Friday, May 12, 2017

Xin


Dân ta cứ ca tụng tiếng Việt giàu với chả đẹp. Có lẽ với lịch sử đồ sộ “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày …” đã khiến ngôn ngữ của mình cũng mang tính chất lệ thuộc, bị động như thế nào, chứ không rõ ràng, không mang tính chủ động cho lắm.

Chẳng là mấy ngày này mình đang lăm le xin mèo con về cho con trai, và cũng từ cái chữ “xin” mà mình mới lan man nghĩ đến vấn đề của tiếng Việt. Tiếng Anh chỉ gọi đơn giản là “adopt”, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng ta không có từ tương đương mà chỉ có một cụm từ mang tính diễn giải. Tra từ điển Anh-Việt, chúng ta sẽ thấy “adopt” được định nghĩa bằng một cụm từ “nhận làm con nuôi”, và vài cụm từ dài dòng khác nữa. Nhưng như vậy cũng có nghĩa hạn chế và cứng nhắc, chỉ giới hạn trong việc nhận người về làm con nuôi, chứ chẳng thấy nhắc đến chó mèo. Ngoài ra, nếu dịch chữ “adopt” theo tự điển chính thức như thế này thì sẽ đúng ý nghĩa, đúng tinh thần của từ gốc, nó mang tính chủ động, “nhận về để nuôi”; nhưng trong bối cảnh của văn nói, chả ai lại nói “Tôi muốn nhận một con mèo về nuôi” cả, mà chúng ta sẽ nói “Tôi muốn xin một con mèo về nuôi”. Như thế, rõ ràng “adopt” của tiếng Anh mang tính rất chủ động, tôi muốn “nhận” ai đó về nuôi, chứ không bị động như cách hiểu của tiếng Việt, tôi muốn “xin” ai đó về nuôi.

Khi nộp đơn để “xin” việc hay “xin” giấy phép, chúng ta cũng tiếp tục vướng vào hoàn cảnh tương tự như trên. “Apply for” có nghĩa là “nộp (giấy tờ)” để được chấp nhận, được chọn làm một việc gì đó, giở tự điển Anh-Việt ra thì thấy đúng y như rằng hoặc là nó được giải thích bằng một cụm từ “đưa ra một yêu cầu chính thức”, hoặc là, may quá, chúng ta có từ tương đương “xin”, apply for lại được hiểu là “xin” trong tiếng Việt. Hiểu theo Tây phương, apply for rất chủ động, rất mạnh mẽ, chứ không yếu đuối như cách hiểu của tiếng Việt. Nộp đơn không phải để xin việc hay xin giấy phép, ở đây quan hệ giữa người chủ và người lao động rất sòng phẳng. Người chủ tìm người làm, tôi nộp đơn để anh dựa vào đấy mà đánh giá năng lực của tôi, nếu đủ tốt thì anh nhận tôi vào, tôi làm việc cho anh và anh trả lương cho tôi, chứ tôi không xin xỏ gì anh hết. Nộp đơn cũng để “lấy” giấy phép chứ không phải nộp đơn để xin xỏ giấy phép. Pháp luật quy định muốn làm việc abc thì phải có giấy phép, muốn có giấy phép thì phải hội đủ những điều kiện xyz, ta nộp đơn để chứng minh ta có đủ điều kiện xyz như luật định và ta yêu cầu chính quyền cấp phép cho ta, chứ ta không xin.

Là tản mạn về văn hóa chữ nghĩa của người Việt cho vui, chứ ở đâu cũng có luật lệ ở đó, muốn làm gì mà có ảnh hưởng đến người khác cũng phải xin phép trước. Điều tôi muốn nói ở đây là do hệ quả của việc dân đen đã luôn quen với việc bị chính quyền đè đầu cưỡi cổ từ ngàn đời qua, chưa bao giờ được thực sự nếm trải cảm giác làm “chủ” mà văn hóa, chữ nghĩa của người Việt cũng phản ánh đậm nét hơn bao giờ hết lịch sử dân tộc theo hướng nhu nhược, bất lực như thế. Trong cuộc sống hàng ngày của một người Việt bình thường, đã có bao nhiêu lần bạn phải làm đơn xin xỏ một điều gì đó? Đơn xin nhập học, đơn xin nghỉ học, đơn xin làm việc, đơn xin nghỉ việc, đơn xin cấp nước, đơn xin cấp điện, đơn xin kết hôn, đơn xin ly hôn, đơn xin xây nhà, đơn xin đập nhà, đơn … đơn xin chết!!! 

2 comments:

  1. Sao không có nút like hở chủ blog ơi??

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không có nút like thì mình mới đọc được comment của bạn chứ ;-). Chúc vui nhé!

      Delete

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...