Wednesday, November 2, 2016

Giáng Sinh xưa - The miserable wannabe (5)

Đón tôi tại cổng là một gương mặt không mấy thiện cảm, cô nàng mang hàm răng hô với chiếc cằm độn nhiều lớp che mất chiếc cổ to bè đặt trên thân hình đẫy đà chắc nịch như một bao tải gạo vừa bị thả phịch xuống đất.  Tôi luống cuống, không biết phải làm gì thì cô ả lại càng chằm chằm nhìn tôi có vẻ hằn học khó chịu hơn.  Về sau, tôi được biết cô tên là Daisy, con chó bulldog to bè lúc này vẫn gầm gừ quan sát tôi từ bên kia chiếc cổng sắt.  Vừa may, Jacqueline kịp đi ra giải cứu tôi, trên tay bà vẫn còn đeo găng làm vườn và chân mang đôi ủng đi mưa đầy họa tiết sặc sỡ.

-          Xin lỗi cô nhé, tôi thường giữ Daisy trong cũi mỗi khi có khách lạ đến nhà nhưng hôm nay mải mê làm vườn nên tôi quên mất việc ấy.  Suỵt, Daisy, im nào!  Cô ả chỉ giả bộ thị uy với người mới đến nhà lần đầu thôi, nhưng nếu cô cho ả liếm tay và chơi với ả thì cô sẽ trở thành thượng khách trong những lần sau đấy!

Tôi buồn cười nhìn gương mặt của Daisy, nó làm tôi nhớ đến con chó bulldog trong phim hoạt họa Tom & Jerry, dáng cũng gồ ghề to bè và gương mặt thì như vừa bị Mike Tyson đấm cho một phát chí mạng khiến nó bẹp dúm và răng môi lẫn lộn như thế.  Nghĩ đến vụ “răng môi lẫn lộn” thì tôi không nhịn được cười, không thể tìm từ nào tả đúng hơn sắc đẹp của Daisy! 

Buổi học dương cầm đầu tiên của tôi diễn ra êm ả.  Jacqualine là người thực tế, bà dắt tôi đến ngay chiếc baby grand đặt chễm chệ ngay giữa tiền sảnh, gọi tên những chi tiết của chiếc đàn để tôi làm quen với các khái niệm căn bản, dạy tôi tư thế ngồi với lưng thẳng và hai bàn chân đặt phẳng trong khi hai chân tạo thành góc vuông trên nền nhà, vai thả lỏng, v.v.  Tôi lắng nghe không sót một chi tiết, lòng hồi hộp bồn chồn, chỉ mong được sớm chạm tay vào những phím đàn tinh tế ấy. 

-          Cô là người đầu tiên đến đây học đàn mà không cần chỉnh ghế ngồi cho vừa tầm đấy.  Học trò của tôi nếu là trẻ con thì tôi phải nâng ghế lên, và nếu là người lớn thì tôi lại hạ thấp xuống. 

Tôi đang suy nghĩ xem ý bà đang nói gì, thì chợt hiểu ra.  Tôi và Jacqueline có chiều cao tương đương nhau, và bà thích thú với điều ấy vì bà là người nhỏ nhắn, ít khi nào gặp được ai cũng bé như mình.  Vậy là mình vừa ghi điểm với cô giáo, hi hi … tôi tự nhủ, lòng vui vui.

Tối hôm ấy, việc đầu tiên tôi làm khi vừa về đến nhà là cắt trụi móng tay đi.  Mặc dù Jacqueline tế nhị không đề cập đến việc ấy nhưng khi bà nhắc đi nhắc lại là phải cúp bàn tay lại khi đàn và chạm phím đàn bằng đầu móng, thì tôi hiểu lời bà nói.  Thảo nào tôi thấy móng tay bà rất ngắn, và không sơn sửa gì cả.  Sau giờ học, bà mời tôi đi một vòng tham quan khu vườn hoa tuyệt đẹp do chính tay bà chăm sóc, rồi ngồi ăn bánh uống trà ngoài đấy và cuối cùng bà cắt tặng tôi một bó hoa đủ thể loại để mang về.  Hôm ấy trời se lạnh nhưng vẫn còn nắng, cảnh vật êm đềm, tôi lại được ăn bánh uống trà trong khung cảnh kỳ hoa dị thảo sau khi vừa được học đàn dương cầm lần đầu tiên trong đời, tôi như người lên chín tầng mây, về đến trước cửa nhà vẫn còn ngẩn ngơ như vừa trải qua một giấc mộng đẹp.  Đóa hoa Jacqueline vừa tặng quá đẹp, nhưng tôi chẳng có cái bình hoa nào cả, thế là tôi vơ lấy viên phấn, viết vội “bình hoa” lên tấm bảng đen trong bếp cho danh sách đi chợ cho ngày hôm sau.
.
Càng qua lại nhiều với Jacqueline, tôi càng cảm thấy nghẹt thở vì bà am hiểu nhiều thứ quá, mà bà lại rất thích trò chuyện mới chết đứa lơ ngơ như tôi.  Chưa kể, thi thoảng bà còn hay mời tôi đi ăn trưa ăn tối, tiệc tùng linh tinh với hội bạn cầm kỳ thi họa vốn cũng rất ưa thích tranh luận, triết lý, đậm chất Pháp, như bà!  Khổ thân tôi, vừa mới chân ướt chân ráo ra khỏi mái trường XHCN, thầy cô nói gì mình gật nấy, giờ phải tham gia với hội này, tôi cảm giác mình như đang rơi tự do cái toẹt xuống một môi trường nơi người ta cực thích tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình đến mức sống chết như nơi đây.  Thế là, trong những chuyến đi ra thư viện lấy sách cho sếp, tôi lại nhét túi thêm sách cho riêng mình.  Ban đầu chỉ là sách về nhạc lý, vài cuốn tiểu thuyết kinh điển, cho đến lịch sử âm nhạc, sau nâng cấp lên một chút sang hội họa, tiểu sử của mấy ông già nổi tiếng trong lĩnh vực này.  Bà thủ thư bắt đầu để ý đến tôi, khi thấy tôi cứ mượn hàng đống sách dày, và chỉ trong một tuần là đã mang sách đi trả.  Kỳ thực, tôi làm sao đọc cho hết đám sách khô khan ấy!  Tôi chỉ đọc tiểu thuyết thôi, để mơ mộng, chìm đắm, và giữa những lần cao trào của cảm xúc, tôi lại lôi mấy quyển sách chết tiệt kia ra mà ghi chép lại tên sách và tên tác giả, vài chi tiết trong phần giới thiệu sách, rồi quẳng chúng sang một bên và tiếp tục phiêu du vào thế giới huyền ảo của những tiểu thư, công tử quý tộc châu Âu cách đây vài thế kỷ.  Tôi đang học để đối phó, và tôi cực ghét chuyện này, nó khiến tôi muốn nôn mửa.  Ngặt nỗi, Jacqueline lại thường tỏ ra ngạc nhiên thích thú khi thấy tôi biết cái này cái kia, và tôi thì thường chỉ góp vài câu khi bắt buộc phải thế, chứ đa phần thời gian, tôi nhường cho những người thích nói kia được làm cái việc họ thích.  Tôi lắng nghe, cũng là một cách để học hỏi. 

Và tôi bắt đầu chán cái nếp sống giả tạo này, nhưng không biết phải thoát ra khỏi nó bằng cách nào, cho đến một hôm …

2 comments:

  1. Em đợi từ tháng 7 đến giờ mới đọc được phần tiếp theo của câu chuyện của chị. Em thích dõi theo chuỗi cảm xúc của nhân vật "tôi", và sốt ruột đợi đến "một hôm" để xem "tôi" sẽ tìm ra được giải pháp nào sống đúng như chính mình mà vẫn có thể hạnh phúc với người bạn đặc biệt này. Đừng để em phải đợi thêm 4 tháng cho phần 6 chị ơi ^_^

    ReplyDelete
  2. Đây, em không đợi được 4 tháng thì 4 ngày nhé :-). Nhanh thật, em nói mà chị giật mình. Đã 4 tháng từ ngày chị post bài cũ, thời gian trôi nhanh khủng khiếp!

    ReplyDelete

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...