Thursday, June 1, 2017

Giáng Sinh xưa - The authentic can-can (24)


Jacqueline nhận lời chơi dương cầm cho các tiết mục biểu diễn khác của nhóm Vivien chẳng chút ngại ngần. Ngoài việc dạy dương cầm, bà còn dạy tiếng Pháp trong một chương trình do chính phủ Pháp tài trợ thông qua Đại sứ quán Pháp, nhưng thời gian của bà rất linh động, tôi có cảm giác cuộc sống của bà là cả một cuộc dạo chơi. Hay ít ra, đó là điều tôi nghĩ khi ấy. Những ngày này, tôi tập đàn miệt mài, ngoài tuần hai buổi học với Jacqueline, những ngày còn lại tôi đều chăm chỉ ở lại tập đàn bên khoa thanh nhạc vào mỗi tối sau giờ làm việc. Nhưng bây giờ tôi đã quản lý thời gian tốt hơn, luôn vặn đồng hồ báo giờ để chắc chắn rằng mình có thể ra về và kịp đón chuyến xe bus cuối trong ngày. Trời cứ ngày càng lạnh, tôi chán ngán chẳng biết cho đến khi nào thì mình mới thôi chảy máu mũi mỗi ngày vì thời tiết lạnh và khô như thế này, và tôi chẳng muốn lặp lại vụ đi bộ về nhà vào ban đêm trong tiết trời lạnh cắt da và lại nhiễm lạnh lần nữa.

Thi thoảng tôi sang chơi với Vivien bên trường Mỹ thuật, và tôi luôn “ô, a” mỗi khi quay trở lại, bởi vì ở đấy luôn luôn có những cái mới hầu như chẳng bao giờ lặp lại cái cũ. Hôm nay chúng nó trưng bày một bức tượng bằng gốm khổng lồ thì lần sau tôi đến, bức tượng gốm đã được thay thế bằng một “tác phẩm” với hình hài gì tôi chẳng rõ, chỉ biết nó làm bằng các mảnh và ống kim loại rỉ sét và sứt sẹo đủ kích cỡ. Bàn ghế của bọn sinh viên cũng tuần tự được sắp xếp theo các cách thức và thứ tự khác nhau, khi thì sắp hàng ngang, khi thì tụ nhóm lại, khi thì giãn ra mỗi đứa ngồi riêng một bàn. Đúng là dân mỹ thuật, chẳng bao giờ hài lòng với những điều xưa cũ mà luôn khát khao sáng tạo, tìm tòi những cái mới, lạ, thế nên tôi cảm giác chúng nó cũng gàn gàn thế nào. Và lần này khi tôi quay lại và chính thức tập nhảy “can-can” với đám con gái thì tóc của Vivien đã chuyển sang màu đen tuyền như lông quạ chứ không sặc sỡ như con công trống lần trước. 

Gặp lại tôi, Luís vui mừng hồ hởi ra mặt, nhưng việc ấy chẳng có giá trị gì với tôi lắm, vì tôi nghĩ cậu ta gặp ai cũng vồ vập như thế, chứ chẳng nhất thiết là với một cá nhân nào.

“A, xin chào Dancing Queen! Em khỏe không?”
“Tôi khỏe, cám ơn cậu.” Tôi mỉm cười bâng quơ khi nghe cậu ta nhắc đến “Dancing Queen”, mừng thầm vì cậu ta không hỏi thăm vụ ngất xỉu thật xấu hổ trong đêm masquerade nọ. “Thế hôm nay chúng ta sẽ chính thức tập ‘can-can’ à?”
“Đúng thế, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là nên tập theo một dàn dựng đã có sẵn, vì chúng ta không có nhiều thời gian để tập theo một phiên bản mới.” Luís trả lời. “Trước hết các cô sẽ xem một video clip để hình dung ra đội hình và các động tác, rồi tôi sẽ phân công vị trí cho các cô.”

Nhóm tôi chừng bảy đứa, chúng tôi dàn hàng ngang để cậu ấy phân bổ đội hình. Tôi cứ nghĩ mình là đứa thấp nhất, ai ngờ có hai đứa khác còn thấp hơn tôi. Luís cứ xào qua xáo lại đội hình, lùi ra xa, đưa tay lên xoa cằm ra chiều nghĩ ngợi sâu sắc lắm, rồi lắc đầu và phân bổ lại. Vivien đã bắt đầu mất kiên nhẫn, nó hắng giọng, hất cằm với Luís như muốn bảo “quyết định cho nhanh lên nào, bọn này chóng mặt rồi đấy!”. Tôi thì từ cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ biết đến điệu nhảy này, chỉ nhớ là có nghe nhạc của nó ở đâu đấy, thế nên khi vừa xem cái video clip ấy thì tôi bắt đầu co vòi, vì nó bạo dạn quá, toàn tốc váy, chĩa mông về khán giả, và đá chân lên trời! Luís cười ngất vì dường như cậu ta hiểu được quan ngại của tôi xung quanh việc ấy, mặc dù tôi chẳng nói gì. 

“Tinh thần của ‘can-can’ chỉ có thế. Không nghịch ngợm, không diêm dúa thì chẳng phải ‘can-can’!”

Cả đám cười ồ, chúng nó dọa sẽ lựa cho tôi cái xiêm áo nào hở ngực sâu nhất khiến tôi tự nhủ trong đầu “đã phóng lao thì phải theo lao” và chỉ biết cười nhăn nhở lại với bọn chúng mà thôi, nhưng tôi đã đạt được đồng thuận với bọn chúng về việc sẽ tròng thêm vào bên dưới chiếc quần đùi, bởi vì nếu chúng nó không mặc thì tôi cũng sẽ cứ mặc và do đó sẽ ảnh hưởng đến “đồng phục” của cả bọn. “Che được phần nào thì đỡ phần đó”, tôi nghĩ thế, và cảm giác như sắp nghẹt thở khi nghĩ đến điều tôi ghét nhất trong đời là phải leo lên sân khấu và múa hát, một việc mà tôi đã phải làm mỗi năm một hoặc vài lần trong suốt cuộc đời đi học. 

.

“Ô là la, cháu sẽ tham gia nhảy can-can à? Thật tuyệt! Đó là điệu nhảy xuất phát từ Pháp đấy, từ những năm đầu của thế kỷ mười chín. Ngày xưa tôi đã rất muốn tập nhưng bố mẹ tôi hơi cổ hủ trong vấn đề ấy nên chẳng cho phép. Nhưng đó là chuyện của ngày trước, những người tự xem mình là thượng lưu thì thường làm ra vẻ kẻ cả với những vấn đề như thế này, chứ bây giờ thì mọi người đã dễ dãi hơn nhiều lắm rồi.”
“Cháu nghe nói đó là một ‘dirty dance’ nên cũng hơi ngại …” Tôi e dè trả lời bà. 
“Ôi dào, dơ bẩn là một khái niệm do những con người với đầu óc dơ bẩn tưởng tượng ra, cháu đừng bận tâm. Đó là một điệu nhảy vui nhộn, cứ thoải mái, đừng bận tâm đến việc người khác nghĩ gì, miễn cháu thích là được.”

Tôi nghĩ lan man, chẳng biết mình có thực sự thích vụ này hay không. Tôi chấp nhận tham gia chỉ vì muốn thử thách bản thân, chứ cá nhân tôi không thích biểu diễn hay thể hiện mình gì cả. Tôi cũng chẳng đủ “cool” để chỉ làm những gì mình thích mà không màng đến người khác. Có lẽ việc lớn lên trong một môi trường nơi mà nhiệm vụ của một đứa trẻ là phải biết vâng lời thầy cô và làm vui lòng cha mẹ đã bóp chặt những tư tưởng tự do trong tôi từ lúc mới lọt lòng mẹ. Nghĩ đến đấy, tự dưng tôi cảm giác một tư tưởng nổi loạn đang len lỏi vào dòng suy nghĩ của mình và, tôi quyết định làm một cuộc cách mạng giải phóng bản thân, ngay từ bây giờ. 

“Chào ladies!” Tôi nghe tiếng mở cửa và B bước vào, chiếm lĩnh cả khung cửa vốn đã cao, đã rộng, nụ cười rạng rỡ làm bừng sáng cả không gian rộng của tiền sảnh. Hôm nay anh mặc quân phục xanh đen với hai hàng nút vàng sáng trước ngực và ba sọc vàng ở ống tay áo, sơ mi trắng và cravat xanh đen bên trong, thật vừa vặn, thật chỉnh tề, tóc lại húi cao bên dưới chiếc nón sĩ quan thật phẳng, thật sắc với chiếc huy hiệu Hải quân và những đường chỉ vàng chạy dọc vòng quanh chân nón khiến tôi ngẩn ngơ nhìn anh trong phong thái đĩnh đạc của một sĩ quan đầy kỷ luật, không phải một anh chàng hay đùa nghịch vớ vẩn hay một nghệ sĩ đa tình mà tôi từng biết. 

“Chào con! Hôm nay con về sớm à?” Jacqueline thong thả nói, nhưng tôi cảm nhận một sự vui mừng, ấm áp và thương yêu đầy ắp trong đấy. 

Anh đặt hành lý xuống sàn rồi bước đến ôm hôn Jacqueline, vẫn những sải bước thật dài, thật khoan thai mà tôi từng quen thấy, rồi bước đến tôi, lúc này đang đứng cạnh chiếc dương cầm. Tôi đưa tay ra cho anh khiến anh hơi chững lại, hơi cúi đầu chào rồi mỉm cười và bắt tay tôi. Hơi ấm từ bàn tay chắc khỏe của anh lan tỏa, bao trùm bàn tay nhỏ bé và lạnh giá của tôi tạo nên một cảm giác thật dễ chịu, ánh mắt anh nhìn tôi cũng ấm áp hơn, tôi cảm giác nếu anh nhìn tôi đủ lâu và đủ nồng nàn thì tôi sẽ tan chảy trong tích tắc mất. Nhưng việc ấy có lẽ đã không xảy ra, anh siết nhẹ tay tôi rồi từ từ buông ra khiến tôi cảm nhận một sự hụt hẫng tí hon trong lòng. 

“Này B, con biết gì không, cô bé này sẽ nhảy can-can với đám sinh viên Mỹ thuật đấy!” Jacqueline hào hứng khoe ngay với B. 
“Wow! Thế, các cô có nhảy điệu can-can truyền thống hay không?” 

Tôi đang nghĩ không biết anh đang hỏi gì thì Jacqueline đã trừng mắt và nhẹ lắc đầu với B khiến anh cười vang rồi bước đến cầu thang. “Thôi, tôi không làm phiền nữa, xin phép các cô nhé!” Rồi anh bước đi, tôi cảm thấy thật khổ sở khi phải ép mình không nhìn theo dáng anh đi lên lầu, chợt nhận ra tôi và anh vẫn chưa nói với nhau một lời nào, dù chỉ là một câu chào xã giao! 

“Trong vòng cả năm nay, chưa bao giờ tôi thấy B vui vẻ đến thế này.” Jacqueline vừa nói vừa nhìn theo ông con trai vừa đi khuất sau hành lang trên lầu và miệng đang vui vẻ huýt sáo. “Tôi nghĩ nó đang hạnh phúc về một việc gì đấy.” Jacqueline vừa nói vừa nhìn tôi, vẻ dò xét. “Cám ơn cháu đã mở cửa cho nó có chỗ dung thân vào tối hôm kia. Sáng sớm hôm ấy tôi có một chuyến đi xa với hội tập thiền, lúc khóa cửa tôi đãng trí thế nào lại quên để lại chìa khóa cửa vào chỗ cũ nơi tôi thường giấu chìa khóa mà cho luôn vào túi. Nó rất vui sau lần gặp cháu hôm ấy!”

“Anh ấy vui vì gặp cháu sao? Cháu và anh ấy khi gặp là cứ cãi nhau bầm bập …”
“Người Pháp vốn rất thích tranh luận, mà tranh luận với tranh cãi đôi khi không thật sự có ranh giới…” Jacqueline vui vẻ nói, “và cháu đừng quên nó mang nửa dòng máu Pháp, lỗi chẳng phải của nó!” Nói đến đây thì bà bật cười sảng khoái trong khi tôi thầm ngưỡng mộ sự duyên dáng của Jacqueline.

“Thật ra tôi hiểu ý cháu, tôi hy vọng nó đã không nói hay làm gì quá đáng … Bản tính nó không phải như những gì cháu thấy và cảm nhận trong những ngày này, nó đổi tính từ một năm nay, tôi nghĩ …”
“Điều gì khiến anh ấy lại thay đổi như thế?” 

Một thoáng im lặng.

“A broken heart. Nó đã trải qua một số việc không hay, không biết nó đã … nói gì cho cháu nghe chưa?”
“Anh ấy có hứa sẽ kể chuyện … khi nào anh ấy sẵn sàng, đại loại là như thế …” Tôi thì thầm, lòng chợt thoáng buồn, và muốn thay đổi đề tài. “Thế, điệu nhảy can-can truyền thống là gì, thưa cô?”  
“Ôi, nó chỉ hỏi vớ vẩn thôi, cháu đừng bận tâm làm gì!” Jacqueline xua tay, rồi đến lượt bà chuyển đề tài. “Thế các cô tập tành thế nào rồi? Các cô đã có trang phục biểu diễn chưa?” 

Tôi nói với bà ấy rằng vụ ấy đã được lo liệu, và bọn tôi đang bàn cãi về việc có đội mũ lông như đúng kiểu truyền thống hay không, thì Jacqueline bỗng đưa tay lên miệng che giấu một nụ cười vội vã. Tôi đồ rằng nó có liên quan gì đấy đến phát biểu của ông con của bà trước đấy, về cái điệu nhảy can-can “truyền thống” kỳ bí kia, và bà vì tế nhị nên đã cố lảng tránh không trả lời. “Được lắm,” tôi nghĩ, “lần gặp Vivien sắp tới thì tôi phải hỏi cho ra lẽ!”. 
.

11 comments:

  1. Mày biết không, hôm kia tao coi lại phim "Moulin Rouge", tới đoạn "can-can" thì chợt nhớ vụ nhảy can-can "truyền thống" của mày khiến tao bật cười ha hả một mình :-)))))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vụ can-can "truyền thống" là do giang hồ đồn đãi, tin đồn thất thiệt, khán giả hôm đó có thể làm chứng, không đứa nào đi theo "truyền thống" hết :-D

      Delete
    2. Còn tiếp sau vụ đêm mưa gió bão bùng hấp dẫn đó, mày kiểm duyệt thiệt hả?

      Delete
  2. Đọc đến đoạn "broken heart..." tự nhiên cảm giác như bị véo nhẹ vào bụng đấy chị ạ...chả biết sau này cái nguyên nhân ấy có đc tiết lộ ra ko, nhưng thật sự em tò mò muốn biết về nó quá. Mong chị thu xếp mọi thứ và viết tiếp nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đôi khi thật khó mà tưởng tượng cảnh đàn ông đau khổ, em nhỉ! Nhưng họ may mắn được trời sinh tính hay quên, họ quên nhanh lắm em ạ :-)

      Delete
  3. Mình thích cách T viết tiểu thuyết, rất nhẹ nhàng! Vẫn còn giữ quyển sách T tặng khi xưa, vẫn trang trọng nằm trên kệ sách trong phòng thư viện. T có dự định xuất bản tập truyện này không? Mình thuộc dạng old school, vẫn thích cảm giác cầm quyển sách trên tay. Mắt mình giờ hơi yếu nhìn màn hình một hồi là mỏi mắt không thể tả.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào L, lâu quá mới gặp! L đọc thấy giống tiểu thuyết thật à? Thế là thành công rồi :-). Ban đầu T chỉ viết lan man thôi, không biết có viết hết được hay không, mà nếu xuất bản thì phải PR rầm rộ như các hot blogger khác, mà mình không phải hot blogger nên chẳng biết có nên thử không :-). T cũng thích cầm sách trên tay chứ không thích đọc trên màn hình, ngửi mùi sách thật thích! Cuốn sách kia L vẫn giữ à? Cám ơn L đã ủng hộ nhé!

      Delete
  4. Mày ơi, kể chuyện tiếp đi! Mày không kể thì tao tiết lộ thiên cơ à nha :-)))))))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hè rồi, bận lắm mày ơi. Trời nóng nực mà viết chuyện mùa đông cũng hơi khó :-D. Đã nhận quà tao gởi chưa?

      Delete
    2. Nhận được rồi, cám ơn mày nhiều nha!

      Delete

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...