Tuesday, January 31, 2012

Việt Nam 3

Con trai đến VN ngày đầu tiên, bỡ ngỡ, rụt rè. Cả đời nó có bao giờ nhìn thấy nhiều người (cùng một lúc) đến thế đâu!

Những ngày đầu cả mẹ cả con đều jet lagged. Cứ 2g sáng là mẹ con thức dậy cùng một lúc. Cũng lạ. Cả mấy ngày đều như thế. Đúng 2g sáng. Thức giấc cùng lúc, không ai đánh thức ai. Ông con không ngủ riêng nên hễ thức là lao qua mẹ ôm ấp, móc mắt, cười giỡn. Thế là mẹ phải lồm cồm bò dậy chơi với con. Đến sáng ra thì ngày nào cũng thế, con có thể ngủ lại, còn mẹ cứ vật vờ như ma vì thiếu ngủ.

Mẹ chạy bộ ở khu trường học, yên tĩnh không xe cộ. Có khi thì ra công viên gần nhà. Những người đàn ông ngồi uống cafe sớm (ở vỉa hè) lại nhìn mình như quái vật tập hai. Vì hai lẽ. Thứ nhất, những người tập thể dục ở đó không ai chạy, chỉ có đi bộ. Các nam thanh niên cũng thấy đi bộ chứ ko chạy. Mình là giống cái, mà lại chạy bộ, nên lạ. Thứ hai, đàn bà tuổi mình vào giờ đó chỉ có ở nhà chăm sóc buổi ăn sáng cho chồng con, hoặc là đang chuẩn bị đi làm.

Con trai nhớ ba, buồn ra mặt. Chắc vì nhớ ba, nhớ nhà, nên bỏ ăn cũng không chừng. Hôm nọ con đang chơi, bà ngoại mở đĩa DVD thu hình con của mẹ mang về. Con nghe tiếng ba, bà nội trong đĩa thì mừng rỡ, chạy đến TV nhìn, cười sung sướng, chỉ trỏ vào TV, và nói "daddy". Rồi leo lên võng với ngoại, xem hết đĩa này đến đĩa khác, vẻ mặt hân hoan rạng rỡ. Xem hết đĩa, ngoại đưa đĩa phim vào thì ông con lại đòi đi. Mẹ kể cho ba nghe, ba lại rơm rớm nước mắt!

Lại một hôm khác. Đang ngồi trong nhà, thấy taxi chạy ngang rồi dừng trước cửa, con trai lại hớn hở, mừng quýnh, lăng xăng chạy ra chạy vào, hai tay đong đưa vỗ vào nhau trước mặt, rồi vỗ hai tay sau đít, nhảy chân sáo, cười sung sướng, miệng bi bô "daddy". Mẹ nhìn mà thắt ruột. Thương quá con trai ơi!

Tối thứ Sáu này mẹ con mình lại gặp daddy rồi.

Monday, January 30, 2012

Việt Nam 2

Cứ nghĩ là mình thèm món này món kia, nhưng thực sự mình không thèm như mình đã nghĩ. Đi ăn các món thuần Việt, hoặc các món mới lạ, thích thì có thích, nhưng không có cảm giác của "một bữa no" như nhà văn Nguyễn Công Hoan đã mô tả.

Ông con trai lanh lợi ra thấy rõ. Suốt ngày cười nói huyên thuyên, gặp ai cũng chào hỏi tươi cười, ai đưa tay ra bế cũng sà vào, rồi khi chia tay thì hôn thắm thiết. Nói chung bản tính của con là vậy, mình biết, nhưng từ khi về VN thì nó lại có dịp được phát huy tối đa! Con trai không ăn thì bà ngoại nấu cháo gạo thịt rau củ xay nhừ như cám, rồi pha với sữa cho ông bú bình. Kết quả mỹ mãn. Ông bé ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tươi vui hớn hở, lại thêm được phơi nắng, nạp thêm vitamin D nên ông càng sung. Ngày nào cũng thức đến sau 10 đêm mới chịu đi ngủ. Không có cũi nên con ngủ chung giường, khi thì với ngoại, khi thì với mẹ. Sau này về Mỹ lại không biết ông có đòi ngủ chung với mẹ nữa hay không!

Đi đâu mà đẩy con đi bằng xe cũng vã mồ hôi. Đi được vài bước lại phải bò xuống lòng đường. Đường đi lại không được bằng phẳng cho lắm, cho nên con trai ngồi trên xe mẹ đẩy đi mà người cứ nẩy tưng tưng, khi thì chúi người ra đằng trước, khi ngã ngửa ra đằng sau, khi thì tưng bắn lên trời, nói chung là tưng đủ 3D, còn hơn cưỡi ngựa. Có những đoạn không thể đẩy con xuống lề đường để tránh chướng ngại vật trên lề đường, mẹ bê luôn vừa xe đẩy vừa con, đi cả một đoạn. Mấy người đang ngồi uống cà phê vỉa hè, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ con lẫn người già, cứ nhìn mình như nhìn quái vật. Không biết vì ngưỡng mộ phong độ lực sĩ của mình, hay là thấy lạ, tưởng mình không được bình thường vì thời buổi này mà còn có người đẩy con đi bằng xe đẩy ngoài đường!

Gặp được vài bạn blog, thì được giai mới gặp khen là trẻ hơn trong hình, tức là trong hình nhìn tưởng 4 xập, ngoài đời thì trông chỉ mới ngoài 3 xập. Còn các nữ mới gặp thì khen mình xinh hơn trong hình. Nếu như chuyến đi này không có nhiều "điểm nhấn" lắm thì có thể dùng sự kiện này làm một trong những "thành công lớn" của chuyến đi VN vậy.

Có một chuyện lạ nữa là đi đâu người ta cũng biết mình "ở bển vìa". Mặc dù mình cũng mặc quần áo giày dép mua ở VN, trên người không hề đeo cái "bao tử" đựng tiền bạc tư trang như mô-đen Việt Kiều, xài tiền VN chứ không xài tiền "đô", nói chuyện không hề pha một chữ tiếng Mỹ, da trắng thì ko tính, vì gái VN bây giờ em nào mà chẳng trắng trẻo.

Wednesday, January 25, 2012

Việt Nam 1

Về Sài Gòn chuyến này thấy lòng trống trải quá.

Thứ nhất là nhớ chồng. Cũng không ngờ sẽ có ngày mình nhớ chồng đến thế này. Lần trước về VN, chả nhớ nhung gì cả. Lần này thì khác. Lần này mặc dù yêu chồng không bằng lần trước, nhưng thương thì hơn rất nhiều. Nhớ vì thương khác với nhớ vì yêu. Nó không oằn oại dữ dội khiến mình mất ăn mất ngủ. Chỉ âm thầm, chậm rãi, nhưng thấm rất sâu vào từng neuron trong não. Chắc tình nghĩa vợ chồng là thế. Yêu là khái niệm trừu tượng, nhưng thương thì rất cụ thể. Mình có thể yêu cùng lúc nhiều người, nhưng thương thì chỉ có thể một và chỉ một.

Vậy là mình thật sự thương chồng! Chút nữa nhắn tin "báo" cho chồng biết

Thứ hai là, SG thay đổi nhiều quá. Mình thấy hơi lạc lõng. Có lẽ cũng vì mình đã thay đổi quá nhiều. SG đang bị tàn phá hàng ngày, mình thương lắm. Cái ồn ào khói bụi của SG không còn thân thương trong lòng mình như những ngày đầu mình rời SG nữa. Ngồi trên xe bà ngoại đi giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi, thật sự mình rất hồi hộp. Hồi hộp là vì ôm thằng bé. Hai người lớn đội hai cái nồi cơm điện trên đầu, còn thằng bé mười mấy tháng, mong manh, thì ... không cần phải đội nón bảo hiểm!!! Chỉ dám cho con đi xe máy đi từ nhà ra công viên, chừng dăm bảy phút, còn lại chỉ đi taxi cho an toàn. Về SG đã 2 tuần mà mình vẫn chưa leo lên xe máy. Mình nhát xe quá, lúc nào cũng cảm giác người ta đâm vào mình, thì làm sao mà chạy xe. Những ngày này Tết, xe thưa hơn nhiều, nhưng cũng không thể gọi là "vắng vẻ". Haizz

Thứ ba, rất khó hẹn gặp bạn bè. Ai cũng có con nhỏ, có gia đình riêng, có gia đình nội ngoại. Ai cũng bận bịu, mình biết thế, nên cũng ngại chẳng liên lạc nhiều. Chỉ một vài đứa thân. Thôi như thế cũng đủ. Về VN chủ yếu thăm gia đình, mình đã xác định tư tưởng như thế, nhưng lòng vẫn bâng khuâng ...

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là tình hình sức khỏe, ăn uống của con trai. Từ khi về đến VN là nó bỏ ăn luôn. May lắm thì mới chịu uống sữa. Vài hôm trước lại còn nổi nhọt trên đầu, ngay cái ngạnh ở góc ngoài cùng của đầu, mưng mủ, chĩa ra như cái sừng. Sốt nhẹ, buổi tối nhõng nhẽo đòi mẹ, không chịu ngủ. Mẹ thương. Cái nhọt thì bể rồi, hôm nọ ngoại tắm cho, thế nào nó bể ra. Thế là lại sát trùng, bôi kem kháng sinh mang theo (may trời), gọi cho anh bạn bác sĩ, kê thuốc kháng sinh cho con uống tạm, nếu con hết thì thôi, không thì phải mang ra phòng khám hoặc bệnh viện. Nó nổi trên người thì mình còn đỡ lo, đằng này trên đầu, nên mình rất sợ bị nhiễm trùng. Cái nhọt của con đã xẹp rồi, con cũng hết sốt. Mẹ hư, không mang theo cái first-aid kit của con nên chẳng có cái nhiệt kế. Mà thấy con vẫn chơi khỏe nên mẹ cũng mừng.


Nhớ chồng.

Friday, January 6, 2012

Phù .... tình hình là passport của chồng đã hạ cánh an toàn trong nhà của ĐSQ VN tại DC. Dạo này mình toàn trả cước phí online, chỉ cần ra bưu điện lấy bì thư / hộp, rồi giao luôn, khỏi phải xếp hàng rồng rắn chờ. Hôm nọ ra bưu điện vào giờ tan tầm, mình lại quên ko mang theo băng keo, mượn bưu điện, họ cho cái băng keo có chữ "express", thế nên ko thể dán chồng lên cái shipping label cho chắc ăn đc. Vội vàng dán các mép xong, mình tong tả ra về. Sáng hôm sau, thức giấc, giật mình ... òi oi, trên bao thư ko ghi chữ nào, lỡ mà cái shipping label nó rơi ra thì passport cùng hôn thú của mình thất lạc là cái chắc! Run quá chừng run. Lâu rồi mới có chuyện cho mình run thế này. Thế là trong đầu lại tính sang "plan B". Cứ cho là nó mất, nó thất lạc đi, thì phải mất bao lâu chồng có thể apply lại passport mới? Có dịch vụ 7 ngày, thậm chí 1 ngày, kẹt lắm thì xài dịch vụ thôi! Còn hôn thú? Mình vẫn còn bản duplicate ở nhà, xài tạm cũng đc. Rồi khi nào vui vui thì đi xin cấp lại giấy hôn thú mới! Rồi lên mạng, kiểm tra, thấy họ đã phát thư, tên người nhận cũng có. Thôi, yên tâm, thở phào ... mai mốt đừng có bất cẩn vậy nữa nha con!

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...