Sunday, November 29, 2015

29/11/2015


Tuần trước cả nhà đi mua sắm Giáng Sinh, chồng hứng chí tha về nhà bộ xếp hình 1,000 mảnh, báo hại mình ăn ngủ không yên, cứ có chút thời giờ rảnh là nhào vô xếp.  Thằng con trai lăm le đến "giúp", bị mẹ cảnh báo không cho đến gần, vì tìm đỏ mắt mới được một mẩu, nó huơ tay một phát là mất công toi.  Đến ngày thứ hai, ông chồng gàn cũng nhào vô giúp vợ.  Thức rã rời đến 1g sáng mới đi ngủ.  Đến sáng hôm sau, mình lại lân la đến tìm tìm xếp xếp, chồng chịu ko nổi cũng tham gia, báo hại thằng con bị bỏ lăn lốc tự chơi một mình rất tội.  Ban đầu mẹ bảo nó mang bộ xếp hình của nó ra chơi cạnh ba mẹ, nó xếp được 1/2 thì chán, lân la đến mượn mẹ cái iPad để tập đọc tập vẽ gì đấy.  Xếp hình từ 10g sáng đến 1g trưa, lưng mỏi, mắt mờ, đầu ong ong, vợ chồng già quyết định nghỉ.  Sang đến sáng ngày thứ ba, mình ngủ nướng đến 8.30 sáng, đi xuống nhà thì nghe cha con nó reo hò vì đã hoàn tất tuyệt tác.  Con trai khoe đã xếp được hơn chục mảnh.  Thở phào, thôi từ đây tôi lại được sống bình thường.

Nói chuyện hai vợ chồng nghiện trò xếp hình lại làm mình liên tưởng đến cặp vợ chồng nào đấy hồi lâu lâu cũng nghiện game điện tử, có con sơ sinh mà bỏ đói không cho ăn, không thay tã ... mới thấy tác hại ghê gớm của cái nghiện.  Thôi mình cứ hướng đến những cái nghiện lành mạnh, tránh xa những cái nghiện xấu ác cho đời nó lành.

Sáng thứ Bảy, ăn sáng và nghe Tchaikovsky.  Lơ đãng nhìn ra bờ sông, liên tưởng đến những con thiên nga trắng muốt thanh thoát trong vũ điệu Swan Lake vi diệu, lòng bồi hồi không khỏi thương tội cho nước Nga một thời hoành tráng, vĩ đại.  Mình nói với chồng, "anh này, em nghĩ với tiềm lực tài nguyên thiên nhiên, nhân lực khủng, cộng với cái nền lịch sử văn hóa đồ sộ của mình, nếu không vướng vào cái họa Bolshevik mà có một minh quân tài giỏi thì nước Nga có lẽ đã có thể đánh bại Mỹ trên nhiều phương diện ấy chứ nhỉ!"  Ông chồng mình cũng đồng ý, mặc dù ông rất tự hào về nước Mỹ của ông :-D.  Quanh đi quẩn lại lịch sử thế giới, cuối cùng thì con người cứ hoại diệt tan hoang lẫn nhau cũng chỉ vì hai chữ "tham" và "ngã" (ego).

Haizz, tối qua mình đi xem Spectre, có một cảnh thằng vai u thịt bắp đánh một thằng khác cũng trong bọn để giành ghế, cuối cùng nó dùng hai cái móng sắt bấu vào mắt của thằng kia.  Man rợ quá, dù hai thằng đều ác, nhưng nếu người thứ ba cũng hoan nghênh cách thức xử nhau man rợ giữa người với người như thế thì ... trong khi cả rạp lặng đi sau cảnh ấy thì có hai bàn tay vô duyên nào đấy vỗ vào nhau, nghe thật lạc lõng!




Friday, November 13, 2015

13/11/2015

Hôm nay đưa con đi học, được nửa đoạn đường thì ông con nhắc mẹ "hôm nay học sinh được nghỉ sớm". Ôi thôi cám ơn con trai của mẹ, con mà không nhắc thì tội con sẽ phải bơ vơ đứng chờ vì mẹ mìn quên mất tiêu!

Con có vẻ thích trường mới, bạn mới. Hôm nọ đi họp phụ huynh thì mẹ mới biết con là siêu sao trong lớp, cứ mỗi khi đến giờ bắt cặp để tập đọc thì tất cả các bạn đều nhào vô tranh giành được cặp với con.  Mà các bạn không chỉ đấu võ mồm, các bạn còn lao vào kéo tay kéo chân con, tội nghiệp ông con gầy guộc của tui, cô giáo phải lớn tiếng can thiệp mới xong :-))).  Lần nào cũng vậy, cô giáo bảo thế.  Cứ đến giờ tập đọc là cả lớp náo loạn vì đứa nào cũng tranh giành được cặp với con.  Chẳng biết bọn trẻ này mê ở ông cái gì.  Chắc vì ông rất hòa nhã lịch sự, chơi với ai ông cũng nhường nhịn, ông lại rất cute (lời cô giáo :D).  Nhưng cô bảo trong lớp ông rất lặng lẽ, ít nói.  Mẹ hỏi thế cu cậu có giơ tay phát biểu không thì cô bảo có, rất nhiệt tình.  Nhưng khi đến giờ hoạt động nhóm thì ông chẳng bao giờ xung phong mạnh mẽ.  Rồi cô bảo đó không phải là điều đáng lo, thật ra những đứa trẻ điềm đạm là những đứa hấp thu tốt hơn những đứa luôn ồn ào láu táu.  Mẹ chẳng lo việc học của con, chỉ mong con vui vẻ, thích trường lớp bạn bè, thích các hoạt động trong trường, thế là đủ - ít ra là cho đến lứa tuổi này.  Cá tính con giống mẹ, reserved nhưng không shy.

Tuần trước, khi đón con thì thấy trên áo con có cài một cái huy hiệu "super Slade winner".  Mỗi tuần khi đọc bản tin của trường, mình luôn thấy nêu danh 3 học sinh đạt danh hiệu này nhưng mình chẳng quan tâm lắm.  Mình chẳng biết vụ này có ý nghĩa gì, hỏi ông thì ông bảo ông đạt được huy hiệu ấy "for being quiet". Trời ơi, tưởng ông thành tựu gì ghê gớm lắm, chứ mà ông quiet quá mẹ cũng hơi lo. Sốt ruột thêm 2 ngày, đến cuối tuần khi đọc bản tin, thấy tên con được nêu trên ấy, và "thành quả" của con là "for hardworking". Thôi, mẹ mìn yên tâm rồi. 

Mình chẳng ham được nghe người khác khen con thông minh, mặc dù rất nhiều người đã khen thế và bản thân mình cũng nhận thấy con rất sáng.  Thông minh mà lười nhác thì cuối cùng cũng vô dụng.  Mẹ chỉ cố khuyến khích con chăm chỉ và kiên nhẫn, khi nào con làm bài tốt thì mẹ chẳng bao giờ khen con giỏi, mà chỉ khen con đã cố gắng tập trung.  Trẻ con thời nay sống trong ảo giác nhiều quá.  Phụ huynh cứ tưởng càng khen con tức là càng khuyến khích con, có ngờ đâu khen quá mạng sẽ khiến trẻ con chủ quan và kiêu ngạo, nguy hiểm hơn nữa là chúng không biết chấp nhận thất bại mà còn dẫn đến việc nói dối để che lấp khuyết điểm, che lấp cái sai của mình vì sợ mất danh hiệu "thông minh" mà người lớn đã ban phát vô tội vạ cho chúng.

Hôm nào mình sẽ bàn thêm về chủ đề này.  Lấy ý tưởng từ quyển sách "Nuture shock" -
Po Bronson and Ashley Merryman.

Monday, November 9, 2015

Văn hóa tranh luận





Cuối tuần vừa rồi vợ chồng tôi cùng hai cặp khác ăn tối và chơi board game ở nhà một người bạn rất vui.  Đang mùa tranh cử tổng thống Mỹ nên đề tài nói chuyện cũng không thể rơi ra ngoài vụ ấy được.  Bàn chán về các ứng viên đang lên và sắp xuống của cả hai đảng chính, thì anh chồng chủ xị chuyển sang đề tài liệu nhà nước có nên can thiệp vào quyết định phá thai của chị em phụ nữ hay không.  Thế là cuộc vui đang xởi lởi biến thành cuộc chiến nóng hổi giữa anh ấy và một con bạn kia.  Đã mấy chục năm nay, cứ đến hẹn lại lên, đề tài tranh cử tổng thống chỉ xoay quanh các chủ đề chính: khôi phục và phát triển kinh tế, vấn đề di dân bất hợp pháp từ Nam Mỹ, đường lối ngoại giao / quân sự vùng Trung Đông, bảo hiểm y tế và phúc lợi XH … còn lại là các vấn đề “ngoài rìa” khác, chẳng hạn vụ nghiên cứu khoa học bằng stem cells, hay liệu có nên cấm hẳn hoặc siết chặt quản lý việc phá thai? Bảo hiểm có nên bao quản chi phí y tế cho thủ thuật phá thai hay không? …

Anh này phản đối hành động phá thai vì quan ngại đến sự suy đồi đạo đức XH, cô kia thì cho rằng mặc dù phá thai là việc không tốt, nhưng cô phản đối việc nhà nước can thiệp đến quyết định cá nhân liên quan đến cơ thể, sức khỏe, tương lai, danh dự, v.v. của một cô gái, một người đàn bà.  Anh này lại bảo, anh không phản đối nếu việc có thai là hậu quả của cưỡng hiếp, là việc cần thiết vì vấn đề sức khỏe bà mẹ, nhưng nếu cô gái sau một lần ăn chơi không “an toàn” và hậu quả là mang bầu thì cô không được cứ đi giải quyết hậu quả rồi phủi tay sạch sẽ xem như không có gì quan trọng.  Thì cô bạn lại lên tiếng, cho rằng rủi cô ấy có dùng phương pháp tránh thai nhưng hậu quả vẫn xảy ra ngoài tầm kiểm soát của cô thì sao, thì anh lại bảo việc xảy ra dù là kết quả của “tai nạn” hay vô trách nhiệm thì hai kết quả vẫn giống nhau: một thai nhi đang tượng hình và đáng được ban bố cho sự sống, đó là hiện tại khách quan mà người gây ra nó, dù vô tình hay cố ý đều không được vờ vịt và chối bỏ trách nhiệm.  
Thế là lúc này chị vợ của anh này xông vào tham gia :D.  Chị hỏi anh: “nếu bây giờ tình hình dân số nước ta đang ở mức báo động và nhà nước ra chỉ thị, tất cả đàn ông đã có con đều phải đi triệt sản, thì anh sẽ nghĩ sao? Liệu anh có vui vẻ chấp hành?!?!” haha, mình suýt phì cười, suýt sặc nhưng chẳng thấy ai cười nên phải cố nín :-)).  Ý cô vợ này là, nếu nhà nước nhúng tay vào vấn đề cá nhân thiên hình vạn trạng như thế, gặp phải anh, nếu nó liên quan đến việc truyền giống của anh, liệu anh có gào lên phản đối như cách chị em đã phản đối vì nó tước đi quyền quyết định về cơ thể bản thân mình hay không?  Cô bạn kia lại nói tiếp: “tao có 2 đứa con gái, lỡ một ngày nào đó khi nó lên 14 và gọi mẹ bảo rằng nó mang thai vì bất cứ lý do gì, thì tao không thể để cho nhà nước nhúng tay vào vấn đề nội bộ gia đình tao được!”  Thì anh lại bảo “hãy nhìn con bé C con gái (nuôi) của tao xem, ngày xưa nếu mẹ nó vì “hoàn cảnh” mà bỏ nó đi thì bây giờ nó đã không có cơ hội được sống, vợ chồng tao cũng mất đi một cơ hội xin được đứa con nuôi xinh đẹp hoàn hảo như thế này”.  Cô vợ của anh lại tiếp tục chen vào “Nhưng nếu giữ đứa bé trong bụng đồng nghĩa với việc bị gia đình tống ra khỏi nhà, bơ vơ không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, không chăm sóc y tế, thì liệu đứa bé có được nuôi dưỡng tốt đẹp trong suốt thai kỳ, được sinh ra trong vòng tay yêu thương chờ đợi của người mẹ, của họ hàng chung quanh??” Anh bảo “thì thằng đàn ông phải chung vai làm phận sự của mình vì đó cũng là trách nhiệm của anh ta”.  Chị vợ đốp tiếp “nếu thằng đàn ông đó mới 16 tuổi, còn xin tiền bố mẹ để tiêu vặt thì sẽ làm sao?? Hoặc ngày xưa trước khi vào nghề, anh quan hệ với bạn gái và cô ta mang bầu, nếu anh cao thượng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cũng đồng nghĩa với việc con đường sự nghiệp của anh sẽ tiêu tan, liệu anh có đủ can đảm?” Anh lắc đầu, “anh sẽ làm nông dân, làm thợ rèn nếu phải bỏ nghề mà nhận lãnh trách nhiệm”. 
Cô bạn kia mỉm cười, “tao biết, vì mày là đàn ông nên mày sẽ không thể nào hiểu được chị em phụ nữ cảm giác ra sao khi họ mất đi quyền được quyết định về cơ thể của chính mình.  Dù chúng ta có tranh luận lâu dài đến đâu thì kết quả cũng sẽ không lay chuyển.  Tao hiểu rằng mày quan ngại về vấn đề đạo đức nhân sinh, bản thân tao cũng có một con bạn, đã từng nạo phá thai 3 lần từ năm nó lên 15 … tao không hề bênh vực cho việc ấy, nhưng vấn đề này là thiên hình vạn trạng, sẽ không ổn nếu để luật pháp khô cứng nhúng tay vào.”  

Sau đó hai đứa bắt tay nhau, cười xòa, quyết định tiếp tục quay lại chơi game.  Hai đứa sau khi tranh luận nảy lửa thì cũng dịu xuống và bảo rằng đứa kia tranh luận sòng phẳng, khách quan, không để cảm xúc cá nhân chi phối mà xúc phạm lẫn nhau.

Điều đáng nói ở đây là thái độ trong và sau khi tranh luận của hai đứa chúng nó.  Khách quan, rõ ràng và nhất quán trong quan điểm cá nhân nhưng vẫn tôn trọng ý kiến trái chiều, không xúc phạm, chụp mũ nhau, và vẫn “keep cool” sau cuộc tranh luận.  Nhờ tranh luận có văn hóa, biết tôn trọng nhau, tình bạn giữa hai đứa không bị sứt mẻ mà ngược lại, chúng nó càng nể nang nhau hơn, mặc dù vẫn không đồng tình nhưng đã hiểu hơn về quan điểm trái chiều của đứa kia.  Các vấn đề xã hội luôn mang tính chất mở, không có hồi kết, không có điểm dừng, vì bản thân XH luôn vận động và phát triển.  Ngày nay nếu một quan điểm được xem là đúng, là kim chỉ nam cho các hành vi ứng xử trong XH thì ngày mai nó cũng có khả năng bị vứt vào sọt rác vì đã lỗi thời không còn thích hợp cho hiện tại. 


Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...