn sinh viên cũng tuần tự được sắp xếp theo các cách thức và thứ tự khác nhau, khi thì sắp hàng ngang, khi thì tụ nhóm lại, khi thì giãn ra mỗi đứa ngồi riêng một bàn. Đúng là dân mỹ thuật, chẳng bao giờ hài lòng với những điều xưa cũ mà luôn khát khao sáng tạo, tìm tòi những cái mới, lạ, thế nên tôi cảm giác chúng nó cũng gàn gàn thế nào. Và lần này khi tôi quay lại và chính thức tập nhảy “can-can” với đám con gái thì tóc của Vivien đã chuyển sang màu đen tuyền như lông quạ chứ không sặc sỡ như con công trống lần trước. 

Gặp lại tôi, Luís vui mừng hồ hởi ra mặt, nhưng việc ấy chẳng có giá trị gì với tôi lắm, vì tôi nghĩ cậu ta gặp ai cũng vồ vập như thế, chứ chẳng nhất thiết là với một cá nhân nào.

“A, xin chào Dancing Queen! Em khỏe không?”
“Tôi khỏe, cám ơn cậu.” Tôi mỉm cười bâng quơ khi nghe cậu ta nhắc đến “Dancing Queen”, mừng thầm vì cậu ta không hỏi thăm vụ ngất xỉu thật xấu hổ trong đêm masquerade nọ. “Thế hôm nay chúng ta sẽ chính thức tập ‘can-can’ à?”
“Đúng thế, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là nên tập theo một dàn dựng đã có sẵn, vì chúng ta không có nhiều thời gian để tập theo một phiên bản mới.” Luís trả lời. “Trước hết các cô sẽ xem một video clip để hình dung ra đội hình và các động tác, rồi tôi sẽ phân công vị trí cho các cô.”

Nhóm tôi chừng bảy đứa, chúng tôi dàn hàng ngang để cậu ấy phân bổ đội hình. Tôi cứ nghĩ mình là đứa thấp nhất, ai ngờ có hai đứa khác còn thấp hơn tôi. Luís cứ xào qua xáo lại đội hình, lùi ra xa, đưa tay lên xoa cằm ra chiều nghĩ ngợi sâu sắc lắm, rồi lắc đầu và phân bổ lại. Vivien đã bắt đầu mất kiên nhẫn, nó hắng giọng, hất cằm với Luís như muốn bảo “quyết định cho nhanh lên nào, bọn này chóng mặt rồi đấy!”. Tôi thì từ cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ biết đến điệu nhảy này, chỉ nhớ là có nghe nhạc của nó ở đâu đấy, thế nên khi vừa xem cái video clip ấy thì tôi bắt đầu co vòi, vì nó bạo dạn quá, toàn tốc váy, chĩa mông về khán giả, và đá chân lên trời! Luís cười ngất vì dường như cậu ta hiểu được quan ngại của tôi xung quanh việc ấy, mặc dù tôi chẳng nói gì. 

“Tinh thần của ‘can-can’ chỉ có thế. Không nghịch ngợm, không diêm dúa thì chẳng phải ‘can-can’!”

Cả đám cười ồ, chúng nó dọa sẽ lựa cho tôi cái xiêm áo nào hở ngực sâu nhất khiến tôi tự nhủ trong đầu “đã phóng lao thì phải theo lao” và chỉ biết cười nhăn nhở lại với bọn chúng mà thôi, nhưng tôi đã đạt được đồng thuận với bọn chúng về việc sẽ tròng thêm vào bên dưới chiếc quần đùi, bởi vì nếu chúng nó không mặc thì tôi cũng sẽ cứ mặc và do đó sẽ ảnh hưởng đến “đồng phục” của cả bọn. “Che được phần nào thì đỡ phần đó”, tôi nghĩ thế, và cảm giác như sắp nghẹt thở khi nghĩ đến điều tôi ghét nhất trong đời là phải leo lên sân khấu và múa hát, một việc mà tôi đã phải làm mỗi năm một hoặc vài lần trong suốt cuộc đời đi học. 

.

“Ô là la, cháu sẽ tham gia nhảy can-can à? Thật tuyệt! Đó là điệu nhảy xuất phát từ Pháp đấy, từ những năm đầu của thế kỷ mười chín. Ngày xưa tôi đã rất muốn tập nhưng bố mẹ tôi hơi cổ hủ trong vấn đề ấy nên chẳng cho phép. Nhưng đó là chuyện của ngày trước, những người tự xem mình là thượng lưu thì thường làm ra vẻ kẻ cả với những vấn đề như thế này, chứ bây giờ thì mọi người đã dễ dãi hơn nhiều lắm rồi.”
“Cháu nghe nói đó là một ‘dirty dance’ nên cũng hơi ngại …” Tôi e dè trả lời bà. 
“Ôi dào, dơ bẩn là một khái niệm do những con người với đầu óc dơ bẩn tưởng tượng ra, cháu đừng bận tâm. Đó là một điệu nhảy vui nhộn, cứ thoải mái, đừng bận tâm đến việc người khác nghĩ gì, miễn cháu thích là được.”

Tôi nghĩ lan man, chẳng biết mình có thực sự thích vụ này hay không. Tôi chấp nhận tham gia chỉ vì muốn thử thách bản thân, chứ cá nhân tôi không thích biểu diễn hay thể hiện mình gì cả. Tôi cũng chẳng đủ “cool” để chỉ làm những gì mình thích mà không màng đến người khác. Có lẽ việc lớn lên trong một môi trường nơi mà nhiệm vụ của một đứa trẻ là phải biết vâng lời thầy cô và làm vui lòng cha mẹ đã bóp chặt những tư tưởng tự do trong tôi từ lúc mới lọt lòng mẹ. Nghĩ đến đấy, tự dưng tôi cảm giác một tư tưởng nổi loạn đang len lỏi vào dòng suy nghĩ của mình và, tôi quyết định làm một cuộc cách mạng giải phóng bản thân, ngay từ bây giờ. 

“Chào ladies!” Tôi nghe tiếng mở cửa và B bước vào, chiếm lĩnh cả khung cửa vốn đã cao, đã rộng, nụ cười rạng rỡ làm bừng sáng cả không gian rộng của tiền sảnh. Hôm nay anh mặc quân phục xanh đen với hai hàng nút vàng sáng trước ngực và ba sọc vàng ở ống tay áo, sơ mi trắng và cravat xanh đen bên trong, thật vừa vặn, thật chỉnh tề, tóc lại húi cao bên dưới chiếc nón sĩ quan thật phẳng, thật sắc với chiếc huy hiệu Hải quân và những đường chỉ vàng chạy dọc vòng quanh chân nón khiến tôi ngẩn ngơ nhìn anh trong phong thái đĩnh đạc của một sĩ quan đầy kỷ luật, không phải một anh chàng hay đùa nghịch vớ vẩn hay một nghệ sĩ đa tình mà tôi từng biết. 

“Chào con! Hôm nay con về sớm à?” Jacqueline thong thả nói, nhưng tôi cảm nhận một sự vui mừng, ấm áp và thương yêu đầy ắp trong đấy. 

Anh đặt hành lý xuống sàn rồi bước đến ôm hôn Jacqueline, vẫn những sải bước thật dài, thật khoan thai mà tôi từng quen thấy, rồi bước đến tôi, lúc này đang đứng cạnh chiếc dương cầm. Tôi đưa tay ra cho anh khiến anh hơi chững lại, hơi cúi đầu chào rồi mỉm cười và bắt tay tôi. Hơi ấm từ bàn tay chắc khỏe của anh lan tỏa, bao trùm bàn tay nhỏ bé và lạnh giá của tôi tạo nên một cảm giác thật dễ chịu, ánh mắt anh nhìn tôi cũng ấm áp hơn, tôi cảm giác nếu anh nhìn tôi đủ lâu và đủ nồng nàn thì tôi sẽ tan chảy trong tích tắc mất. Nhưng việc ấy có lẽ đã không xảy ra, anh siết nhẹ tay tôi rồi từ từ buông ra khiến tôi cảm nhận một sự hụt hẫng tí hon trong lòng. 

“Này B, con biết gì không, cô bé này sẽ nhảy can-can với đám sinh viên Mỹ thuật đấy!” Jacqueline hào hứng khoe ngay với B. 
“Wow! Thế, các cô có nhảy điệu can-can truyền thống hay không?” 

Tôi đang nghĩ không biết anh đang hỏi gì thì Jacqueline đã trừng mắt và nhẹ lắc đầu với B khiến anh cười vang rồi bước đến cầu thang. “Thôi, tôi không làm phiền nữa, xin phép các cô nhé!” Rồi anh bước đi, tôi cảm thấy thật khổ sở khi phải ép mình không nhìn theo dáng anh đi lên lầu, chợt nhận ra tôi và anh vẫn chưa nói với nhau một lời nào, dù chỉ là một câu chào xã giao! 

“Trong vòng cả năm nay, chưa bao giờ tôi thấy B vui vẻ đến thế này.” Jacqueline vừa nói vừa nhìn theo ông con trai vừa đi khuất sau hành lang trên lầu và miệng đang vui vẻ huýt sáo. “Tôi nghĩ nó đang hạnh phúc về một việc gì đấy.” Jacqueline vừa nói vừa nhìn tôi, vẻ dò xét. “Cám ơn cháu đã mở cửa cho nó có chỗ dung thân vào tối hôm kia. Sáng sớm hôm ấy tôi có một chuyến đi xa với hội tập thiền, lúc khóa cửa tôi đãng trí thế nào lại quên để lại chìa khóa cửa vào chỗ cũ nơi tôi thường giấu chìa khóa mà cho luôn vào túi. Nó rất vui sau lần gặp cháu hôm ấy!”

“Anh ấy vui vì gặp cháu sao? Cháu và anh ấy khi gặp là cứ cãi nhau bầm bập …”
“Người Pháp vốn rất thích tranh luận, mà tranh luận với tranh cãi đôi khi không thật sự có ranh giới…” Jacqueline vui vẻ nói, “và cháu đừng quên nó mang nửa dòng máu Pháp, lỗi chẳng phải của nó!” Nói đến đây thì bà bật cười sảng khoái trong khi tôi thầm ngưỡng mộ sự duyên dáng của Jacqueline.

“Thật ra tôi hiểu ý cháu, tôi hy vọng nó đã không nói hay làm gì quá đáng … Bản tính nó không phải như những gì cháu thấy và cảm nhận trong những ngày này, nó đổi tính từ một năm nay, tôi nghĩ …”
“Điều gì khiến anh ấy lại thay đổi như thế?” 

Một thoáng im lặng.

“A broken heart. Nó đã trải qua một số việc không hay, không biết nó đã … nói gì cho cháu nghe chưa?”
“Anh ấy có hứa sẽ kể chuyện … khi nào anh ấy sẵn sàng, đại loại là như thế …” Tôi thì thầm, lòng chợt thoáng buồn, và muốn thay đổi đề tài. “Thế, điệu nhảy can-can truyền thống là gì, thưa cô?”  
“Ôi, nó chỉ hỏi vớ vẩn thôi, cháu đừng bận tâm làm gì!” Jacqueline xua tay, rồi đến lượt bà chuyển đề tài. “Thế các cô tập tành thế nào rồi? Các cô đã có trang phục biểu diễn chưa?” 

Tôi nói với bà ấy rằng vụ ấy đã được lo liệu, và bọn tôi đang bàn cãi về việc có đội mũ lông như đúng kiểu truyền thống hay không, thì Jacqueline bỗng đưa tay lên miệng che giấu một nụ cười vội vã. Tôi đồ rằng nó có liên quan gì đấy đến phát biểu của ông con của bà trước đấy, về cái điệu nhảy can-can “truyền thống” kỳ bí kia, và bà vì tế nhị nên đã cố lảng tránh không trả lời. “Được lắm,” tôi nghĩ, “lần gặp Vivien sắp tới thì tôi phải hỏi cho ra lẽ!”. 
.

Saturday, May 27, 2017

Giáng Sinh xưa - Can’t take my eyes off you (23)


Dọn dẹp trong bếp xong, tôi đốt nến thơm và đặt nến lên bàn nước, sắp bánh ngọt ra đĩa, và lại vào bếp pha trà. Khi quay trở ra phòng khách, tôi đã thấy B đang quỳ gối và săm soi cái gì đấy ở góc phòng. 

“Chà chà, có người hâm mộ David đây!”

Tôi giật thót tim khi nghe B nhắc đến David, chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Trong một thoáng, tôi nghĩ anh đang nhìn ảnh chụp tôi và David, nhưng tấm ảnh được dựng trên giá sách chứ đâu nằm trong góc ấy. Tôi nhanh chóng lẻn bước đến giá sách, tấm ảnh vẫn còn ở đấy, có vẻ như vẫn nằm yên chỗ cũ mà chưa có dấu hiệu bị động chạm vào. May quá, thế là tôi nhanh tay xoay ngược tấm ảnh vào trong, rồi rón rén bước đến gần B từ phía sau xem anh ta lại đang soi mói gì nữa đây. Tôi không dám đến quá gần mà chỉ dám kiễng chân nhìn từ sofa, và trước mặt B là một bức họa của Vivien mô tả một nam nhân khỏa thân với dáng đứng bắt chước “David” trong tác phẩm điêu khắc nổi tiếng cùng tên của Michael Angelos. Tôi vốn không quan tâm lắm đến hội họa nên chưa bao giờ xem qua những bức họa của Vivien, nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một “David” được vẽ bằng bút chì trên nền giấy lụa trắng, trông rất sống động. Khi ấy tôi thầm cảm ơn những ngày tôi miệt mài lôi sách vở về hội họa Phục Hưng châu Âu về nhà, nhờ đó mà tôi mới biết B đang nói về cái gì. Những ngày gần đây, Vivien đã đến lấy bớt đồ đạc nhưng vẫn còn để lại một ít dụng cụ vẽ và vài bức tranh, bất cứ ai bước vào phòng khách của tôi, khi nhìn những thứ ấy có lẽ đều sẽ có ấn tượng rằng tôi là họa sĩ. Ngoài ra, cây đàn guitar dựng ở góc phòng đối diện mà Vivien chưa mang đi và vài cuốn sách “Lonely Planet” nằm hờ hững trên giá sách càng gây ấn tượng về một chủ nhân tài hoa nghệ sĩ, phong trần, thích phiêu lưu mạo hiểm nay đây mai đó, và tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy. Biết B đang có cả ngàn thắc mắc trong đầu xung quanh bức họa ấy mà chẳng biết phải mở lời thế nào nên tôi thích thú trêu anh ngay. 

“Bây giờ đến lượt tôi ‘đọc’ suy nghĩ của anh nhé! Anh đang nghĩ làm sao một người nhát như tôi lại dám vẽ tranh đàn ông khỏa thân, và ai đã làm người mẫu cho tôi vẽ, phải không?”

B nhìn tôi thảng thốt, trong tích tắc, tôi nghĩ anh đang đóng kịch, nhưng rồi tôi biết anh thực sự bị sốc với những gì anh vừa được nghe. 

“Thế em có câu trả lời cho những điều em vừa ‘đọc’ được không?” 
“Dĩ nhiên là có, nhưng anh phải xác nhận xem điều tôi vừa nói có phản ánh đúng suy nghĩ vừa rồi của anh hay không trước đã!”
“Thôi được, em thắng, em đã nói trúng phóc những điều tôi đã nghĩ.”
“À há! Nhưng mà xin lỗi anh, tôi chẳng có câu trả lời.”
“Cái gì? Này, lừa đảo như thế là chơi không đẹp nhé!”
“Tôi đâu có lừa anh,” tôi vẫn khoái trá ỡm ờ thêm một tẹo. Anh lại giả vờ nghiêm mặt nhìn tôi khiến tôi càng cười to hơn. Lúc này tôi đã quỳ gối bên cạnh anh và đối diện bức họa. “Nói thật mà, tôi không biết anh người mẫu kia …” Tôi cố làm ra vẻ ngây thơ, và có cảm giác anh đang vận dụng chút kiên nhẫn cuối cùng trong người để chờ tôi nói hết câu, “… vì tôi đâu có vẽ anh ta! Đấy, tôi có câu trả lời mà, đúng không?!” 

Anh chỉ nhìn tôi, môi hơi mím lại rồi lắc đầu và nói khẽ “Nghịch quá đi nhé! Thế ai đã vẽ bức họa này đấy?”
“Một cô bạn mới quen. Cô bé học bên Học viện Mỹ thuật và từng sống ở khu bị cháy bên kia …” Tôi hơi chững lại khi nhắc đến vụ hỏa hoạn ấy, nhưng B vẫn tỉnh bơ chẳng nói gì. 

Tôi cũng ngạc nhiên với sự bạo dạn của mình về chủ đề đang nói, và tự động nghĩ trong đầu rằng mình sẽ không dám đùa cợt như thế nếu đang ở bên cạnh David. Bản chất tôi vốn hơi nghiêm, ít nói, nhưng tôi cũng dễ thích nghi với hoàn cảnh. Tôi không nghĩ B là người dễ dãi, hay cợt nhả và phóng túng, mà có cảm giác anh đang phản ứng lại một trạng thái trầm uất nào đó bằng những biểu hiện mà tôi thường thấy khi gặp anh. Làm việc với giáo sư Reynolds một thời gian, tôi cũng bắt đầu học được chút ít về tâm lý học, tính tôi lại hay thích lặng lẽ quan sát người khác, thế nên có lẽ tâm lý học sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tôi khai phá và áp dụng về sau. 

“Tay anh bị làm sao thế?” Tôi hỏi khi nhìn lớp gạc băng quanh cổ tay anh rồi ngờ ngợ mình đã có câu trả lời. 
“Bị bỏng.” 
“Tôi biết lý do bị bỏng của anh …” tôi thì thầm. 
“Thế việc tôi bị bỏng … có đáng không?” Anh vẫn phớt tỉnh. 
“Gạc bị ướt rồi.” Tôi đánh trống lảng, né tránh câu hỏi của anh.
“Rồi nó sẽ khô thôi …”
“Để tôi xem nào,” tôi nói rồi săm soi lớp gạc, có lẽ bị ướt khi anh rửa bát lúc nãy. “Để ướt thế này không ổn đâu, để tôi giúp anh thay lớp gạc mới.”

Rồi tôi đứng lên và đi vào trong tìm hộp đựng bông băng thuốc đỏ. Anh ngoan ngoãn để tôi run run gỡ lớp gạc cũ ra rồi đặt tay lên bàn, lớp da bị bỏng kéo dài từ cổ tay lên đến tận gần khuỷu tay đã bắt đầu kéo da non và có dấu hiệu lành lặn tốt. Tôi không ngờ vết bỏng của anh phải mất một thời gian gần cả tháng mới lành, thì anh đã giải thích. 

“Tôi phải đi công tác sau ngày đầu năm, và vì tôi không chăm sóc vết bỏng chu đáo trong thời gian ấy cho nên nó không lành đúng thời hạn.”
“Cũng may, anh chỉ bị bỏng …”
“Trời, suýt nữa thì tôi mất cả nửa cánh tay mà em bảo rằng may à?!” Rồi anh vội nói tiếp khi tôi ngước lên nhìn anh đầy lo ngại. “Đùa thôi đùa thôi, vết bỏng thuộc cấp độ hai, tuy không nhẹ nhưng cũng không quá nguy hiểm. Ôi, nó ngứa ngáy chịu không nổi, có lúc tôi chỉ muốn cào cho nó rách bong ra, thà chịu đau còn đỡ hơn chịu ngứa!”

Tôi an ủi anh cho có lệ rồi im lặng giúp anh chăm sóc vết bỏng, dùng một miếng gạc vuông chậm nhẹ lên vùng da bị tổn thương, rồi thổi nhè nhẹ lên ấy cho mau khô. Nhìn những ngón tay thon dài và rám nắng thật đẹp của anh, tự dưng tôi xúc động kỳ lạ, may mà chúng vẫn bình an, rồi chợt liên tưởng đến hình ảnh những ngón tay nghệ sĩ ấy đang lướt trên những phím đàn và cả giọng hát thật trầm, thật ấm của anh trong đêm Giáng Sinh như đã rất xa xưa ấy ... 

“Em định thổi cho đến bao giờ đấy?” Anh nheo mắt nhìn tôi và mỉm cười. “Lại suy nghĩ vớ vẩn phải không?”
“Thế thì anh thử đoán xem tôi đang nghĩ gì đi!” Tôi lại giở trò đoán đố ra với anh.
“Em đang vui, thế thôi! Mà này, khi nãy lúc vừa mở cửa cho tôi, em đang mặc gì dưới lớp áo choàng tắm thế?”

Tôi giật mình, bất ngờ vì câu hỏi bất chợt và thẳng tưng của anh. Trong một thoáng, tôi nghĩ câu hỏi ấy mang tính sàm sỡ rất “phàm phu” khiến tôi hơi thất vọng về anh và nhăn trán. Gió lật phật bên cửa sổ khiến tôi nhìn ra đấy và … ôi thôi, tôi đã hiểu ra tất cả. Buổi sáng có chút nắng nên tôi kéo rèm cửa sổ ra để đón tí nắng vào nhà, rồi quên kéo rèm lại. Thế là khi nãy anh ta đã mục kích toàn bộ tiết mục biểu diễn “Dancing Queen” của tôi trong chiếc váy dạ hội yểu điệu kia à? Anh đã đứng ngoài ấy bao lâu rồi mới gõ cửa? Khỉ thật, mặt tôi lúc này chắc đã đỏ lựng như tôm luộc rồi cũng nên. 

“Tại sao anh lại muốn biết nhỉ?”
“À, tính tôi rất tò mò, em biết rồi mà còn hỏi!”
“Thế thì anh cứ để cho trí tò mò giày vò mình đi nhé!” Tôi tiếp tục băng bó cho anh, khoái trá ăn miếng trả miếng và né tránh cái nhìn láu lỉnh ấy, nhưng anh vẫn chưa chịu buông. 
“Em mặc cái váy ấy thật đẹp, sao lại phải dùng áo choàng tắm che lại phí thế?” Đến đây thì anh đã lật ngửa ván bài, chẳng bận tâm thăm dò gì nữa. 
“Váy nào?” Tôi vẫn khoái chí cứng đầu cứng cổ không chịu khai báo, cảm giác thành công vì đã lờ được cách nói chuyện dễ gây sốc của anh.

Anh chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi chăm chú và tủm tỉm cười khiến tôi cảm giác nhột nhạt toàn thân, chỉ im lặng băng bó và cầu trời cho tay mình đừng quá run rẩy và do đó, lại tự tố cáo mình trước mặt anh một lần nữa.

"Anh bị bỏng như thế này thì có ảnh hưởng gì đến việc chơi đàn không?” Tôi thay đổi đề tài khi đang dùng kéo cắt dây buộc gạc. 
“Hiện nay thì có lẽ là không, nhưng đã lâu rồi không chơi đàn nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Lần biểu diễn vừa rồi chỉ là một buổi họp mặt của các cựu thành viên ban nhạc Hải quân mà thôi.”
“Thật ư? Tôi chưa bao giờ nghe ai đàn và hát hay đến thế!” Tôi thật lòng khen anh. 
“Cám ơn em. Jacqueline mà nghe được chắc sẽ mãn nguyện lắm!” Anh cười thật sảng khoái. “Thế em học hành đến đâu rồi?” 
“À, tôi đang tập ‘chords’, và luyện ngón …”
“Và đang tập bài ‘Alouette’ của trẻ con đúng không?” 

Tôi chỉ mỉm cười và gật đầu. Anh lại nói tiếp. “Tôi nhớ hồi đó cũng bị tập bài này khi mới học ‘chords’, và đã rất thích giai điệu vui nhộn của nó. Ai học với mẹ tôi cũng tiến bộ rất nhanh.” Anh dừng lại vài giây rồi nói nhanh, “Nhưng có lẽ chẳng phải nhờ cô giáo giỏi, mà là vì bà biết nhìn người và chỉ nhận những học viên mà bà đánh giá cao thôi!” Anh lại cười giòn và bắt tôi phải hứa giữ bí mật về điều anh vừa tiết lộ. 

“Tôi chẳng biết, nhưng bà nhận tôi học ngay lần đầu gặp gỡ, làm sao bà biết tôi có năng khiếu hay không?” Tôi cãi và cảm thấy muốn biện minh cho Jacqueline. 
“Bà ấy nhận học viên dựa trên hai tiêu chí: lòng đam mê của học viên và giác quan thứ sáu của bà ấy. Mẹ tôi rất tự hào về khả năng nhìn người đoán tính của mình.” Nói đến đây, anh cười khìn khịt ra chiều khoái trá, còn tôi thì chẳng biết nói gì, chỉ nghĩ rằng có lẽ anh có lý. 
“Anh với bà ấy có vẻ rất thân nhau nhỉ!”

B hơi trầm ngâm một thoáng rồi mới trả lời. “Đúng thế. Đôi khi tôi quên mất bà ấy là mẹ mình nữa đấy! Từ hồi vào học viện Hải quân, tôi đã ở nội trú nên ít về thăm nhà được, cho đến khi ra trường thì đi công tác liên miên, thế nên tôi chẳng buồn dọn ra ở riêng vì không thật sự cần thiết. Bà ấy thật cô đơn trong ngôi nhà to ấy!”

Tôi lại tò mò muốn hỏi tiếp câu hỏi đã treo trong đầu từ lâu về Jacqueline, nhưng cùng lúc, tôi lại cảm nhận một nỗi buồn man mác trong đôi mắt anh khi ấy khiến tôi lảng đi và bước đến bàn nước tìm cốc trà, lúc này đã nguội ngắc từ bao giờ.

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...