Saturday, May 27, 2017

Giáng Sinh xưa - Can’t take my eyes off you (23)


Dọn dẹp trong bếp xong, tôi đốt nến thơm và đặt nến lên bàn nước, sắp bánh ngọt ra đĩa, và lại vào bếp pha trà. Khi quay trở ra phòng khách, tôi đã thấy B đang quỳ gối và săm soi cái gì đấy ở góc phòng. 

“Chà chà, có người hâm mộ David đây!”

Tôi giật thót tim khi nghe B nhắc đến David, chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Trong một thoáng, tôi nghĩ anh đang nhìn ảnh chụp tôi và David, nhưng tấm ảnh được dựng trên giá sách chứ đâu nằm trong góc ấy. Tôi nhanh chóng lẻn bước đến giá sách, tấm ảnh vẫn còn ở đấy, có vẻ như vẫn nằm yên chỗ cũ mà chưa có dấu hiệu bị động chạm vào. May quá, thế là tôi nhanh tay xoay ngược tấm ảnh vào trong, rồi rón rén bước đến gần B từ phía sau xem anh ta lại đang soi mói gì nữa đây. Tôi không dám đến quá gần mà chỉ dám kiễng chân nhìn từ sofa, và trước mặt B là một bức họa của Vivien mô tả một nam nhân khỏa thân với dáng đứng bắt chước “David” trong tác phẩm điêu khắc nổi tiếng cùng tên của Michael Angelos. Tôi vốn không quan tâm lắm đến hội họa nên chưa bao giờ xem qua những bức họa của Vivien, nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một “David” được vẽ bằng bút chì trên nền giấy lụa trắng, trông rất sống động. Khi ấy tôi thầm cảm ơn những ngày tôi miệt mài lôi sách vở về hội họa Phục Hưng châu Âu về nhà, nhờ đó mà tôi mới biết B đang nói về cái gì. Những ngày gần đây, Vivien đã đến lấy bớt đồ đạc nhưng vẫn còn để lại một ít dụng cụ vẽ và vài bức tranh, bất cứ ai bước vào phòng khách của tôi, khi nhìn những thứ ấy có lẽ đều sẽ có ấn tượng rằng tôi là họa sĩ. Ngoài ra, cây đàn guitar dựng ở góc phòng đối diện mà Vivien chưa mang đi và vài cuốn sách “Lonely Planet” nằm hờ hững trên giá sách càng gây ấn tượng về một chủ nhân tài hoa nghệ sĩ, phong trần, thích phiêu lưu mạo hiểm nay đây mai đó, và tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy. Biết B đang có cả ngàn thắc mắc trong đầu xung quanh bức họa ấy mà chẳng biết phải mở lời thế nào nên tôi thích thú trêu anh ngay. 

“Bây giờ đến lượt tôi ‘đọc’ suy nghĩ của anh nhé! Anh đang nghĩ làm sao một người nhát như tôi lại dám vẽ tranh đàn ông khỏa thân, và ai đã làm người mẫu cho tôi vẽ, phải không?”

B nhìn tôi thảng thốt, trong tích tắc, tôi nghĩ anh đang đóng kịch, nhưng rồi tôi biết anh thực sự bị sốc với những gì anh vừa được nghe. 

“Thế em có câu trả lời cho những điều em vừa ‘đọc’ được không?” 
“Dĩ nhiên là có, nhưng anh phải xác nhận xem điều tôi vừa nói có phản ánh đúng suy nghĩ vừa rồi của anh hay không trước đã!”
“Thôi được, em thắng, em đã nói trúng phóc những điều tôi đã nghĩ.”
“À há! Nhưng mà xin lỗi anh, tôi chẳng có câu trả lời.”
“Cái gì? Này, lừa đảo như thế là chơi không đẹp nhé!”
“Tôi đâu có lừa anh,” tôi vẫn khoái trá ỡm ờ thêm một tẹo. Anh lại giả vờ nghiêm mặt nhìn tôi khiến tôi càng cười to hơn. Lúc này tôi đã quỳ gối bên cạnh anh và đối diện bức họa. “Nói thật mà, tôi không biết anh người mẫu kia …” Tôi cố làm ra vẻ ngây thơ, và có cảm giác anh đang vận dụng chút kiên nhẫn cuối cùng trong người để chờ tôi nói hết câu, “… vì tôi đâu có vẽ anh ta! Đấy, tôi có câu trả lời mà, đúng không?!” 

Anh chỉ nhìn tôi, môi hơi mím lại rồi lắc đầu và nói khẽ “Nghịch quá đi nhé! Thế ai đã vẽ bức họa này đấy?”
“Một cô bạn mới quen. Cô bé học bên Học viện Mỹ thuật và từng sống ở khu bị cháy bên kia …” Tôi hơi chững lại khi nhắc đến vụ hỏa hoạn ấy, nhưng B vẫn tỉnh bơ chẳng nói gì. 

Tôi cũng ngạc nhiên với sự bạo dạn của mình về chủ đề đang nói, và tự động nghĩ trong đầu rằng mình sẽ không dám đùa cợt như thế nếu đang ở bên cạnh David. Bản chất tôi vốn hơi nghiêm, ít nói, nhưng tôi cũng dễ thích nghi với hoàn cảnh. Tôi không nghĩ B là người dễ dãi, hay cợt nhả và phóng túng, mà có cảm giác anh đang phản ứng lại một trạng thái trầm uất nào đó bằng những biểu hiện mà tôi thường thấy khi gặp anh. Làm việc với giáo sư Reynolds một thời gian, tôi cũng bắt đầu học được chút ít về tâm lý học, tính tôi lại hay thích lặng lẽ quan sát người khác, thế nên có lẽ tâm lý học sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tôi khai phá và áp dụng về sau. 

“Tay anh bị làm sao thế?” Tôi hỏi khi nhìn lớp gạc băng quanh cổ tay anh rồi ngờ ngợ mình đã có câu trả lời. 
“Bị bỏng.” 
“Tôi biết lý do bị bỏng của anh …” tôi thì thầm. 
“Thế việc tôi bị bỏng … có đáng không?” Anh vẫn phớt tỉnh. 
“Gạc bị ướt rồi.” Tôi đánh trống lảng, né tránh câu hỏi của anh.
“Rồi nó sẽ khô thôi …”
“Để tôi xem nào,” tôi nói rồi săm soi lớp gạc, có lẽ bị ướt khi anh rửa bát lúc nãy. “Để ướt thế này không ổn đâu, để tôi giúp anh thay lớp gạc mới.”

Rồi tôi đứng lên và đi vào trong tìm hộp đựng bông băng thuốc đỏ. Anh ngoan ngoãn để tôi run run gỡ lớp gạc cũ ra rồi đặt tay lên bàn, lớp da bị bỏng kéo dài từ cổ tay lên đến tận gần khuỷu tay đã bắt đầu kéo da non và có dấu hiệu lành lặn tốt. Tôi không ngờ vết bỏng của anh phải mất một thời gian gần cả tháng mới lành, thì anh đã giải thích. 

“Tôi phải đi công tác sau ngày đầu năm, và vì tôi không chăm sóc vết bỏng chu đáo trong thời gian ấy cho nên nó không lành đúng thời hạn.”
“Cũng may, anh chỉ bị bỏng …”
“Trời, suýt nữa thì tôi mất cả nửa cánh tay mà em bảo rằng may à?!” Rồi anh vội nói tiếp khi tôi ngước lên nhìn anh đầy lo ngại. “Đùa thôi đùa thôi, vết bỏng thuộc cấp độ hai, tuy không nhẹ nhưng cũng không quá nguy hiểm. Ôi, nó ngứa ngáy chịu không nổi, có lúc tôi chỉ muốn cào cho nó rách bong ra, thà chịu đau còn đỡ hơn chịu ngứa!”

Tôi an ủi anh cho có lệ rồi im lặng giúp anh chăm sóc vết bỏng, dùng một miếng gạc vuông chậm nhẹ lên vùng da bị tổn thương, rồi thổi nhè nhẹ lên ấy cho mau khô. Nhìn những ngón tay thon dài và rám nắng thật đẹp của anh, tự dưng tôi xúc động kỳ lạ, may mà chúng vẫn bình an, rồi chợt liên tưởng đến hình ảnh những ngón tay nghệ sĩ ấy đang lướt trên những phím đàn và cả giọng hát thật trầm, thật ấm của anh trong đêm Giáng Sinh như đã rất xa xưa ấy ... 

“Em định thổi cho đến bao giờ đấy?” Anh nheo mắt nhìn tôi và mỉm cười. “Lại suy nghĩ vớ vẩn phải không?”
“Thế thì anh thử đoán xem tôi đang nghĩ gì đi!” Tôi lại giở trò đoán đố ra với anh.
“Em đang vui, thế thôi! Mà này, khi nãy lúc vừa mở cửa cho tôi, em đang mặc gì dưới lớp áo choàng tắm thế?”

Tôi giật mình, bất ngờ vì câu hỏi bất chợt và thẳng tưng của anh. Trong một thoáng, tôi nghĩ câu hỏi ấy mang tính sàm sỡ rất “phàm phu” khiến tôi hơi thất vọng về anh và nhăn trán. Gió lật phật bên cửa sổ khiến tôi nhìn ra đấy và … ôi thôi, tôi đã hiểu ra tất cả. Buổi sáng có chút nắng nên tôi kéo rèm cửa sổ ra để đón tí nắng vào nhà, rồi quên kéo rèm lại. Thế là khi nãy anh ta đã mục kích toàn bộ tiết mục biểu diễn “Dancing Queen” của tôi trong chiếc váy dạ hội yểu điệu kia à? Anh đã đứng ngoài ấy bao lâu rồi mới gõ cửa? Khỉ thật, mặt tôi lúc này chắc đã đỏ lựng như tôm luộc rồi cũng nên. 

“Tại sao anh lại muốn biết nhỉ?”
“À, tính tôi rất tò mò, em biết rồi mà còn hỏi!”
“Thế thì anh cứ để cho trí tò mò giày vò mình đi nhé!” Tôi tiếp tục băng bó cho anh, khoái trá ăn miếng trả miếng và né tránh cái nhìn láu lỉnh ấy, nhưng anh vẫn chưa chịu buông. 
“Em mặc cái váy ấy thật đẹp, sao lại phải dùng áo choàng tắm che lại phí thế?” Đến đây thì anh đã lật ngửa ván bài, chẳng bận tâm thăm dò gì nữa. 
“Váy nào?” Tôi vẫn khoái chí cứng đầu cứng cổ không chịu khai báo, cảm giác thành công vì đã lờ được cách nói chuyện dễ gây sốc của anh.

Anh chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi chăm chú và tủm tỉm cười khiến tôi cảm giác nhột nhạt toàn thân, chỉ im lặng băng bó và cầu trời cho tay mình đừng quá run rẩy và do đó, lại tự tố cáo mình trước mặt anh một lần nữa.

"Anh bị bỏng như thế này thì có ảnh hưởng gì đến việc chơi đàn không?” Tôi thay đổi đề tài khi đang dùng kéo cắt dây buộc gạc. 
“Hiện nay thì có lẽ là không, nhưng đã lâu rồi không chơi đàn nên tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Lần biểu diễn vừa rồi chỉ là một buổi họp mặt của các cựu thành viên ban nhạc Hải quân mà thôi.”
“Thật ư? Tôi chưa bao giờ nghe ai đàn và hát hay đến thế!” Tôi thật lòng khen anh. 
“Cám ơn em. Jacqueline mà nghe được chắc sẽ mãn nguyện lắm!” Anh cười thật sảng khoái. “Thế em học hành đến đâu rồi?” 
“À, tôi đang tập ‘chords’, và luyện ngón …”
“Và đang tập bài ‘Alouette’ của trẻ con đúng không?” 

Tôi chỉ mỉm cười và gật đầu. Anh lại nói tiếp. “Tôi nhớ hồi đó cũng bị tập bài này khi mới học ‘chords’, và đã rất thích giai điệu vui nhộn của nó. Ai học với mẹ tôi cũng tiến bộ rất nhanh.” Anh dừng lại vài giây rồi nói nhanh, “Nhưng có lẽ chẳng phải nhờ cô giáo giỏi, mà là vì bà biết nhìn người và chỉ nhận những học viên mà bà đánh giá cao thôi!” Anh lại cười giòn và bắt tôi phải hứa giữ bí mật về điều anh vừa tiết lộ. 

“Tôi chẳng biết, nhưng bà nhận tôi học ngay lần đầu gặp gỡ, làm sao bà biết tôi có năng khiếu hay không?” Tôi cãi và cảm thấy muốn biện minh cho Jacqueline. 
“Bà ấy nhận học viên dựa trên hai tiêu chí: lòng đam mê của học viên và giác quan thứ sáu của bà ấy. Mẹ tôi rất tự hào về khả năng nhìn người đoán tính của mình.” Nói đến đây, anh cười khìn khịt ra chiều khoái trá, còn tôi thì chẳng biết nói gì, chỉ nghĩ rằng có lẽ anh có lý. 
“Anh với bà ấy có vẻ rất thân nhau nhỉ!”

B hơi trầm ngâm một thoáng rồi mới trả lời. “Đúng thế. Đôi khi tôi quên mất bà ấy là mẹ mình nữa đấy! Từ hồi vào học viện Hải quân, tôi đã ở nội trú nên ít về thăm nhà được, cho đến khi ra trường thì đi công tác liên miên, thế nên tôi chẳng buồn dọn ra ở riêng vì không thật sự cần thiết. Bà ấy thật cô đơn trong ngôi nhà to ấy!”

Tôi lại tò mò muốn hỏi tiếp câu hỏi đã treo trong đầu từ lâu về Jacqueline, nhưng cùng lúc, tôi lại cảm nhận một nỗi buồn man mác trong đôi mắt anh khi ấy khiến tôi lảng đi và bước đến bàn nước tìm cốc trà, lúc này đã nguội ngắc từ bao giờ.

Tuesday, May 23, 2017

Giáng Sinh xưa - Do you feel my heart beating? (22)

 Gặp lại B, tôi rất vui. Ở bên cạnh anh, tôi vừa cảm thấy mình thường trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” nhưng lại vừa thoải mái dễ chịu, một sự mâu thuẫn thật khó giải thích. Tôi có cảm giác mình chẳng bị áp lực phải “thể hiện” gì cả khi nói chuyện với anh, nhưng tôi chỉ ước gì anh bớt đùa cợt một tý, nhưng rồi lại giật mình, liệu tôi có thích không khi anh đột nhiên trở nên quá nghiêm túc? Rõ ràng mỗi khi anh có vẻ nghiêm túc là tôi lại hồi hộp và cảm giác thoải mái lại biến đi đâu mất. Nhưng chẳng lẽ cứ phải đấu khẩu với anh suốt thì mới tìm thấy niềm vui gặp gỡ được? 

Nhìn ấm nước sôi, bụng tôi cũng bắt đầu sôi lên, và chợt nhớ ra rằng B có lẽ chưa ăn gì cả ngày nay, và tôi chẳng biết sẽ làm gì cho bữa tối khi tủ lạnh gần như trống trơn vì ngày mai mới là ngày đi chợ. Chẳng lẽ lại nấu mỳ gói?! Tôi với tay mở tủ đựng mỳ ra xem thì trong ấy chỉ còn một gói duy nhất!

“Này B, tôi muốn chia sẻ với anh hai việc, một tin xấu và một tin tốt. Anh muốn nghe tin nào trước?”
“Tin xấu từ em thì chắc cũng không tệ lắm! Em nói tin không hay trước đi!”
“Tin chẳng lành là hiện nay cả hai chúng ta đều đang đói, và trong nhà chỉ còn một gói mỳ ăn liền duy nhất!” Tôi khoái trá thông báo việc ấy. 
“Ồ không!” B mỉm cười. “Thế, tôi thật may mắn được em mời ăn tối à?” Anh xoa hai tay vào nhau chờ đợi khiến tôi cảm thấy buồn cười vì trông anh thật ngô nghê đầy giả tạo. “Thế thì tin tốt lành sẽ còn trên cả tuyệt vời phải không?”
“Hà hà, anh đừng đặt nhiều hy vọng vào tin thứ hai này! Tuy ít mì nhưng chúng ta còn vài quả trứng, ba lát bánh mỳ cũ, một quả táo héo, và vài chiếc bánh ngọt sắp lên mốc.”
“Tuyệt vời!” B reo lên. “Nghe hấp dẫn đấy!”
“Anh có ăn cay được không?”
“Được chứ! I like hot stuff” Vừa nói B vừa nháy mắt khiến tôi chỉ biết lắc đầu thở dài. 
“Xin lỗi vì trong nhà chỉ có chừng ấy những thứ được gọi là thức ăn,” tôi vừa nói vừa sắp những lát táo vừa cắt và những chiếc bánh ngọt vào đĩa. “Anh dùng tạm táo và bánh ngọt cho đỡ đói nhé, bữa tối sẽ được phục vụ trong vòng mười lăm phút!”
“Cám ơn em thật nhiều … Hay là tôi vào bếp giúp em chiên trứng nhé?”
“Ồ … không sao đâu, nhưng cám ơn anh đã ngỏ ý giúp. Cái bếp bé thế kia, chỉ cần một người bước vào là đã chật chội rồi!” 

Tôi chợt nhớ ra tóc mình vẫn còn ướt và chưa kịp chải, thế là tôi lủi nhanh vào phòng ngủ tìm máy sấy tóc và lược. Mọi việc diễn ra quá nhanh và quá nhiều, có lẽ chưa đến hai mươi phút từ khi anh bước vào nhà, nhưng tôi có cảm giác anh đã ở đấy cả buổi chiều nay. Anh chiếm lĩnh và khuấy động cả không gian yên ắng quen thuộc trong căn hộ nơi tôi ở một mình, và tối nay, lẽ ra, như thường lệ, tôi lại ăn uống qua loa cho xong rồi sẽ ôm sách đọc cho đến khi mắt mở không lên thì tiếp theo sẽ là với tay tắt đèn rồi chìm vào giấc ngủ. Thôi rồi, nói đến sách tôi lại nhớ mình vẫn chưa kịp giấu đi cuốn “Kiêu hãnh và Định kiến” đang đọc dở còn đặt trên chiếc bàn con gần sofa. Tôi chẳng muốn anh biết tôi đang đọc truyện tìm cảm lãng mạn, để anh lại có đề tài này nọ về tôi. Nhưng thôi, tôi phải học cách lờ anh đi, như tôi đã tự nhủ một lần vào đêm tiệc Giáng Sinh hôm nào. 

Rồi tôi nhanh chóng luộc mỳ, chiên trứng, nướng bánh mỳ, thái mỏng rau cải, cố không nghĩ đến B và tự nhủ trong lòng không nên quan trọng hóa vấn đề làm gì cho đời thêm phức tạp. Tôi ngạc nhiên khi thấy lòng mình nhẹ bâng, trong vài phút, dường như tôi đã quên mất sự có mặt của vị khách đặc biệt này mà chỉ chuyên tâm nấu nướng, thoáng chốc, bữa tối đã sẵn sàng. Tôi vui vẻ chuẩn bị mang đồ ăn ra bàn ăn thì thấy B đã ngủ thiếp đi từ đời nào trên sofa, thảo nào trong suốt thời gian tôi nấu ăn chẳng nghe anh ta nói năng nhận xét gì cả. Cứ tưởng tượng cả đêm trước anh chẳng ngủ nghê gì được, rồi cả ngày nay lang thang ngoài đường trong khi trời thì lạnh cóng, chẳng ăn uống gì, tự dưng tôi cảm nhận một sự xót xa dâng trào trong lòng. Anh hít thở nhẹ nhàng, ngực phập phồng dâng lên hạ xuống theo một nhịp điệu đều đặn, mặt anh hết tím tái mà đã hồng hào trở lại, hai gò má hơi ửng đỏ vì bị phơi ngoài trời lạnh cả ngày, môi anh cũng đỏ và thật mềm, thật đầy, và căng mọng một cách kỳ lạ … trông anh như một cậu bé con vừa thiếp ngủ sau khi đã chạy rông và chơi đùa ngoài đường cả ngày. Khi ngủ, người ta quên hết mọi sự đấu đá với đời trong lúc còn tỉnh thức, thế nên nét mặt thường hiền hòa, bình an, tôi ngắm nhìn anh, lòng thanh thản kỳ lạ. Lần trước tôi gặp anh, khi ấy tóc anh húi cua rất cao theo đúng chuẩn quân đội nhưng giờ đây tóc anh đã dài ra nhiều, có lẽ chưa hề cắt kể từ lần ấy, vài lọn xoắn rơi lòa xòa trên trán thật đáng yêu khiến tôi gần như không cưỡng lại nổi sự thôi thúc phải đưa tay ra vén chúng sang một bên. Tôi cứ đứng yên bất động ngắm nhìn anh như thế, trong bao lâu tôi cũng không rõ, không gian yên ắng trở lại trong khi anh ngủ, tôi nghe trống ngực mình bỗng đập nhanh hơn, ồn ào hơn. 

Trong một thoáng, tôi không tin vào tai mình khi ngoài kia lại có tiếng gõ cửa. Có lẽ là tiếng vọng từ căn hộ kế cận? Mưa gió vẫn đang vần vũ gào rít bên ngoài nên tôi không chắc lắm, nhưng tiếng gõ cửa lại thật rõ, thật gần. Tôi bước ra nhìn qua lỗ nhòm thì thấy bà Rosalyn đang đứng ngoài đấy, trên tay là một chiếc khay có bọc giấy bạc. Tôi mở cửa mời bà vào, và cách bà nhanh chóng liếc nhìn khắp phòng khiến tôi sinh nghi về động cơ thăm viếng của bà tối nay. 

“Hôm nay ông già Bear tự dưng lại thèm ngọt, nên ta đã nướng hai ổ bánh mỳ và hai tá bánh ngọt. Trời mưa gió và lạnh thế này nên ta lại nghĩ đến cháu, thế là ta phải mang biếu cháu một ít khi bánh còn nóng và thơm”. Ánh mắt bà dừng lại trên sofa, nơi có một người đàn ông lạ mặt vẫn đang say sưa ngủ khiến tôi buồn cười vì sự khôi hài của tình huống hiện tại trong nhà tôi. 

“Cháu có khách à? Ai đấy?” Bà hỏi ngay, chẳng rào trước đón sau. 

À há, tôi đồ rằng lão già Bear đã cử bà lên đây để thám thính tình hình đây mà! Tôi muốn trêu ông bà một chút, nhưng từ bỏ ý định ấy. Họ là những con người chất phác hiền lành, một lời nói đùa vô ý có thể làm cho họ lo lắng thật sự. 

“Đó là B, anh ấy là con trai của Jacqueline đấy. B bị nhốt ngoài đường cả ngày vì không có chìa khóa vào nhà, thế nên anh ấy đến đây trú lạnh tạm thời.”
“Thế à? Một phụ nữ khả ái. Hôm nọ sau khi cô đã về nhà, tôi có nói chuyện thêm một chút với Jacqueline và tôi có nghe chị ấy nói về B. Thế thì cậu ta sẽ ở lại đây cả đêm à?”
“Hy vọng là không!” Tôi cười vui vẻ, cố làm ra vẻ tỉnh bơ chứ thực lòng tôi cũng hơi lo và chẳng biết phải làm gì với anh ta nếu tối nay anh không có chỗ ngủ. Bà Rosalyn hơi nhướn mắt, có vẻ chẳng tin tưởng gì lắm vào câu trả lời nửa vời của tôi, định nói gì nữa đấy, nhưng lại thôi. Tôi cám ơn bà khi đỡ lấy khay bánh còn ấm nóng và thơm lừng, cố làm ra vẻ bình thường để bà đừng hỏi lung tung nữa. Rồi bà cáo từ ra về vì tôi đã né tránh không mời bà ở lại ăn bánh uống trà như mọi khi, bà bước ra ngoài, không quên dặn tôi cứ tự nhiên đến gõ cửa nhà ông bà nếu “có việc cần giúp đỡ”. 

Khay bánh nóng và thơm lừng của bà Rosalyn đến thật đúng lúc, tôi đang suy nghĩ xem có nên để B ngủ thêm một chút hay gọi anh dậy thì anh đã cựa quậy trên sofa rồi mở mắt và ngồi choàng dậy.

“Ôi, xin lỗi, tôi đã ngủ thiếp đi bao lâu rồi nhỉ?” Anh hỏi, mặt mày vẫn còn hơi ngỡ ngàng vì chưa hoàn toàn tỉnh ngủ. 

“Không lâu lắm đâu, chỉ vừa đủ thời gian để tôi nướng một mẻ bánh!” Vừa nói, tôi vừa hé mở lớp bọc giấy bạc, một làn khói mỏng và thơm lừng mùi bánh nướng mới ra lò luồn theo khe hở bay ra khắp phòng. B mở to mắt, có lẽ không tin vào các giác quan của anh khi ấy, còn tôi khoái trá nháy mắt với anh rồi đi vào bếp. Anh đứng dậy rồi đi theo tôi, nằng nặc yêu cầu cho anh được giúp tôi mang đồ ăn ra bàn, và lần này tôi chẳng từ chối nữa. Chúng tôi ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn tròn nhỏ, ở giữa là hai tô mì đang nghi ngút khói, và ổ bánh mỳ vẫn còn nóng, cùng món trứng tráng đặt gần kề. Anh nhìn đôi đũa rồi nhìn tôi, mỉm cười không nói gì khiến tôi cảm thấy mình phải giải thích điều gì đó. 

“Tôi dọn đũa là có ý tôn trọng anh đấy, vì tôi nhớ có lần đi ăn tối ở ngoài, một vị khách Mỹ tỏ ý không vui khi cô chủ quán mì dọn đũa cho mọi người và riêng anh ta thì được tặng một cái nĩa (dĩa), dĩ nhiên anh ta là người da trắng duy nhất trong đám bạn gốc Á châu đi cùng hôm ấy!”
“Cám ơn thành ý của em!” B vẫn nhìn tôi và mỉm cười. Có trời mà biết anh ta đang nghĩ gì trong đầu lúc này, và tôi ước gì mình học được kỹ thuật “đọc” ý nghĩ của người khác như anh đã khoe khoang với tôi khi nãy. 
“Bon appétit!” 

Kể ra bữa tối của chúng tôi cũng không quá tệ như tôi đã lo lắng. Ổ bánh mì thơm nức mũi được chúng tôi “xử lý” ngay lập tức. May trời trong tủ lạnh của tôi thường có bơ sữa và bơ đậu phộng, và tôi loáng thoáng nghĩ đến ẩm thực nhà Jacqueline, vốn là người Pháp, có lẽ bánh mì phết bơ là món không thể thiếu trong bất kỳ bữa tối nào trên bàn ăn bên ấy. Và tôi mỉm cười khi thấy B thật sung sướng được bẻ bánh mì nóng và phết thật nhiều bơ lên. Anh vẫn nghĩ rằng tôi đã nướng ổ bánh ấy, khen không tiếc lời, và tôi thì khoái trá ỉm đi sự thật. Đằng nào thì việc ấy nào có quan trọng gì, khi nào “thuận tiện”, tôi lại cho anh biết “sự thật”, như anh vẫn đang nợ tôi một câu chuyện to đùng về “Santa Baby” còn gì.

Chúng tôi im lặng ăn tối và trò chuyện về phi vụ học đàn của tôi, về Jacqueline, về giáo sư Reynolds, và về Kim. Có vẻ như anh biết khá nhiều về những người tôi làm việc cùng, có lẽ là từ Jacqueline. Dường như giữa hai mẹ con họ không hề có bí mật gì cả, có lẽ vì thế mà anh đã biết về tôi từ lâu, trước khi anh gặp tôi lần đầu ở đêm tiệc Giáng Sinh ấy. 

“Thật ra, trong những lần công tác xa nhà và trò chuyện với mẹ tôi trên điện thoại, tôi đã được nghe kể bà vừa có cô học trò mới. Cứ tưởng lại là một trong những học trò mới như những lần khác, nhưng lần này tôi cảm giác có gì đó hơi khác lạ, lần nào bà cũng hào hứng nói về em. Bà nói nhiều quá, khiến tôi đâm ra tò mò! Tôi biết bà chỉ thích nói về những người bà yêu quý, nên tôi nghĩ chắc em phải đặc biệt lắm.”
“Thế nên trong đêm tiệc ấy anh đã cố tình đóng vai phục vụ mang thức uống đến cho tôi đúng không?” Tôi chợt nhớ ra việc ấy và hỏi luôn. Anh hơi nhướn mắt lên, tỏ vẻ ngạc nhiên thích thú, rồi lại tủm tỉm cười. 
“Khi ấy không may lại có một phụ nữ khác vừa bước đến và nói chuyện với em, nên tôi đành lảng ra chờ cơ hội khác …”
“Và theo dõi tôi cho đến khi tôi bước ra ngoài …”
“A, cái đoạn ấy thì chỉ là tình cờ, thề đấy! Đúng là tôi có để ý đến em khi em còn đang ở bên trong tòa nhà, nhưng mà thật sự khi tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt và bước ra ngoài rồi nhìn thấy em ở đấy là hoàn toàn không có chủ ý nhé!” Anh mỉm cười, uống một ngụm nước, rồi im lặng suy nghĩ. 

Tôi mơ màng nhớ lại chi tiết lần gặp gỡ bất chợt và chóng vánh ấy. Thảo nào nhất cử nhất động của tôi trong đêm ấy đều bị anh thâu tóm cả, nhất là chi tiết đáng xấu hổ là tôi phải cởi giày ra để cứu nguy đôi chân tội nghiệp của tôi! Tôi mỉm cười khi nhớ lại lần ấy. Mới hơn một tháng trôi qua, nhưng tôi có cảm giác nó đã xảy ra lâu lắm rồi. 

“Đây là tô mì ngon nhất đời mà tôi từng được ăn, nói thật lòng đấy!” Anh bỗng đột ngột đổi đề tài. Tôi thích thú nghĩ đến Vivien và vài đứa bạn của nó, lần nào được tôi đãi món mì này đều khen nức nở! 
“Cám ơn anh, nhưng có lẽ tại anh đang đói quá nên ăn gì cũng thấy ngon như sơn hào hải vị đấy thôi!” 
“Cũng có thể, nhưng tôi thấy gia vị rất khác lạ, em đã cho gì vào mì thế?”
“Gia vị này bắt chước món lẩu của Thái Lan, có lẽ là me chua, ớt cay, và sả cùng vài thứ gia vị linh tinh khác nào đấy.” 

Chúng tôi vừa ăn mì vừa hít hà vì cay và nóng, rồi nhìn nhau cười ra chiều rất thông cảm cho nhau. Thoáng chốc, chúng tôi đã ăn xong, rồi B lại yêu cầu được rửa bát đĩa, và tôi có cảm giác mình không thể nói không với anh một lần nữa. 

Thursday, May 18, 2017

Giáng Sinh xưa - Baby it's cold outside! (21)


“Xin lỗi đã làm phiền em vào lúc trời muộn như thế này, ngại lắm, nhưng thật tình tôi chẳng còn cách nào khác … ”

B đứng đấy, cao sừng sững và có vẻ bớt gầy hơn hồi tôi gặp lần đầu, nụ cười hơi gượng gạo có chút ít hối lỗi và tím tái trông rất tội. Anh phong phanh trong trang phục thể thao, quần ngắn, áo ngắn tay với khoác mỏng, và đôi giày chạy bộ. 

“Không có chi … mời anh vào nhà.” 

Trời bỗng đổ mưa lất phất, gió thổi mạnh khiến anh rùng mình, tôi cũng hắt hơi vì lạnh bất ngờ và chợt nhận ra mình vẫn đang đứng ngáng gần ngạch cửa. Tôi vội vã lùi ra sau để có lối cho anh vào. 

“Cám ơn em …”
“Không có chi …” 

B bước vào, hai tay vẫn đang xoa vào nhau và tôi nhận thấy cổ tay phải của anh được quấn một lớp gạc mỏng. Tôi ngần ngại khi nhìn vẻ thảm hại của anh. 

“Anh muốn uống chút gì nóng cho đỡ lạnh không? Trà hay sô cô la nóng?”
“Phiền em quá … nếu có thể, em vui lòng cho tôi một cốc sô cô la nóng.”
“Chẳng phiền đâu, anh chờ vài phút nhé.” Tôi lúng túng trả lời anh, rồi chợt nhớ ra, tôi lại nói tiếp, “Phòng vệ sinh ở đây, anh cứ tự nhiên!”, vừa nói tôi vừa chỉ hướng. 
“Cám ơn …”. Anh nói khẽ, đôi mắt trông thật mỏi mệt nhưng lại ánh lên một chút ấm áp, bình an. 
“Không có chi …”

Tôi biến nhanh vào bếp nấu nước sôi, rồi lẻn vào phòng ngủ để thay quần áo, trong đầu đang lo không biết phòng vệ sinh có đủ sạch và ngăn nắp không, có còn quần áo bẩn nằm vương vãi trong ấy không, nhưng đã quá muộn vì tôi vừa kịp nghe tiếng đóng cửa. Tôi thở dài, đằng nào thì mọi sự cũng đã rồi, chẳng nên lăn tăn nữa làm gì cho rắc rối cuộc đời. Ấm nước đã sôi và réo ầm ĩ trong bếp, tôi nhanh chóng pha một cốc sô cô la cho anh và một cốc trà gừng cho mình, rồi mang ra phòng khách. 

“Sự thật là, tôi vừa đi công tác về nhà đêm qua. Chưa quen lại với giờ địa phương nên tôi không ngủ được cho đến sáng, thế nên mới sáng sớm tôi đã ra ngoài chạy bộ cho tỉnh người, khi về nhà thì cửa đã khóa, mà đã lâu tôi không có thói quen khóa cửa, vì luôn đi công tác xa nhà nên chẳng cầm chìa khóa theo mình, thế là tôi đành bị nhốt bên ngoài cả ngày!”

Anh vội giải thích cho sự đường đột của mình rồi đón lấy cốc sô cô la nóng từ tay tôi, lại cám ơn, và chẳng chút khách sáo, anh ấp hai bàn tay lạnh cóng vòng quanh cốc để làm ấm bàn tay rồi bắt đầu uống. Tôi kéo chiếc quạt sưởi đến gần anh hơn, và bật cao lên vài nấc khiến anh có vẻ cảm động. Nhưng lần này anh chẳng nói gì, chỉ im lặng thưởng thức món sô cô la nóng thơm lừng trong khi tôi nhấp nhổm trên ghế đối diện chờ nghe tiếp câu chuyện. Nhưng anh chẳng nói gì cả, cứ im lặng uống sô cô la, nét mặt đăm chiêu nghiêm túc rất khác lần đầu gặp gỡ. Chẳng hiểu tại sao tôi lại cảm giác ngột ngạt vì sự nghiêm túc của anh. 

“Tôi ngạc nhiên vì anh không tìm cách trèo cửa sổ vào nhà. Vườn hoa của Jacqueline có cây sồi cao với nhiều nhánh to vươn ngay đến phòng của anh …” Tôi chợt im bặt vì lỡ lời, chẳng muốn anh thích thú với cái ý nghĩ tôi quan tâm đến phòng ốc của anh ở nhà bên ấy, nhưng đã quá muộn, lời nói của tôi đã có tác dụng tức thì
đến sự lặng lẽ bất thường của B như lúc này. 

“A, tôi hy vọng bà ấy chưa đưa em đi tham quan phòng của tôi, có nhiều thứ em không nên thấy …”
“Vì việc ấy sẽ làm anh xấu hổ chứ gì …” Tôi cướp lời ngay. 
“Ha ha, không đâu, là tôi lo em sẽ xấu hổ đấy chứ!” Anh nháy mắt với tôi, tiếp tục nhấp một ngụm sô cô la, còn tôi thì vừa bực bội vừa vui vì anh đã hiện nguyện hình trở lại là một B mà tôi đã quen và đã có lẽ, đã thích.

“Hừ, có vẻ như anh rất giàu óc tưởng tượng nhỉ! Thế cả ngày nay anh đã đi đâu và làm gì?” Tôi cố làm ra giọng bất cần khi trong lòng đang tò mò đến chết đi được.
“Ngày hôm nay ấy hả? Là cả một câu chuyện dài!” Anh làm vẻ mặt đau khổ, còn tôi thì phải cố lắm mới giữ để không toét miệng ra cười. “Đúng là tôi có tìm cách leo trèo vào phòng mình qua đường cửa sổ, nhưng tôi thề có trời là chẳng biết ai đã khóa nó lại, vì đời tôi chẳng bao giờ khóa cửa sổ cả. Vừa trèo xuống sân thì xe cảnh sát cũng đã kịp đậu trước vỉa hè. Tôi cố giải thích với cậu cảnh sát trẻ rằng tôi sống ở đấy, thậm chí còn dọa cậu ấy rằng tôi là quân nhân tại ngũ, nhưng cậu ấy chẳng buồn nghe, còn gọi tiếp viện đến. May sao khi ấy tôi chợt nhớ đến bà hàng xóm vẫn thường sang chơi bài với mẹ tôi vào mỗi tối thứ Năm và yêu cầu cậu cảnh sát đưa tôi sang đấy đối chất, cậu ta hơi chần chừ rồi yêu cầu tôi ở yên đấy, và gọi yêu cầu tiếp viện đến nhà bà hàng xóm trong khi cậu ta vẫn đứng chặn ở cổng, chắc là sợ tôi chạy mất …,” nói đến đây, B cười vang rồi nháy mắt, “và may trời, bà hàng xóm tốt bụng đã làm chứng và bảo lãnh cho nên tôi mới thoát!”
“Hừ, cậu cảnh sát thông minh thật.” Tôi khoái trá châm chọc vào tai nạn của B nhưng tôi biết anh chẳng màng, chỉ nhìn tôi trong vài giây bằng ánh mắt như muốn nói “liệu hồn đấy!”. 
“Sau đó thì tôi cứ chạy lòng vòng cho đỡ lạnh, rồi đến khi không chạy nổi nữa thì đi ra nhà sách để có chỗ dung thân, bước đến cafe định gọi mộc cốc sô cô la nóng thì chợt nhớ ra mình đang không một xu dính túi, thế là tôi đành lê la ở đấy và đọc sách để giết thời gian trong khi chờ mẹ về! Đấy, cả ngày nay tôi như kẻ vô gia cư lang thang đói khát ngoài trời lạnh, nếu đó là điều khiến em thích thú!” 

Tôi cười khi nghe anh pha trò với đoạn “chờ mẹ về”, chợt nhớ ra hôm nay là ngày học dương cầm của tôi nhưng bà đã hủy vì có việc. Nhưng bà đã đi đâu từ sáng đến giờ nhỉ?  

“Người đàng hoàng như anh mà không ai cho tá túc à? Thế bà hàng xóm tốt bụng ấy sao không mở cửa mời anh vào?” Tôi vẫn chưa chịu buông.
“Bà ấy …”, anh hắng giọng, “đúng là bà ấy có mời, nhưng tôi … không dám”. Nói đến đây, anh ngưng bặt và nháy mắt một cách bí hiểm. Tôi chẳng muốn hỏi vặn vẹo thêm nữa, vì sẽ rất ghét nếu anh lại có cơ hội ghi điểm trong cuộc “đấu đá” gần như đã trở nên quen thuộc giữa hai chúng tôi. 

“Còn Santa Baby thì sao?”
“???”

Chẳng là trong buổi tiệc Giáng Sinh đêm ấy, khi anh quay lại sân khấu với ban nhạc thì Jessie đã gây bất ngờ cho khán giả bằng bài hát “Santa Baby” trong trang phục Santa rất khêu gợi với áo khoác đỏ và nón đỏ viền trắng đúng kiểu Santa nhưng xẻ ngực thật sâu và vớ (tất) lưới thay cho … cái quần thụng của ông già Noel. Thật ra chiếc áo khoác hơi dài và che gần nửa đùi, đúng kiểu của các cô vũ nữ “The Rockettes” nổi tiếng của Broadway, nhưng tôi cảm thấy việc diện trang phục biểu diễn như thế trong hoàn cảnh đêm tiệc ấy thì có gì đó hơi bất ổn, không hợp tình hợp cảnh cho lắm. Tôi vẫn nhớ những đôi mắt mở to khoái trá của các ông chồng và nét nhăn mặt khó chịu của một số bà vợ, người kín đáo kẻ ra mặt, khi Jessie xuất hiện trong trang phục hớ hênh không cần thiết ấy. Khi ấy tôi vẫn đang nói chuyện với David và ước gì mình có một đứa bạn gái bên cạnh để bình luận về cô nàng kia theo đúng kiểu nhi nữ thường tình. Tôi vẫn nhớ mình đã nhận xét bâng quơ với David rằng đó là một màn diễn khá lý thú để lén lút hỏi dò thái độ của anh nhưng David đã trả lời rất thản nhiên “cô ấy có giọng hát vui nhộn”. Tôi biết David chẳng bị ấn tượng lắm, anh có thái độ rất trung tính trong suốt cuộc biểu diễn, và về sau, khi đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều hơn, tôi biết loại phụ nữ ồn ào thích gây chú ý không hợp gu của anh lắm. Tuy nhiên anh vẫn phải khen Jessie một cách khách quan như thế, và tôi nghĩ anh thật khéo và tế nhị. 

B hơi châu mày lại, ra chiều suy nghĩ trong vài giây rồi như chợt hiểu ra điều gì, nét tươi cười trên mặt anh vụt tắt trong chớp mắt. Anh im lặng một lúc, hai đầu mày càng châu sát vào nhau hơn, tôi nghĩ việc ấy chỉ một thoáng thôi, nhưng khi ấy thời gian sao mà trôi chậm chạp khiến bầu không khí đang vui vẻ thoáng chốc đã chuyển sang nặng trĩu và xám xịt. 

“Sau này nếu hoàn cảnh cho phép, và nếu em còn quan tâm, thì tôi sẽ nói thêm về … về Santa Baby, nhưng bây giờ tạm thời chúng ta không nhắc đến cô ta nhé?”

Tôi gật đầu, ra vẻ hiểu ý và thông cảm, lòng không buồn cũng chẳng vui. Nội dung bài hát ấy là một cô bồ nhí trẻ đẹp vòi vĩnh những món quà đắt tiền từ anh người tình (chắc là hơi già) nhiều tiền lắm của, và những cô ca sĩ biểu diễn bài này thường có những động tác rất đa tình nóng bỏng. Jessie biểu diễn y hệt như thế khiến ban đầu thì tôi hơi xem thường cô ta, nhưng khi liếc nhanh chung quanh và bắt gặp vài ánh mắt không thiện cảm cho lắm thì tôi lại thấy tội. Cô ta rất đẹp, chỉ cần ăn mặc kín đáo là đàn ông đã phải ngoáy cổ lại nhìn, chẳng hiểu tại sao Jessie lại phải gây chú ý một cách không cần thiết như thế. Vài giây im lặng nặng nề trôi qua, rồi B lại mỉm cười, nhìn tôi soi mói. 

“Em cũng ghê thật đấy, không hiền như tôi vẫn tưởng. Sau này tôi phải cẩn thận hơn với em mới được!”
“Thì con mèo ngoan ngoãn cũng có lúc phải sử dụng móng vuốt khi cần, phải không?”
“Đùa thôi, em tinh nghịch nhưng lành tính và vô hại …”

Lần này ánh mắt anh tự dưng trở nên nghiêm túc đến lạ kỳ khiến tôi hồi hộp, không dám đùa nữa. Trong vô thức, tay tôi vụng về đưa tách trà lên miệng, giả vờ uống trà thật lâu để che mặt lại và né tránh cái nhìn của B. Anh đặt cốc sô cô la lên bàn, hơi dựa người ra sau và khoanh tay trước ngực, đầu hơi nghiêng, lại nhìn tôi một hồi, nhưng lần này, cái nhìn của anh rất nhẹ nhàng mặc dù anh vẫn không che giấu được một sự thích thú nhất định nào đó. 

“Này, em uống trà xong chưa đấy?” Anh hỏi bất chợt khiến tôi giật mình, chẳng biết mình đã đưa tách trà lên che mặt trong bao lâu. 
“Trông em có vẻ không thoải mái cho lắm … không biết tôi đã làm gì hay nói gì khiến em không vui?”
“À không, không có gì …” Tôi lúng túng tìm cách trả lời qua loa cho xong chuyện, lại giật mình chẳng hiểu vì sao anh ta nhanh nhạy gần như có thể nhìn thấu tim gan tôi như thế. “Mà tại sao anh lại nghĩ thế? Nghĩ rằng tôi không vui hay … không thoải mái?”
“Tôi đâu có ‘nghĩ’, tôi ‘đọc’ cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể của em đấy
chứ!”

Tôi bực bội với cái ý nghĩ anh ta ‘đọc’ được những điều thầm kín trong suy nghĩ của mình và chẳng muốn tin vào điều ấy chút nào nên vội nói “Anh vui tính đấy, thế thì anh hãy cho tôi biết xem tôi đang nghĩ gì trong đầu vào lúc này?”

“À, để tôi xem …” B vẫn khoanh tay trước ngực, người hơi nghiêng về phía trước rồi nói tiếp, “Em đang rất không vui vì có người nói với em họ đọc được suy nghĩ của mình, và dù bực bội nhưng em lại rất khâm phục người ấy và hy vọng người ấy sẽ chỉ cho em vài mánh khóe về khả năng này. Tôi nói thế có đúng không?” Anh ngừng nói, môi hơi mím lại, chẳng biết là vì đang cố nhịn cười, như anh vẫn thường làm trước mặt tôi, hay chỉ đơn giản đang theo dõi phản ứng của tôi. 
“Thất vọng quá, tôi lại nghĩ rằng anh đang nói đùa, và đang tìm cách trêu chọc tôi. Xin lỗi nhé, anh chẳng đọc được gì trong trí tôi cả!” Tôi nói nhanh, sợ mình quên mất ý nghĩ hay ho ấy. Anh ta nói đúng, nhưng tôi chẳng thấy có gì xuất sắc trong cách anh “đọc” ý nghĩ của người khác. Tôi cho rằng anh đoán già đoán non thì đúng hơn, thì anh đã nói tiếp dòng suy nghĩ của tôi. 
“Đoán suy nghĩ người khác không phải là một trò đồng cốt hay nhờ may mắn gì cả, mà là suy luận khoa học dựa trên khả năng phân tích nhanh thái độ cử chỉ của người đối diện rồi tổng hợp thành một kết luận tạm thời. Việc ấy không bảo đảm chính xác một trăm phần trăm, vì nó chỉ là suy đoán, nhưng chỉ cần chính xác trên năm mươi phần trăm thì xem như đã thành công, bởi vì thông thường sẽ có một chuỗi những phản ứng khác từ người đối diện khiến ta có thêm dữ liệu để quyết định xem suy đoán ban đầu là đúng hay sai, từ đó có sự điều chỉnh thích hợp. Đấy đấy, em cứ ngồi yên thì ai mà đoán già đoán non gì được, đằng này em cứ vặn vẹo các ngón tay và vai thì co lại thế kia …”

B phì cười khi nói đến ấy, còn tôi cũng cảm thấy mình đang tự phản bội bản thân khi thể hiện quá nhiều ngôn ngữ cơ thể ra ngoài như thế. Nhưng tôi lại mừng vì anh đã không giỏi như tôi đã tưởng, lỡ anh biết tôi rúm ró người lại thế kia chỉ vì ánh mắt của anh thì chắc tôi xấu hổ đến độn thổ mất. Mà nếu anh biết thì … thì anh sẽ làm gì nhỉ? Tôi biết mình đang đỏ mặt với suy nghĩ lung tung trong đầu, và phát hoảng khi nghĩ rằng anh sẽ lại quan sát tôi, chó ngáp phải ruồi thế nào lại đoán biết tôi đang đỏ mặt vì anh, thế là tôi giả vờ đi vào bếp để châm thêm nước sôi vào tách trà, tự rủa mình vì sao lại lóng ngóng như thế trước một tình huống hết sức bình thường thế này. Mà tình huống hiện tại của chúng tôi có bình thường không nhỉ?

Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, gió quất mạnh vào cửa sổ kéo theo những hạt mưa băng nghe lạt rạt trên kính. Đường phố đã lên đèn tự bao giờ, trời mùa đông tối đi thật nhanh, và ấm nước lại réo inh ỏi trong bếp khiến tôi có thêm cớ để lại đi vào trong ấy một lần nữa. 

Monday, May 15, 2017

Đặc quyền, đặc ân, và phong trào nữ quyền.

Sáng nay mở mắt ra, xem qua tin tức thì thấy cuộc thi hoa hậu Mỹ năm nay đã có người đăng quang. Thoạt nhìn, thấy tân hoa hậu là người da đen, mình đã có ý nghĩ "lại pc, chắc đã lâu không có hoa hậu da đen đăng quang nên năm nay phải trả nợ, cũng giống vụ Hollywood nợ Leo Di Caprio một giải Oscar diễn viên nam xuất sắc nhất cách đây vài năm nên năm ấy phải trả nợ". Mà thôi, chủ đề chính là mình muốn bàn về cách cô ấy trả lời câu hỏi và đã xuất sắc giành vương miện vô cùng xứng đáng đêm qua. 

Khi được hỏi "theo cô, bảo hiểm y tế cho toàn dân là đặc quyền hay đặc ân?", cô trả lời ngay không chần chờ "đặc ân". Và câu hỏi còn lại, người ta hỏi cô có xem mình là một "feminist" hay không thì cô đã thẳng thắn trả lời "tôi muốn chuyển đổi khái niệm 'feminism' thành 'equalism'".

Mình không theo dõi cuộc thi, cũng không xem buổi chung kết, nhưng chỉ nghe hai câu trả lời ấy thì mình đã muốn vỗ tay nồng nhiệt và bầu chọn ngay cho cô ấy vào vị trí cao nhất của cuộc thi. Mình nghĩ có lẽ cô ấy chẳng phải người đẹp nhất, nhưng đẹp như thế nào thì mới đủ? Đàn bà đẹp thì được vài năm tuổi trẻ chứ mấy, sắc đẹp ra đi thì trí thông minh phải ở lại, đó mới là cái trường tồn. Trí thông minh trong hoàn cảnh này, theo mình, là khả năng biết phân tích, đánh giá khách quan sự vật hiện tượng xung quanh mình, biết dũng cảm phát biểu những niềm tin cá nhân mà không bị áp lực phải hùa theo đa số vì bất cứ động cơ gì. Làm gì thì làm, hễ có mùi thiên vị là có dấu hiệu giả dối, mà mình thì lại không thích công nhận người giả dối là người thông minh. Các cô hoa hậu thường có những phát biểu rất to tát, rất đặc thù, rất gượng gạo: "em yêu hòa bình thế giới, em yêu trẻ con, em yêu động vật, em yêu môi trường, em muốn tranh đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, v.v. và v.v.", nghe rất mệt. Ở đây, phát biểu của tân hoa hậu Mỹ như một cái tát thẳng vào mặt những con người giả dối nhan nhản khắp nơi trên báo đài, những người đang rao giảng nhân đạo bác ái, dân chủ với chả công bằng xã hội vì động cơ chính trị, vì lợi ích cá nhân, hay nguy hiểm hơn, vì một niềm tin ngây thơ và mù quáng vào một thế giới đại đồng nơi mà con người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu! Kara McCullough (tân hoa hậu Mỹ) đã giải thích rất đơn giản: "Là một nhân viên chính phủ, tôi được hưởng bảo hiểm y tế và bản thân tôi nhìn nhận rất rõ, để được hưởng bảo hiểm y tế, bạn phải có công ăn việc làm". 

Về vấn đề nữ quyền, mình cũng thích thú vô cùng khi cô phát biểu rằng cô chuộng khái niệm "bình đẳng" (giới) hơn là khái niệm "nữ quyền". Thumbs up. Mình thở phào nhẹ nhõm, may quá, Kara sẽ không trùm lên cái đầu đẹp với một bộ óc thông minh của mình chiếc pussy hat của mấy bà đi đấu tranh cho nữ quyền hồi mấy tháng trước! Không biết ở châu Âu thế nào, chứ phong trào nữ quyền ở Mỹ đã biến thành phong trào cực đoan, hận đàn ông trên mọi lĩnh vực. Bây giờ đàn ông da trắng ở Mỹ bị xem như kẻ thù dân tộc vậy. Bởi vì các bà muốn mình cũng giống đàn ông, đàn ông làm gì được thì đàn bà cũng làm được tất. Mấy bà không sai về nguyên tắc, nhưng sai về cơ bản, bởi vì đàn bà làm được rất nhiều việc mà đàn ông không làm được, và ngược lại. Đàn bà bản chất rất mạnh mẽ, không lo dùng cái mạnh mẽ nữ tính của mình để khuất phục bọn đàn ông khờ khạo, lại cứ bầm bập như cái máy cày thì bọn đàn ông nó phục mình là nó phục làm sao? Mình có nói chuyện với vài anh đàn ông về vấn đề này, tất cả bọn họ đều có chung một điểm: đàn bà rất mạnh mẽ, và họ nên phát huy thế mạnh ấy của mình, lạt mềm buộc chặt, thì đàn ông sẽ tâm phục khẩu phục ngay. Đàn ông mà ẻo lả như đàn bà thì có ai nể, cớ sao đàn bà lại cứ thích  mình cũng cơ bắp cuồn cuộn, ăn nói bỗ bã, đi đứng sầm sập ... để chứng tỏ mình không thua, không khác đàn ông? Phát biểu dũng cảm của Kara dĩ nhiên gây đụng chạm đến khá nhiều phụ nữ, nhất là cái đoạn nữ quyền. Chị em tweet tweet liên tục, chỉ trích Kara không tiếc lời, còn bảo cô "get educated"  - hãy "về luyện thêm đi". Mình thật buồn cười. Đúng là người kém thông minh thì lại rất thích chỉ trích và rất thích nghĩ rằng mình thông minh xuất chúng.

Đến đây, mình lại chợt nhớ đến cố tổng thống Kennedy với câu nói bất hủ "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho mình mà hãy tự hỏi bản thân đã làm gì cho tổ quốc". Thời đại này khái niệm quyền lợi và trách nhiệm rất nhập nhằng, con người ngày càng đòi hỏi quá đáng, cái gì cũng bị chụp mũ "đặc quyền", ai ai cũng "me first". Loài người cần phải học hỏi loài kiến, "có làm thì mới có ăn", chứ "không dưng ai dễ đem phần đến cho", làm gì có chuyện làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu như cái lý tưởng cộng sản mị dân chết tiệt kia. Ông Kennedy mà thấy xã hội Mỹ hay tru tréo đòi hỏi như ngày nay chắc cũng phải đội mồ sống dậy mất.

Friday, May 12, 2017

Xin


Dân ta cứ ca tụng tiếng Việt giàu với chả đẹp. Có lẽ với lịch sử đồ sộ “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày …” đã khiến ngôn ngữ của mình cũng mang tính chất lệ thuộc, bị động như thế nào, chứ không rõ ràng, không mang tính chủ động cho lắm.

Chẳng là mấy ngày này mình đang lăm le xin mèo con về cho con trai, và cũng từ cái chữ “xin” mà mình mới lan man nghĩ đến vấn đề của tiếng Việt. Tiếng Anh chỉ gọi đơn giản là “adopt”, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng ta không có từ tương đương mà chỉ có một cụm từ mang tính diễn giải. Tra từ điển Anh-Việt, chúng ta sẽ thấy “adopt” được định nghĩa bằng một cụm từ “nhận làm con nuôi”, và vài cụm từ dài dòng khác nữa. Nhưng như vậy cũng có nghĩa hạn chế và cứng nhắc, chỉ giới hạn trong việc nhận người về làm con nuôi, chứ chẳng thấy nhắc đến chó mèo. Ngoài ra, nếu dịch chữ “adopt” theo tự điển chính thức như thế này thì sẽ đúng ý nghĩa, đúng tinh thần của từ gốc, nó mang tính chủ động, “nhận về để nuôi”; nhưng trong bối cảnh của văn nói, chả ai lại nói “Tôi muốn nhận một con mèo về nuôi” cả, mà chúng ta sẽ nói “Tôi muốn xin một con mèo về nuôi”. Như thế, rõ ràng “adopt” của tiếng Anh mang tính rất chủ động, tôi muốn “nhận” ai đó về nuôi, chứ không bị động như cách hiểu của tiếng Việt, tôi muốn “xin” ai đó về nuôi.

Khi nộp đơn để “xin” việc hay “xin” giấy phép, chúng ta cũng tiếp tục vướng vào hoàn cảnh tương tự như trên. “Apply for” có nghĩa là “nộp (giấy tờ)” để được chấp nhận, được chọn làm một việc gì đó, giở tự điển Anh-Việt ra thì thấy đúng y như rằng hoặc là nó được giải thích bằng một cụm từ “đưa ra một yêu cầu chính thức”, hoặc là, may quá, chúng ta có từ tương đương “xin”, apply for lại được hiểu là “xin” trong tiếng Việt. Hiểu theo Tây phương, apply for rất chủ động, rất mạnh mẽ, chứ không yếu đuối như cách hiểu của tiếng Việt. Nộp đơn không phải để xin việc hay xin giấy phép, ở đây quan hệ giữa người chủ và người lao động rất sòng phẳng. Người chủ tìm người làm, tôi nộp đơn để anh dựa vào đấy mà đánh giá năng lực của tôi, nếu đủ tốt thì anh nhận tôi vào, tôi làm việc cho anh và anh trả lương cho tôi, chứ tôi không xin xỏ gì anh hết. Nộp đơn cũng để “lấy” giấy phép chứ không phải nộp đơn để xin xỏ giấy phép. Pháp luật quy định muốn làm việc abc thì phải có giấy phép, muốn có giấy phép thì phải hội đủ những điều kiện xyz, ta nộp đơn để chứng minh ta có đủ điều kiện xyz như luật định và ta yêu cầu chính quyền cấp phép cho ta, chứ ta không xin.

Là tản mạn về văn hóa chữ nghĩa của người Việt cho vui, chứ ở đâu cũng có luật lệ ở đó, muốn làm gì mà có ảnh hưởng đến người khác cũng phải xin phép trước. Điều tôi muốn nói ở đây là do hệ quả của việc dân đen đã luôn quen với việc bị chính quyền đè đầu cưỡi cổ từ ngàn đời qua, chưa bao giờ được thực sự nếm trải cảm giác làm “chủ” mà văn hóa, chữ nghĩa của người Việt cũng phản ánh đậm nét hơn bao giờ hết lịch sử dân tộc theo hướng nhu nhược, bất lực như thế. Trong cuộc sống hàng ngày của một người Việt bình thường, đã có bao nhiêu lần bạn phải làm đơn xin xỏ một điều gì đó? Đơn xin nhập học, đơn xin nghỉ học, đơn xin làm việc, đơn xin nghỉ việc, đơn xin cấp nước, đơn xin cấp điện, đơn xin kết hôn, đơn xin ly hôn, đơn xin xây nhà, đơn xin đập nhà, đơn … đơn xin chết!!! 

Friday, May 5, 2017

Giáng Sinh xưa - Dancing Queen (20)

Vivien quả thật là đứa rất có óc tổ chức. Nó rất biết nhìn xa trông rộng, lường trước những việc có thể xảy ra hoặc có thể cần thiết cho đêm hội lớn như thế này. Luís là vũ sư chuyên nghiệp, cũng là bạn của Viviven, và nó nhìn thấy ngay khả năng âm thịnh dương suy ở những sự kiện khiêu vũ ballroom, thế là nó mời luôn cậu ta cùng thêm vài nam sinh viên bên trường múa để “tiếp tế” cho sự kiện. Học viện Mỹ thuật này đa phần quy tụ con nhà giàu, và nữ nhiều hơn nam, thế nên khi có một vũ sư tài tình và lại đẹp trai như Luís xuất hiện thì cậu ta nghiễm nhiên trở thành trung tâm điểm ngay lập tức, và như thế cũng đỡ cho tôi, khỏi phải gồng mình trước sự tấn công ồ ạt của cậu ta. Những cậu học trò kia của Luís cũng ăn theo thầy mình, cũng được bọn con gái “chăm sóc” rất chu đáo. Tôi thú vị quan sát bọn chúng, thi thoảng nói vài việc linh tinh với một con bé ngồi gần và cũng có vẻ ít nói giống tôi, cho đến khi chúng tôi nói đến đề tài sách thì hai đứa bắt đầu cởi mở với nhau hẳn ra và bắt đầu nói chuyện rôm rả. 

Ngồi nghỉ được một lúc thì bọn nó lại hăng sức và nhao nhao yêu cầu Luís dạy chúng nó thêm vài vũ điệu Latin. Luís ưỡn ngực như chú gà trống sắp xung trận, trông có vẻ rất hài lòng. 

“Nếu muốn khiêu vũ như người Nam Mỹ, các cô buộc phải học salsa!” Rồi cậu ta nháy mắt với một con bé tóc nhuộm đỏ tía, lúc này đang óng ánh dưới ánh đèn vì lớp xịt kim tuyến trên ấy. Con bé ấy, cùng với cả đám con gái, rú lên vì hứng khởi, vội vã đứng lên và lúc này đây, Luís đã kịp bắt gặp tôi đang ngồi hơi cách xa với hội của cậu ấy. Tôi ngó lơ và giả vờ tiếp tục trò chuyện với cô bé mới quen, nhưng Luís vẫn chẳng chịu cho tôi yên. 
“Mọi người đứng thành hàng ngang nhé, hai cô em kia cũng thế, xin mời!” 

Tôi và con bé nhìn nhau tủm tỉm cười và, trong một sự thể đã rồi, bất đắc dĩ phải đứng lên và gia nhập đám đông ấy. Luís nắm tay một con bé dáng rất cao, thanh mảnh nhưng vẫn lộ một ít cơ bắp ở tay, tôi đoán nó cũng là sinh viên trường múa, ra biểu diễn làm mẫu. Cả đám huýt sáo và reo hò mỗi khi Luís ngoáy mông và biểu diễn những động tác khơi gợi nhục dục, tôi đâm hoảng khi nhìn bàn tay Luís như đang mơn trớn trên người con bé, rồi tự chế giễu mình khi cứ quan trọng hóa vấn đề. Đúng như tôi dự đoán, con bé ấy là dân múa chuyên nghiệp, nó vẫn còn đi học ở trường của Luís nhưng đã đi biểu diễn chuyên nghiệp nhiều lần, thảo nào người nó trông tuy mảnh dẻ nhưng lại khá săn chắc vì nhảy múa thường xuyên. Tôi cảm thấy vui vẻ, người lâng lâng vì rượu, hăng hái tập những bước nhảy salsa ban đầu với hội gà mái nhặng xị trong VIP lounge đêm ấy. 

Về sau, tôi biết Luís đã lầm, hoặc tôi đã không hiểu đúng ý Luís khi cậu ấy nói về salsa. Thực ra, salsa bắt nguồn từ Bắc Mỹ chứ không phải Nam Mỹ, là một thể loại vũ điệu được ưa chuộng ở các night club, và hình như nó bắt nguồn từ thành phố New York trong thập niên sáu mươi. Khi bắt đầu tập nhảy thường xuyên hơn với nhóm bạn mới thì tôi đã mon men về thư viện và tiếp tục đọc lịch sử âm nhạc. Lần trở lại này, tôi cảm thấy rất hứng thú, đọc vì thực sự ưa thích chứ không còn cảm giác đối phó như hồi còn chơi với hội của Jacqueline ngày trước. Nói về salsa, tuy được “chế tác” tại Bắc Mỹ nhưng đặc biệt chủ yếu mang âm hưởng Nam Mỹ, nó là một tổng thể của âm nhạc Cuba, trống vỗ Phi châu, guitar Tây Ban Nha, và một ít lai tạp của jazz Bắc Mỹ. Nhờ những con người châu Âu can đảm thời xưa đã quyết tâm giong buồm đi tìm vùng đất mới mà nhân loại đã có những đợt giao thoa văn hóa quan trọng và sản sinh ra nhiều thể loại âm nhạc tuyệt vời cho hậu thế. “Một, hai, ba”, tôi vui vẻ quay cuồng trong tiếng bập bùng của trống, tiếng saxophone lanh lảnh, và tiếng nói cười râm ran, tiếng váy áo cọ xát vào nhau sàn sạt, mùi nước hoa cologne mạnh mẽ như cá tính của Luís và hương hoa thoang thoảng nhẹ nhàng từ người các cô gái … tất cả bỗng hòa quyện thành một thứ âm thanh và mùi hương đầy huyễn hoặc ma quái, cô đặc, bao trùm lấy người tôi, chầm chậm vuốt ve rồi từ từ siết chặt toàn thân cho đến khi thế giới chung quanh tôi trở nên tối sầm, đóng sập lại, và tắt nghỉm. 

.

Sau đêm hội nhớ đời ấy, tôi đã tự nhủ phải cẩn thận hơn với rượu. Đêm ấy tôi hầu như không ăn gì, người lại mệt vì những ngày làm việc chân tay miệt mài, lại ngu ngốc uống rượu trong khi dạ dày gần như trống rỗng, thế nên sau khi nhảy nhót loạn xạ, tôi bắt đầu chóng mặt, đường huyết tụt nhanh, và ngất xỉu lần đầu tiên trong đời. Tôi ngủ nướng thật lâu vào sáng hôm sau, và thức giấc trong khi đầu đau như búa bổ. Nằm im trên giường, mắt mở to nhìn lên trần nhà, tôi điểm lại những gì đã xảy ra trong đêm trước, trong đầu vẫn âm vang tiếng nhạc và phản chiếu lại hình ảnh các nam thanh nữ tú xúng xính trong váy áo lụa là với những chiếc mặt nạ đủ màu, lấp lánh khắp nơi trên nền đen của màn che như sao đêm. Rồi tự dưng tôi nghĩ đến David, anh ta đã đi đâu mất tăm hơn ba tuần này nhỉ. Nghe lời Vivien, tôi đã thử gọi điện cho anh và mời anh đi chơi trong đêm hội hóa trang với tôi, nhưng điện thoại hoàn toàn tắt im ỉm, thậm chí cũng không buồn chuyển ngay đến hộp voice mail như lệ thường. Tôi với tay cầm tấm ảnh chụp chúng tôi vào đêm giao thừa hôm ấy, trông tôi cười gượng gạo làm sao, còn David thì hơi mím môi nhưng đôi mắt lại vui. Tôi suy nghĩ mông lung, cố tìm một lời giải thích thỏa đáng nhằm biện hộ cho anh nhưng càng nghĩ thì tôi càng bực bội vì như thường lệ, tôi chẳng thể khai thác gì thêm được về David. Anh ta như một bức tường thành kiên cố nhưng lại phẳng phiu một cách vô hại, tôi không tìm ra được một tì vết nào về anh để ít ra, tôi cũng có cớ để mà hờn dỗi hay giận dữ. Mà suy cho cùng, quan hệ giữa chúng tôi vẫn chỉ mới ở mức sơ giao, và tôi cũng không muốn quen ai như một bạn trai chính thức vào lúc này. Thế nhưng cớ sao tôi lại nổi giận? Có phải vì cái tôi hay lòng kiêu hãnh bị tổn thương và giày vò, một sự mâu thuẫn rất thường tình, rất “con gái”?

Chiều hôm ấy Vivien lại đến thăm tôi. Nó đến để mang đi vài bức họa đã gởi nhờ tôi vào ngày đầu năm hôm nọ và đồng thời mang vài bức mới đến “xin ở nhờ” vì tạm thời nó sẽ ở nhà bố mẹ. Chúng tôi bách bộ ra công viên, hít thở không khí trong lành và trò chuyện về mỹ thuật. Vivien giải thích cho tôi một vài thuật ngữ trong nghề, những kỹ thuật pha màu và phối màu mà tôi cố gắng tỏ vẻ quan tâm khi trong lòng chẳng hiểu gì cả nên rất chán. Trường Vivien sắp tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của sinh viên mỹ thuật nhằm gây quỹ giúp trẻ em bị ung thư và con bé có hai bức được chọn nên nó rất hồi hộp và đồng thời phấn khích, thảo nào nó cứ liến thoắng nói về đề tài này trong suốt cuộc đi dạo của hai đứa. 

“Chương trình gây quỹ của bọn em ngoài triển lãm tranh còn có chương trình văn nghệ, lớp em chọn tiết mục nhảy can-can, em thấy chị cũng có năng khiếu nhảy nhót, chị tham gia với bọn em cho vui nhé?”

Tôi hơi hoảng khi nghe đến mùi biểu diễn trên sân khấu, và cố lựa lời giải thích cho nó, rằng việc ấy không thích hợp với tôi, rằng tôi rất sợ phải biểu diễn trước đám đông, nhưng nó đã gạt phắt đi. 

“Khi lên sân khấu, đèn sẽ rọi thẳng vào chúng ta làm chúng ta lóa mắt và sẽ không nhìn thấy khán giả bên dưới, đặc biệt là bên dưới sẽ tối om khiến chúng ta có cảm giác đó là một khoảng không vắng lặng. Ngoài ra, chị sẽ biểu diễn chung với cả đám, sẽ không bị lạc lõng và nhạc thì rất nhanh, rất vui nhộn, chị sẽ rất hào hứng mà quên đi tất cả!”

Thật ra, đây sẽ không phải là lần đầu tôi biểu diễn trên sân khấu. Từ hồi học mẫu giáo cho đến đại học, gần hai mươi năm chẳng có năm nào tôi không hát hoặc múa trong ban văn nghệ của lớp, cộng với vài lần đi thi cấp quận và cả một lần, cấp thành phố. Và dù đã có thành tích “dày dạn” về mặt biểu diễn, tôi vẫn chưa một lần vượt qua được “stage fright”, một triệu chứng tâm lý thường gặp ở bất cứ ai mỗi khi phải đối diện với đám đông khán giả. Tôi biết nó nói cứng như thế để thuyết phục tôi, và vì tôi đang trên đà làm cách mạng với bản thân, muốn thử thách mình xem giới hạn cuối là ở đâu nên cuối cùng đã miễn cưỡng nhận lời khiến nó rất vui. 

“Tốt quá! Đi cho vui chị ạ.” Nó im lặng và nhìn tôi vài giây. “Em rất quý chị, em vẫn hay nhắc đến lần chị chủ động đến giúp em dọn đồ với gia đình em, khiến mọi người cũng muốn gặp chị đấy!” Rồi nó mỉm cười. “Sắp tới chỉ cần tìm thêm người đánh đàn dương cầm cho ban nhạc là xong. Luís sẽ làm biên đạo múa, bọn em đang suy nghĩ có nên mời anh ấy nhảy cùng nhóm hay không, nhưng tạm thời là không vì chưa chắc anh ấy sẽ đồng ý.”

Tôi nghĩ ngay đến Jacqueline, tôi biết chắc bà sẽ rất sẵn lòng giúp Vivien, và cũng vì bà quen rất nhiều người bên bảo tàng mỹ thuật, nơi sẽ diễn ra cuộc triển lãm và biểu diễn nên bà sẽ là một trợ thủ đắc lực cho công tác chuẩn bị. Nhưng tôi chưa vội nói gì với Vivien cả, tôi muốn gặp Jacqueline trước. 

.

Chiều muộn, tắm xong, tôi nghêu ngao hát và khi mở tủ quần áo thì chợt nhìn thấy chiếc váy nhung xanh quý phái mà bà Rosalyn mang tặng hôm nào vẫn còn nằm im ỉm trong ấy chưa hề được động đến. Tôi đưa tay vuốt ve làn vải mềm mại rồi cảm giác không cưỡng lại nổi ý định muốn mặc thử xem sao. Đã đôi lần tôi muốn làm điều ấy nhưng chẳng hiểu sao có cái gì đó cứ ngăn tôi lại, như thể đó là một kỷ vật thiêng liêng mà tôi cần trân trọng và sợ sẽ vô ý làm hư hại. Lau vội tóc và chẳng buồn chải, tôi tìm bài “Dancing Queen” của ABBA, vặn nhạc thật to rồi mặc váy vào, ngắm nghía săm soi trước gương và hát theo nhạc, đồng thời nắm hai bên váy xoay người sang phải sang trái như cách các cô gái đang đong đưa trong clip nhạc. Chiếc váy thật vừa vặn, tôi không ngờ mình mặc vừa vì bà Rosalyn là người rất đầy đặn trong khi người tôi “trước sau như một”, đúng là “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, ngày xưa người bà còn rất bé nên dù có đầy đặn thì vẫn nhỏ bề ngang, người tôi lại hơi dẹt nên bù qua sớt lại thế nào tôi lại mặc vừa. 

Tôi giật mình, dường như có tiếng gõ cửa. Giờ này thì chỉ có ông bà Bear, nhưng họ rất ít khi đến tìm tôi muộn như thế này, hoặc có thể là người bảo trì tòa nhà? Nhưng ai lại làm việc giờ này? Liếc vội ra cửa chính, tôi hơi tần ngần rồi mon men bước ra nhìn qua lỗ nhòm xem ai lại gõ cửa vào giờ này. Tôi rất ưng cái lỗ nhòm ấy, mặc dù khu vực tôi ở rất an ninh nhưng sống ở thành phố lớn thì phải đề cao cảnh giác, không thể lơ là. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi nhìn thấy dáng vẻ quen thuộc của người đứng bên kia cửa chính, chỉ cách tôi có hai bước. Cố nhíu mắt nhìn thêm lần nữa để chắc chắn mình nhìn không lầm, thì tôi lại nghe có tiếng thình thịch trên nền nhà, dường như người ấy đang nhảy tưng tưng ngoài ấy! Cái quỷ gì thế này? Tôi chưa kịp hỏi thì lại nghe tiếng gõ cửa, lần này có vẻ hơi gấp rút. 

“Tôi biết em có ở nhà và đang đứng nấp sau cửa! Làm ơn mở cửa đi nào, tôi sắp chết cóng bên ngoài rồi đây này!”

Lần này thì dự đoán của tôi đã đúng, đúng là người ấy, không lẫn vào đâu được. Tôi đưa tay lên chốt cửa, rồi thụt tay lại vì chợt nhớ ra là mình đang mặc váy dạ hội dài quét đất, nếu chạy đi thay quần áo thì lại chẳng còn thời gian vì chiếc váy liễu yếu đào tơ ấy nếu cởi vội ra sẽ có khả năng bị trầy xước, thế là tôi rón rén đi nhanh vào phòng tắm, vội vã khoác vào người chiếc áo choàng tắm, làm ướt thêm tóc, và cuối cùng, chạy sầm sập ra cửa chính … 

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...