Thursday, March 2, 2017

Giáng Sinh xưa - Jazz it up! (11)


Tôi gặp lại David ở hiệu giặt gần trường.  Sau vài ngày nằm nhà đọc truyện và xem phim chán chê, hôm nay tôi đã đỡ hơn và quyết định mang áo gối và ga giường đi giặt để đón năm mới.  Thoáng thấy tôi, David bỏ dở quyển tạp chí đang đọc và vui mừng bước đến chào tôi, nhân tiện đỡ lấy giỏ đồ nặng nề tôi đang khệ nệ kéo vào.  Anh ta có vẻ hơi mệt, nhưng không giấu nổi sự hân hoan khi gặp tôi, đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận khi vừa gặp lại anh.  Mặc dù hôm nay tôi đã tươi tỉnh hơn rất nhiều so với vài ngày trước nhưng vẫn còn húng hắng ho, mũi còn đỏ lựng vì hắt hơi sổ mũi tưng bừng những ngày vừa qua.  Anh có vẻ ái ngại và hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi.  Mùa cuối năm, trường đã vắng hoe vì bọn sinh viên đã về nhà nghỉ Giáng Sinh gần hết, chỉ còn lại đám sinh viên quốc tế tụm năm tụm ba tổ chức tiệc tùng với nhau và do đó, tôi không gặp phải cảnh chờ đợi như mọi khi vì hiệu giặt ngày thường lúc nào cũng đông nườm nượp.  

Gặp lại David, tôi cũng vui.  Những ngày qua tôi cảm thấy cô đơn vô cùng vì vừa bệnh lại vừa không có gia đình bè bạn bên cạnh, trời lại lạnh buốt và xám xịt, dễ làm người ta phát sinh trầm cảm.  David hơi hắng giọng và hỏi tôi:

- Hôm nay là ngày cuối năm, cô có chương trình gì để đón năm mới không?
- Có, đống đồ giặt này đây!  Tôi vừa mỉm cười vừa chỉ tay vào mớ đồ đang nhào lộn trong máy giặt.
- Thế thì tệ quá!, David cũng cười với câu nói bông đùa của tôi, rồi anh nói tiếp – Tôi vốn sinh trưởng ở vùng New England, sau này vì công việc nên chuyển xuống đây, và do đó tôi cũng chẳng có bạn bè gì ở đây cả.  

David bỗng đột ngột im lặng, rồi anh nói tiếp.

- Thế, em không đi chơi với Kim à?
- Không, năm nay cô ấy bận rộn vì hôn phu rồi!
- Có một quán cà phê nhạc jazz rất hay, tối nay họ có chương trình đặc biệt mừng năm mới, không biết em có muốn đến đó chơi không?

Nghe nói đến nhạc jazz là tôi đã thấy thích.  Kể ra, ngày cuối năm mà đi chơi một mình hoặc nằm nhà xem pháo hoa trên TV một mình thì cũng tệ thật.  David lại đàng hoàng, mặc dù tôi chỉ gặp anh ta hai lần nhưng ít nhiều tôi cũng có thể nhận xét được anh ta là người tốt và tôi có thể tin tưởng, yên tâm đi chơi cùng.  

Tôi chợt nhớ đến ông bảo vệ già ở tầng trệt, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ và tôi và vợ chồng ông đã trở thành bạn của nhau tự lúc nào.  Hai vợ chồng ông sống ở tầng hầm tòa nhà tôi ở và vợ ông nấu ăn cho canteen của trường.  Thi thoảng tôi có dịp đi nhờ xe của ông bà từ trường về nhà trong những ngày mưa bão, và nhân tiện, bà sẽ san sẻ một ít thức ăn không bán hết trong ngày cho tôi.  Những lúc như thế này, tôi lại nhớ đến những ngày thơ ấu, thời má còn bán chè để kiếm cơm cho gia đình.  Những ngày mưa, ế ẩm, chị em tôi lại được ăn chè thỏa thích vào buổi tối, và tôi rất khoái những đêm như thế, đâu biết rằng người lớn phải rầu rĩ tính toán xem có đủ tiền đi chợ mua hàng cho ngày hôm sau hay không!  Ông bà quý tôi lắm, gần như xem tôi như con gái.  Biết tôi sống một mình, xa nhà, ông bà thường hay thủ thỉ dạy tôi những điều quan trọng để phòng thân, và một trong những “quy tắc vàng” mà tôi phải hứa với ông bà sẽ tuân thủ tuyệt đối, là nếu có đi chơi riêng với bạn trai, thì phải gọi cho một người quen nào đó và cho người ấy biết tôi đi với ai và đi đâu - một quy tắc bất di bất dịch mà bất cứ người cha nào cũng áp dụng cho con gái của mình.  Ông kể cho tôi nghe vài câu chuyện rùng rợn về việc có những cô gái bị bức hại khi đi chơi với đàn ông xa lạ, thậm chí là người quen, cho nên các cô gái lúc nào cũng phải luôn đề cao cảnh giác, đừng quá ham chơi mà thiệt thân, có khi thiệt mạng.  Tôi hơi rùng mình khi chợt nhớ lại những câu chuyện ấy, mặc dù biết rằng người già thường hay lo xa, và đôi khi cũng phóng đại tình hình.  

- Em có ổn không đấy?

Tôi giật mình, rơi trở về hiện tại ở hiệu giặt và anh bạn mới quen đang chờ tôi hồi đáp cho lời mời đi chơi tối nay.  Không biết tôi đã trôi miên man trong suy nghĩ mất bao lâu, và nét mặt của tôi trông ra làm sao mà David lại hỏi tôi như thế.  Tôi bối rối, chẳng biết phải trả lời thế nào.  Anh ta dịu dàng nhìn tôi và mỉm cười.

- Xin lỗi vì tôi hơi đường đột với lời mời ấy.  Em không quen biết tôi, có lẽ em cũng e ngại … như thế cũng dễ hiểu.  Không sao đâu, nếu em không cảm thấy thoải mái thì tôi phải chờ thêm một thời gian vậy!

Tôi vẫn câm như hến, chẳng biết phải nói gì.  Tôi thèm được đi chơi.  Lâu lắm rồi, tôi nhớ không khí ấm cúng của cafe, của nhạc sống.  Nhưng tôi cũng muốn tuân thủ “quy tắc vàng” mà ông bạn già của tôi đã bắt tôi hứa phải giữ.

- Thật ra, không phải tôi … không tin anh.  Nhưng có điều, biết nói thế nào nhỉ …

Tôi không muốn kể cho David nghe về lời dặn dò của ông “Bear” (tên gọi thân mật của “bố già” của tôi), nhưng tôi cảm thấy mình phải có một lời giải thích cho thỏa đáng.  Cuối cùng, tôi quyết định nói thật, một đức tính hay của người Mỹ mà tôi từ từ vừa học được. 

- Tôi trân trọng điều đó.  Em là một cô gái ngoan, và thông minh, em đã hành xử hoàn toàn hợp lý trong tình huống như thế này.  Thật ra, em hoàn toàn có quyền không tin tưởng tôi cho đến khi em biết tôi nhiều hơn …

David nhìn tôi thật lâu, trìu mến, ấm áp.  Đôi mắt lá răm của anh dịu lại trong khi lòng tôi thì cuộn trào, xốn xang …

.

“Hai đứa định đi đâu chơi tối nay đấy?”

Giọng nói khàn khàn quen thuộc của bố Bear âm vang hết cả không gian khi chúng tôi vừa bước vào tiền sảnh.  David và tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị ở hiệu giặt và may trời, anh không hề đề cập gì đến chuyện đi chơi tối nay trong khi tôi vẫn chưa hoàn toàn chính thức chấp nhận lời mời của anh.  Đây là một nét tính cách rất đàn ông của David mà tôi rất thích.  Thời còn đi học, bao nhiêu gã trai trẻ đã bị tôi cắt đuôi chỉ vì cái tính nói nhiều và nói dai.  Anh chàng này thì cực kỳ lịch sự nhã nhặn nhưng cũng rất dứt khoát, nói đâu phải ra đó, và câu chữ luôn rõ ràng minh bạch khiến người khác luôn có cảm giác phải tuân phục.  Một dạng “alpha male”.  Anh ngỏ ý muốn xách hộ tôi đống đồ vừa giặt xong về nhà, tôi không nhớ anh đã nói như thế nào, nhưng tôi cảm giác mình không thể từ chối.  Mà thật sự, tôi cũng chẳng muốn từ chối.

Câu hỏi đột ngột của bố Bear khiến cả tôi và David hơi ngẩn ra mất vài giây.  Ông già Bear này quả là tinh tướng, nhưng cũng đáng yêu vô cùng.  Tôi biết ông cố tình hỏi như thế để “quy tắc vàng” kia được thực thi hiệu quả.  David nhìn tôi, chờ đợi.

- Bố Bear à, tối nay chúng con sẽ đi nghe nhạc ở “Le Chat Noir”.  Đây là David.

David bước đến chào hỏi và bắt tay bố Bear.  Ông già cười to, nét mặt đôn hậu, hiền hòa.  Ông nháy mắt với David.

- Cậu phải hứa với tôi sẽ chăm sóc cô con gái cưng của tôi cho thật tốt nhé - Rồi ông như giật mình tỉnh giấc - Mà con nói cái gì? Le Chat Noir? Ôi, ngày xưa ta và bà xã đã từng chơi nhạc ở nơi ấy đấy.  Cũng là nơi ta gặp nàng lần đầu và bị tiếng sét ái tình đánh trúng và kết quả là bây giờ hai ta vẫn còn yêu nhau như điếu đổ!

Rồi ông lại cười to, lớp nọng cằm rung bần bật và cả người ông như cũng rung lắc mạnh theo tần số tiếng cười ấy.  Tôi yêu bố Bear vì nhiều lẽ, nhưng tôi yêu nhất là những lúc như thế này.  Trông ông như một con gấu vĩ đại, nhưng là một con gấu hiền lành đáng kính nhất trên đời.  Rồi ông bước đến ôm choàng ngang vai và hôn đánh chụt lên má tôi.  David vẫn im lặng quan sát chúng tôi, hơi gật đầu với bố Bear và mỉm cười với tôi.

- Cô cậu rảnh chứ?  Vào đây vào đây, tôi sẽ cho cô cậu xem cái này. 

.

“Cái này” mà ông muốn khoe là cây đàn saxophone sáng bóng và một cuốn album ảnh đồ sộ đã cũ sờn và đóng bụi.  Ông mân mê cây đàn và nhẹ nhàng lật từng tờ album ảnh như thể chúng làm bằng pha lê, chỉ cần một chút sơ sót là sẽ vỡ vụn.  Vừa lật ảnh cho chúng tôi xem, ông vừa kể chuyện đời ông bà cùng tiểu sử quán cà phê Le Chat Noir danh tiếng này.

Ngày xưa, vào đầu những năm 1950s, có một người da đen gốc New Orleans đến lập nghiệp ở vùng này.  Ông ấy là thợ sơn, và cũng là một nhạc sĩ tài ba nhưng không gặp thời.  Ông thuê một căn nhà nhỏ, cũ kỹ, với căn gác xép làm nơi ở và tầng trệt được dùng làm nơi họp mặt với hội nghệ sĩ trong thành phố.  Tối đến, họ sẽ gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề chính trị xã hội, và quan trọng hơn hết, chơi nhạc cùng nhau.  Ông Charles gặp khó khăn về tài chính và có khả năng phải dọn đi nơi khác vì không thể tiếp tục đóng tiền nhà, thế là hội nghệ sĩ bắt đầu quyên góp tài chính để giúp ông Charles.  Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì ông cần có nguồn thu nhập chứ không thể sống nhờ vào tài trợ mãi như thế này.  Thế là ý tưởng thành lập quán cà phê jazz hình thành.  Các nghệ sĩ đến đấy biểu diễn không công, và thu nhập của quán dùng để trang trải tiền nhà và các chi phí của quán.  New Orleans vốn là thủ phủ của nhạc jazz, và cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa châu Âu khác nhau, trong đó có khu Pháp, là nơi Charles đã sinh trưởng.  Có lẽ ông đặt tên Pháp cho quán cà phê của mình là do lòng hoài cổ và tưởng nhớ vùng đất mà ông đã nặng tình ấp ủ yêu thương từ trong máu thịt.

Bố Bear ngừng kể, nét mặt ông dâng tràn sự xúc động cao trào. 

“Đây, ngày xưa quán trông như thế này đây”, vừa nói, ông vừa trỏ ngón tay to bè vào một tấm ảnh.  “Hồi đó chúng tôi đã gặp vô vàn khó khăn, nhưng đó là những tháng ngày đẹp nhất, hoành tráng nhất đời của chúng tôi.”  Giọng ông hơi run run, tôi cũng xúc động khi nhìn những tấm ảnh đen trắng chuyên chở cả một lịch sử oai hùng thời trai trẻ của những nhạc sĩ da đen thời ấy.  Tôi bắt gặp một tấm ảnh rất quen thuộc chụp một nghệ sĩ đang say sưa biểu diễn với cây saxophone.

“Có phải là bố đấy không?”  Vừa dứt lời, tôi đã biết mình hỏi thừa.  Ông thật đẹp trai trong bộ veston và chân thì đi giày bóng lộn.  Tôi say sưa ngắm nghía bức ảnh, trí óc tôi phiêu bạt về thập niên 50s, thời mà người ta luôn ăn mặc chỉnh tề mỗi khi ra đường, luôn ngả nón chào nhau và nói những lời lịch sự nhã nhặn với nhau.  Hai người đàn ông kia dường như cũng có cùng tâm trạng như tôi, tất cả cùng chìm trong im lặng suy tư, hoài cổ.

Tôi phá vỡ sự im lặng ngột ngạt bằng một câu nói đùa.  “Có vẻ như ngày ấy bố mang ít gánh nặng trên người hơn bây giờ thì phải?!”, thế là ông già cười phá lên, người lại rung bần bật theo từng tràng cười.  Tôi âu yếm nhìn ông, cảm giác yêu thương tràn ngập.  Ông là người đơn giản, thật thà, quý trọng phẩm cách đạo đức của con người hơn là tiền bạc và địa vị của người đó.  Tôi chưa bao giờ gặp ai với một thái độ sống nhẹ nhàng thanh thản và luôn lạc quan như ông.  Đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhưng tôi đồ rằng ông chẳng bao giờ than van mà luôn mạnh mẽ chấp nhận sự thật và biết nhận trách nhiệm về mình.

“Còn đây là nàng Juliet xinh đẹp của tôi”, ông tự hào cho chúng tôi xem một tấm ảnh khác.  Một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn, đang đứng trên bục sân khấu với cây microphone trước mặt.  “Nàng có giọng hát thánh thót như chim hoàng yến, và dáng đi thanh thoát như thể chân nàng chẳng bao giờ chạm đất!  Nữ hoàng foxtrot một thời đấy!”  Đôi mắt bố Bear mơ màng, phiêu du về một quá khứ huy hoàng xa xăm.  Khi mới mở quán, hội nhạc sĩ chỉ chơi hòa tấu, và khi quán bắt đầu đông khách, họ nhận thấy nhu cầu cấp bách phải có ca sĩ và thế là một ngày đẹp trời nọ, bà Rosalyn xuất hiện với tư cách một người đi xin việc.

“Vừa thấy nàng, tôi cảm giác nghẹt thở và tim đập loạn xạ.  Lạ lắm, ngay giây phút ấy, tôi hiểu tôi đã thuộc về nàng!”, ông Bear hào hứng kể tiếp, tôi nhận thấy ông ném nhanh cho David một cái nhìn đầy hàm ý nào đấy tôi không rõ.  “Đời tôi chưa bao giờ gặp một sinh linh đẹp đẽ thánh thiện hơn thế!  Nhưng nàng thì chẳng đoái hoài gì đến tôi …”

“Anh lại tra tấn người khác về câu chuyện tình sến sẩm của mình phải không?”, một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên sau lưng chúng tôi.  Bà Rosalyn vừa cười vừa bước vào phòng khách, trên tay là một khay trà nóng và bánh ngọt, cũng vừa lúc bụng tôi đang kêu ộp oạp và sôi lục bục vì đói.  May mà tiếng cười giòn giã của bố Bear đã lấn át những âm thanh không hay ấy.  Tôi nhìn hai vợ chồng già, tình tứ ôm hôn nhau rồi ông dịu dàng đỡ bà ngồi xuống, và, tự dưng tôi muốn khóc.  Vì sao, tôi cũng không rõ.  Sự đói khát thương yêu là một năng lượng tàn phá ghê gớm có thể âm ỉ nhỏ giọt gặm nhấm người ta suốt cả cuộc đời.  Đôi khi, nó tấn công người ta nhanh gọn, dữ dội như những trận động đất hay sóng thần, rồi nhanh chóng rút đi, để lại một thân thể rách bươm với một tinh thần nhàu nát.  Có lẽ tôi đang liên tưởng mình giống tuýp nạn nhân trong vế thứ nhất thì phải.  

Bà Rosalyn dịu dàng vuốt tóc tôi, đẩy tách trà và chiếc đĩa bên trên có vài chiếc bánh ngọt cho tôi.  “Ăn đi, con gái.  Hôm nay trông cô đỡ nhiều rồi đó.”  Tôi nuốt vội ngụm trà, như đang cố gắng nuốt trôi những kỷ niệm buồn đang mắc nghẹn nơi vòm họng.  Và cả một sự biết ơn cao độ tôi dành cho hai vợ chồng già phúc hậu này.  David vẫn im lặng, như thường lệ, và quan sát vở tuồng yêu thương của ba chúng tôi với một thái độ thú vị.

Chúng tôi trò chuyện thêm một hồi, chủ yếu về Le Chat Noir, rồi cáo từ hai vợ chồng già tốt bụng.  Tiễn chúng tôi ra đến tận đầu cầu thang, bố Bear vỗ vai David, dặn dò thêm gì đấy, rồi David gật đầu và họ bắt tay.

Sáu giờ tối nay, David sẽ đến đón tôi đi chơi.  Anh sẽ chờ tôi ở tiền sảnh sau khi đã ý tứ không đưa tôi đến tận cửa căn hộ mà chỉ mang giúp tôi đống quần áo vừa giặt xong lên hai tầng lầu mà thôi.  Tôi thầm cảm ơn điều ấy.  Tôi không muốn phát sinh quá nhiều sự thân mật chưa cần thiết giữa chúng tôi vào lúc này. 

4 comments:

  1. Những dòng đầy cảm xúc!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc tại mình hay hoài cổ và suy nghĩ lung tung :-)

      Delete
  2. Thế rồi đi chơi có vui không hả Lady và nhạc Jazz ở đấy có hay không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhạc jazz ở đấy thì khỏi chê, đi chơi cũng vui, nhưng mà ... he he

      Delete

Happy Valentine's day!

Tình hình là Valentine năm nay mình đành lỗi hẹn với vụ ra sách GSX, là bởi vì nhà xuất bản làm việc theo kế hoạch từ đầu năm nên muốn nhét ...