Wednesday, November 16, 2016

Giáng Sinh xưa - Déjà vu? (7)

Về đến nhà, trời đã nhá nhem tối.  Tôi ở căn hộ mãi ở tầng trên cùng, tầng ba, nên phải leo cầu thang hai vòng mới đến nơi.  Hôm nay lại phải quảy cái túi sách nặng cỡ mấy chục cân trong khi bụng đang đánh trống và sôi sùng sục, tôi thở hổn hển, thả phịch túi sách xuống sàn trong khi tay thò vào giỏ tìm chìa khóa.  Cả buổi chiều ngồi trên bus, kẹt xe hơn ba mươi phút, trong khi nếu đi bộ thì sẽ không quá mười lăm phút, đầu óc tôi không thể nghĩ gì khác hơn ngoài cuộc đối thoại kỳ quặc với giáo sư Reynolds trước đó.  Rồi hình ảnh Jacqueline tay trong tay với một người trai trẻ ở công viên W. cũng khiến tôi hơi xáo trộn.  Kim thì dạo này cứ cách vài ngày là nghỉ ốm.  Rốt cuộc, chuyện gì đang xảy ra với những người chung quanh tôi thế này?

Vì trời đã bắt đầu trở lạnh nên tôi không thể ngồi ở bậu cửa sổ như mọi khi mà phải đóng cửa sổ lại và bật sưởi.  Thời tiết ở đây thật bất thường, một ngày có đủ bốn mùa, thật lạ.  Buổi sáng là mùa xuân, trời mát; đến trưa là hè, hơi nóng; chiều chạng vạng là mùa thu, se lạnh; và đêm đến sẽ là mùa đông, lạnh cóng.  Hôm nay quả là một ngày đặc biệt, hai sự kiện lớn vừa xảy ra khiến tôi không thể tập trung đọc truyện như mọi ngày được nữa.  Mệt mỏi, tôi ăn vội tô mì gói vừa nấu, đi tắm, pha cốc trà thảo mộc rồi leo lên giường, nhìn đống sách vừa mang về mà ngán ngẩm, trong đầu cứ âm vang những lời giáo sư R vừa nói khi nãy. “Tôi không phải cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai”.  Nhưng ông ta ở cái vị trí khác, vị trí của ông ta cao chất ngất, nên ông ta mới ngạo nghễ nói được câu đó.  Còn tôi, ở hiện tại, liệu có đủ dũng cảm phát biểu như thế không?  Mà kỳ thực, tôi chẳng hề có ý định gây ấn tượng cá nhân gì với ai cả.  Đơn giản là tôi chỉ muốn mình hiểu những gì người ta đang nói, và để tham gia những cuộc trò chuyện như thế buộc tôi phải biết cái gì đó.  Nhưng rốt cuộc, phía sau những cuộc trò chuyện này là gì?  Có lợi lộc gì cho ai?  Một đám trí thức gặp nhau tán gẫu, đấu láo, xong tan hàng thì ai cũng có cuộc sống riêng tư phải lo toan.  Tôi giật mình.  Thời gian này đúng là tôi cực kỳ xao lãng trong công việc, mà đây mới là điều có thật và có một tầm quan trọng nào đó trong cuộc sống của tôi.  Giả sử, tôi lơ ngơ mù tịt không biết gì về lịch sử hội họa thời Phục Hưng Châu Âu, họa sĩ nào cấp tiến hay bảo thủ, ai đã sưu tập đa số các tác phẩm của họ, v.v. thì giá trị của tôi có vì thế mà sút giảm đi không?  Hoặc sự kiện Hemingway đã sống một thời gian ở Paris, đã làm gì, đã quen với danh họa Picasso tại đấy hay những người nổi tiếng nào khác, nếu tôi rành rọt mọi việc đến chân tơ kẽ tóc hoặc vui vẻ không biết gì cả, thì trái đất có vì thế mà ngừng quay không?  


Càng nghĩ, tôi càng thấy mọi việc trở nên sáng tỏ.  Tôi rất thích Jacqueline và hội bạn của bà, nhưng có lẽ tôi không thuộc về thế giới ấy.  Bản chất sinh hoạt của họ, thực ra một phần cũng là do bệnh nghề nghiệp.  Đa số họ làm công tác giảng dạy, khảo cứu, biểu diễn, thế nên họ thích trao đổi, tranh luận, đó là lẽ đương nhiên vì đó thuộc chuyên môn của họ.  Có thể họ cũng chẳng có nhu cầu phải chứng tỏ bản thân như tôi đã nghĩ.  Chỉ đơn giản, họ thích làm những việc đó, như một thú tiêu khiển, thế thôi.  Và nếu họ thích tranh luận, họ cứ làm điều mình thích.  Tôi không thích tranh luận, thì tôi không phải tham gia.  Ai cũng có quyền sống theo bản chất và sở thích của mình, đây lại là xứ sở của tự do, như người Mỹ vẫn thường luôn tự hào về đất nước của mình, cớ sao tôi lại tự đặt gông cùm vào người rồi mệt mỏi vì nó?

Tôi kéo túi sách lên giường, tò mò mở ra xem mình đã lôi cái quái quỷ gì về nhà, bụng bảo dạ giờ đây ta đã có tự do, cứ xem mình thích cái gì thì tìm hiểu về cái ấy, quan trọng là phải vui với điều mình làm.  Chợt nhớ đến một câu nói thường hay được lặp đi lặp lại trong các phim Hồng Kong tôi từng xem năm xưa: “miễn cưỡng không có hạnh phúc”, tôi bật cười thành tiếng.  Đúng rồi, miễn cưỡng thì không có hạnh phúc!  Đời đơn giản đến thế thôi ư?!


Đêm nay trăng sáng vằng vặc, bầu trời đêm trong vắt không một gợn mây.  Tôi vui vẻ vớ lấy cuốn nhạc lý, ôn lại các ký hiệu nhạc, rồi với tay bật radio để nghe những bản giao hưởng đặc biệt về đêm.  Hôm nay không có nhạc, mà lại có opera.  “Le mariage de Figaro”, một vở opera kinh điển do thiên tài âm nhạc Mozart biên soạn.  Phần overture thật dài, thật hoành tráng, tôi nghe mà sởn gai ốc, cảm giác lâng lâng như đang trôi nổi trong biển nhạc phản chiếu ánh trăng bạc ngoài kia.  Lũ chim vốn thường tụ tập làm tổ và ríu rít suốt ngày trên cây sồi bên ngoài cửa sổ kia giờ đã bỏ đi đâu hết.  Gió cũng như ngừng thổi, xe cộ thưa thớt rồi vắng hẳn.  Không gian lúc này thật tịch mịch, tĩnh lặng gần như tuyệt đối, thế giới hiện tại hoàn toàn trống vắng, chỉ còn có tôi và Mozart và những đợt sóng nhạc hòa quyện cùng ánh trăng huyền ảo ngoài kia, cuộn trào miên man từng đợt, đổ xô, mời gọi, rộn rã.  Nhạc của Mozart là thế, luôn làm cho người nghe phải rạo rực, bứt rứt không yên, mạnh mẽ nhưng lại du dương, trầm bổng, cảm giác cứ như đang phiêu lãng đâu đó trên những tầng mây tít tắp.  Rồi ký ức những ngày thơ lại ùa về, với những buổi trưa vắng buồn chán chỉ có chiếc radio cũ kỹ làm bạn cùng những concerto cổ điển, hoặc thi thoảng những vở opera mà nghe chẳng hiểu gì ráo!  Bây giờ tôi nghe vẫn chẳng hiểu gì, nhưng sự cảm thụ âm nhạc lại ở một cấp độ hoàn toàn mới … Mắt tôi díu lại, không gì cưỡng lại được cơn buồn ngủ đang ập tới.  Tôi thiếp đi giữa những cao trào của vở diễn, trong mơ lại thấy mình đang ở nhà hát, mặc trang phục của người châu Âu thời Mozart, nhưng tôi lại không tài nào thấy được mặt của hai người bạn đi cùng lúc ấy.  Mãi rất lâu về sau này, khi xem phim “Amadeus”, tôi bàng hoàng thấy cảnh tượng trong nhà hát khi đang diễn vở này sao rất giống giấc mơ đêm ấy, sống động đến từng chi tiết nhỏ.  Phải chăng đó là tiền kiếp của tôi?  Một dạng déjà vu thật khó diễn giải?


Saturday, November 5, 2016

Giáng sinh xưa - The tough choice and the mysterious man (6)

-         Hai tuần sau tôi có hội thảo ở Boston, Kim bận việc nhà nên không đi được, cô có thích đi cùng không?

Tôi vừa nghe qua đã mừng rú lên, nhưng một chút mặc cảm vẫn len lỏi vào đầu.  Đây không phải là thành tích cá nhân, mà là ân huệ tôi được ban phát, như thứ đồ ăn thừa thay vì vứt đi uổng phí thì người ta lại chiếu cố đến tôi.  Đúng là cảm giác tự ti pha lẫn kiêu hãnh cố hữu của người nghèo, tôi thoáng nghĩ và cảm thấy mình thật vô duyên.  Đang phân vân chưa kịp trả lời là “có, tôi thích đến chết đi được”, thì tôi chợt nhớ ra Jacqueline cũng có một buổi hòa nhạc vào cùng thời điểm ấy.  Nếu không quen J, có lẽ tôi đã tức tốc sắp xếp hành lý ngay vào đêm nay và đếm từng ngày cho đến lúc tôi đáp máy bay đi Boston, nhưng dạo này âm nhạc đã chiếm lĩnh trọn hồn tôi và tất cả mọi thứ còn lại bỗng trở nên thứ yếu, bao gồm cả mơ ước được làm việc như Kim ngày nào.  Nhưng cơ hội được đi chơi miễn phí (tôi đã ngây thơ nghĩ như thế) này cũng có sức nặng vô cùng lớn, đang giằng xé sự so đo cân nhắc của tôi, và tôi vẫn đứng trơ ra không thể có câu trả lời chính thức.

Như đọc được ý nghĩ ấy của tôi, giáo sư R tiếp lời. “Tôi biết là Jacqueline cũng có một buổi hòa nhạc với thành phố trong hai tuần tới, và tôi biết cô rất muốn tham dự.  Sống là phải chọn lựa đúng không?  Tough choice!” Rồi ông mỉm cười, vụ ấy làm tôi choáng sắp ngất!

“Nhưng cô phải nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.  Khi cuộc sống đưa ta đến chỗ phải lựa chọn, nếu cả hai lựa chọn đều tốt, chẳng phải đó là điều may mắn hay sao?  Tính tham là căn nguyên của nỗi khổ con người, chắc cô cũng rõ giáo lý Đông phương này!  Cô không cần phải trả lời ngay bây giờ, cứ suy nghĩ trong đêm nay rồi sáng mai hãy cho tôi câu trả lời chính thức.”

Tôi vẫn cảm giác như hồn xiêu phách lạc, không biết ông giáo sư lạnh lùng này có bị ma nhập hay không.  Thứ nhất là ông ta mỉm cười rất thật, rất tình cảm, thứ hai là chỉ trong vòng vài phút, ông ta đã nói một hơi thật dài, bằng tổng cộng những gì ông sẽ nói với tôi trong gần một tháng.  Và toàn là những lời thân mật sâu sắc, như cách một người cha đang khuyên nhủ cô con gái của mình.  Hay của người đi trước, từng trải, với một người trẻ con nông nổi.

-         Cám ơn giáo sư, ông thật tốt với tôi.

Đó là toàn bộ những lời tôi có thể thốt ra vào lúc ấy.  Có gì đó khó tả đang diễn ra trong lòng, tôi cũng chẳng biết gọi tên nó là gì.  Cảm động?  Sốc?  Biết ơn?  Tôi muốn nói nhiều hơn, để bày tỏ cảm xúc của mình, để cho ông ấy biết tôi biết ơn vì ông đã nói những lời quan tâm đầy chân thành ấy.  Nhưng cơ hội đã vụt qua, ông vừa ngồi xuống bên bàn làm việc, và tôi biết trong tích tắc ông đã ở trong một thế giới khác.  Tôi hiểu ông nhiều đến thế ư?!

Hít một hơi thật dài, tôi lẳng lặng đi ra, cảm thấy không cần chào tạm biệt.  Lúc đang lúi húi dọn dẹp bàn làm việc và tắt máy tính, tôi cảm nhận có ai đang ở sau lưng mình.  Ông ta đã lặng lẽ đứng đó tự bao giờ, tôi cũng chẳng rõ, vì lưng tôi quay lại với cửa phòng ông.  Tôi giật mình, nhìn trân trối vào gương mặt khắc khổ quen thuộc ấy, sao hôm nay có gì đó hơi khác lạ.  Đôi mắt ấy như long lanh hơn, sáng hơn, các nếp nhăn như cũng giãn nở ra hơn, tôi cảm nhận được một sự ấm áp len lỏi giữa hai chúng tôi lúc ấy.  Ông hắng giọng, vẻ bối rối, đầu các ngón tay chập vào nhau, giống như khi ông đang thuyết trình và gặp phải một câu hỏi khó từ phía thính giả.

-         Tôi có nghe nói là cô đang học đàn với Jacqueline?
-         Dạ phải.
-         Mọi việc thế nào ?
-         Cũng ổn.
-         Cô có thể tập đàn ở bên khoa thanh nhạc sau giờ hành chính, nếu muốn.  Tôi đã nói chuyện với bên ấy và họ bảo không thành vấn đề. 
-         Ôi, cám ơn ông, vô cùng! (tôi suýt hét lên vì vui sướng !)
-         Và này ..
-         ??
-         Có lẽ cô cũng nhận thấy tôi không phải là một người dễ mến …
-         Ồ không đâu … - Tôi cố gắng chống chế một cách yếu ớt, vì tôi nói không thật lòng!
-         Nhưng sự thật là như thế!  Tuy nhiên cũng có một số người rất quý tôi, vì họ hiểu tôi.  Tôi không phải là kẻ dẻo miệng biết cách làm hài lòng người khác, và tôi cũng không muốn làm thế nếu có năng khiếu ấy … Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi chẳng hề cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai.  Một khi người ta thấy được thực tướng dù không hoàn hảo của mình và vẫn quý mến mình, đó là khi ta bắt đầu tìm thấy tri kỷ.  
-         ??

Rồi, chẳng chút che đậy, ông liếc nhìn chồng sách dày cộp mà tôi đã cố ý để dưới gầm bàn và mỉm cười, nét mặt thật đôn hậu.  Tôi xấu hổ, né tránh cái nhìn của ông.  Thì ra dạo này ông đã không bỏ sót bất cứ hành tung bí ẩn nào của tôi, và tôi thì vẫn vô tư xem ông như «ông già khó tính» vốn chẳng bao giờ thèm để ý đến chuyện gì khác ngoài những gì nằm trên bàn làm việc và trong cặp của mình.  Và ông cũng đã âm thầm quan tâm đến tôi?  Chợt nhớ lại những điều Jacqueline đã kể cho tôi dạo nào, có lẽ đúng là ông ấy đánh giá tôi ở một bậc khác cao hơn mà tôi không biết.  Đúng là tôi cũng đã cố gắng tạo tình cảm thân thiện và để ý xem ông có ưu ái tôi hơn hồi mới vào hay không, nhưng tuyệt nhiên không hề có một chút dấu hiệu nào chứng tỏ ông có mảy may nào quan tâm đến tôi.  Nhưng tại sao ông có thể khéo che đậy cảm xúc của mình đến thế?  Cảm xúc?  Tại sao phải che đậy?  Hay là ông ta có … gì với tôi?

Nghĩ đến đó, tôi đỏ mặt và nổi gai ốc.  Kim đã về sớm vì không khỏe, và trong văn phòng chỉ còn lại hai người.  Quả thực, đây là lần đầu tiên ông nói nhiều với tôi đến thế, và toàn là những điều thân mật cá nhân vượt ngoài phạm vi giới hạn của quan hệ công việc.  Tôi có đi ăn trưa với ông vài lần, nhưng là đi với vài người khác nữa, và tôi chẳng bao giờ ngồi gần ông, trò chuyện gì với ông cả.  Tính tôi vốn nhát còn ông thì luôn lạnh như băng, thế nên trong vô thức tôi thường hay lảng tránh ông.  Bất giác, tôi bước thụt lùi lại hai bước, mặc dù khi ấy giữa ông và tôi vẫn là một khoảng cách khá an toàn.  Dường như ông cảm nhận được sự bất an của tôi.

-         Thôi cô về nhà đi, cũng đã muộn rồi.

Rồi ông thoăn thoắt bước về phòng riêng, đóng cửa lại.  Tôi có cảm giác ông đang chạy trốn, nhưng nó vẫn rất hợp với tính cách của ông mà tôi đã quen thuộc.  Kim đã từng bảo tôi rằng ông ta thuộc tuýp người «socially awkward», tức là những người hơi bất thường trong xã giao, mà không nhất thiết là xấu.  Chỉ là hơi bất thường.  Thế là thế nào ?  Hôm nay ông giảng đạo cho tôi một tràng, lại tâm sự chuyện riêng tư, trong khi ngày thường ông như một pháo đài lạnh cóng chẳng ai có thể thâm nhập được?  Chẳng ai, ngoài Jacqueline?  Mắt ông luôn sáng rực mỗi khi gặp bà, tinh thần ông phơi phới như cậu trai mới lớn khi trò chuyện cùng bà!  Mà cũng phải thôi, có người đàn ông nào mà không gặp phải vấn đề này khi gặp Jacqueline kiều diễm kiêu sa ấy?  Tôi cứ tò mò vì « tình bạn » giữa hai người này.  Bất chợt, tôi có ý nghĩ tinh quái muốn điều tra vụ này cho đến nơi đến chốn, như một bí mật nho nhỏ của riêng tôi.  Rốt cuộc, có lẽ giáo sư R cũng chẳng có tình ý gì với tôi đâu.  Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy ông là người tốt.  Có lẽ chỉ đơn giản là ông có quý mến tôi.  Hoặc giả, ông thương hại cho cái đứa lơ mơ lóng ngóng như tôi cũng không chừng!  Chứ quý mến vì cái gì thì tôi cũng không thể rõ được, bởi tôi chẳng phải cá nhân xuất sắc mà lại thường lặng lẽ như cái bóng trong văn phòng, đặc biệt từ dạo học đàn với Jacqueline thì tôi cứ ngày ngày nôn nóng cho hết giờ làm việc để được tập đàn hoặc về nhà ngồi vắt vẻo trên bậu cửa sổ hoặc có khi hứng chí, leo cửa sổ ra nóc nhà mà đọc truyện.

Tôi rón rén cho chồng sách dầy vào cái túi ba gang vừa tậu được ở chợ trời vào tuần trước, rồi lẳng lặng bước ra trạm xe bus.  Những lúc tâm tư ngổn ngang xáo động, tôi rất thích được bách bộ, nhưng hôm nay tôi đang quảy một gánh sách nặng nề, không thể không đi bus được.  Gánh nặng!  Thật là một so sánh ẩn dụ thú vị.  Tôi quả đang bị gánh nặng của chồng sách này khiến tôi không thể làm việc mình thích, là đi bộ qua công viên.  Chính là gánh nặng của nhu cầu tăng cường kiến thức mà tôi cứ luôn trong tâm trạng bất an, lo sợ người ta đánh giá mình là ngu si lạc hậu.  Nhưng rốt cuộc, trong cái đám người vốn luôn rất bận rộn lo nghĩ về những điều cao xa để thể hiện mình trong đám đông, có mấy ai quan tâm đến việc tôi là ai và tôi thông minh hay ngu dốt?

Giờ tan tầm, giao thông dầy đặc, xe bus cũng vì thế chạy chầm chậm ngang công viên W., tôi ngơ ngẩn nhìn những cành cây bắt đầu trụi lá, và thảm lá vàng ngày nào bây giờ đã chuyển sang nâu, khô khan, già úa.  Mùa đông đang đến gần.  Bên kia công viên là khu nhà của Jacqueline, hôm nay vì lá cây đã rơi rụng gần hết nên tôi có thể nhìn tổng thể khu nhà ấy từ xe bus trên cao.  Vài nhà đã sáng đèn, mặc dù trời chỉ vừa chập choạng chưa tối hẳn.  Tôi thoáng thấy hai người, một nam một nữ, đang bách bộ trong công viên.  Chính là Jacqueline!  Bà ấy mặc váy len đen dài chấm đất, tóc vẫn luôn búi cao thanh nhã như thường lệ, người đàn ông đi cùng thì mặc quân phục sĩ quan, và rất cao.  Họ đang rất ung dung nhàn hạ, trò chuyện vui vẻ.  Chốc chốc Jacqueline lại âu yếm vòng tay vào cánh tay anh chàng kia, hoặc anh kia cũng thi thoảng ôm vai Jacqualine rất thoải mái.  So ra thì tuổi tác của họ khá chênh lệch, sự thân mật hơi bất thường ấy của họ khiến tôi cứ phân vân …


Wednesday, November 2, 2016

Giáng Sinh xưa - The miserable wannabe (5)

Đón tôi tại cổng là một gương mặt không mấy thiện cảm, cô nàng mang hàm răng hô với chiếc cằm độn nhiều lớp che mất chiếc cổ to bè đặt trên thân hình đẫy đà chắc nịch như một bao tải gạo vừa bị thả phịch xuống đất.  Tôi luống cuống, không biết phải làm gì thì cô ả lại càng chằm chằm nhìn tôi có vẻ hằn học khó chịu hơn.  Về sau, tôi được biết cô tên là Daisy, con chó bulldog to bè lúc này vẫn gầm gừ quan sát tôi từ bên kia chiếc cổng sắt.  Vừa may, Jacqueline kịp đi ra giải cứu tôi, trên tay bà vẫn còn đeo găng làm vườn và chân mang đôi ủng đi mưa đầy họa tiết sặc sỡ.

-          Xin lỗi cô nhé, tôi thường giữ Daisy trong cũi mỗi khi có khách lạ đến nhà nhưng hôm nay mải mê làm vườn nên tôi quên mất việc ấy.  Suỵt, Daisy, im nào!  Cô ả chỉ giả bộ thị uy với người mới đến nhà lần đầu thôi, nhưng nếu cô cho ả liếm tay và chơi với ả thì cô sẽ trở thành thượng khách trong những lần sau đấy!

Tôi buồn cười nhìn gương mặt của Daisy, nó làm tôi nhớ đến con chó bulldog trong phim hoạt họa Tom & Jerry, dáng cũng gồ ghề to bè và gương mặt thì như vừa bị Mike Tyson đấm cho một phát chí mạng khiến nó bẹp dúm và răng môi lẫn lộn như thế.  Nghĩ đến vụ “răng môi lẫn lộn” thì tôi không nhịn được cười, không thể tìm từ nào tả đúng hơn sắc đẹp của Daisy! 

Buổi học dương cầm đầu tiên của tôi diễn ra êm ả.  Jacqualine là người thực tế, bà dắt tôi đến ngay chiếc baby grand đặt chễm chệ ngay giữa tiền sảnh, gọi tên những chi tiết của chiếc đàn để tôi làm quen với các khái niệm căn bản, dạy tôi tư thế ngồi với lưng thẳng và hai bàn chân đặt phẳng trong khi hai chân tạo thành góc vuông trên nền nhà, vai thả lỏng, v.v.  Tôi lắng nghe không sót một chi tiết, lòng hồi hộp bồn chồn, chỉ mong được sớm chạm tay vào những phím đàn tinh tế ấy. 

-          Cô là người đầu tiên đến đây học đàn mà không cần chỉnh ghế ngồi cho vừa tầm đấy.  Học trò của tôi nếu là trẻ con thì tôi phải nâng ghế lên, và nếu là người lớn thì tôi lại hạ thấp xuống. 

Tôi đang suy nghĩ xem ý bà đang nói gì, thì chợt hiểu ra.  Tôi và Jacqueline có chiều cao tương đương nhau, và bà thích thú với điều ấy vì bà là người nhỏ nhắn, ít khi nào gặp được ai cũng bé như mình.  Vậy là mình vừa ghi điểm với cô giáo, hi hi … tôi tự nhủ, lòng vui vui.

Tối hôm ấy, việc đầu tiên tôi làm khi vừa về đến nhà là cắt trụi móng tay đi.  Mặc dù Jacqueline tế nhị không đề cập đến việc ấy nhưng khi bà nhắc đi nhắc lại là phải cúp bàn tay lại khi đàn và chạm phím đàn bằng đầu móng, thì tôi hiểu lời bà nói.  Thảo nào tôi thấy móng tay bà rất ngắn, và không sơn sửa gì cả.  Sau giờ học, bà mời tôi đi một vòng tham quan khu vườn hoa tuyệt đẹp do chính tay bà chăm sóc, rồi ngồi ăn bánh uống trà ngoài đấy và cuối cùng bà cắt tặng tôi một bó hoa đủ thể loại để mang về.  Hôm ấy trời se lạnh nhưng vẫn còn nắng, cảnh vật êm đềm, tôi lại được ăn bánh uống trà trong khung cảnh kỳ hoa dị thảo sau khi vừa được học đàn dương cầm lần đầu tiên trong đời, tôi như người lên chín tầng mây, về đến trước cửa nhà vẫn còn ngẩn ngơ như vừa trải qua một giấc mộng đẹp.  Đóa hoa Jacqueline vừa tặng quá đẹp, nhưng tôi chẳng có cái bình hoa nào cả, thế là tôi vơ lấy viên phấn, viết vội “bình hoa” lên tấm bảng đen trong bếp cho danh sách đi chợ cho ngày hôm sau.
.
Càng qua lại nhiều với Jacqueline, tôi càng cảm thấy nghẹt thở vì bà am hiểu nhiều thứ quá, mà bà lại rất thích trò chuyện mới chết đứa lơ ngơ như tôi.  Chưa kể, thi thoảng bà còn hay mời tôi đi ăn trưa ăn tối, tiệc tùng linh tinh với hội bạn cầm kỳ thi họa vốn cũng rất ưa thích tranh luận, triết lý, đậm chất Pháp, như bà!  Khổ thân tôi, vừa mới chân ướt chân ráo ra khỏi mái trường XHCN, thầy cô nói gì mình gật nấy, giờ phải tham gia với hội này, tôi cảm giác mình như đang rơi tự do cái toẹt xuống một môi trường nơi người ta cực thích tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình đến mức sống chết như nơi đây.  Thế là, trong những chuyến đi ra thư viện lấy sách cho sếp, tôi lại nhét túi thêm sách cho riêng mình.  Ban đầu chỉ là sách về nhạc lý, vài cuốn tiểu thuyết kinh điển, cho đến lịch sử âm nhạc, sau nâng cấp lên một chút sang hội họa, tiểu sử của mấy ông già nổi tiếng trong lĩnh vực này.  Bà thủ thư bắt đầu để ý đến tôi, khi thấy tôi cứ mượn hàng đống sách dày, và chỉ trong một tuần là đã mang sách đi trả.  Kỳ thực, tôi làm sao đọc cho hết đám sách khô khan ấy!  Tôi chỉ đọc tiểu thuyết thôi, để mơ mộng, chìm đắm, và giữa những lần cao trào của cảm xúc, tôi lại lôi mấy quyển sách chết tiệt kia ra mà ghi chép lại tên sách và tên tác giả, vài chi tiết trong phần giới thiệu sách, rồi quẳng chúng sang một bên và tiếp tục phiêu du vào thế giới huyền ảo của những tiểu thư, công tử quý tộc châu Âu cách đây vài thế kỷ.  Tôi đang học để đối phó, và tôi cực ghét chuyện này, nó khiến tôi muốn nôn mửa.  Ngặt nỗi, Jacqueline lại thường tỏ ra ngạc nhiên thích thú khi thấy tôi biết cái này cái kia, và tôi thì thường chỉ góp vài câu khi bắt buộc phải thế, chứ đa phần thời gian, tôi nhường cho những người thích nói kia được làm cái việc họ thích.  Tôi lắng nghe, cũng là một cách để học hỏi. 

Và tôi bắt đầu chán cái nếp sống giả tạo này, nhưng không biết phải thoát ra khỏi nó bằng cách nào, cho đến một hôm …

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...