Monday, July 11, 2016

Giáng Sinh xưa - The French pianist (4)

Trời đã bắt đầu vào thu, lá cây đổi màu vàng cam đỏ trên nền thảm cỏ vẫn còn xanh muợt, tuyệt đẹp như tranh vẽ.  Hết giờ làm việc, tôi thường mua một cốc nước táo hầm quế nóng và một cái bánh ngọt ưa thích, rồi ra công viên W ngồi nhâm nhi và ngắm người qua lại, và dĩ nhiên, giương máy ảnh chụp khắp nơi.  Đời tôi chưa bao giờ được tận mắt ngắm nhìn cảnh vật hữu tình như thế này.  Cuối tuần, tôi cũng ra công viên ăn sáng và đọc sách cho đến khi nào đói thì bách bộ ra cái quán nhỏ gần đấy.  Tina's cafe là nơi ưa thích của tôi.  Quán nhỏ, décor toàn trắng đen và xám, trên bức tường dài giữa quán treo một bức tranh đầy màu sắc, to cỡ 1mx1.2m vẽ hình một nghệ sĩ da đen ôm cây saxophone và nền bức tranh là những ngọn đèn neon đủ màu sắc của đường phố New York.  Và dĩ nhiên, quán chơi toàn nhạc jazz, một thể loại nhạc ưa thích của tôi.  Những đêm cuối tuần thì có ban nhạc sống nhưng vé rất đắt và phải đặt chỗ trước, và dù tôi rất muốn đến nghe nhạc ở đấy, tôi phải dè dặt tính toán xem mình có đủ tiền không, và nhất là vì tôi chẳng có bạn đi cùng.  Và tôi chưa bao giờ đặt chân đến đấy vào đêm cuối tuần.

Công việc vẫn chẳng có gì mới mẻ, nhưng tôi đã tự dặn lòng rằng ai cũng phải bắt đầu từ nấc thang đầu tiên.  Thật kỳ lạ, đúng là "đời thay đổi khi chúng ta thay đổi", tôi nhận thấy mình vui vẻ hơn, ăn mặc đẹp hơn, và trang điểm trở lại.  Thậm chí, Kim đã hỏi đùa không biết có phải vì tôi đang yêu hay không! Tôi sắm một đôi giày thấp và mềm mại, vì lúc này tôi phải di chuyển rất nhiều.  Tôi tăng cân, nhưng quần áo thì hơi rộng ra, có lẽ phần cân nặng ấy là do tăng cường cơ bắp do đi lại cả ngày.  Thật tréo ngoe, Kim ước gì cô ta có thể di chuyển cả ngày như tôi, vì Kim là người rất năng động, trong khi tôi, vốn là người rất ngại va chạm và tiếp xúc, lại đảm nhiệm phần đi lại như con thoi.  Thế nên, Kim đề nghị tôi "nhường" một ít việc giao liên và bù lại, tôi sẽ trực điện thoại trong khi cô ta đi vắng.  Tôi phát hoảng với đề nghị ấy, mặc dù trong thâm tâm, tôi luôn ao ước được làm việc của Kim.  Tôi cực ghét việc nói chuyện với người lạ qua điện thoại, ngại nói chuyện trước đám đông, vì tôi vốn là người hướng nội!


Nhưng, tôi đã can đảm chấp nhận phi vụ đổi chác đầy quan trọng này.  Tôi đã bị sức ỳ tâm lý quá lâu và, nhờ trời, nhờ Kim, tôi đã có được cú huých cần thiết để bắt đầu những chuỗi ngày phiêu lưu kỳ thú khó quên thời trẻ.


.


"Alô?  Làm ơn cho tôi gặp giáo sư Reynolds?"


Giật mình, tôi không biết mình có nghe lầm không.  Người Mỹ phải hello chứ sao lại alô, hay là ...


"Cô nhắn ông ấy gọi lại cho tôi nhé.  Jacqueline.  Merci."


Tôi chưa kịp hỏi số điện thoại thì bà ấy đã chào tạm biệt rồi cúp máy.  Cú điện thoại đầu tiên của tôi!


Về sau, Kim cười ngất và xin lỗi tôi vì quên dặn, giáo sư R chả bao giờ gọi lại cho ai cả, ngoại trừ vài cái tên mà Kim phải thuộc lòng.  Nhưng Kim sẽ không bao giờ biết rằng Jacqueline là một cái tên quan trọng mà giáo sư sẽ luôn gọi lại, dù ông bận rộn đến đâu!


Jacqueline là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, với nước da trắng mịn như sứ, không tỳ vết, không cho người ta đoán nổi tuổi thật của bà.  Sở hữu đôi mắt màu nâu sáng, tiệp với màu tóc nâu hạt dẻ búi cao kiểu Pháp, để lộ chiếc gáy trắng ngần và phơi bày chiếc cổ cao và mảnh, dáng đi khoan thai, tự tin và quý phái, bà là người có sức hút thật đặc biệt đối với bất cứ ai.


Hôm ấy bà đến văn phòng như đã hẹn với giáo sư, nhưng ông vẫn chưa về kịp giờ hẹn.  Kim thì nghỉ ốm, tôi đành phải miễn cưỡng tiếp chuyện với bà.


"Tôi đã nghe nhiều về cô, hôm nay mới có dịp tiếp xúc. Cô thật dễ thương, và ngoài đời cô thân thiện hơn trên điện thoại.  Mà có sao đâu, người ta cũng nhận xét y như thế về tôi đấy!"

"Cám ơn bà.  Tôi hy vọng Kim chỉ nói tốt về tôi!"

Tôi ngần ngại cố nói một câu bông đùa để che bớt sự hồi hộp của mình.


"Kim?  Đâu có.  Là từ miệng giáo sư Reynolds ấy chứ!  Ông ta toàn nói những lời trìu mến về cô.  Thế nên tôi cũng có chút tò mò."


Tôi suýt buộc miệng hỏi bà có nhầm tôi với người khác không đấy, nhưng rồi thôi.  Tôi muốn âm thầm khai thác thêm một chút chi tiết nhưng không biết phải mở lời như thế nào, thì bà đã nói tiếp.


"Ông ta chẳng bao giờ khen chê gì ai cả, thế nên tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ông ta khen cô."


Rồi bà nhìn quanh quất khắp phòng và nói tiếp, "Mà thật, tôi có cảm giác phòng ốc gọn ghẽ tinh tươm hơn, và tràn đầy ánh sáng.  Giáo sư Reynolds cũng có vẻ thân thiện hơn, vui vẻ hơn ..."


Tôi cố điểm lại trong trí nhớ của mình, liệu có chi tiết nào cho thấy ông Reynolds thân thiện và vui vẻ hơn hồi tôi mới vào, nhưng tôi bó tay, chẳng thể nào tin rằng những gì Jacqueline vừa nói là sự thật, mặc dù tôi không hề nghĩ rằng bà nói dối.  Mà bà việc gì phải tâng bốc tôi không cần thiết chứ?!


"Tôi nghĩ cô đã mang đến luồng sinh khí mới cho văn phòng của ông ấy."


Vừa nói, bà vừa bước thoăn thoắt đến trước cửa sổ phòng giáo sư Reynolds, liếc vào, rồi quay trở lại, ra vẻ hài lòng.  Tôi đang suy nghĩ mình đã làm gì cho luồng sinh khí của văn phòng này thì bà đã nói tiếp.

"Là hoa từ vườn nhà tôi đấy.  Có lẽ cô rất ngạc nhiên khi thấy ông già khô khan ấy luôn mang hoa tươi vào văn phòng?  Cám ơn cô đã chăm sóc chúng, trước đây, tôi hơi phật ý khi lần nào đến đây tôi cũng thấy chúng héo úa thảm hại."

Lần này, không rõ bà ám chỉ giáo sư Reynolds hay Kim?  Nên tôi cố nói đỡ cho cả hai.

"Có lẽ là do ông ấy đi vắng dài ngày và Kim thì không có chia khoá phòng ông ấy?"

"Ô là la, tôi chả bận tâm đến lý do!" Bà khoát tay, vui vẻ.  "Đằng nào thì hoa cũng đã chết, và ta không thể thay đổi tính khí của ai được cả! C'est la vie!"

Tôi bắt đầu thấy mến người đàn bà Pháp này.  Tôi có cảm giác bà cảm nhận được sự không thoải mái của tôi cách đây vài phút nên đã cố giúp tôi quên nó đi bằng chính sự thoải mái tự nhiên của bà.

"Cô thuận tay trái à?"
"Ồ không.  Tại sao bà nghĩ thế?"
"Vì tôi thấy cô đeo đồng hồ bên cổ tay phải, và điện thoại và con chuột máy tính thì đặt bên trái bàn làm việc.  Nếu thế thì cô ắt hẳn phải là người thuận cả hai tay?"

Thật là một sự quan sát thú vị.  Tôi giật mình, nghĩ đến khả năng mình thuận hai tay, và có lẽ bà nói đúng.  Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, nhưng rõ ràng, ngoài việc cầm viết và đũa bằng tay phải ra thì tôi tuần tự dùng cả hai tay cho những việc còn lại mà không nghĩ ngợi gì nhiều.  Nhớ cả hồi còn nhỏ, chơi nhảy dây, tôi cũng nhảy ngược chân với đa số các bạn.  Đạp xe, tôi cũng bắt đầu khi thì chân trái, lúc chân phải, cứ chân nào rảnh thì dùng thôi. 

"Cô có chơi piano không?  Người thuận hai tay sẽ có nhiều lợi thế lắm đấy."

Khi tôi cho bà biết là tôi không biết chơi piano nhưng đó là ước mơ, là khát khao của tôi từ tấm bé, thì bà sốt sắng, "Cô có muốn học không?  Tôi từng dạy piano và đang rảnh, tôi rất sẵn lòng dạy cho cô!" 

Tôi không tin vào tai mình, nhưng lòng thì lâng lâng vui sướng, một niềm hạnh phúc khó tả tràn ngập, đổ xô vào dòng cảm xúc đang nhào lộn tưng bừng trong tôi.  Có thật không?  Từ hồi bé, tôi đã có khả năng thẩm âm rất tốt.  Hễ thấy bất cứ loại đàn nào là tôi phải thử, dù không biết nhạc lý nhưng cứ thử rồi ghi nhớ vị trí các nốt và "chơi" một đoạn bài hát mà tôi thích.  Hồi đó mẹ tôi có cô học trò, chị học may và ở nhờ nhà tôi một thời gian.  Bạn trai chị ấy cũng là thầy dạy tiếng Anh đầu tiên của tôi hồi tôi 9 tuổi, anh chơi đàn guitar và khuyến khích tôi thử, thế là tôi thử.  Sau một tuần thì đầu các ngón tay đau và tê buốt, bầm dập, thế là tôi lơ là với guitar.  Nhưng với piano thì không hề.  Niềm đam mê học dương cầm vẫn còn ấp ủ trong tôi, chỉ bị tạm quên khi tôi phải bận rộn với những lo toan khác của một đứa con nhà nghèo, và rồi những kỳ thi, những biến cố gia đình ...

Tôi chấp nhận lời mời hấp dẫn của bà không chút do dự hay khách sáo.  Không nhớ mình đã nói những gì sau đó, nhưng dường như tôi có nói "Khi nào thì ta có thể bắt đầu, thưa bà?".

"Ngay chiều nay, nếu cô muốn!" Jacqueline dịu dàng mỉm cười.

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...