Tuesday, December 20, 2016

Giáng Sinh xưa - The Asian gang (9)

Về sau, tôi mới được biết đối tượng khách mời của buổi tiệc tối hôm ấy đa phần là VIP, những người nổi tiếng trong giới chính trị, khoa học, nghệ thuật, và các doanh nhân thành đạt.  Giáo sư Reynolds thì góa vợ, không ai tháp tùng nên ông mời tôi đi cùng.  Sau này nghĩ lại, thấy ngày đó sao mà mình lơ ngơ lóng ngóng đến thế không biết.  Nhưng ông ấy không giải thích chi tiết cũng có lý do.  Tôi biết ông quý tôi, muốn giới thiệu tôi vào những nơi có những mối quan hệ có lợi cho tôi, và cũng giúp ích một phần cho công việc nữa.  Nhưng ông biết tính tôi nhát, nếu biết trước sẽ gặp gỡ những nhân vật quan trọng thì tôi sẽ cư xử mất tự nhiên và không thoải mái.  Nhưng đó là một trong những điều tốt đẹp về sự quan tâm chăm sóc giáo sư R dành cho tôi mà mãi về sau tôi mới biết.  Còn đêm nay, trời ạ, thảo nào cũng đã có vài người nhìn tôi bằng cái nhìn khá hoài nghi pha lẫn xét nét khi thấy tôi bước vào phòng tiệc với một ông già đáng tuổi cha mình.  Không biết những người này có lại nhìn thấy tôi biến mất, rồi lại bước trở vào với một chàng trai trẻ khác hay không?!  À, té ra, khi nãy B hỏi tôi về “bạn đi cùng”, trong khi hắn đã biết tỏng mối quan hệ công việc của tôi với ông ấy, là cũng có ý châm chọc tôi nữa còn gì?  Chỉ trong vòng mười lăm phút thôi, tình cảm của tôi với B như đang nhào lộn trên roller coaster, cứ vừa trồi lên thì lại bị đè bẹp xuống vì những lời trêu chọc có chủ ý của hắn.  Giờ đây, nhìn B đi với cô gái kia, tôi lại càng ngán ngẩm, tự nhủ lòng đừng nên bận tâm gì đến hắn nữa, dù hắn có hòa nhã, chân thành đến đâu, đặc biệt là phải giữ thái độ dửng dưng mỗi khi hắn có thái độ hay lời nói khiếm nhã nào.

-         Nì hào!
-         ??
-         Xyz xyz blah blah blah …
-         Ah, tôi không biết nói tiếng Trung Quốc, xin lỗi!

Gã kia hơi ngẩn người một chút, rồi vội vàng xin lỗi vì tưởng nhầm tôi là người Tàu!  Anh chàng nhỏ thó, mặt choắt, mang kính cận, mặt tiu nghỉu vì tưởng bở vừa vớ được một cô gái trẻ, lại là đồng hương duy nhất trong đêm tiệc này.  Rồi anh ta hỏi thăm tôi quen ai ở đây, làm nghề gì, từ đâu đến, đã và đang ở Mỹ được bao lâu … nói chung là những câu hỏi xã giao khách sáo, kiểu phải hỏi cho có lệ, và anh ta chuyển phắt sang đề tài khác, còn bảo rằng trông tôi rất giống Củng Lợi.  Chợt nhớ đến hồi còn đi học, năm ấy Củng Lợi được bầu chọn vào bảng xếp hạng 50 người đẹp nhất thế giới, tôi và con bạn thân đã bình luận vụ ấy, nó bỉ bai không tiếc lời, bảo rằng Củng Lợi chỉ đẹp kiểu “Cũng Vậy” chứ có gì đặc biệt đâu!  Hai đứa cười khúc khích và bị thầy giáo trừng mắt cảnh cáo.  Nghĩ đến đó, tôi không kịp giữ kẽ, cười ngoác mồm.  Khổ thân tôi, anh chàng kia có lẽ tưởng tôi đang sung sướng lắm vì được khen giống mỹ nhân đất nước của anh cũng không chừng!  Nói chuyện với anh chàng này không gì chán hơn. Tôi cứ phải máy móc trả lời một lô một lốc những câu hỏi tra vấn khi trong lòng hiểu rằng mình đang bị chết dí nơi ấy không có cớ nào để thoát thân được.  Chợt nghĩ đến B, thà bị bỡn cợt trêu chọc mà tôi lại cảm thấy thoải mái hơn so với việc phải gồng mình nói chuyện với ông cụ non chán phèo này.

Lời khẩn cầu của tôi có hiệu lực tức thì, nhưng vị cứu tinh của tôi không phải là B, mà là một anh châu Á khác, có vẻ đang đi tìm anh chàng đang nói chuyện với tôi.  Anh ta rất cao, có lẽ cao hơn cả B nữa, nhưng dáng của B thì hơi mảnh khảnh hơn anh này.  Anh ta gật đầu chào tôi, cử chỉ tác phong rất lịch thiệp.  Tôi vẫn ngồi, và nhớ một trong những bài học tiếng Anh ngày trước, bài viết về phép tắc xã giao, có nói rằng phụ nữ nếu đang ngồi thì không phải đứng lên khi gặp / được giới thiệu với người (nam) mới đến, và nếu phụ nữ không chủ động đưa tay ra bắt thì đàn ông không nên tự ý chìa tay ra để bắt tay.  Tuy nhiên những phép tắc này không phải là bất di bất dịch mà thay đổi theo sự chuyển biến của xã hội.  Về sau khi nói chuyện với Jacqueline, tôi có mang vấn đề này ra hỏi thì bà ấy bảo rằng phép tắc xã giao thời đại đã thoải mái hơn và có thể bài học ngày ấy của tôi là được trích từ sách của thập niên 50 hoặc xưa hơn cũng không chừng, vì phụ nữ thời đại không còn kiểu cách như phụ nữ xưa mà thực tế và bình đẳng hơn với nam giới.  Nhưng hôm ấy thì tôi chưa kịp hỏi Jacqueline, và vì chân đang đau mà tôi cũng chẳng màng đến phép tắc khỉ gió gì, tôi chủ động đưa tay ra cho anh chàng mới đến và giới thiệu tên mình, trong khi vẫn ngồi.  Tôi muốn xem anh ta phản ứng ra sao!  Anh ta là David, còn anh bạn kia là James.  Nhìn hai người, tôi đoán họ là bạn của nhau, nhưng có vẻ như James hơi khúm núm trước David, chẳng biết tại sao.  Buồn cười thật, nói chuyện với James một hồi mà tôi và anh ta vẫn chưa biết tên của nhau, chỉ đến khi David đến thì ai nấy đều có tên có tuổi.  James lặng lẽ cáo từ, và David hỏi tôi có phiền không nếu anh ta ngồi cạnh và trò chuyện với tôi một chút.  Tôi vốn không thích so sánh, nhưng quả thực David có tác phong rất lịch thiệp, nhã nhặn, bản lĩnh, trầm tĩnh, chứ không như James, bộp chộp hấp tấp, một dạng người dễ làm hỏng việc.  Mà rõ là anh ta vừa làm hỏng một cơ hội làm quen phụ nữ còn gì!  David quá lấn át James về ngoại hình bắt mắt và tác phong đĩnh đạc. Bất giác, tôi cảm thấy tội cho James, vì anh ta thực ra chỉ vụng về trong giao tiếp, chứ tôi cảm giác anh ta rất thật thà, có vẻ là người lương thiện. 

David nói tiếng Anh chuẩn như người Mỹ bản xứ, thi thoảng có phảng phất chút giọng Anh.  Gương mặt anh ta đường nào ra nét đó, đôi mắt lá răm hơi xếch đặc trưng Đông Á nhưng lại không ti hí mà rất sáng, mũi cao, gọn và thẳng, xương hàm góc cạnh, mái tóc đen cắt gọn gàng và chải sớt về phía sau.  Anh ta mang một vẻ bí ẩn nào đấy thật khó giải thích bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận được khi tiếp xúc trực tiếp.  Trò chuyện cùng David, tôi ngạc nhiên, thấy thời gian trôi qua rất nhanh.  Anh ta có tài nói chuyện rất khéo nhưng không phải cái khéo của người mồm mép, mà là cái khéo của người thông minh điềm tĩnh, luôn biết cách làm chủ bản thân và lèo lái cuộc nói chuyện theo ý của mình một cách tinh vi và tế nhị.  Rồi anh ta hỏi tôi khi nãy James nói gì khiến tôi cười vui đến thế, chợt nhớ đến vụ «Cũng Vậy», tôi lại bật cười, nhưng lần này mồm không ngoác ra như lúc nãy mà tế nhị, kín đáo hơn.  Tôi chẳng muốn nhắc lại vụ ấy, chỉ nói bâng quơ là James bảo tôi giống diễn viên điện ảnh nào đấy, và David hỏi ngay «Củng Lợi ?»  Trời ạ!  Hai ông Trung Quốc này chắc mê nàng ấy quá nên trông gà hóa cuốc chăng.  Tôi là người phụ nữ châu Á duy nhất trong phòng tiệc đêm ấy, hai ông này cũng là hai nam nhân châu Á duy nhất, thế nên tôi bắt buộc trông phải giống Củng Lợi nhà ông thì hai ông mới vừa lòng?  Nghĩ đến đấy, tôi lại bật cười.  Thôi chết, tôi cứ cười vì những ý nghĩ quái vật trong đầu chứ không là hệ quả trực tiếp của lời khen / lời nhận xét của họ, như thế thì không ổn chút nào. Khi nãy tôi không màng đến việc phải thanh minh với James, nhưng với David thì tôi lại cảm giác bị áp lực ấy.

-         Với lại … - tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn, cố giữ giọng sao cho được tự nhiên nhất - tôi bật cười vì tự dưng nhớ lại những câu chuyện râu ria cá nhân có liên quan đến cô ấy …  Hy vọng anh đừng hiểu lầm!

David mỉm cười ra chiều thông cảm.

-         Ồ, không sao!  Tôi chỉ hơi ngạc nhiên không biết làm thế nào James biết làm cho phụ nữ cười vui như khi nãy ấy mà.
-         Tôi nghĩ James thật thà, tốt bụng.  Anh ấy không phải cố tình làm ra vẻ hài hước để lấy lòng phụ nữ … theo ý riêng của tôi là như thế.
-         Cô cũng tốt bụng mới có những suy nghĩ tốt đẹp như thế về James.  Hắn đúng là người thật thà đấy, nhưng phụ nữ thường coi thường hắn chứ ít ai thông cảm với hắn được như cô.

Tôi hơi xấu hổ, cảm thấy mình không xứng đáng với lời khen này.  Tôi có tốt tính như lời anh ta nói không nhỉ? Khi nãy ít nhiều tôi cũng đã coi thường James còn gì, nhưng vì tôi giấu kỹ trong lòng chứ không thể hiện ra cho nên anh chàng tội nghiệp cứ thế thừa thắng xông lên.  Suy tư một lát, tôi chợt nhận ra cổ họng của mình đang nóng ran và ly nước cam vẫn đang cầm trong tay chưa kịp uống.  B đang ở đâu và làm gì nhỉ?  Còn ả tóc vàng xinh đẹp lẳng lơ kia là ai mà quấn quít tình tứ với anh ta như thế?  Mặc dù đang vui thích trong cuộc trò chuyện với David nhưng tâm trí tôi vẫn loáng thoáng nghĩ đến B.  Khi nãy bị B chòng ghẹo thì tôi khó chịu, nhưng bây giờ nói chuyện với một David điềm đạm lịch sự thì tôi lại nhơ nhớ cái thói láu lỉnh của B.  Thế là nghĩa làm sao? 

Saturday, December 17, 2016

Giáng Sinh xưa - Is it me you're looking for? (8)

    
    Đêm xuống, tiệc Giáng Sinh tại phủ thống đốc bang cũng mở màn. Rượu bắt đầu chảy, nến thơm hương vanilla và quế phảng phất khắp phòng, tiếng nói tiếng cười râm ran, và ban nhạc thính phòng của hải quân cũng bắt đầu tấu lên vài bài nhạc nền Giáng Sinh. Nhìn quanh quất chẳng thấy người quen, cũng chẳng ai để ý đến tôi. Tốt, tôi tự nhủ. Làm khán giả thích hơn làm hơn diễn viên chính, lúc nào cũng bị áp lực dưới spot light, bị nhòm ngó, bị soi mói đến tận những ý nghĩ thầm kín. Làm khán giả, tôi được tự do gần như tuyệt đối. Và tôi thích cái ý nghĩ ấy.

Đôi giày cao gót màu cam đất bắt đầu hoạnh họe đôi chân đáng thương của tôi, có lẽ vì nó bị bỏ bê quá lâu không được đụng đến nên giờ đây đang hờn trách tôi chăng?  Tôi lặng lẽ mỉm cười bâng quơ …
I’m dreaming of a white Christmas … just like the one I used to know …

Tôi nhép miệng hát theo người nhạc công đang đánh đàn piano solo trên bục. Ly vang đỏ bắt đầu làm họng tôi nóng ran, tan chảy hết những buốt giá trong lời bài hát.  Bỗng cả phòng tiệc ồ lên phấn khích, tôi đưa mắt nhìn quanh không biết việc gì đang xảy ra. “Tuyết bắt đầu rơi! A, bài hát có hiệu ứng rồi, well done!” – giọng một ai đó mừng rỡ vang lên như trả lời câu hỏi của tôi. 

… “May your days be merry and bright … and may all your Christmases be white …”

Ban nhạc bắt đầu chuyển sang những giai điệu hùng tráng của quân đội, ồn ào hơn, náo nhiệt hơn, khách mời cũng phải gào to hơn vào tai nhau, buổi tiệc đang đến cao trào. Tôi hơi nhức đầu, đôi chân cũng bắt đầu tê dại vì đôi giày hay quấy phá kia.  Những gì chị phụ nữ đang trò chuyện cùng tôi đang nói, tôi hầu như không thể lĩnh hội được nữa. Đầu cứ choáng váng, mắt hơi hoa lên, tim đập loạn xạ. Đừng, đừng, không được xảy ra vào lúc này nhé. Nơi đây không có chỗ để nằm gác chân lên cao như ở nhà bạn trong lần tiệc tùng nọ đâu nhé … Rồi chị ấy cáo từ để đi gặp vài vị khách đặc biệt nào đó, tôi mừng rơn, lảo đảo lẻn ra ngoài. Hơi lạnh cuối năm phả vào mặt, vào tay và nhất là vào đôi chân lạnh cóng. Rùng mình. Mặc kệ, tôi cần tí không khí của tự do, của riêng tôi. Gió mơn man thấm đẫm vào từng hơi thở, mang theo hương vị quế, hồi, vanilla của đêm Giáng Sinh quyện cùng mùi gỗ mục và nhựa thông mộc mạc.  Tôi nhắm mắt, hít một hơi thật dài …

“Nhắm mắt trong khi đang chóng mặt và chót vót trên giày cao có thể bị ngã đấy!”
“???”
“Xin chào, tôi là B.”

Một phút im lặng chết chóc.

“Cám ơn anh đã cảnh báo! Tôi rất ổn.”
“Có thật không đấy?”
“!!!”
“Xin lỗi, tôi không có ý định làm phiền. Chào cô!”

Người đàn ông trong bộ quân phục hải quân trắng muốt, lưng quay về phía ánh đèn giở nón ra, hơi nghiêng mình, rồi quay lưng bước về phía khu nhà tiệc. Được vài bước, anh ta dừng lại.  

“Cô không có ý định níu tôi lại à?”
“Tại sao tôi lại phải níu kéo kẻ phá rối nhỉ? Đùa thôi, anh không phải đi nếu không thích.”
“Nhưng cô có thích tôi ở lại không?”
“…”
“Im lặng nghĩa là đồng ý?”
“Tôi vẫn chưa nhìn thấy mặt anh, kẻ phá rối ạ.”

Tự nãy giờ, anh ta vẫn đứng ở phần tối của khu vườn, nhưng tôi hơi ngờ ngợ. Thôi đúng rồi, đó là tay nhạc công chơi piano trong ban nhạc. Anh ta trông cũng giống một người phục vụ ở trong ấy, hình như anh ta có mang hai ly champagne cho tôi và chị phụ nữ khi nãy.  

Một nhạc công hải quân kiêm phục vụ ẩm thực? Anh ta là ai nhỉ?

“Ngoài trời lạnh quá, cô ra đây làm gì?”
“Thế còn anh thì sao? Anh ra đây để làm gì?”

Anh ta mỉm cười không trả lời. 

“Thật ra tôi muốn cảm ơn cô vì cô là người duy nhất đã chiếu cố đến âm nhạc của tôi khi nãy!”
“Anh có nói quá không đấy?  Mọi người ai cũng vỗ tay tán thưởng mỗi khi anh và ban nhạc trình diễn xong một nhạc phẩm cơ mà?”
“Nhưng đâu có ai nhép môi hát theo tôi đâu? Người ta chỉ quan tâm đến cuộc hội thoại, đến việc phải nói những gì để mình có vẻ thông thái, đến vẻ ngoài của mình xem có đủ đẹp, đủ đạo mạo hay không thôi … tóm lại, người ta ai cũng tranh thủ gây ấn tượng tốt với người đối diện, họ chỉ chợt tỉnh khi nhạc vừa dứt, rồi như cái máy, họ cứ vỗ tay chiếu lệ thôi!”
Anh ta lại mỉm cười, đôi mắt nhìn tôi dò xét, còn tôi hơi phân vân.  Tại sao anh ta biết tôi hát theo nhỉ?  Kể ra, nơi tôi đứng khi nãy cũng không quá xa sân khấu, nhưng tôi chủ động chọn một góc hơi khuất, thế mà anh ta cũng nhìn thấy tôi à?  Rồi anh ta đổi đề tài. 
“Bạn đi cùng của cô đâu rồi?”
“Ơ, ông ta không phải … bạn tôi!”
“Tôi đâu có ý đó!” Anh ta hơi mím môi, có vẻ như cố nhịn cười, rồi định nói gì đấy, nhưng thôi.
Một cơn gió thoảng nhẹ, mang theo một ít tuyết đang rơi lả tả hắt vào người, tôi gần như run bắn lên vì lạnh.  Mặc dù nơi chúng tôi đứng có mái che nhưng thi thoảng vẫn có một ít tuyết bắn vào. 
“Ta nên vào trong thôi, tôi thì không sao, nhưng trông cô nhợt nhạt lắm rồi, không khéo lại bị cảm lạnh đấy.”
Mặc dù chẳng muốn tí nào, nhưng tôi không thể ở ngoài đấy thêm một tích tắc nào nữa.  Tôi tò mò về anh ta quá, có bao nhiêu thắc mắc chưa được giải đáp.  Nhưng vừa nhấc chân lên, bàn chân tôi đau điếng, phần vì đôi giày chết tiệt kia, phần vì đứng lâu và lạnh quá, nó như bị đóng băng và tê dại, tôi có cảm giác nó sẽ vỡ vụn ra mất.  Thấy tôi tần ngần, anh ta như hiểu ý, bước đến gần, gập cánh tay phải và vòng về phía tôi: 
“Có vẻ như cô cần được giúp đỡ, phải không?”
Tôi hơi ngại, nhưng trong hoàn cảnh này như người chết đuối vớ được phao, tôi quắp luôn cánh tay cứng cáp của anh ta để đi vào trong đại sảnh, cố gắng hết sức để không bước khập khiễng.  Tôi giật mình, hình ảnh này sao quen thuộc quá.  Cái cách anh vòng cánh tay làm chỗ vịn cho phụ nữ đi cùng, cách anh ta sải bước khoan thai, bộ quân phục sĩ quan, và … chiều cao ấy, trời đất ơi, chẳng lẽ??  Trong lúc hoang mang, có lẽ tôi đã cấu mạnh vào cánh tay ấy khiến anh ta lên tiếng: 
“Này, nếu cô làm tôi đau thì tôi không dắt cô đi vào trong được đâu nhé!  Cố lên đi, tôi sẽ đưa cô đến chỗ có ghế ngồi kín đáo để cô có thể tạm thời tuột giày ra như cô đã làm khi nãy ấy”, anh ta lại cố nhịn cười, còn tôi thì mặt nóng ran lên vì xấu hổ, nhưng anh ta lại nói tiếp. 
“Cô yên tâm đi, tôi dám đảm bảo với cô chẳng ai trong đám khách khứa ấy để ý đến người khác ngoài bản thân họ đâu, thế nên bí mật của cô sẽ được giữ kín”, anh ta ngưng lại vài giây, “trừ phi tôi lỡ miệng kể cho người khác nghe!”
Đến lúc này thì anh ta không nhịn cười được nữa, phô diễn chiếc miệng rộng đầy nam tính và dưới khóe miệng lún sâu thêm mấy cái đồng điếu.  Suýt chút nữa thì vẻ điển trai của anh ta đã khiến tôi quên mất về sự bực bội của mình lúc ấy, tôi chỉ kịp níu cánh tay anh lại và càu nhàu: 
“Anh làm gì mà theo dõi tôi sát nút vậy? Còn nữa, anh quan hệ thế nào với Jacqueline?”
Tôi khoái trá, nghĩ rằng anh ta sẽ bị bất ngờ vì bí mật của mình đã bị tôi phát giác, nên anh ta đừng hòng trêu chọc tôi.  Những tưởng anh ta sẽ sững lại, sẽ hỏi tại sao tôi biết, hay ít ra cũng phải có một chút phản ứng nào đấy, thì, hoàn toàn trái ngược với mong đợi của tôi, anh ta lại rất thong thả: 
“Mẹ tôi tệ thật, tôi không ngờ bà ấy chưa bao giờ nói với cô về cậu con trai yêu quý của mình!”
“Hả?”
“Và cô cũng thế, chẳng hề hay biết tôi đã từng mất ngủ vì tiếng đàn của cô!”
Trong một thoáng, tôi tưởng anh ta nói những lời hoa mật để hòng cưa cẩm.  Có lẽ cái miệng cười đầy chất hào sảng cùng chiếc cằm hơi vuông cộng với những lúm đồng tiền đồng điếu ấy đã làm tôi có ý nghĩ này, rồi tôi chợt hiểu ra ý giễu cợt của hắn vài tích tắc sau đó.  Cái gã vô duyên này, sao lại trêu tôi hết vụ này đến vụ khác như thế? Tự dưng tôi như mất hết thiện cảm với hắn, kể cả vài giây tôi bị xiêu lòng vì vẻ điển trai phong độ khi nãy cũng như vừa tan biến.  Tôi muốn buông tay hắn ra để tự đi vào nhưng thật sự tôi không thể.  Đôi giày quá cao, chân thì đau buốt, đầu thì vẫn còn hơi lâng lâng vì rượu vang, tôi chỉ ước gì mình có thể đi chân trần và tìm một cái ghế bành êm ái nào đó mà thả phịch người xuống.  Tôi im lặng, muốn tìm cách trả miếng cho hả dạ, nhưng chẳng nghĩ ra được cái gì cả, cứ thế lầm lũi bước đi, cảm giác thật thảm hại.  Gần đến cửa chính, anh ta đột ngột dừng lại. 

“Cô có ổn không đấy?”
“Tôi không sao, cảm ơn anh đã quan tâm!” Giọng tôi đầy hờn trách vu vơ.
“Có cần tôi tìm giáo sư Reynolds cho cô không?”
“Hả?”
Tôi giật mình.  Té ra, anh ta đã biết tôi từ lâu, từ bao lâu thì tôi không rõ, nhưng rõ là anh ta đã biết khá nhiều về mình.  Tôi định châm chọc trả miếng, rằng tôi không cần bất cứ sự trợ giúp nào của anh ta nữa, vì anh ta là một stalker, nhưng khi cảm nhận được sự lo lắng chân thành trong giọng nói và nhất là trong ánh nhìn từ đôi mắt xanh xám sâu hun hút ấy, tôi lại mềm lòng.  Mà kêu ông giáo sư ấy thì có ích gì cho tôi chứ?  Bỗng tôi hắt hơi một phát, rồi hai, ba cái nữa, anh ta không nói gì thêm mà nhanh chóng đưa tôi vào trong, nơi có ghế ngồi, như anh ta đã hứa khi nãy!  Rồi anh ta quay lại, trên tay là một ly nước cam cho tôi.  Tôi cảm động, trong tích tắc đã tha thứ tất cả cho hắn!  Chưa kịp cám ơn thì có tiếng con gái nũng nịu: 
“Ôi kìa B, anh đi đâu tự nãy giờ thế này?!”
Một cô gái xinh đẹp vừa bước đến, tóc vàng óng xõa đến ngang lưng, dáng đi uyển chuyển mềm mại, vóc người cân đối trong bộ váy ôm sát người trông rất gợi cảm.  B vừa cúi người xuống đưa ly nước cam cho tôi, trong một thoáng, tôi thấy có vài gợn mây đen trong đôi mắt xanh tuyệt đẹp ấy.  Anh nói nhỏ với tôi “Tôi sẽ quay lại ngay, cô cứ ngồi nghỉ ở đây nhé!”.  Rồi khi anh vừa đứng thẳng lên, cô nàng đã quàng vai bá cổ anh, thân thiết, tình tứ.  Tôi gần như nín thở …

Wednesday, November 16, 2016

Giáng Sinh xưa - Déjà vu? (7)

Về đến nhà, trời đã nhá nhem tối.  Tôi ở căn hộ mãi ở tầng trên cùng, tầng ba, nên phải leo cầu thang hai vòng mới đến nơi.  Hôm nay lại phải quảy cái túi sách nặng cỡ mấy chục cân trong khi bụng đang đánh trống và sôi sùng sục, tôi thở hổn hển, thả phịch túi sách xuống sàn trong khi tay thò vào giỏ tìm chìa khóa.  Cả buổi chiều ngồi trên bus, kẹt xe hơn ba mươi phút, trong khi nếu đi bộ thì sẽ không quá mười lăm phút, đầu óc tôi không thể nghĩ gì khác hơn ngoài cuộc đối thoại kỳ quặc với giáo sư Reynolds trước đó.  Rồi hình ảnh Jacqueline tay trong tay với một người trai trẻ ở công viên W. cũng khiến tôi hơi xáo trộn.  Kim thì dạo này cứ cách vài ngày là nghỉ ốm.  Rốt cuộc, chuyện gì đang xảy ra với những người chung quanh tôi thế này?

Vì trời đã bắt đầu trở lạnh nên tôi không thể ngồi ở bậu cửa sổ như mọi khi mà phải đóng cửa sổ lại và bật sưởi.  Thời tiết ở đây thật bất thường, một ngày có đủ bốn mùa, thật lạ.  Buổi sáng là mùa xuân, trời mát; đến trưa là hè, hơi nóng; chiều chạng vạng là mùa thu, se lạnh; và đêm đến sẽ là mùa đông, lạnh cóng.  Hôm nay quả là một ngày đặc biệt, hai sự kiện lớn vừa xảy ra khiến tôi không thể tập trung đọc truyện như mọi ngày được nữa.  Mệt mỏi, tôi ăn vội tô mì gói vừa nấu, đi tắm, pha cốc trà thảo mộc rồi leo lên giường, nhìn đống sách vừa mang về mà ngán ngẩm, trong đầu cứ âm vang những lời giáo sư R vừa nói khi nãy. “Tôi không phải cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai”.  Nhưng ông ta ở cái vị trí khác, vị trí của ông ta cao chất ngất, nên ông ta mới ngạo nghễ nói được câu đó.  Còn tôi, ở hiện tại, liệu có đủ dũng cảm phát biểu như thế không?  Mà kỳ thực, tôi chẳng hề có ý định gây ấn tượng cá nhân gì với ai cả.  Đơn giản là tôi chỉ muốn mình hiểu những gì người ta đang nói, và để tham gia những cuộc trò chuyện như thế buộc tôi phải biết cái gì đó.  Nhưng rốt cuộc, phía sau những cuộc trò chuyện này là gì?  Có lợi lộc gì cho ai?  Một đám trí thức gặp nhau tán gẫu, đấu láo, xong tan hàng thì ai cũng có cuộc sống riêng tư phải lo toan.  Tôi giật mình.  Thời gian này đúng là tôi cực kỳ xao lãng trong công việc, mà đây mới là điều có thật và có một tầm quan trọng nào đó trong cuộc sống của tôi.  Giả sử, tôi lơ ngơ mù tịt không biết gì về lịch sử hội họa thời Phục Hưng Châu Âu, họa sĩ nào cấp tiến hay bảo thủ, ai đã sưu tập đa số các tác phẩm của họ, v.v. thì giá trị của tôi có vì thế mà sút giảm đi không?  Hoặc sự kiện Hemingway đã sống một thời gian ở Paris, đã làm gì, đã quen với danh họa Picasso tại đấy hay những người nổi tiếng nào khác, nếu tôi rành rọt mọi việc đến chân tơ kẽ tóc hoặc vui vẻ không biết gì cả, thì trái đất có vì thế mà ngừng quay không?  


Càng nghĩ, tôi càng thấy mọi việc trở nên sáng tỏ.  Tôi rất thích Jacqueline và hội bạn của bà, nhưng có lẽ tôi không thuộc về thế giới ấy.  Bản chất sinh hoạt của họ, thực ra một phần cũng là do bệnh nghề nghiệp.  Đa số họ làm công tác giảng dạy, khảo cứu, biểu diễn, thế nên họ thích trao đổi, tranh luận, đó là lẽ đương nhiên vì đó thuộc chuyên môn của họ.  Có thể họ cũng chẳng có nhu cầu phải chứng tỏ bản thân như tôi đã nghĩ.  Chỉ đơn giản, họ thích làm những việc đó, như một thú tiêu khiển, thế thôi.  Và nếu họ thích tranh luận, họ cứ làm điều mình thích.  Tôi không thích tranh luận, thì tôi không phải tham gia.  Ai cũng có quyền sống theo bản chất và sở thích của mình, đây lại là xứ sở của tự do, như người Mỹ vẫn thường luôn tự hào về đất nước của mình, cớ sao tôi lại tự đặt gông cùm vào người rồi mệt mỏi vì nó?

Tôi kéo túi sách lên giường, tò mò mở ra xem mình đã lôi cái quái quỷ gì về nhà, bụng bảo dạ giờ đây ta đã có tự do, cứ xem mình thích cái gì thì tìm hiểu về cái ấy, quan trọng là phải vui với điều mình làm.  Chợt nhớ đến một câu nói thường hay được lặp đi lặp lại trong các phim Hồng Kong tôi từng xem năm xưa: “miễn cưỡng không có hạnh phúc”, tôi bật cười thành tiếng.  Đúng rồi, miễn cưỡng thì không có hạnh phúc!  Đời đơn giản đến thế thôi ư?!


Đêm nay trăng sáng vằng vặc, bầu trời đêm trong vắt không một gợn mây.  Tôi vui vẻ vớ lấy cuốn nhạc lý, ôn lại các ký hiệu nhạc, rồi với tay bật radio để nghe những bản giao hưởng đặc biệt về đêm.  Hôm nay không có nhạc, mà lại có opera.  “Le mariage de Figaro”, một vở opera kinh điển do thiên tài âm nhạc Mozart biên soạn.  Phần overture thật dài, thật hoành tráng, tôi nghe mà sởn gai ốc, cảm giác lâng lâng như đang trôi nổi trong biển nhạc phản chiếu ánh trăng bạc ngoài kia.  Lũ chim vốn thường tụ tập làm tổ và ríu rít suốt ngày trên cây sồi bên ngoài cửa sổ kia giờ đã bỏ đi đâu hết.  Gió cũng như ngừng thổi, xe cộ thưa thớt rồi vắng hẳn.  Không gian lúc này thật tịch mịch, tĩnh lặng gần như tuyệt đối, thế giới hiện tại hoàn toàn trống vắng, chỉ còn có tôi và Mozart và những đợt sóng nhạc hòa quyện cùng ánh trăng huyền ảo ngoài kia, cuộn trào miên man từng đợt, đổ xô, mời gọi, rộn rã.  Nhạc của Mozart là thế, luôn làm cho người nghe phải rạo rực, bứt rứt không yên, mạnh mẽ nhưng lại du dương, trầm bổng, cảm giác cứ như đang phiêu lãng đâu đó trên những tầng mây tít tắp.  Rồi ký ức những ngày thơ lại ùa về, với những buổi trưa vắng buồn chán chỉ có chiếc radio cũ kỹ làm bạn cùng những concerto cổ điển, hoặc thi thoảng những vở opera mà nghe chẳng hiểu gì ráo!  Bây giờ tôi nghe vẫn chẳng hiểu gì, nhưng sự cảm thụ âm nhạc lại ở một cấp độ hoàn toàn mới … Mắt tôi díu lại, không gì cưỡng lại được cơn buồn ngủ đang ập tới.  Tôi thiếp đi giữa những cao trào của vở diễn, trong mơ lại thấy mình đang ở nhà hát, mặc trang phục của người châu Âu thời Mozart, nhưng tôi lại không tài nào thấy được mặt của hai người bạn đi cùng lúc ấy.  Mãi rất lâu về sau này, khi xem phim “Amadeus”, tôi bàng hoàng thấy cảnh tượng trong nhà hát khi đang diễn vở này sao rất giống giấc mơ đêm ấy, sống động đến từng chi tiết nhỏ.  Phải chăng đó là tiền kiếp của tôi?  Một dạng déjà vu thật khó diễn giải?


Saturday, November 5, 2016

Giáng sinh xưa - The tough choice and the mysterious man (6)

-         Hai tuần sau tôi có hội thảo ở Boston, Kim bận việc nhà nên không đi được, cô có thích đi cùng không?

Tôi vừa nghe qua đã mừng rú lên, nhưng một chút mặc cảm vẫn len lỏi vào đầu.  Đây không phải là thành tích cá nhân, mà là ân huệ tôi được ban phát, như thứ đồ ăn thừa thay vì vứt đi uổng phí thì người ta lại chiếu cố đến tôi.  Đúng là cảm giác tự ti pha lẫn kiêu hãnh cố hữu của người nghèo, tôi thoáng nghĩ và cảm thấy mình thật vô duyên.  Đang phân vân chưa kịp trả lời là “có, tôi thích đến chết đi được”, thì tôi chợt nhớ ra Jacqueline cũng có một buổi hòa nhạc vào cùng thời điểm ấy.  Nếu không quen J, có lẽ tôi đã tức tốc sắp xếp hành lý ngay vào đêm nay và đếm từng ngày cho đến lúc tôi đáp máy bay đi Boston, nhưng dạo này âm nhạc đã chiếm lĩnh trọn hồn tôi và tất cả mọi thứ còn lại bỗng trở nên thứ yếu, bao gồm cả mơ ước được làm việc như Kim ngày nào.  Nhưng cơ hội được đi chơi miễn phí (tôi đã ngây thơ nghĩ như thế) này cũng có sức nặng vô cùng lớn, đang giằng xé sự so đo cân nhắc của tôi, và tôi vẫn đứng trơ ra không thể có câu trả lời chính thức.

Như đọc được ý nghĩ ấy của tôi, giáo sư R tiếp lời. “Tôi biết là Jacqueline cũng có một buổi hòa nhạc với thành phố trong hai tuần tới, và tôi biết cô rất muốn tham dự.  Sống là phải chọn lựa đúng không?  Tough choice!” Rồi ông mỉm cười, vụ ấy làm tôi choáng sắp ngất!

“Nhưng cô phải nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.  Khi cuộc sống đưa ta đến chỗ phải lựa chọn, nếu cả hai lựa chọn đều tốt, chẳng phải đó là điều may mắn hay sao?  Tính tham là căn nguyên của nỗi khổ con người, chắc cô cũng rõ giáo lý Đông phương này!  Cô không cần phải trả lời ngay bây giờ, cứ suy nghĩ trong đêm nay rồi sáng mai hãy cho tôi câu trả lời chính thức.”

Tôi vẫn cảm giác như hồn xiêu phách lạc, không biết ông giáo sư lạnh lùng này có bị ma nhập hay không.  Thứ nhất là ông ta mỉm cười rất thật, rất tình cảm, thứ hai là chỉ trong vòng vài phút, ông ta đã nói một hơi thật dài, bằng tổng cộng những gì ông sẽ nói với tôi trong gần một tháng.  Và toàn là những lời thân mật sâu sắc, như cách một người cha đang khuyên nhủ cô con gái của mình.  Hay của người đi trước, từng trải, với một người trẻ con nông nổi.

-         Cám ơn giáo sư, ông thật tốt với tôi.

Đó là toàn bộ những lời tôi có thể thốt ra vào lúc ấy.  Có gì đó khó tả đang diễn ra trong lòng, tôi cũng chẳng biết gọi tên nó là gì.  Cảm động?  Sốc?  Biết ơn?  Tôi muốn nói nhiều hơn, để bày tỏ cảm xúc của mình, để cho ông ấy biết tôi biết ơn vì ông đã nói những lời quan tâm đầy chân thành ấy.  Nhưng cơ hội đã vụt qua, ông vừa ngồi xuống bên bàn làm việc, và tôi biết trong tích tắc ông đã ở trong một thế giới khác.  Tôi hiểu ông nhiều đến thế ư?!

Hít một hơi thật dài, tôi lẳng lặng đi ra, cảm thấy không cần chào tạm biệt.  Lúc đang lúi húi dọn dẹp bàn làm việc và tắt máy tính, tôi cảm nhận có ai đang ở sau lưng mình.  Ông ta đã lặng lẽ đứng đó tự bao giờ, tôi cũng chẳng rõ, vì lưng tôi quay lại với cửa phòng ông.  Tôi giật mình, nhìn trân trối vào gương mặt khắc khổ quen thuộc ấy, sao hôm nay có gì đó hơi khác lạ.  Đôi mắt ấy như long lanh hơn, sáng hơn, các nếp nhăn như cũng giãn nở ra hơn, tôi cảm nhận được một sự ấm áp len lỏi giữa hai chúng tôi lúc ấy.  Ông hắng giọng, vẻ bối rối, đầu các ngón tay chập vào nhau, giống như khi ông đang thuyết trình và gặp phải một câu hỏi khó từ phía thính giả.

-         Tôi có nghe nói là cô đang học đàn với Jacqueline?
-         Dạ phải.
-         Mọi việc thế nào ?
-         Cũng ổn.
-         Cô có thể tập đàn ở bên khoa thanh nhạc sau giờ hành chính, nếu muốn.  Tôi đã nói chuyện với bên ấy và họ bảo không thành vấn đề. 
-         Ôi, cám ơn ông, vô cùng! (tôi suýt hét lên vì vui sướng !)
-         Và này ..
-         ??
-         Có lẽ cô cũng nhận thấy tôi không phải là một người dễ mến …
-         Ồ không đâu … - Tôi cố gắng chống chế một cách yếu ớt, vì tôi nói không thật lòng!
-         Nhưng sự thật là như thế!  Tuy nhiên cũng có một số người rất quý tôi, vì họ hiểu tôi.  Tôi không phải là kẻ dẻo miệng biết cách làm hài lòng người khác, và tôi cũng không muốn làm thế nếu có năng khiếu ấy … Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi chẳng hề cố gắng gây ấn tượng với bất cứ ai.  Một khi người ta thấy được thực tướng dù không hoàn hảo của mình và vẫn quý mến mình, đó là khi ta bắt đầu tìm thấy tri kỷ.  
-         ??

Rồi, chẳng chút che đậy, ông liếc nhìn chồng sách dày cộp mà tôi đã cố ý để dưới gầm bàn và mỉm cười, nét mặt thật đôn hậu.  Tôi xấu hổ, né tránh cái nhìn của ông.  Thì ra dạo này ông đã không bỏ sót bất cứ hành tung bí ẩn nào của tôi, và tôi thì vẫn vô tư xem ông như «ông già khó tính» vốn chẳng bao giờ thèm để ý đến chuyện gì khác ngoài những gì nằm trên bàn làm việc và trong cặp của mình.  Và ông cũng đã âm thầm quan tâm đến tôi?  Chợt nhớ lại những điều Jacqueline đã kể cho tôi dạo nào, có lẽ đúng là ông ấy đánh giá tôi ở một bậc khác cao hơn mà tôi không biết.  Đúng là tôi cũng đã cố gắng tạo tình cảm thân thiện và để ý xem ông có ưu ái tôi hơn hồi mới vào hay không, nhưng tuyệt nhiên không hề có một chút dấu hiệu nào chứng tỏ ông có mảy may nào quan tâm đến tôi.  Nhưng tại sao ông có thể khéo che đậy cảm xúc của mình đến thế?  Cảm xúc?  Tại sao phải che đậy?  Hay là ông ta có … gì với tôi?

Nghĩ đến đó, tôi đỏ mặt và nổi gai ốc.  Kim đã về sớm vì không khỏe, và trong văn phòng chỉ còn lại hai người.  Quả thực, đây là lần đầu tiên ông nói nhiều với tôi đến thế, và toàn là những điều thân mật cá nhân vượt ngoài phạm vi giới hạn của quan hệ công việc.  Tôi có đi ăn trưa với ông vài lần, nhưng là đi với vài người khác nữa, và tôi chẳng bao giờ ngồi gần ông, trò chuyện gì với ông cả.  Tính tôi vốn nhát còn ông thì luôn lạnh như băng, thế nên trong vô thức tôi thường hay lảng tránh ông.  Bất giác, tôi bước thụt lùi lại hai bước, mặc dù khi ấy giữa ông và tôi vẫn là một khoảng cách khá an toàn.  Dường như ông cảm nhận được sự bất an của tôi.

-         Thôi cô về nhà đi, cũng đã muộn rồi.

Rồi ông thoăn thoắt bước về phòng riêng, đóng cửa lại.  Tôi có cảm giác ông đang chạy trốn, nhưng nó vẫn rất hợp với tính cách của ông mà tôi đã quen thuộc.  Kim đã từng bảo tôi rằng ông ta thuộc tuýp người «socially awkward», tức là những người hơi bất thường trong xã giao, mà không nhất thiết là xấu.  Chỉ là hơi bất thường.  Thế là thế nào ?  Hôm nay ông giảng đạo cho tôi một tràng, lại tâm sự chuyện riêng tư, trong khi ngày thường ông như một pháo đài lạnh cóng chẳng ai có thể thâm nhập được?  Chẳng ai, ngoài Jacqueline?  Mắt ông luôn sáng rực mỗi khi gặp bà, tinh thần ông phơi phới như cậu trai mới lớn khi trò chuyện cùng bà!  Mà cũng phải thôi, có người đàn ông nào mà không gặp phải vấn đề này khi gặp Jacqueline kiều diễm kiêu sa ấy?  Tôi cứ tò mò vì « tình bạn » giữa hai người này.  Bất chợt, tôi có ý nghĩ tinh quái muốn điều tra vụ này cho đến nơi đến chốn, như một bí mật nho nhỏ của riêng tôi.  Rốt cuộc, có lẽ giáo sư R cũng chẳng có tình ý gì với tôi đâu.  Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy ông là người tốt.  Có lẽ chỉ đơn giản là ông có quý mến tôi.  Hoặc giả, ông thương hại cho cái đứa lơ mơ lóng ngóng như tôi cũng không chừng!  Chứ quý mến vì cái gì thì tôi cũng không thể rõ được, bởi tôi chẳng phải cá nhân xuất sắc mà lại thường lặng lẽ như cái bóng trong văn phòng, đặc biệt từ dạo học đàn với Jacqueline thì tôi cứ ngày ngày nôn nóng cho hết giờ làm việc để được tập đàn hoặc về nhà ngồi vắt vẻo trên bậu cửa sổ hoặc có khi hứng chí, leo cửa sổ ra nóc nhà mà đọc truyện.

Tôi rón rén cho chồng sách dầy vào cái túi ba gang vừa tậu được ở chợ trời vào tuần trước, rồi lẳng lặng bước ra trạm xe bus.  Những lúc tâm tư ngổn ngang xáo động, tôi rất thích được bách bộ, nhưng hôm nay tôi đang quảy một gánh sách nặng nề, không thể không đi bus được.  Gánh nặng!  Thật là một so sánh ẩn dụ thú vị.  Tôi quả đang bị gánh nặng của chồng sách này khiến tôi không thể làm việc mình thích, là đi bộ qua công viên.  Chính là gánh nặng của nhu cầu tăng cường kiến thức mà tôi cứ luôn trong tâm trạng bất an, lo sợ người ta đánh giá mình là ngu si lạc hậu.  Nhưng rốt cuộc, trong cái đám người vốn luôn rất bận rộn lo nghĩ về những điều cao xa để thể hiện mình trong đám đông, có mấy ai quan tâm đến việc tôi là ai và tôi thông minh hay ngu dốt?

Giờ tan tầm, giao thông dầy đặc, xe bus cũng vì thế chạy chầm chậm ngang công viên W., tôi ngơ ngẩn nhìn những cành cây bắt đầu trụi lá, và thảm lá vàng ngày nào bây giờ đã chuyển sang nâu, khô khan, già úa.  Mùa đông đang đến gần.  Bên kia công viên là khu nhà của Jacqueline, hôm nay vì lá cây đã rơi rụng gần hết nên tôi có thể nhìn tổng thể khu nhà ấy từ xe bus trên cao.  Vài nhà đã sáng đèn, mặc dù trời chỉ vừa chập choạng chưa tối hẳn.  Tôi thoáng thấy hai người, một nam một nữ, đang bách bộ trong công viên.  Chính là Jacqueline!  Bà ấy mặc váy len đen dài chấm đất, tóc vẫn luôn búi cao thanh nhã như thường lệ, người đàn ông đi cùng thì mặc quân phục sĩ quan, và rất cao.  Họ đang rất ung dung nhàn hạ, trò chuyện vui vẻ.  Chốc chốc Jacqueline lại âu yếm vòng tay vào cánh tay anh chàng kia, hoặc anh kia cũng thi thoảng ôm vai Jacqualine rất thoải mái.  So ra thì tuổi tác của họ khá chênh lệch, sự thân mật hơi bất thường ấy của họ khiến tôi cứ phân vân …


Wednesday, November 2, 2016

Giáng Sinh xưa - The miserable wannabe (5)

Đón tôi tại cổng là một gương mặt không mấy thiện cảm, cô nàng mang hàm răng hô với chiếc cằm độn nhiều lớp che mất chiếc cổ to bè đặt trên thân hình đẫy đà chắc nịch như một bao tải gạo vừa bị thả phịch xuống đất.  Tôi luống cuống, không biết phải làm gì thì cô ả lại càng chằm chằm nhìn tôi có vẻ hằn học khó chịu hơn.  Về sau, tôi được biết cô tên là Daisy, con chó bulldog to bè lúc này vẫn gầm gừ quan sát tôi từ bên kia chiếc cổng sắt.  Vừa may, Jacqueline kịp đi ra giải cứu tôi, trên tay bà vẫn còn đeo găng làm vườn và chân mang đôi ủng đi mưa đầy họa tiết sặc sỡ.

-          Xin lỗi cô nhé, tôi thường giữ Daisy trong cũi mỗi khi có khách lạ đến nhà nhưng hôm nay mải mê làm vườn nên tôi quên mất việc ấy.  Suỵt, Daisy, im nào!  Cô ả chỉ giả bộ thị uy với người mới đến nhà lần đầu thôi, nhưng nếu cô cho ả liếm tay và chơi với ả thì cô sẽ trở thành thượng khách trong những lần sau đấy!

Tôi buồn cười nhìn gương mặt của Daisy, nó làm tôi nhớ đến con chó bulldog trong phim hoạt họa Tom & Jerry, dáng cũng gồ ghề to bè và gương mặt thì như vừa bị Mike Tyson đấm cho một phát chí mạng khiến nó bẹp dúm và răng môi lẫn lộn như thế.  Nghĩ đến vụ “răng môi lẫn lộn” thì tôi không nhịn được cười, không thể tìm từ nào tả đúng hơn sắc đẹp của Daisy! 

Buổi học dương cầm đầu tiên của tôi diễn ra êm ả.  Jacqualine là người thực tế, bà dắt tôi đến ngay chiếc baby grand đặt chễm chệ ngay giữa tiền sảnh, gọi tên những chi tiết của chiếc đàn để tôi làm quen với các khái niệm căn bản, dạy tôi tư thế ngồi với lưng thẳng và hai bàn chân đặt phẳng trong khi hai chân tạo thành góc vuông trên nền nhà, vai thả lỏng, v.v.  Tôi lắng nghe không sót một chi tiết, lòng hồi hộp bồn chồn, chỉ mong được sớm chạm tay vào những phím đàn tinh tế ấy. 

-          Cô là người đầu tiên đến đây học đàn mà không cần chỉnh ghế ngồi cho vừa tầm đấy.  Học trò của tôi nếu là trẻ con thì tôi phải nâng ghế lên, và nếu là người lớn thì tôi lại hạ thấp xuống. 

Tôi đang suy nghĩ xem ý bà đang nói gì, thì chợt hiểu ra.  Tôi và Jacqueline có chiều cao tương đương nhau, và bà thích thú với điều ấy vì bà là người nhỏ nhắn, ít khi nào gặp được ai cũng bé như mình.  Vậy là mình vừa ghi điểm với cô giáo, hi hi … tôi tự nhủ, lòng vui vui.

Tối hôm ấy, việc đầu tiên tôi làm khi vừa về đến nhà là cắt trụi móng tay đi.  Mặc dù Jacqueline tế nhị không đề cập đến việc ấy nhưng khi bà nhắc đi nhắc lại là phải cúp bàn tay lại khi đàn và chạm phím đàn bằng đầu móng, thì tôi hiểu lời bà nói.  Thảo nào tôi thấy móng tay bà rất ngắn, và không sơn sửa gì cả.  Sau giờ học, bà mời tôi đi một vòng tham quan khu vườn hoa tuyệt đẹp do chính tay bà chăm sóc, rồi ngồi ăn bánh uống trà ngoài đấy và cuối cùng bà cắt tặng tôi một bó hoa đủ thể loại để mang về.  Hôm ấy trời se lạnh nhưng vẫn còn nắng, cảnh vật êm đềm, tôi lại được ăn bánh uống trà trong khung cảnh kỳ hoa dị thảo sau khi vừa được học đàn dương cầm lần đầu tiên trong đời, tôi như người lên chín tầng mây, về đến trước cửa nhà vẫn còn ngẩn ngơ như vừa trải qua một giấc mộng đẹp.  Đóa hoa Jacqueline vừa tặng quá đẹp, nhưng tôi chẳng có cái bình hoa nào cả, thế là tôi vơ lấy viên phấn, viết vội “bình hoa” lên tấm bảng đen trong bếp cho danh sách đi chợ cho ngày hôm sau.
.
Càng qua lại nhiều với Jacqueline, tôi càng cảm thấy nghẹt thở vì bà am hiểu nhiều thứ quá, mà bà lại rất thích trò chuyện mới chết đứa lơ ngơ như tôi.  Chưa kể, thi thoảng bà còn hay mời tôi đi ăn trưa ăn tối, tiệc tùng linh tinh với hội bạn cầm kỳ thi họa vốn cũng rất ưa thích tranh luận, triết lý, đậm chất Pháp, như bà!  Khổ thân tôi, vừa mới chân ướt chân ráo ra khỏi mái trường XHCN, thầy cô nói gì mình gật nấy, giờ phải tham gia với hội này, tôi cảm giác mình như đang rơi tự do cái toẹt xuống một môi trường nơi người ta cực thích tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình đến mức sống chết như nơi đây.  Thế là, trong những chuyến đi ra thư viện lấy sách cho sếp, tôi lại nhét túi thêm sách cho riêng mình.  Ban đầu chỉ là sách về nhạc lý, vài cuốn tiểu thuyết kinh điển, cho đến lịch sử âm nhạc, sau nâng cấp lên một chút sang hội họa, tiểu sử của mấy ông già nổi tiếng trong lĩnh vực này.  Bà thủ thư bắt đầu để ý đến tôi, khi thấy tôi cứ mượn hàng đống sách dày, và chỉ trong một tuần là đã mang sách đi trả.  Kỳ thực, tôi làm sao đọc cho hết đám sách khô khan ấy!  Tôi chỉ đọc tiểu thuyết thôi, để mơ mộng, chìm đắm, và giữa những lần cao trào của cảm xúc, tôi lại lôi mấy quyển sách chết tiệt kia ra mà ghi chép lại tên sách và tên tác giả, vài chi tiết trong phần giới thiệu sách, rồi quẳng chúng sang một bên và tiếp tục phiêu du vào thế giới huyền ảo của những tiểu thư, công tử quý tộc châu Âu cách đây vài thế kỷ.  Tôi đang học để đối phó, và tôi cực ghét chuyện này, nó khiến tôi muốn nôn mửa.  Ngặt nỗi, Jacqueline lại thường tỏ ra ngạc nhiên thích thú khi thấy tôi biết cái này cái kia, và tôi thì thường chỉ góp vài câu khi bắt buộc phải thế, chứ đa phần thời gian, tôi nhường cho những người thích nói kia được làm cái việc họ thích.  Tôi lắng nghe, cũng là một cách để học hỏi. 

Và tôi bắt đầu chán cái nếp sống giả tạo này, nhưng không biết phải thoát ra khỏi nó bằng cách nào, cho đến một hôm …

Monday, July 11, 2016

Giáng Sinh xưa - The French pianist (4)

Trời đã bắt đầu vào thu, lá cây đổi màu vàng cam đỏ trên nền thảm cỏ vẫn còn xanh muợt, tuyệt đẹp như tranh vẽ.  Hết giờ làm việc, tôi thường mua một cốc nước táo hầm quế nóng và một cái bánh ngọt ưa thích, rồi ra công viên W ngồi nhâm nhi và ngắm người qua lại, và dĩ nhiên, giương máy ảnh chụp khắp nơi.  Đời tôi chưa bao giờ được tận mắt ngắm nhìn cảnh vật hữu tình như thế này.  Cuối tuần, tôi cũng ra công viên ăn sáng và đọc sách cho đến khi nào đói thì bách bộ ra cái quán nhỏ gần đấy.  Tina's cafe là nơi ưa thích của tôi.  Quán nhỏ, décor toàn trắng đen và xám, trên bức tường dài giữa quán treo một bức tranh đầy màu sắc, to cỡ 1mx1.2m vẽ hình một nghệ sĩ da đen ôm cây saxophone và nền bức tranh là những ngọn đèn neon đủ màu sắc của đường phố New York.  Và dĩ nhiên, quán chơi toàn nhạc jazz, một thể loại nhạc ưa thích của tôi.  Những đêm cuối tuần thì có ban nhạc sống nhưng vé rất đắt và phải đặt chỗ trước, và dù tôi rất muốn đến nghe nhạc ở đấy, tôi phải dè dặt tính toán xem mình có đủ tiền không, và nhất là vì tôi chẳng có bạn đi cùng.  Và tôi chưa bao giờ đặt chân đến đấy vào đêm cuối tuần.

Công việc vẫn chẳng có gì mới mẻ, nhưng tôi đã tự dặn lòng rằng ai cũng phải bắt đầu từ nấc thang đầu tiên.  Thật kỳ lạ, đúng là "đời thay đổi khi chúng ta thay đổi", tôi nhận thấy mình vui vẻ hơn, ăn mặc đẹp hơn, và trang điểm trở lại.  Thậm chí, Kim đã hỏi đùa không biết có phải vì tôi đang yêu hay không! Tôi sắm một đôi giày thấp và mềm mại, vì lúc này tôi phải di chuyển rất nhiều.  Tôi tăng cân, nhưng quần áo thì hơi rộng ra, có lẽ phần cân nặng ấy là do tăng cường cơ bắp do đi lại cả ngày.  Thật tréo ngoe, Kim ước gì cô ta có thể di chuyển cả ngày như tôi, vì Kim là người rất năng động, trong khi tôi, vốn là người rất ngại va chạm và tiếp xúc, lại đảm nhiệm phần đi lại như con thoi.  Thế nên, Kim đề nghị tôi "nhường" một ít việc giao liên và bù lại, tôi sẽ trực điện thoại trong khi cô ta đi vắng.  Tôi phát hoảng với đề nghị ấy, mặc dù trong thâm tâm, tôi luôn ao ước được làm việc của Kim.  Tôi cực ghét việc nói chuyện với người lạ qua điện thoại, ngại nói chuyện trước đám đông, vì tôi vốn là người hướng nội!


Nhưng, tôi đã can đảm chấp nhận phi vụ đổi chác đầy quan trọng này.  Tôi đã bị sức ỳ tâm lý quá lâu và, nhờ trời, nhờ Kim, tôi đã có được cú huých cần thiết để bắt đầu những chuỗi ngày phiêu lưu kỳ thú khó quên thời trẻ.


.


"Alô?  Làm ơn cho tôi gặp giáo sư Reynolds?"


Giật mình, tôi không biết mình có nghe lầm không.  Người Mỹ phải hello chứ sao lại alô, hay là ...


"Cô nhắn ông ấy gọi lại cho tôi nhé.  Jacqueline.  Merci."


Tôi chưa kịp hỏi số điện thoại thì bà ấy đã chào tạm biệt rồi cúp máy.  Cú điện thoại đầu tiên của tôi!


Về sau, Kim cười ngất và xin lỗi tôi vì quên dặn, giáo sư R chả bao giờ gọi lại cho ai cả, ngoại trừ vài cái tên mà Kim phải thuộc lòng.  Nhưng Kim sẽ không bao giờ biết rằng Jacqueline là một cái tên quan trọng mà giáo sư sẽ luôn gọi lại, dù ông bận rộn đến đâu!


Jacqueline là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, với nước da trắng mịn như sứ, không tỳ vết, không cho người ta đoán nổi tuổi thật của bà.  Sở hữu đôi mắt màu nâu sáng, tiệp với màu tóc nâu hạt dẻ búi cao kiểu Pháp, để lộ chiếc gáy trắng ngần và phơi bày chiếc cổ cao và mảnh, dáng đi khoan thai, tự tin và quý phái, bà là người có sức hút thật đặc biệt đối với bất cứ ai.


Hôm ấy bà đến văn phòng như đã hẹn với giáo sư, nhưng ông vẫn chưa về kịp giờ hẹn.  Kim thì nghỉ ốm, tôi đành phải miễn cưỡng tiếp chuyện với bà.


"Tôi đã nghe nhiều về cô, hôm nay mới có dịp tiếp xúc. Cô thật dễ thương, và ngoài đời cô thân thiện hơn trên điện thoại.  Mà có sao đâu, người ta cũng nhận xét y như thế về tôi đấy!"

"Cám ơn bà.  Tôi hy vọng Kim chỉ nói tốt về tôi!"

Tôi ngần ngại cố nói một câu bông đùa để che bớt sự hồi hộp của mình.


"Kim?  Đâu có.  Là từ miệng giáo sư Reynolds ấy chứ!  Ông ta toàn nói những lời trìu mến về cô.  Thế nên tôi cũng có chút tò mò."


Tôi suýt buộc miệng hỏi bà có nhầm tôi với người khác không đấy, nhưng rồi thôi.  Tôi muốn âm thầm khai thác thêm một chút chi tiết nhưng không biết phải mở lời như thế nào, thì bà đã nói tiếp.


"Ông ta chẳng bao giờ khen chê gì ai cả, thế nên tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ông ta khen cô."


Rồi bà nhìn quanh quất khắp phòng và nói tiếp, "Mà thật, tôi có cảm giác phòng ốc gọn ghẽ tinh tươm hơn, và tràn đầy ánh sáng.  Giáo sư Reynolds cũng có vẻ thân thiện hơn, vui vẻ hơn ..."


Tôi cố điểm lại trong trí nhớ của mình, liệu có chi tiết nào cho thấy ông Reynolds thân thiện và vui vẻ hơn hồi tôi mới vào, nhưng tôi bó tay, chẳng thể nào tin rằng những gì Jacqueline vừa nói là sự thật, mặc dù tôi không hề nghĩ rằng bà nói dối.  Mà bà việc gì phải tâng bốc tôi không cần thiết chứ?!


"Tôi nghĩ cô đã mang đến luồng sinh khí mới cho văn phòng của ông ấy."


Vừa nói, bà vừa bước thoăn thoắt đến trước cửa sổ phòng giáo sư Reynolds, liếc vào, rồi quay trở lại, ra vẻ hài lòng.  Tôi đang suy nghĩ mình đã làm gì cho luồng sinh khí của văn phòng này thì bà đã nói tiếp.

"Là hoa từ vườn nhà tôi đấy.  Có lẽ cô rất ngạc nhiên khi thấy ông già khô khan ấy luôn mang hoa tươi vào văn phòng?  Cám ơn cô đã chăm sóc chúng, trước đây, tôi hơi phật ý khi lần nào đến đây tôi cũng thấy chúng héo úa thảm hại."

Lần này, không rõ bà ám chỉ giáo sư Reynolds hay Kim?  Nên tôi cố nói đỡ cho cả hai.

"Có lẽ là do ông ấy đi vắng dài ngày và Kim thì không có chia khoá phòng ông ấy?"

"Ô là la, tôi chả bận tâm đến lý do!" Bà khoát tay, vui vẻ.  "Đằng nào thì hoa cũng đã chết, và ta không thể thay đổi tính khí của ai được cả! C'est la vie!"

Tôi bắt đầu thấy mến người đàn bà Pháp này.  Tôi có cảm giác bà cảm nhận được sự không thoải mái của tôi cách đây vài phút nên đã cố giúp tôi quên nó đi bằng chính sự thoải mái tự nhiên của bà.

"Cô thuận tay trái à?"
"Ồ không.  Tại sao bà nghĩ thế?"
"Vì tôi thấy cô đeo đồng hồ bên cổ tay phải, và điện thoại và con chuột máy tính thì đặt bên trái bàn làm việc.  Nếu thế thì cô ắt hẳn phải là người thuận cả hai tay?"

Thật là một sự quan sát thú vị.  Tôi giật mình, nghĩ đến khả năng mình thuận hai tay, và có lẽ bà nói đúng.  Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, nhưng rõ ràng, ngoài việc cầm viết và đũa bằng tay phải ra thì tôi tuần tự dùng cả hai tay cho những việc còn lại mà không nghĩ ngợi gì nhiều.  Nhớ cả hồi còn nhỏ, chơi nhảy dây, tôi cũng nhảy ngược chân với đa số các bạn.  Đạp xe, tôi cũng bắt đầu khi thì chân trái, lúc chân phải, cứ chân nào rảnh thì dùng thôi. 

"Cô có chơi piano không?  Người thuận hai tay sẽ có nhiều lợi thế lắm đấy."

Khi tôi cho bà biết là tôi không biết chơi piano nhưng đó là ước mơ, là khát khao của tôi từ tấm bé, thì bà sốt sắng, "Cô có muốn học không?  Tôi từng dạy piano và đang rảnh, tôi rất sẵn lòng dạy cho cô!" 

Tôi không tin vào tai mình, nhưng lòng thì lâng lâng vui sướng, một niềm hạnh phúc khó tả tràn ngập, đổ xô vào dòng cảm xúc đang nhào lộn tưng bừng trong tôi.  Có thật không?  Từ hồi bé, tôi đã có khả năng thẩm âm rất tốt.  Hễ thấy bất cứ loại đàn nào là tôi phải thử, dù không biết nhạc lý nhưng cứ thử rồi ghi nhớ vị trí các nốt và "chơi" một đoạn bài hát mà tôi thích.  Hồi đó mẹ tôi có cô học trò, chị học may và ở nhờ nhà tôi một thời gian.  Bạn trai chị ấy cũng là thầy dạy tiếng Anh đầu tiên của tôi hồi tôi 9 tuổi, anh chơi đàn guitar và khuyến khích tôi thử, thế là tôi thử.  Sau một tuần thì đầu các ngón tay đau và tê buốt, bầm dập, thế là tôi lơ là với guitar.  Nhưng với piano thì không hề.  Niềm đam mê học dương cầm vẫn còn ấp ủ trong tôi, chỉ bị tạm quên khi tôi phải bận rộn với những lo toan khác của một đứa con nhà nghèo, và rồi những kỳ thi, những biến cố gia đình ...

Tôi chấp nhận lời mời hấp dẫn của bà không chút do dự hay khách sáo.  Không nhớ mình đã nói những gì sau đó, nhưng dường như tôi có nói "Khi nào thì ta có thể bắt đầu, thưa bà?".

"Ngay chiều nay, nếu cô muốn!" Jacqueline dịu dàng mỉm cười.

Thursday, May 19, 2016

Giáng Sinh xưa - Welcome to the real world! (3)

Tôi vẫn chưa có dịp được tiếp xúc trực tiếp với giáo sư Reynolds sau một tuần làm việc.  Tính tôi hơi nhát, ngày xưa tôi hầu như chẳng bao giờ chủ động đến chào hỏi hay bắt chuyện với ai mà thường chỉ thích im lặng quan sát mọi người chung quanh, rồi chờ người ta đến bắt chuyện với mình trước.  Tôi thích mình được như Kim.  Cô rất vui vẻ hoạt bát, miệng lúc nào cũng cười tươi rói, nói chuyện với ai thì luôn làm cho người ấy cảm thấy mình đặc biệt và có hứng trò chuyện lại.  Kim là mẫu người thân thiện, luôn niềm nở với bất cứ ai, tôi thích Kim nhưng có điều, suốt ngày tôi gần như phát điên vì tiếng lách cách của đôi gót giày cô nện liên tục trên nền gạch.  Cô ta chẳng bao giờ ngồi yên được trên ghế quá 10 phút.  Đó là quan sát đầu tiên của tôi về Kim.  Còn về ông Reynolds, tôi hoàn toàn mù tịt.  Dù nhát, tôi vẫn luôn mỉm cười xã giao và chào ông mỗi khi nhác thấy ông từ xa, nhưng đáp lại, ông chỉ hơi bạnh môi ra một tí cho giống như ông vừa mỉm cười đáp lại, hoặc có khi ông chỉ khẽ gật đầu, rồi ông, như thường lệ, sẽ đi thẳng vào phòng riêng và đóng cửa rồi ngồi lỳ trong ấy cho đến khi ông phải đi vệ sinh hoặc khi có khách.

Dù thất vọng với công việc nhưng tôi đã suy nghĩ lại, cố gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nhất là cái sĩ hão của một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, nhất lại là đại học "xịn".  Tôi chẳng là cái đinh gỉ gì trong cái trường đại học bao la này!  Thậm chí so với đám sinh viên, tôi cũng chưa chắc hơn gì tụi nó.  Tiếng Anh so với đám sinh viên bản địa thì chắc chắn đã thua xa, khả năng tư duy độc lập và critical thinking cần có ở một sinh viên đại học thì đúng là những khái niệm hoàn toàn xa lạ tôi mới nghe lần đầu trong đời.  Tôi học cách vui vẻ với thực tế, và tự nhủ, sẽ cố làm tốt công việc của mình, dù tầm thường đến đâu.  Rồi tôi sẽ học được nhiều thứ, tôi còn nhiều thứ phải học lắm!


Giáo sư Reynolds hơi giật mình khi nghe tiếng gõ cửa và ngước lên, tôi ngần ngại đứng yên chờ ông mở lời.  Hôm nay tự dưng ông không đóng cửa phòng như thường lệ, nên tôi thu hết can đảm đến gõ cửa phòng ông để mang cho ông tách cà phê sáng.  Ông trân trối nhìn tôi vài giây, rồi nhìn tách cà phê.  Tôi nghĩ ông sẽ nói "cám ơn", mặt ông sẽ vui hơn thường lệ một hoặc hai bậc, và có khi, sẽ mời tôi vào và nhờ tôi mang tài liệu đi đâu đó, nhưng đáp lại, ông chỉ nói cộc lốc "cô có thể đặt cà phê ở cái bàn con này này", rồi ông chỉ vào cái bàn con ở góc phòng, nơi có một bình hoa đã héo và nước bình đã gần bốc mùi.  Tôi ngạc nhiên, định hỏi "sao ông không dùng cà phê ngay khi nó còn nóng?" thì ông đã vội nói "tôi sẽ uống ngay, chỉ vì bàn tôi có nhiều giấy tờ quan trọng, tôi không muốn lỡ tay làm vấy cà phê lên trên ấy".  Rồi ông lại chúi mũi vào đám bản thảo giấy tờ trên bàn, có lẽ đã quên khuấy về sự có mặt của tôi.  Tôi lén thở dài, bước đến cái bàn con, đặt tách cà phê xuống và tiện tay, cầm luôn cái bình hoa héo mang ra ngoài. 

- Cám ơn cô!

Tôi vừa kịp nghe ông nói lời cảm ơn khi đã bước ra khỏi phòng được vài bước.

- Nhân tiện, phiền cô đóng cửa phòng giúp tôi.

Lần này thì tôi không lén thở dài nữa, tôi không kịp che giấu sự chán nản của mình về thái độ lạnh lùng gần như bất lịch sự của ông ấy.  Tôi đặt bình hoa đánh cộp xuống cái bàn của mình ở góc phòng (tôi đã có một cái bàn riêng!), rồi quay lại phòng ông, rất muốn đóng sập cửa cho thật mạnh rồi bỏ đi luôn không bao giờ quay trở lại nơi ấy nữa, nhưng có cái gì đó đã ngăn cản tôi và, việc ấy đã không xảy ra.  Tôi bắt gặp cái nháy mắt đầy hàm ý của Kim ở góc phòng bên kia.  Dường như nó ám chỉ lời nhắn nhủ "welcome to the real world!!".

Wednesday, March 30, 2016

Giáng Sinh xưa - Life should be beautiful! (2)


Khuôn viên đại học J. H. hoành tráng hơn sức tưởng tượng của tôi rất nhiều.  Bước lộp cộp trên đôi giày cao gót, tôi lo quá vì đã gần đến giờ phỏng vấn mà vẫn bơ vơ không tìm được nơi cần đến, càng ngao ngán hơn trước viễn cảnh sẽ gặp ông giáo sư nghe nói là cực kỳ khó khăn cáu kỉnh, người sẽ phỏng vấn tôi chiều nay.  Bọn sinh viên đi từng tốp cười nói huyên thuyên, thấy tôi lớ ngớ ra vẻ ma mới, một đứa tiến đến, vẻ thân thiện, hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không.  Khi thấy tôi chìa ra mảnh giấy ghi tên số hiệu văn phòng, chúng hơi ngớ ra, hỏi tôi đến đấy làm gì.  Thì ra, bọn chúng tưởng tôi cũng đi học!

-       Mời vào!

Một giọng nói sang sảng từ trong phòng vọng ra, tôi riu ríu, ngần ngại đẩy cửa bước vào.  Một phụ nữ da đen trung niên to đậm, bề ngang to chừng gấp ba lần tôi và bề dài cũng cỡ hơn tôi một nửa, hạ cặp kính lão xuống dưới mũi để nhìn tôi cho rõ rồi ra hiệu mời ngồi.  Rồi bà lặc lè bước đến mở một cánh cửa khác phía cuối phòng, hơi ngó nghiêng, rồi lại bước ra.

-       Cô Kim vẫn đang họp với giáo sư, nhưng sắp xong rồi.  Khi nào xong, cô ấy sẽ ra gặp cô.  Cô có cần uống gì không?
-       Cho tôi xin ly nước ạ, cám ơn bà.

Tôi đảo mắt nhìn quanh một lượt khắp phòng.  Thật ngạc nhiên.  Tôi cứ tưởng văn phòng của ông ta phải hoành tráng lắm, so với bề dày thâm niên kinh nghiệm giảng dạy và nhất là những đóng góp khoa học giá trị của ông.  Ngược lại, ông thu mình trong một căn phòng khiêm tốn cuối dãy hành lang hơi tối tăm chật hẹp và vắng vẻ, và theo tôi, không xứng với chức vị và tiếng tăm của ông chút nào.  Dù vậy, sau này tôi vẫn thích nơi đây hơn là dãy phòng đẹp đẽ ở sảnh chính, vốn lúc nào cũng đông đúc ồn ào.

Kim họp với giáo sư xong thì ra gặp tôi.  Cô ta hỏi tôi qua loa vài câu gần như chẳng liên quan gì đến công việc, rồi cho tôi biết đây là công việc tạm thời vài tháng, và hỏi khi nào tôi có thể bắt đầu.  Tôi không tin vào tai mình.  Người Mỹ tuyển người dễ đến thế sao? 

Hôm sau, tôi chính thức bắt đầu nhận việc.  Là người đến sớm nhất, tôi bước vào, mở đèn, kéo rèm cửa sổ, nhìn quanh quất, không biết mình sẽ ngồi ở đâu.  Bàn của Kim chất hàng đống giấy tờ, sách vở, vài tờ báo mở hờ hững, một cái bánh ngọt đang ăn dở, ly nước vẫn còn đầy chưa được động đến, máy vi tính vẫn chưa tắt.  Tôi hơi bâng khuâng …

Đó là một ngày thật dài, dài lê thê, ngao ngán, chán chường.  Trời đẹp, tôi quyết định không bắt xe bus mà bách bộ về nhà, vừa đi vừa suy nghĩ về cái ngày đầy thảm hại và cả tương lai của tôi ở cái trường này.  Té ra, người ta không thuê tôi làm trợ lý giáo sư, một công việc mới nghe qua đã thấy oách xì xằng và đầy quan trọng, mà là làm … trợ lý của trợ lý.  Thay vì được mang ô cắp cặp đi theo giáo sư tham dự những buổi thuyết trình quan trọng, được làm việc với những nhà xuất bản đang tranh nhau độc quyền phát hành sách của ông ấy, được tìm tòi nghiên cứu những tài liệu mà ông cần, v.v. và v.v., toàn những công việc quan trọng, tôi đây phải làm những gì thừa thãi mà trợ lý không thích làm, chẳng hạn như đi giao giấy tờ sổ sách cho các phòng ban khác, hoặc ngồi đồng ở máy photocopy hoặc máy in hoặc máy fax khi được yêu cầu.  Một sự chuyển giao sẽ có thể xảy ra nếu tôi làm tốt công việc để có thể thay thế Kim về sau này. 

Công viên W. mới hôm qua còn đẹp đẽ thêu đầy hoa và ướp đầy nắng vàng, chim chóc ca hát líu lo và trẻ con thì chạy đùa râm ran khắp lối, hôm nay những thứ phù phiếm ấy chẳng còn mảy may tác động vào bất kỳ giác quan nào của tôi nữa.  Chỉ có chừng đấy thôi, khi ấy tôi đã thấy tự ái chất cao thành núi.  Bệnh sĩ thường không đi đôi với kiên nhẫn, vốn là đức tính cực kỳ quan trọng cho bất cứ sự thành công nào trong đời. Tôi còn nhiều thứ phải học lắm!

Monday, March 14, 2016

Sống chung với lũ



Sáng nay đọc bài này mình cứ tủm tỉm cười, nhớ đến những câu chuyện cá nhân và của bạn bè xung quanh những chuyện lặt vặt về bất hòa giữa vợ chồng.  Hồi xưa mình cứ tưởng mình là chuyên gia tâm lý rồi ấy, bạn bè ai có tâm sự gì cũng hay tìm đến mình để giãy bày, nhưng từ khi lấy chồng mới biết, love is not everything.  Muốn thương thì phải hiểu, để hiểu (rồi thông cảm cho nhau được) thì phải thương trước.  Hai cái này phải song hành thì cuộc sống chung mới thăng hoa.  Hồi đó mình chỉ yêu thôi chứ chưa đạt được đến hiểu.  Sau khi trải qua giai đoạn sống chung đầy thử thách, mình mới hiểu ra được đôi điều hết sức đơn giản.  Sống chung mà không hiểu và thông cảm cho nhau được thì cuộc sống vợ chồng thật là một cực hình. 

Bây giờ mỗi khi có gì đó bực chồng, mình cứ tự lầm bầm "sống chung với lũ, sống chung với lũ", tự dưng lại hết bực :-)))))

http://www.houzz.com/ideabooks/62413145?utm_source=Houzz&utm_campaign=u2634&utm_medium=email&utm_content=gallery6

 

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...