Friday, September 25, 2015

Braised pork is back!




Cách đây vài tháng, ký giả Barry Estabrook người Mỹ đã cho ấn hành quyển sách gây chấn động dư luận của ông về thực tế ngành chăn nuôi lợn tại Mỹ (hình như của cả châu Âu) và những điều bất cập, phi nhân của nó cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, sức khỏe người tiêu dùng.  Đề tài về các trại chăn nuôi như thế này cũng không phải là mới đối với thế giới, vì thi thoảng lại có các phóng sự, các bài báo phanh phui những sự thật đen tối đằng sau những nông trại này.  Cũng không có gì lạ khi ngày càng có nhiều người phương Tây chuyển sang ăn chay vì lý do nhân đạo và sức khỏe cá nhân, hoặc để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, từ những nghiên cứu, những sự phản ánh này.  Những bài báo, phóng sự trước đây đến rồi lại đi, gây nên một chút chú ý trong công chúng và rồi, lòng nhân bản lại nhường chỗ cho cơm áo gạo tiền khi người ta lại phải quay về với những lo toan thường nhật.  

Lần này thì khác.  Việc phản ánh cùng đề tài này đã biến hẳn thành một nghiên cứu khoa học nghiêm túc và quy mô chứ không chỉ dừng lại ở một bài viết.  Ít ai biết rằng lợn thông minh hơn chó, vốn là loài được con người đánh giá rất cao về trí thông minh.  Lợn cũng có tình cảm và biết chia sẻ cảm xúc với chủ của nó - những người nuôi lợn như một thú cưng trong nhà.  Người tiêu dùng thường không biết, hoặc không muốn biết về điều kiện chuồng trại, nơi cung cấp thịt cho thị trường.  Nơi đây, chúng bị nhồi nhét san sát nhau trong chuồng, chật chội đến nỗi không con nào có thể nhúc nhích cử động gì được, đừng nói gì đến khả năng đi lại.  Thức ăn thì ô tạp, kể cả những thứ không thể gọi là thức ăn, chẳng hạn như lông gà vịt hoặc thậm chí cả phân gà vịt, vì trong đấy có đạm.  Điều đáng sợ nữa là do điều kiện chuồng trại như thế, khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao, cho nên tất cả đều được nuôi bằng cả kháng sinh cho an toàn.  Ngoài ra thì việc sử dụng các hóa chất khác trong thức ăn cũng không phải là mới: hormone tăng trưởng, thuốc tăng cơ bắp ractopamine giúp tỉ lệ nạc cao hơn mỡ, v.v.  Khi chúng ta ăn thịt từ động vật được nuôi bằng cách này, chúng ta cũng dung nạp vào cơ thể một ít hóa chất độc hại ấy.  Chưa kể đến việc sau khi xẻ thịt xong thì những người đồ tể cũng “không quên” bôi lên miếng thịt một ít thuốc bảo quản trước khi cho vào tủ đông và phân phối ra thị trường.

Cũng đã có một số nhà chăn nuôi nhìn xa trông rộng, đã chuyển sang hình thức chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, đó là thả rông trên cánh đồng, nuôi bằng thức ăn sạch, tươi ngon, không dùng hóa chất, không kháng sinh, trừ phi con nào bị bệnh.  Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm thịt có mác “cage free” hoặc “no antibiotics, no hormones”, gần đây thì có cả “free of ractopamine”, v.v. hay nói chung là các loại thực phẩm được chứng nhận “organic”.  Các sản phẩm này đắt hơn các sản phẩm “đại trà” từ hai đến ba lần, nhưng người tiêu dùng sẽ an tâm vì được ăn thực phẩm sạch, và những ai có lương tri cũng cảm thấy đỡ áy náy khi những con vật bị giết thịt làm thực phẩm cho mình ít ra cũng đã được sống một đời sống có chất lượng.

Vụ việc dấy động công luận khá mạnh, nên nhiều chuỗi nhà hàng ăn nhanh đã tạm ngưng cung cấp món thịt lợn một thời gian.  Hai tuần nay tôi đi ngoài đường thì đã thấy biển báo “Braised pork is back” của một cửa hàng ăn nhanh nọ, không biết họ đã tìm ra giải pháp gì?

P.S. Gần đây tôi lại thấy ở Đan Mạch đang lộn xộn vụ “pork politics”, trong đó nhiều nhà trẻ / trường công đã loại thịt lợn ra khỏi thực đơn để tạo bình đẳng với các trẻ em gốc Hồi giáo và sự phản bác của một số người Đan Mạch về vấn đề này.  Không biết tình hình thế nào rồi.

3 comments:

  1. Tớ không ăn chay nhưng ăn rất ít thịt. Ăn ít như vậy cũng không thấy mệt mỏi thèm thuồng gì cả, nên tớ nghĩ cơ thể mình không có nhu cầu ăn thêm. Mà đã thế thì duy trì luôn, vừa đỡ hại môi trường, mình đỡ bệnh tật, vừa giảm thiểu sát sinh.
    Bây giờ, không chỉ lợn mà bò, gà, cá tôm, rau quả các loại đều rất nhiều thuốc. Loài người đông quá, ăn nhiều quá, không thúc thuốc thật lực thì không đủ nguồn cung.
    Riêng chuyện canteen trường bỏ thịt lợn vì trẻ em Hồi giáo thì tớ phản đối. Vì để trẻ em Hồi giáo không phải nhìn thấy thịt lợn thì lại phải tước quyền được ăn thịt lợn của trẻ em khác. Không muốn ăn thịt lợn thì thôi, không ai ép ăn là được, chứ sao bắt người khác cũng phải bỏ ăn theo mình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hị hị, nếu có trẻ em Ấn giáo thì lại phải loại bỏ thịt bò ra, hoặc nếu nhiều trẻ em Phật giáo thì bỏ hẳn thịt cá luôn à? :-D Việc bỏ đậu phộng ra khỏi thực đơn trong trường học thì tớ ủng hộ, vì ngày nay nhiều trẻ con dị ứng quá, mà nguy hiểm đến tính mạng nữa, nên việc ấy là việc cần làm. Việc bỏ thịt lợn thì tớ thấy ko quá quan trọng. Nếu nhân danh "dân chủ, bình đẳng" thì chỉ có một thiểu số được hưởng, trong khi đại đa số khác lại bị bất bình đẳng. Thế thì bình đẳng là ở chỗ nào?

      Delete
  2. Nhà tớ thì bỏ thịt gần cả năm nay rồi, hiện vẫn phải ăn tôm cá để đảm bảo nguồn đạm nhưng về lâu về dài thì có lẽ sẽ bỏ hẳn đạm động vật. Ông chồng tớ có một thời gian ăn chay gần 7 năm (trước khi quen tớ). Cách đây vài năm thì cả hai cũng có nghĩ đến việc ăn chay hẳn nhưng mãi đến giờ mới quyết định được. Ăn chay thì dễ có xu hướng lạm dụng tinh bột nên rất khó giữ vóc dáng, còn nếu muốn ăn chay mà cân bằng được đầy đủ dinh dưỡng và tránh phát phì thì phải nghiên cứu kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt. Mà tớ là người nấu nướng trong nhà nên cứ do dự mãi. Giờ đây thì động lực đã đủ, bỏ hẳn thịt thì tớ cảm thấy cũng nhẹ nhõm ra. Sống ở Mỹ mới thấy người dân phung phí thức ăn vô tội vạ, tớ thấy xót xa vô cùng. Thảo nào ngành thực phẩm mới phải chạy vạy dùng thuốc bừa bãi như thế ...

    ReplyDelete

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...